Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / NGHĨ VỀ NÉT ĐẸP VĂN HÓA CAO ĐÀI / Diệu Nguyên


I. KHÁI NIỆM VỀ VĂN HÓA
Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho biết có rất nhiều định nghĩa về văn hóa. Chẳng hạn, hai nhà nhân chủng học người Mỹ là Alfred Louis Kroeber (1876-1960) và Clyde Kluckhohn (1905-1960) đã dẫn ra đến một trăm sáu mươi bốn định nghĩa về văn hóa.[1] Tuy nhiên chúng ta có thể nêu lên một số khái niệm căn bản nhất về văn hóa như sau:
- Văn hóa là một khái niệm mơ hồ, trừu tượng, chúng ta không thể nắm bắt, sờ mó được nó mà chỉ có thể cảm nhận được văn hóa bằng tư tưởng, bằng tình cảm, vì văn hóa là sản phẩm tinh thần của một dân tộc hay một cộng đồng người. Vì là sản phẩm tinh thần nên văn hóa là một khái niệm đặc biệt chỉ có riêng ở xã hội loài người.
- Hội Nghị Liên Chính Phủ Về Các Chính Sách Văn Hóa họp năm 1970 tại Venice đã thống nhất rằng văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động.[2] Vậy, có thể nói văn hóa bao trùm mọi hoạt động của xã hội, có chức năng tổ chức xã hội, điều tiết sự phát triển, ổn định trật tự xã hội, làm cho các mối quan hệ giữa người và người trở nên tốt đẹp hơn và giúp cho tâm hồn con người được thăng hoa.
- Về mặt ngữ nghĩa, văn có nghĩa là vẻ đẹp, hóa là biến chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Vậy, văn hóa có nghĩa là làm cho trở nên tốt đẹp.
Đức Giáo Tông Đại Đạo Lý Thái Bạch giải thích ý nghĩa hai chữ văn hóa như sau:
“Văn hóa dân tộc nói lên được tất cả những cái gì cao quý tốt đẹp của một dân tộc từ văn học, triết học, nghệ thuật, phong tục tập quán đến quốc hồn quốc túy của dân tộc ấy.” [3]
Một lần khác Đức Giáo Tông dạy:
“Văn hóa là sản phẩm tinh thần của xã hội dân tộc. Văn hóa có ảnh hưởng một phần rất to tát trong xã hội nhơn loại. Nó tế nhị mà bao la, trầm mặc mà mạnh mẽ, có thể đưa dân tộc từ chỗ đồi trụy trở về cuộc sống thanh cao. Bản chất của văn hóa là đạo đức. Hình thức của nó là ngôn từ, chương cú, giáo dục.” [4]
Vậy, sau khi phân tích ngữ nghĩa của hai chữ văn hóa và qua lời dạy của Đức Giáo Tông, chúng ta có thể nói: Văn hóa chỉ bao gồm cái đẹp và là thước đo mức độ nhân bản của xã hội và con người. Như vậy, khi nói nét đẹp văn hóa Cao Đài thì hai chữ nét đẹp dường như hơi thừa vì tự thân hai chữ văn hóa đã bao hàm ý nghĩa nét đẹp rồi. Vậy, những gì phi đạo đức hoặc không mang tính nhân bản thì không thể gọi là văn hóa.
Xin nêu một chuyện cũ năm 2002 liên quan tới nữ diễn viên người Pháp Brigitte Bardot (sinh năm 1934), đã rời khỏi nghề điện ảnh năm 1973:
Bà ăn chay trường, tổ chức bán đấu giá nữ trang cùng với nhiều của cải tư riêng vào năm 1986, gom được ba triệu quan Pháp (francs) để thành lập Quỹ Brigitte Bardot Bảo Vệ Quyền Của Động Vật (the Brigitte Bardot Foundation for the Welfare and Protection of Animals) tại Saint-Tropez (Pháp), người Pháp gọi tắt quỹ này là FBB (la Fondation Brigitte-Bardot).
Trong mùa FIFA World Cup diễn ra tại Hàn Quốc năm 2002, Bardot phát động một chiến dịch nhằm chống lại tập quán thích ăn thịt chó của người dân nước Hàn khiến cho họ phẫn nộ. Hãng thông tấn Reuters đưa tin rằng trong một cuộc họp báo, Bardot cho biết: “Tôi nhận được bảy ngàn lời hăm he giết tôi... Họ phẫn nộ vì tôi chỉ trích và họ nói: Đây là văn hóa truyền thống của chúng tôi.” [5]
Lúc đó đang ở thủ đô nước Áo (là Vienna) để nhận giải thưởng vì các hoạt động bảo vệ động vật, Bardot tuyên bố bà sẽ không im lặng. Bà nói: “Ăn thịt chó không phải là văn hóa, nó là quái dị. Văn hóa là sáng tác nhạc như Mozart hay xây dựng các tòa nhà như bạn thấy ở thành Vienna này.” [6]
Bà Bardot có lý. Không thể nói ăn thịt chó là văn hóa truyền thống của một dân tộc, mà chỉ có thể gọi là tập quán hay sở thích của người dân một số quốc gia.
Như trên đã nói, khái niệm văn hóa bao trùm mọi hoạt động của con người trong xã hội; do đó trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn thường nghe những cụm từ như: văn hóa giao tiếp hay văn hóa ứng xử, tức là những quy ước trong giao tiếp hay còn gọi là các phép lịch sự xã giao giúp cho mối quan hệ giữa người và người được tốt đẹp.
Ở đây chúng ta cũng cần phân biệt giữa văn hóahọc vấn. Một người có học vấn tức là có trình độ học thức cao nhưng chưa chắc đã là người lịch sự, có văn hóa. Ngược lại, có những nông dân chất phác ít học nhưng lại là người có văn hóa cao.
Văn hóa trang phục tức là ăn mặc sao cho phù hợp với hoàn cảnh, nơi chốn. Ngày nay, đời sống kinh tế phát triển, ngành thiết kế mẫu thời trang trong nước cũng phát triển. Các nhà thiết kế đua nhau sáng tạo những kiểu mẫu mới, chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam vì thế cũng được cách điệu, biến tấu, nhưng điều đáng buồn là một số kiểu mẫu đó đôi khi lại lố lăng, dung tục và tất nhiên là không có một giá trị văn hóa nào cả. Thật vậy, cứ vào Google, gõ “áo dài biến tấu” vào khung truy tìm hình ảnh, chúng ta dễ dàng thấy ngay vô vàn kiểu áo dài quái dị, chỉ nhằm khêu gợi thị dục!
Văn hóa điện thoại tức là cách sử dụng điện thoại sao cho không gây phiền toái cho người khác.
Ở đây chúng ta cũng nên phân biệt giữa văn minhvăn hóa. Máy điện thoại là một phát minh khoa học cho thấy trình độ văn minh của nhân loại, nhưng nếu con người không biết sử dụng điện thoại một cách có văn hóa thì nó sẽ trở thành nỗi phiền toái của con người. Chẳng hạn, có những người gọi điện thoại nói chuyện hằng mấy giờ liền không cần biết người bị gọi có đang rảnh rỗi để tiếp chuyện mình hay không. Cũng có người gọi điện thoại bất kể giờ giấc: ngay vào giờ nghỉ trưa hay đêm hôm khuya khoắt.
Ở thành thị lớn ngày nay, khi đi ra đường, chúng ta dễ thấy những khu phố phía trước có gắn tấm bảng Khu Phố Văn Hóa, tức là trên nguyên tắc, ở trong khu phố đó mọi người dân đều sống lành mạnh, tuân thủ pháp luật, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không xả rác bừa bãi, không gây ồn ào vào giờ nghỉ ngơi của hàng xóm...
Qua một số ví dụ nêu trên, chúng ta thấy văn hóa có mặt bàng bạc ở khắp mọi nơi trong đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu về văn hóa đã hệ thống các loại hình văn hóa và tạm đưa ra bốn loại hình như sau:
1.   Văn hóa nhận thức: Nhận thức về vũ trụ và nhận thức về con người.
2.   Văn hóa tổ chức cộng đồng: Tổ chức đời sống tập thể và tổ chức đời sống cá nhân.
3.   Văn hóa ứng xử với môi trường thiên nhiên.
4.   Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội.
Chúng ta cũng có thể dựa trên bốn loại hình này khi bàn về văn hóa Cao Đài.
II. NÉT ĐẸP VĂN HÓA CAO ĐÀI
1. Văn hóa nhận thức
Con người luôn có nhu cầu tìm hiểu về vũ trụ và về chính bản thân mình. Một nền tôn giáo được xem là có giá trị văn hóa đạo đức khi nào giáo lý tôn giáo đó giúp con người nhận thức đúng đắn về vũ trụ quan và nhân sinh quan, về sự liên hệ giữa Trời và con người, sự liên hệ giữa Trời và vạn vật, sự liên hệ giữa con người và con người, sự liên hệ giữa con người và vạn vật, để từ nhận thức đó, con người có thể chọn cho mình một nếp sống đạo đức thanh cao, hợp với lẽ Trời, lợi nhơn ích vật, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, hạnh phúc, mà cũng là giúp cho bản thân được tiến hóa.
Giáo lý Cao Đài với thuyết Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể giúp con người hiểu rằng mình là một điểm tiểu linh quang xuất phát từ khối Đại Linh Quang (Thượng Đế) nên sẵn có đầy đủ tiềm năng để trở thành một đấng thiêng liêng; do đó, nếu biết tu thân hành đạo, vẹn tròn bổn phận làm người thì có thể tiến hóa lên làm Thần Thánh, Tiên Phật… như lời dạy của Đức Cao Đài:
Con là một Thiêng Liêng tại thế
Cùng với Thầy đồng thể linh quang
Khóa chìa con đã sẵn sàng
Khi vào cõi tục, khi sang Thiên Đình.[7]
Hoặc là lời dạy của Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt:
Tu là học để làm Trời
Phải đâu muôn kiếp làm người thế gian.[8]
Đây chính là một nét đẹp của văn hóa đạo đức Cao Đài vì nhận thức này có tác dụng tích cực thúc đẩy con người luôn cố gắng thăng hoa mãi.
Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể cũng giúp cho chúng ta hiểu được rằng con người dù thuộc quốc gia, chủng tộc nào cũng đều là anh em có cùng một Đấng Cha Trời. Nhận thức này giúp mọi người biết đối xử với nhau bình đẳng, thương yêu, không kỳ thị chia rẽ. Đây là yếu tố cần thiết giúp con người xây dựng một thế giới đại đồng, như ước mơ ngàn đời của nhân loại.
2. Văn hóa tổ chức cộng đồng
Văn hóa tổ chức cộng đồng bao gồm những vấn đề liên quan đến tổ chức đời sống cộng đồng. Tân Luật Cao Đài quy định: “Nơi nào có đông tín đồ được chừng năm trăm người sắp lên thì được lập riêng một họ, đặt riêng một thánh thất, có một chức sắc làm đầu cai trị.” [9]
Mối quan hệ giữa các tín đồ trong cộng đồng cũng được Thế Luật (trong Tân Luật) quy định như sau:
- “Hễ thọ giáo với một Thầy thì tỷ như con một Cha; phải thương yêu nhau, liên lạc nhau, giúp đỡ nhau, lấy lòng thành thật mà đối đãi nhau, dìu dắt nhau trong đường đạo và đường đời.” (Điều Thứ Nhứt)
- “Nhập Đạo rồi thì quên những việc oán thù nhau khi trước, phải tránh việc ganh ghét tranh đua và kiện cáo, phải nhẫn nhịn và hòa thuận với nhau. Rủi có điều chi xích mích, phải vui nghe người làm đầu trong họ phân giải.” (Điều Thứ Hai)
- “Đối với hàng đạo hữu phải nuôi nấng cái tính thù tạc với nhau, cho khắng khít cái dây liên lạc. Trong hàng tín đồ còn ở thế phải nhớ hai dịp là tang và hôn.” (Điều Thứ Năm)
- “Trong bổn đạo xảy có người mãn phần quy vị thì chư tín đồ trong họ phải chung cùng đến giúp và chia buồn với tang chủ.” (Điều Thứ Mười Bốn)
- “Người làm đầu trong họ, khi tang chủ mời, phải đến hiệp với chư tín đồ trong họ, làm lễ cầu siêu cho vong linh theo Tân Luật và đưa xác đến mộ phần.” (Điều Thứ Mười Lăm)
- “Trong việc tống chung không nên xa xí, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm công có màu sắc lòe loẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng, không nên đãi đằng rần rộ mà mất sự nghiêm tịnh và mất dấu ai bi.” (Điều Thứ Mười Sáu)
- “Việc cầu siêu cho vong linh trong tuần cửu cửu và đến lúc tiểu, đại tường, thì do nơi thánh thất sở tại cầu lễ. Bổn đạo trong họ, nếu có mời, phải đến mà cầu nguyện.” (Điều Thứ Mười Tám)
- “Một người trong Đạo gặp tai nạn thình lình thì bổn đạo trong họ hãy tùy hỷ chung nhau, tư trợ cho qua lúc ngặt nghèo.” (Điều Thứ Mười Chín)
Như vậy, chúng ta thấy rằng tình yêu thương và tinh thần tương thân tương ái trong đời sống hằng ngày là một nét đẹp của văn hóa tổ chức cộng đồng Cao Đài.
Cách tổ chức tang lễ Cao Đài cũng mang tính tương trợ cộng đồng rất cao. Khi một gia đình đạo hữu Cao Đài có việc tang ma thì đồng đạo đều xúm đến giúp đỡ tang quyến lo tang sự chu đáo, các chức sắc hiệp cùng tín đồ đến đọc kinh cầu nguyện mà không hề nhận tiền thù lao của tang chủ.
Trước đây, người Việt thường tổ chức tang lễ phỏng theo nghi thức Trung Hoa,[10] nhưng trong Cao Đài thì có riêng một nghi thức tang lễ với các bài kinh rất cảm động, dễ hiểu, không những có tác dụng vô vi cứu rỗi cho linh hồn người chết mà còn có tác dụng giáo dục, cảm hóa người sống. Thực vậy, đã có nhiều người sau khi chứng kiến, tham dự các lễ tang của Cao Đài đã cảm xúc chân thành và quyết định nhập môn vào Đạo.
Còn về chuyện cưới xin, Thế Luật Cao Đài (Điều Thứ Tám) quy định rõ: “Làm lễ sính rồi hai đàng trai và gái phải đến thánh thất mà cầu lễ chứng hôn.” Nghi thức hôn phối được tiến hành trước Thiên Bàn với sự chủ trì của một vị chức sắc cùng với sự cầu nguyện của các đạo hữu hiện diện. Với ý nghĩa thâm thúy của bài Kinh Hôn Phối và có sự hộ trì của Thiêng Liêng, tất cả sẽ là một ấn tượng tốt đẹp giúp cho đôi tân hôn ghi nhớ để cùng nhau xây dựng một gia đình đạo đức và hạnh phúc về sau.
Ngoài ra, Thế Luật Cao Đài (Điều Thứ Chín) còn quy định: “Cấm người trong Đạo không được cưới hầu thiếp. Rủi có chích lẻ giữa đường thì được chắp nối.” Đây là một điểm rất tiến bộ của Tân Luật Cao Đài về phương diện hôn nhân và gia đình bởi vì Tân Luật ra đời năm 1927, trong lúc luật pháp ở cả ba miền thời Pháp thuộc vẫn đang chấp nhận chế độ đa thê, mãi tới năm 1959 ở hai miền Nam, Bắc mới có luật nghiêm cấm chế độ đa thê.[11]
Thế hệ mầm non cũng được quan tâm chú trọng đến trong Thế Luật:
- “Con nít mới sanh phải chọn cha và mẹ đỡ đầu cho nó, phòng sau bảo hộ nó lúc rủi phải thân côi.” (Điều Thứ Mười Một)
- “Đứa con nít khi được một tháng sắp lên phải đem đến thánh thất sở tại mà xin làm lễ tắm thánh và ghi vào bộ sanh của bổn đạo.” (Điều Thứ Mười Hai)
- “Buộc cha mẹ con nít từ sáu tuổi chí mười hai tuổi phải cho con vào trường học chữ hay là học đạo.” (Điều Thứ Mười Ba)
Riêng đối với từng cá nhân tín đồ, Thế Luật quy định:
- “Phải giữ Tam Cang Ngũ Thường là nguồn cội của nhơn đạo. Nam thì hiếu đễ, trung tín, lễ nghĩa, liêm sỉ, nữ thì tùng phụ, tùng phu, tùng tử và công, dung, ngôn, hạnh.” (Điều Thứ Ba)
- “Ra giao thiệp với đời thì phải tập và giữ tánh ôn, lương, cung, khiêm, nhượng.” (Điều Thứ Tư)
- “Kể từ ngày ban hành luật này, người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật; chẳng được làm nghề gì mà đồi phong bại tục; chẳng được soạn hay là ấn hành những truyện phong tình, huê nguyệt; không đặng buôn bán các thứ rượu mạnh và á phiện là vật độc làm cho giảm chất con người. Người nào đã lầm lỡ rồi, hãy kiếm thế mà giải nghệ.” (Điều Thứ Hai Mươi)
- “Người bổn đạo ăn mặc phải cần kiệm, tùy phận, tùy duyên…” (Điều Thứ Hai Mươi Mốt)
Người tín hữu Cao Đài nếu thực hiện được đúng những điều quy định trong Tân Luật thì quả là một người văn hóa đích thực, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, đạo đức.
Văn hóa Cao Đài về mặt tổ chức cộng đồng còn có ưu điểm là tôn trọng giá trị phụ nữ. Trên kia, khi nhắc đến Điều Thứ Chín trong Thế Luật phá bỏ chế độ đa thê, chúng ta đã thấy phần nào về vấn đề nữ quyền trong Cao Đài. Sự giải phóng phụ nữ, đề cao giá trị và vai trò của phụ nữ còn có thể tìm thấy ở nhiều mặt khác trong Cao Đài:
- Việc Tân Luật (Đạo Pháp) quy định cho nữ giới được đứng vào hàng giáo phẩm Cửu Trùng Đài cho tới bậc Đầu Sư là một điểm rất đặc biệt của Hội Thánh Cao Đài, mà xưa nay hầu như chưa hề có trong tôn giáo khác.
- Việc mở cửa tâm pháp (tu thiền) thâu nhận phụ nữ, việc lập ra tổ chức Nữ Chung Hòa để nâng cao trình độ tu học giáo lý, tham gia hoạt động xã hội của nữ giới, v.v… cũng là cách cụ thể nhằm xóa bỏ nhận thức lầm lạc thường tình của thế gian rằng đàn bà chỉ nên biết chuyện gia đình nội trợ mà thôi.
- Thánh giáo Cao Đài từng dạy trên Thiên Đình có rất nhiều các vị Nữ Phật, Tiên Nương, v.v… là nhằm xác định cho chúng sanh biết rằng không nên theo thói cũ của thời xa xưa mà coi thường phụ nữ. Thật vậy, ngày Thứ Bảy, 17-7-1926, lúc chưa khai Đạo, chưa lập Hội Thánh Cao Đài, Đức Cao Đài Thượng Đế đã dạy bà Lê Văn Trung sớm lo tổ chức cộng đồng phái nữ như sau:
“Thầy giao phái nữ cho con lập thành, chẳng phải vì đàn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.
Phần các con truyền Đạo kỳ phổ độ này cũng lắm nặng nề. Bao nhiêu nam tức bấy nhiêu nữ. Nam biết thành Tiên Phật, chớ nữ lại không sao? Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh [Thiên Đình] có cả nam và nữ, mà phần nhiều nữ lấn quyền hơn nam rất nhiều.”
Chúng ta có thể nói văn hóa Cao Đài đã đi trước thời đại trong vấn đề nữ quyền. Thật vậy, ngày nay, nhân loại đã bước vào thế kỷ 21, thế kỷ của văn minh tiến bộ, nhưng tại một số quốc gia trên thế giới, phụ nữ vẫn còn bị coi rẻ, nữ quyền vẫn còn bị chà đạp. Vậy mà từ năm 1926, đạo Cao Đài đã đề cao giá trị phụ nữ và tôn trọng nữ quyền. Đây là một nét đẹp độc đáo của văn hóa Cao Đài.
3. Văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên
Ngày nay, khi con người đạt được những thành tựu văn minh khoa học và công nghệ kỳ diệu, con người có thể chinh phục vũ trụ, thám hiểm đại dương… thì cũng chính là lúc con người đang đứng trước một vấn nạn lớn: đó là nạn tàn phá môi trường, gây hậu quả là thiên tai hạn hán xảy ra khắp nơi. Môi trường tự nhiên bị hủy hoại một cách tàn khốc do nạn phá rừng lấy gỗ, nhiều nơi môi trường sinh thái bị mất cân bằng do nạn săn bắt bừa bãi làm cho một số loài động vật gần như bị tuyệt chủng, v.v… Tất cả những điều đó cũng có nghĩa là đời sống con người đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Để lập lại sự cân bằng giữa tự nhiên và con người, để môi trường tự nhiên không bị vắt cạn kiệt, các nhà khoa học nhận định văn hóa có thể đóng vai trò vừa là động lực, vừa là hệ điều chỉnh cho sự phát triển kinh tế xã hội. Vào giữa thập niên 1960, một tác giả đã viết: “… vấn đề sản xuất, hưởng thụ, phân phối không thể phó mặc cho dục vọng vốn không cùng của con người và đồng loại mà phải ứng dụng phương pháp điều hợp của văn hóa có nghĩa là từ nội dung và giá trị sản vật đến việc sử dụng sản vật đều phải mang văn hóa tính.” [12]
Giáo lý Cao Đài với thuyết Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể đã cho chúng ta nhận thức rằng Trời, người và vạn vật đều cùng một thể linh quang. Các loài thảo mộc, thú cầm chính là đàn em của chúng ta đang trên đường tiến hóa lên làm người, do đó con người không được tàn phá, sát hại chúng mà phải nuôi dưỡng và bảo tồn thiên nhiên xung quanh mình.
Để bảo tồn mạng sống các loài động vật, giáo lý Cao Đài khuyến khích mọi người ăn chay. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Ăn chay để tập tành nhân dõng [13]
Loài vật kia cũng sống như mình
Lẽ nào đành đoạn sát sinh
Rượu ngon thịt béo tiệc tùng sớm trưa.[14]
Vì vậy, Thế Luật (trong Tân Luật Cao Đài) quy định rằng “người bổn đạo chẳng nên chuyên nghề gì làm cho sát sanh, hại vật” (Điều Thứ Hai Mươi); “Trong việc cúng tế vong linh không nên dùng hy sanh, dùng toàn đồ chay thì được phước hơn” (Điều Thứ Mười Bảy).
Như vậy, chủ trương quý trọng mạng sống của muôn loài vạn vật theo giáo lý Cao Đài có một ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại ngày nay, khi mà thiên nhiên đang bị tàn phá dữ dội cũng như tình trạng cân bằng sinh thái tại một số nơi bị phá vỡ do tệ săn bắt động vật hoang dã bừa bãi. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa Cao Đài trong vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.
4. Văn hóa ứng xử với môi trường xã hội
Ngoài mối quan hệ với môi trường thiên nhiên, con người còn có mối quan hệ với môi trường xã hội. Môi trường xã hội hẹp là dân tộc của mình, mở rộng hơn nó là các dân tộc lân bang và các dân tộc khác tiếp xúc với mình.
Việt Nam ở ngã tư giao thoa các luồng văn hóa, tư tưởng Đông Tây kim cổ. Hơn thế nữa, ngày nay hầu như không có nước nào, dân tộc nào không chịu ảnh hưởng của toàn cầu hóa (globalization). Vì thế, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội trong phạm vi rộng là một yêu cầu rất ý nghĩa, rất quan trọng.
Đạo Cao Đài ra đời năm 1926, trước khi khái niệm toàn cầu hóa xuất hiện. Thế mà trong thánh giáo ngày 24-4-1926, Đức Cao Đài Thượng Đế dạy về lý do lập đạo Cao Đài với tôn chỉ quy nguyên Tam Giáo (Nho, Thích, Đạo) và phục nhứt Ngũ Chi (Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo) như sau: “… khi trước càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức,[15] (…) nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt.”
Do đó, tôn chỉ đạo Cao Đài là dung hòa các nền giáo lý, tư tưởng, không để cho các dị biệt làm con người chia rẽ tình đồng loại. Đức Cao Đài Thượng Đế dạy:
“Hôm nay Thầy chuyển lập Tam Kỳ Phổ Độ để chấn hưng chánh lý đồng nguyên, để xóa bỏ những cạnh khía ngã chấp sắc màu và dung hiệp phần tinh ba cổ kim Âu Á trên lập trường duy nhứt, nghĩa là xóa bỏ cái dị mà đem lại cái đồng giữa các sắc giáo để làm phương cứu thế độ hồn cho [các] đẳng chúng sanh thoát vòng mê tân khổ hải.” [16]
Trên nguyên tắc, các tôn giáo chân chính đều có cùng một sứ mạng là dìu dắt nhơn sanh trên con đường tiến hóa tâm linh, mang lại nền hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Tuy nhiên, trên thực tế, lịch sử đã cho thấy các tôn giáo chẳng những chưa làm tròn sứ mạng của mình mà còn trót gây ra biết bao kỳ thị dẫn đến những cuộc chiến tranh tôn giáo thảm khốc. Do đó, với chủ trương vạn giáo đồng nhứt lý và với đường hướng kết tinh kim cổ dung hòa Đông Tây, đạo Cao Đài đang thực hiện sứ mạng hòa đồng tôn giáo để sẽ có được một ngày mà các tôn giáo trên thế gian này đều đi đến chỗ hội ngộ diệu kỳ đúng như lòng mong muốn, trông đợi của Đức Cao Đài Thượng Đế:
Gặp gỡ nhau trên dòng giáo lý
Nhìn với nhau tôn chỉ Cao Đài
Không còn chia biệt Đông Tây
Không còn phái nọ chi này, Phật Tiên.[17]
*
Nền văn hóa của một dân tộc hay một cộng đồng đều có một bản sắc riêng hay những nét đẹp riêng. Nói rằng đạo Cao Đài có bản sắc văn hóa độc đáo như đôi điều khái quát trên đây, thì chỉ vẫn còn trong phạm vi nhận thức. Điều quan trọng hơn là từ nhận thức đó mỗi người tín đồ cần phải ý thức sống đạo ra sao để chứng thực được nét đẹp văn hóa Cao Đài trong đời sống xã hội.
DIỆU NGUYÊN




[1] Huệ Khải, Một Góc Nhìn Văn Hóa Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 10.
[2] “... culture englobes everything - from the most sophisticated products to beliefs, customs, ways of living and working - which differentiates one people from another. Huệ Khải, Đất Nam Kỳ - Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 11.
[3] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-01 Tân Hợi (10-02-1971).
[4] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (CQPTGL), 15-7 Ất Mão (21-8-1975).
[5] I have received 7,000 death threats... they are furious with me for my criticism and have said, ‘This is our traditional culture.’
[6] Eating dogs is not culture, it’s grotesque. Culture is composing music like Mozart or building buildings like you see here in Vienna. New Straits Times World, 27-5-2002.
[7] Thiên Lý Đàn, 14-01 Bính Ngọ (03-02.1966).
[8] Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 10-5 Giáp Dần (29-6-1974).
[9] Tân Luật (Đạo Pháp, Chương III, Điều Thứ Mười Sáu).
[10] Thí dụ: Thọ Mai Gia Lễ của Hồ Sĩ Tân (1690-1760), người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã dựa theo Chu Công Gia Lễ (của Trung Hoa).
[11] Xem thêm: Huệ Khải, Gia Đình Trong Tân Luật Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014, tr. 27.
[12] Lý Đại Nguyên, Giòng [dòng] Sinh Mệnh Văn Hóa Việt Nam. Sài Gòn: Nxb An Tiêm, 1967.
[13] Nhân dõng: Sức dũng mãnh của lòng nhân ái, nhân đạo.
[14] Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức (Định Tường), 20-9 Đinh Mùi (23-10-1967).
[15] Càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt 乾無得看, 坤無得閱: Con người chưa khám phá, chưa hiểu biết toàn thế giới và vũ trụ. Càn khôn dĩ tận thức 乾坤已盡識: Con người đã biết rõ thế giới, vũ trụ. [Văn Uyển chú]
[16] Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho - Tam Quan, Tam Thừa Chơn Giáo: Phẩm Trung Thừa. Bài “Tôn Chỉ Đại Đạo”, ngày 15-8 Tân Sửu (24-9-1961).
[17] Thiên Lý Đàn, 14-01 Ất Tỵ (15-02-1965).
------------
Các nền văn hóa, cùng với các tôn giáo định hình và nuôi dưỡng các nền văn hóa ấy, là những hệ thống giá trị, những bộ truyền thống và tập quán được tập hợp quanh một hay nhiều ngôn ngữ, sản sinh ý nghĩa: cho bản thân, cho hiện tiền, cho cộng đồng, cho cuộc sống.
Cultures, along with the religions that shape and nurture them, are value systems, sets of traditions and habits clustered around one or several languages, producing meaning: for the self, for the here and now, for the community, for life.
TARIQ RAMADAN (sinh năm 1962, nhà văn, viện sĩ Thụy Sĩ, giáo sư dạy về đạo Islam đương đại)