1. Về phần đời
Đức Minh Đức Kim Tiên thế danh
là Hồ Quang Sớm.
Tiền bối sinh năm 1908 tại xã
Trường Thành, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ, trong một gia đình trung nông. Song
thân tiền bối là ông Hồ Như Tòng (1886-1951) và bà Nguyễn Kim Ngọc (1888-1947).[1]
Tiền bối theo học trường Sư
Phạm Sài Gòn và khi tốt nghiệp là á khoa năm 1930; được bổ nhiệm về Long Xuyên
(An Giang) dạy học một thời gian rồi chuyển về trường Nam tỉnh lỵ Cần Thơ.
Năm 1944 tiền bối lập gia đình
với bà Nguyễn Thị Cơ (thánh danh Bạch Diệu Tâm, 1927-2013). Song thân bà Cơ là
ông Nguyễn Hữu Cảnh và bà Dương Thị Gương.
Tiền bối Hồ Quang Sớm có tất cả
chín người con (bảy trai, hai gái), trong đó có hai con trai được ban thánh danh
là Thiện Giác Quang (Hồ Quang Minh), Thiện Linh Thông (Hồ Hạnh Phúc, 1956-1995)
tại Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế (Cần Thơ). Hai con trai khác cũng trường trai
tu học theo Đạo là Hồ Minh Đức và Hồ Đạo Hạnh. Tiền bối còn hướng dẫn hai người
em ruột nhập môn vào Đạo là ông Hồ Quang Hinh (thánh danh Thiên Huyền Võ, 1910-1989)
và Hồ Thị Hoàng (thánh danh Hồng Ngọc, 1913-1988).
Năm 1945 tiền bối đảm nhiệm
chức vụ hiệu trưởng trường Nam
tỉnh lỵ Cần Thơ.
Năm 1958 tiền bối được thăng
lên làm thanh tra tiểu học (phó trưởng ty tiểu học) tỉnh Cần Thơ.
Năm 1965 tiền bối nghỉ hưu,
tiếp tục sinh sống và tu hành tại nhà số 55 Nguyễn Thái Học, thành phố Cần Thơ
đến khi quy thiên vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 15-5-1971 (21-4 Tân Hợi).
2. Về phần đạo
Năm 1940 tiền bối Hồ Quang Sớm bắt
đầu tìm hiểu, nghiên cứu giáo lý của Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Thông Thiên Học,
đạo Baha’i, v.v…
Sau một thời gian dài tìm hiểu,
năm 1945 tiền bối nhập môn đạo Cao Đài tại thánh tịnh Huệ Đức Thanh ở Cần Thơ
(thuộc Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế) và bắt đầu trường trai luyện đạo theo pháp
môn vô vi của Chiếu Minh, nhưng vẫn gắn liền với cơ phổ độ để làm tròn bổn phận
với gia đình, xã hội. Tiền bối được giao nhiệm vụ đầu tiên là Tổng Thơ Ký Ban Cai
Quản thánh tịnh Huệ Đức Thanh, kiêm nhiệm điển ký Hiệp Thiên Đài. Trong thời
gian tu học và hành đạo tại thánh tịnh Huệ Đức Thanh, tiền bối có thánh danh là
Chiếu Huệ Tâm.
Ngày rằm tháng Chạp Canh Dần
(22-01-1951), tại thánh tịnh Huệ Đức Thanh, tiền bối được ban thánh danh là
Thiên Huyền Minh.[2]
Ngày rằm tháng 4 Đinh Dậu (14-5-1957)
tiền bối được Đức Chí Tôn sắc phong làm Chánh Phối Sư Thái Sớm Thanh tại Hội Thánh
Cao Thượng Bửu Tòa (Bạc Liêu).
Năm 1960 tiền bối đắc cử chức
vụ Chánh Hội Trưởng Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế và là đại biểu tham gia vào Giáo
Hội Cao Đài Thống Nhứt Trung Ương (Sài Gòn).
Tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo
Điện Minh Tân, quận 4, Sài Gòn), Tuất thời, ngày 14 tháng 6 Bính Ngọ (31-7-1966)
Đức Lý Giáo Tông ban ơn cho tiền bối:
HUYỀN MINH chiếu sáng rọi con đàng
Nhiệm vụ thừa hành sắc lịnh ban
Dẫn lối khá toan cầm vững lái
Công trình Thiên mạng dựng huyền quang.
Năm 1967 tiền bối được bầu làm
Đệ Nhứt Phó Chưởng Quản Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt Trung Ương.
Tại Huờn Cung Đàn, Ngọ thời,
ngày 14-7 Mậu Thân (07-8-1968), Đức Lý Giáo Tông ban ơn cho tiền bối:
HUYỀN MINH Thiên mạng đã lo tròn
Một mảy công trình tạc bảng son
Đánh dấu từ khi tên tuổi khắc
Thỉ chung tròn vẹn chứng đài son.
Tại thánh tịnh Tam Thanh Bửu
Điện (Long An), Tý thời, ngày 09-9 Kỷ Dậu (19-10-1969), Đức Lý Đại Tiên Trưởng
Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ban ơn cho tiền bối:
Đây điểm qua nhịp cầu tối thượng
THIÊN HUYỀN MINH trưởng dưỡng tinh thần
Con đường lập đức tu thân
Biết bao lao khổ tao tân kiếp này
Lời luận biện bút này lưu lại
Để ban ơn vững lái thuyền khơi
Vượt qua khỏi bến chợ đời
Kìa kìa sáng tỏ vị ngôi non Bồng.
Năm 1970, sau khi tiền bối
Huỳnh Đức (Phan Khắc Sửu, quả vị Đức Nguyệt Đức Thiên Tiên) quy liễu, tiền bối Thiên
Huyền Minh được Ban Chưởng Quản ủy nhiệm giữ chức Quyền Chưởng Quản Giáo Hội.
Tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo
Điện Minh Tân, Sài Gòn), Ngọ thời, ngày 30-4 Canh Tuất (03-6-1970), Đức Lý Đại
Tiên Trưởng ban ơn cho tiền bối:
THIÊN HUYỀN MINH trong kỳ tiếp chuyển
Nắm lái thuyền thực hiện từ đây
Đồng chung hội hiệp cảnh nầy
Đồng chung chưởng quản đó đây lo lường.
Năm 1971, tại đại hội các chi
phái trong Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt Trung Ương, tiền bối được tín nhiệm và
tái đắc cử Chưởng Quản Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt Trung Ương.
Trước ngày quy thiên một tháng, tiền bối đột
nhiên đi viếng thăm các chi phái thuộc Giáo Hội Thống Nhứt Trung Ương từ Huế
cho đến Cà Mau, và nói lời như là từ biệt với các chi phái nầy.
Đàn cơ ngày 14-4 Tân Hợi (08-5-1971),
Ơn Trên chỉ định Đức Nguyệt Đức Thiên Tiên làm Chưởng Quản Vô Vi của Giáo Hội Cao
Đài Thống Nhứt Trung Ương và yêu cầu phải bổ sung thêm một vị Phó Chưởng Quản
thứ tư (theo Điều Lệ thì chỉ có ba Phó Chưởng Quản mà thôi).
Một tuần lễ sau, ngày 21-4 Tân
Hợi (15-5-1971), lúc 12 giờ 30 (Ngọ thời), tiền bối Thiên Huyền Minh quy thiên tại
tư gia (chỉ bệnh sơ sài trong khoảng một ngày). Bấy giờ các đồng đạo mới hiểu rõ
lý do tại sao phải bổ sung thêm một Phó Chưởng Quản thứ tư cũng như vì sao Đức
Nguyệt Đức Thiên Tiên lại làm Chưởng Quản Vô Vi của Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt
Trung Ương.
Trong lúc liên đài tiền bối còn
quàn tại Thiên Phong Đường của Tây Thành thánh thất (Cần Thơ) thì trong đàn cơ
Tuất thời tại Tây Thành thánh thất ngày 24-4 Tân Hợi (18-5-1971), Đức Lý Giáo
Tông thọ lệnh của Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ truyền ban Thiên sắc ân phong tiền bối
Thiên Huyền Minh là MINH ĐỨC KIM TIÊN chánh vị:
NGỌC HOÀNG sắc lịnh phán phê truyền
Minh Đức Kim Tiên
phục bổn nguyên
Sắc lệnh chuẩn phê quy phục vị
Hội Đồng Phật Thánh chiếu đàn Tiên.
Năm 1974, khi Hội Thánh Cao Đài
Thượng Đế được thành lập ở Cần Thơ do đạo trưởng Thông Huyền Quang (Phan Lương
Quới làm Chưởng Quản), Đức Minh Đức Kim Tiên là Chưởng Quản Vô Vi Cửu Trùng Đài
và Đức Đông Phương Chưởng Quản là Chưởng Quản Vô Vi Hiệp Thiên Đài của Hội
Thánh Cao Đài Thượng Đế.
3. Trích lục một số thánh thi khoán thủ xưng danh của Đức Minh Đức Kim Tiên
* Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện
Minh Tân), Ngọ thời, 14-5 Tân Hợi (06-6-1971):
MINH nhựt ánh hồng đã chiếu lai
ĐỨC là trau luyện cõi trần ai
KIM triêu hội ngộ Huờn Cung điện
TIÊN cảnh thuần dương gót trở quày.
* Thánh tịnh Thiên Trước, Tý
thời, 16-7 Tân Hợi (06-9-1971):
MINH truyền đạo lý học từ lâu
ĐỨC chuộng tài nêu ấy mối đầu
KIM thạch một giềng tâm giữ trọn
TIÊN phàm tại thế khá lo âu.
* Huờn Cung Đàn, Tý thời, 15-8
Tân Hợi (03-10-1971):
MINH là nhựt nguyệt chiếu càn khôn
ĐỨC rộng bao la đạo thể tồn
KIM bút hòa nhau trong cảnh tại
TIÊN phàm lo liệu trước thiền môn.
4. Suy gẫm
Qua tiểu sử của tiền bối Hồ Quang Sớm, quả vị Minh Đức Kim Tiên, chúng ta lãnh hội
được rằng Thần Thánh, Tiên Phật đều phải trải qua kiếp làm người phàm tục tại
thế gian. Cõi thế gian đầy phiền não, khổ đau này chính là trường thi, là trường
huấn luyện để rèn đúc phàm phu trở thành Thần Thánh, Tiên Phật. Chúng ta nhớ
Đức Mẹ dạy:
Đất phiền não bồ đề vun
xới
Lìa thế gian sao tới Niết
Bàn!
Tuy nhiên, ở đời có lắm người vì không tu hành cho nên hết
kiếp này sang kiếp khác cứ mãi luân hồi để làm khách trần tục quẩn quanh trong
vòng sanh lão bệnh tử.
Trái lại, có nhiều người nhờ giác ngộ tìm Đạo, rồi hữu hạnh được
thọ nhận chơn truyền chánh pháp Kỳ Ba, suốt đời chí tâm, chí thành tu tập, thì đến
khi mãn kiếp sống sẽ được đắc quả vị thiêng liêng tùy theo công hạnh đã trì tu.
Nhờ vậy mà họ thoát khỏi luân hồi, được trở về cõi thiêng liêng hằng sống với
ngôi vị do Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ân ban, sắc tứ. Điều này chứng minh cho lời
Ơn Trên thường dạy chúng sanh giữa thời hạ nguơn mạt kiếp này:
Tu hành là học làm Trời
Phải đâu kiếp kiếp làm
người thế gian.
Tài liệu tham khảo
1. Phần đời của tiền bối Thiên Huyền Minh, căn cứ theo tài
liệu của gia đình.
2. Phần đạo, căn cứ theo tiền bối Huệ Đăng (quả vị Huệ Đăng
Thiên Tướng) của Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt Trung Ương viết trong điếu văn đọc
tại lễ truy điệu lúc di chuyển liên đài về nghĩa địa Chiếu Minh, và sau này
(năm 1991) trong lễ kỷ niệm ngày quy thiên của tiền bối Thiên Huyền Minh, do
Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế đọc.
3. Căn cứ vào hai tài liệu trên, hiền tỷ Ngọc Diệp [3] tổng hợp và bổ sung thêm
những thánh giáo dạy tiền bối Thiên Huyền Minh lúc người còn tại thế. Bài viết
của hiền tỷ được đọc trong lễ kỷ niệm ngày 21-4 Nhâm Thìn (2012) tại thánh tịnh
Tân Minh Quang (quận 12, TpHCM). Trong bài viết ấy hiền tỷ Ngọc Diệp cho biết:
“Sau khi quy tiên, ông được sắc phong là Chưởng Quản Vô Vi của Hội Thánh Cao
Đài Thượng Đế.” Thật ra thì tiền bối chỉ là Chưởng Quản Cửu Trùng Đài Vô Vi của
Hội Thánh Cao Đài Thượng Đế mà thôi, còn Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài vẫn là Đức
Đông Phương Chưởng Quản.
HỒ ĐẠO HẠNH
Tây
Thành thánh
thất (Cần Thơ)
[1] Do tiền bối Hồ Quang Sớm trọn đời
chí thành tu học và hành đạo, nên thân phụ của tiền bối đã được sắc phong thăng
từ bậc Thần lên Thánh Đức Chơn Tiên;
thân mẫu được siêu thoát về cõi trên với quả vị là Ngọc Xuân Hương Nữ.
[2] Trong đàn cơ này, mười hai vị tiền
bối được ban thánh danh (gọi là Thập Nhị
Thiên Huyền), gồm có: 1. Thiên Huyền
Vân (Phạm Thành Nam );
2. Thiên Huyền Quang (Lê Quang Nghi); 3. Thiên Huyền Đức (Phan Lương Báu); 4.
Thiên Huyền Huỳnh (Phan Lương Hiền); 5. Thiên Huyền Linh (Phan Lương Thiệu); 6.
Thiên Huyền Thanh (Phan Lương Bản); 7. Thiên Huyền Minh (Hồ Quang Sớm); 8. Thiên
Huyền Võ (Hồ Quang Hinh); 9. Thiên Huyền Pháp (Huỳnh Quốc Lập); 10. Thiên Huyền
Tâm (Nguyễn Văn Tự); 11. Thiên Huyền Lạc (Võ Văn Chà); 12. Thiên Huyền Chơn
(Nguyễn Thành Tựu).
Bạn đời
tiền bối Hồ Quang Sớm (bà Nguyễn Thị Cơ) được ban thánh danh ngày rằm tháng
Chạp Tân Mão (11-01-1952). Hôm ấy có mười hai nữ tín đồ đều được ban thánh danh
(gọi là Thập Nhị Bạch Diệu), gồm có:
1. Bạch Diệu Nhựt (bà Lê Quang Nghi); 2. Bạch Diệu Nguyệt (bà Phạm Thành Nam ); 3. Bạch
Diệu Thiện (bà Phan Lương Hiền); 4. Bạch Diệu Minh (bà Phan Lương Thiệu); 5. Bạch
Diệu Vân (bà Phan Lương Báu); 6. Bạch Diệu Hồng (bà Phan Thị Liêng); 7. Bạch
Diệu Chơn (bà Phan Lương Bản); 8. Bạch Diệu Từ (bà Nguyễn Thị Hường); 9. Bạch
Diệu Huệ (bà Lưu Thị Phụng); 10. Bạch Diệu Tâm (bà Hồ Quang Sớm); 11. Bạch Diệu
Đức (bà Nguyễn Văn Tự); 12. Bạch Diệu Hòa (bà Võ Văn Chà).
[3] Hiền tỷ Ngọc Diệp nguyên là điển ký bộ
phận thông công của Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt Trung Ương (Sài Gòn). Hiện nay
hiền tỷ hành đạo tại thánh tịnh Tân Minh Quang (quận 12, TpHCM).