Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / THEO BƯỚC BA TÔI / Lê Minh Nguyệt


Ba tôi không phải là một trong các vị tiền khai tên tuổi của đạo Cao Đài, nhưng từ rất sâu tận đáy lòng chúng tôi, người là tấm gương sáng chói, là ngọn đuốc soi đường để anh chị em tôi noi theo trên đường dài tu học.
Khi về với Thầy Mẹ, ba tôi để lại cho anh chị em tôi căn nhà mặt tiền bốn tầng lầu ở trung tâm quận Năm. Nhưng với chúng tôi, gia tài lớn nhất không phải là nhà cửa, tiền tài hay vật chất mà chính là bài học từ cuộc sống của người với tấm lòng bao dung, yêu thương và chia sẻ.
Trân châu lớn nhất trong gia tài ba để lại còn nhiều hơn thế, là đức tin Cao Đài. Tất cả anh chị em tôi đều được nhập môn và biết thương Thầy mến Đạo. Gia tài vô giá này, tình thương yêu, lòng chia sẻ và đường tu Cao Đài, chúng tôi có thể mang theo trọn đời người…
Quê bà nội tôi ở Cần Giuộc, không xa Vĩnh Nguyên Tự, một trong những chiếc nôi của ban sơ Cao Đài. Duyên may, cả nội ngoại đều chung một nhà Đại Đạo. Sau này, các thế hệ con cháu có chút rẽ phân: Có người quy y bên Phật Giáo, có người vì còn mải mê với cuộc sống mà chưa bước vào đường tu.
Ba tôi chỉ là một chức sắc nhỏ: Bảo Đàn Lê Văn Út của thánh thất Đô Thành ở quận 6, thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo. Nhà tôi bấy giờ buôn bán vật liệu xây dựng. Mấy chục năm tích lũy, ba mua được ba, bốn căn nhà mặt tiền ở quận 5
Tôi còn nhớ những ngày khó khăn sau năm 1975. Khi đó tôi ngoài mười bốn tuổi. Em trai tôi bữa nọ đi học về, trong bữa ăn thỏ thẻ: “Ba ơi, nhà bạn con nghèo lắm ba. Không có má mà chỉ có ba và sáu anh em. Mỗi bữa mỗi đứa chỉ được đúng lưng một chén gạo lức. Mà chỉ có nước tương hoặc chao thôi ba.”
“Vậy hả?” Ba tôi ngước lên trìu mến. “Mai con dẫn bạn về nhà đi, ba lo được…”
Vậy là từ bữa đó, tôi có thêm ba đứa em trai, tên Trung, Quốc và Trực. Ba các em dẫn bọn trẻ qua nhà, nói chuyện với ba tôi mà cứ ngại ngùng khoanh tay, ba tôi nói mãi mới bỏ tay ra.
Tôi còn nhớ, những bữa cơm đầu tiên, các em vừa rụt rè vừa hăng hái như thế nào khi bới thêm chén thứ hai… Tình thương yêu và ân cần của ba, cả mẹ tôi, và sự chăm sóc không phân biệt của tôi, đã dần xóa đi nỗi ngại ngùng ngăn chia và chúng tôi như có thêm anh em ruột thịt.
Sau này, nhiều họ hàng ở Cần Giuộc gởi con em lên Sài Gòn ăn học, ba tôi nhận hết. Căn nhà bốn tầng đầy ắp học trò, vui nhộn như một trường nội trú.
Nồi cơm mỗi ngày mỗi cần to hơn, tiền đi chợ mỗi ngày mỗi cần nhiều hơn. Những năm cuối thập niên 1970 hầu như không còn ai xây dựng. Thợ xây giải nghệ đi kinh tế mới, tiệm vật liệu xây dựng vắng buồn như chùa Bà Đanh. Mẹ tôi lo riết, rồi than: “Ông liệu sao, chứ nhà mình lúc này buôn bán ế ẩm quá! Tui thấy nuôi hơn hai chục miệng ăn quá sức rồi!”
“Không đủ tiền thì bán nhà lo cho tụi nó.” Lời nói ba tôi lúc đó như mệnh lệnh. “Ông bà mình nói: Thị phi thành bại hồi đầu không. Bà hiểu là gì không?”
Mẹ tôi chăm chú nhìn, vì biết ba sẽ trả lời ngay.
“Là đúng sai, được mất ở đời, khi bước qua rồi ta ngoái nhìn lại, chỉ thấy trống rỗng như hư không, bà ạ.”
“Nhà con đông, bán nhà rồi ông lấy gì chia cho con?” Mẹ tôi hỏi nhẹ nhàng.
“Không cần để lại gì đâu bà. Gia tài lớn chỉ xui khiến tranh giành. Tiền bạc nhiều sẽ xô ta xa Đạo. Tôi chỉ muốn để lại cho các con lòng thương yêu kẻ khó và tình hòa hợp với nhau. Tụi nó biết Đạo biết tu thì còn hơn tiền bạc, bà ạ.”
Mẹ tôi chưa bao giờ dám nửa lời cãi ba. Sau đó, bà bán từ từ cả hai căn nhà, tiếp tục chu toàn niềm vui được chia sẻ của ba.
Thương con, nhưng ba nghiêm khắc. Một đứa phạm lỗi, cả đám nằm sắp lớp. Ba tôi sắm một roi dài, đánh một roi chia đều chín đứa. Đứa nào nhỏ, khờ, được nằm gần cho đỡ đau…
Những ngày cuối tuần, ba thường đưa anh chị em về Cần Giuộc. Ra cánh đồng bát ngát lúa trổ đòng đòng, ba luôn nhắc nỗi cơ cực của người nông dân. Ba thường giúp đỡ mọi người, nên nông dân gặp ba đều thương, và cúi chào kính cẩn mỗi khi gặp ba.
Người đạo Cao Đài Bến Tre trong thời chiến tranh những năm 1970… Cảnh đói ăn là chuyện thường ngày. Nhà sẵn xe tải để chở vật liệu; có khi, ba chở hàng tấn gạo xuôi về Bến Tre cứu đói, rồi lại chở hàng tấn gạo ngược lên Tây Ninh, nói là người đạo Bến Tre gởi tặng. Việc làm này không chỉ giúp đỡ đồng đạo Tây Ninh, mà còn góp phần xóa bỏ tỵ hiềm phân chia giữa hai bên.
Trong những chuyến đi xa như thế, có lần trên đường đến thánh thất Tân Túc ở Bình Chánh (cũng là con đường đến Bát Bửu Phật Đài), trên xe chỉ có tài xế và ba má tôi. Trời mờ sáng, đường vắng, xe băng băng trên đường đất nhỏ gập ghềnh. Đồng ruộng mút mắt. Ban mai khẽ hát. Gió mát lộng mặt. Bên trái đường là một hố bom rộng và sâu. Chợt một chiếc Honda 67, từ một đường nhỏ bên phải, khuất giữa lùm cây vọt ra đường…
Reeeee...ét! Tiếng phanh thắng gấp như xé toang cả miền quê. Tài xế vừa đạp thắng vừa xoay hết sức tay lái sang trái. Hồn vía lên mây, ba tôi thấy chắc rằng cả nhà sẽ bay xuống hố sâu bên trái. Khoảnh khắc, nhỏ như cọng tơ, có khi chứa cả sinh mạng. Lúc mọi người kéo ghị được hồn vía trở về thân xác, thì lạ lùng quá! Không có một va chạm nào, chỉ thấy chiếc Honda 67 ngã sóng xoài, còn chiếc xe tải quay đúng một trăm tám mươi độ, nằm rung rung, đầu xe đang lắc lư hướng ngược về Sài Gòn. Y như phim hành động Mỹ!
Đường đất quá nhỏ. Tài xế đang run, còn run nhiều hơn chiếc xe, hồi lâu sau mới thều thào: “Nhỏ lớn, tui lái xe hơn mười năm, mà chưa bao giờ quay đầu cái vèo trên con đường nhỏ được như vậy!”
Về nhà, ba tôi kể chuyện trước mấy ánh mắt ngơ ngác, rồi kết luận: “Hổng có Thầy đỡ là cả xe chết hết!”
Từ đó cho tới ngày về Thầy, ba tôi càng gắng sức hơn nữa cho việc đời việc đạo, càng khuyến khích con cháu đến thánh thất Đô Thành tu học và hành đạo…
Ba tôi cũng đã qua rồi bước chân lữ khách nơi cõi tạm trần gian, nhưng tinh thần thương Thầy mến Đạo vẫn như tia nắng trời, như giọt sương đêm. Từng ngày từng ngày có mặt, nhắc nhở, dìu dắt, tưới thắm tâm hồn chúng tôi. Để dù có nhỏ bé mỏng manh như cỏ dại ven đường, dù đóng góp cho Đạo còn thật ít ỏi, chúng tôi vẫn nguyện xin hóa thân thành chút hương hoa tình thương, dâng tặng hết cho đời cho Đạo.
LÊ MINH NGUYỆT
Họ đạo Đô Thành (HT Ban Chỉnh Đạo)
* Ảnh hưởng quan trọng nhất trong thời thơ ấu của tôi là cha tôi. / The most important influence in my childhood was my father.

DeForest Kelley (Mỹ, 1920-1999, diễn viên, ca sĩ, nhà thơ, viết kịch bản)