Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

ĐĐVU 12 / TỪ BÓI TOÁN ĐẾN DỰ ĐOÁN KHOA HỌC CHO TƯƠNG LAI / Trần Văn Chánh


Từ ngàn xưa, con người ở thời nào cũng vậy, dường như luôn có nhu cầu muốn biết trước về tương lai, số phận của mình. Môn chiêm tinh học (astrology / astrologie) thông dụng ở phương Tây và môn bốc phệ [1] ở phương Đông vì vậy lúc nào cũng thu hút được đông đảo mọi người, kể cả thành phần trí thức.
Nếu cực đoan thì người ta sẽ vội cho rằng việc bói toán dù thực hiện dưới hình thức nào cũng chỉ là chuyện vu vơ của những kẻ yếu bóng vía, đầy tính chất mê muội, mê tín dị đoan mà không có căn cứ khoa học chính xác, không khéo chỉ dẫn con người ta đi sâu vào con đường lầm lạc nguy hiểm.
Song nghĩ kỹ, các môn bói toán nếu hoàn toàn không có một giá trị nào cả thì chắc chắn chúng đã bị mai một và thất truyền từ lâu, giống như trường hợp một tác phẩm nào đó viết quá dở và không phục vụ gì được cho ai thì chắc chắn sẽ không bao giờ được tái bản dù chỉ một lần.
Xem xét vấn đề này một cách cởi mở hơn hẳn chúng ta sẽ có thể thừa nhận các môn bói toán cũng tương tự một loại khoa học xã hội thời cổ, tức là cách con người dùng để giải quyết những vấn đề của mình trong điều kiện các khoa học tự nhiên phát triển còn nhiều hạn chế.
Ở phương Đông, kinh Dịch của Trung Hoa có từ hơn 2.500 năm về trước ban đầu chỉ là một quyển sách bói, đến cuối thời Chu mới trở thành một sách triết lý tổng hợp chứa đựng những tư tưởng về vũ trụ quan, nhân sinh quan rất thâm trầm của dân tộc Trung Hoa.
Dần dần, kinh Dịch được truyền rộng ra khắp thế giới, được cả phương Đông lẫn phương Tây công nhận giá trị và đào sâu nghiên cứu, như từ thế kỷ 17 đã được nhà triết học kiêm toán học Đức Leibnitz (1646-1716) biết tới, đem so sánh những vạch âm dương trong 64 quẻ của kinh Dịch với phép nhị phân thể hiện bằng hai con số 1 và 0 của ông. Một triết gia khác cũng là nhà tâm phân học Carl Jung (1875-1961, gốc Thụy Sĩ, học trò của S. Freud) đã từng áp dụng kinh Dịch để phân tích tiềm thức con người, coi đó là một phương pháp của tâm phân học (psychoanalysis).
Ngày nay, hầu như không còn mấy người coi kinh Dịch và sự áp dụng kinh Dịch vào đời sống thực tế là điều mê tín dị đoan nữa. Nó đã trở thành vừa là một ngành học lớn vừa là một truyền thống sinh hoạt mà người ta gọi Dịch học và Dịch lý, vì từ lâu, người ta thấy rất rõ người Trung Hoa chỉ nhờ có nguyên lý Âm Dương chứa đựng trong quyển sách đó mà đã phát hiện được biết bao điều bí ẩn về vũ trụ và con người, biết cách trị bệnh hiệu quả, biết được sự vận hành của các thiên thể, đoán đúng được ngày nhật thực, nguyệt thực… trong khi gần như họ không có một dụng cụ y khoa hay thiên văn nào đáng kể; quả là một kiểu bất hành nhi chí 不行而至, không đi mà coi như đã tới được tận nơi, điều mà đối với một đầu óc phân tích khoa học theo kiểu phương Tây có vẻ khó hiểu.
Nếu coi các ngành bói toán như một khoa học cổ điển, thì tất nhiên cũng phải thừa nhận luôn những mặt hạn chế của nó, với hàm ý rằng rốt cuộc dù cho nhờ nó mà người ta đoán đúng được tương lai, biết trước số phận, thì người ta cũng không thể nhờ nó mà cải tạo được số phận theo ý mình, khiến cho người nghèo có thể trở thành giàu có, tránh được những tai nạn rủi ro, bệnh tật và cái chết…
Điều này đã thật quá rõ, vì dù tin hay không vào các khoa bói toán, đời sống của con người từ muôn thuở vẫn không vượt khỏi vòng cương tỏa của những quy luật vận hành phổ quát của vũ trụ nhân sinh khắc nghiệt, nghĩa là con người vẫn phải tiếp tục đối đầu mãi mãi với những khó khăn, bệnh tật, sự may rủi không kiểm soát được, cùng với những giới hạn tất yếu khác của mình. Như vậy không phải do các khoa bói toán đều dở và trật, vì nếu hiểu nó như một loại khoa học cổ điển, thì nó cũng phải trúng trật tùy người áp dụng; những giới hạn của nó trong khả năng giải quyết những vấn đề của con người cũng gần giống như những giới hạn của các ngành khoa học xã hội. Bởi vì thật ra các ngành khoa học hiện đại cũng không thể giải quyết được một cách rốt ráo mọi vấn đề rắc rối của con người cho dù đã đạt được những thành tích rất đáng kể về độ chính xác.
Không còn giữ tính cách bí truyền, nhờ tính phổ biến của nền giáo dục thế giới mà nhân loại ngày nay được tiếp thu tất cả các khoa học hiện đại, như khoa kinh tế học chẳng hạn, nhưng khi đem ra áp dụng thì có nước tiến nhanh lên được, có nước cứ lầm lũi mãi trong vòng chậm tiến; công ty nào cũng cố tìm cho mình những nhà quản lý và những giám đốc tiếp thị thật giỏi được trang bị kiến thức khoa học đầy đủ, thế mà vẫn có công ty thành công, công ty phá sản… Sở dĩ như thế là vì trong việc áp dụng các khoa học, con người còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan khác như về hoàn cảnh lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội xung quanh, và có thể còn biết bao yếu tố ẩn giấu khác vượt ngoài tầm kiểm soát của mình nữa, chẳng hạn như thiên tai hoặc một tác động từ xa xôi nghìn dặm ảnh hưởng đến những công việc mình đang dự tính.
Nếu giá trị của ngành y khoa mà vô giới hạn thì chắc những người có bệnh nan y cũng không sợ chết khi họ có đủ điều kiện để chữa trị. Cũng vậy, nếu các khoa bói toán như bốc phệ, tử vi, tướng học, coi chỉ tay, xem phong thủy, đoán điềm giải mộng… đều giúp cho một số người thông thiên đạt địa nào đó biết trước việc cát hung để theo hay tránh thì những người này sẽ không có lý do gì thất bại trên đường đời, và các vua chúa thời xưa cũng sẽ không bao giờ mất cả thiên hạ vì xung quanh đã có biết bao bậc quân sư tài giỏi để tham vấn.
Nhìn chung, các khoa học tự nhiên và nhân văn hiện đại tuy có thể giúp cải thiện khá nhiều cho đời sống con người bằng cách tạo được một số tiện nghi và phương pháp làm ăn sản xuất nhưng chúng không giải quyết được những vấn đề có tính cách thuần túy thuộc về vận mệnh cá nhân, gia tộc hoặc luân lý, cũng như những chuyện rủi ro bất ngờ, sự đau khổ tinh thần, những vấn đề thuộc về ý chí, tham vọng…
Để sống được tương đối bình yên và hạnh phúc, giải quyết được nhiều nỗi lo âu khắc khoải ngoài khả năng giải thích và kiểm soát, con người còn cần đến triết học và tôn giáo, cùng nhiều thứ khác nữa, kể cả những thứ không chính thống khác mà người ta gọi là “bàng môn, tả đạo” như phù chú, đồng cốt, sự cầu cúng đối với các thế lực thần quyền để chỉ mong lấy một niềm hy vọng. Theo quan điểm này mà xét cho đến cùng thì những người am tường các khoa bói toán cũng có phần vụ của họ trong việc giải đáp cho con người khi họ cần tìm đến để giải tỏa những lo âu thắc mắc, nhất là khi gặp chuyện bối rối lâm vào những tình thế tiến thối lưỡng nan, vượt ngoài khả năng chủ động của cả tri thức lẫn tình cảm.
Thật vậy, các khoa học chính xác dù tinh vi đến đâu cũng không đoán trước được tai nạn xảy ra để mà tránh. Về mặt lý thuyết, các khoa bói toán tuy có thể làm được việc này song cũng chưa chắc giúp người ta tránh được rủi ro cho dù biết trước, vì căn bản của loại khoa học này là dựa trên sự tất định về số phận của những sinh linh trong vũ trụ, cho rằng số phận đó vốn đã được an bài. Hơn thế nữa, trên thực tế, không ai lại có thể cứ nhất cử nhất động đều phải bấm độn gieo quẻ hoặc coi ngày giờ, chỉ vì lý do đơn giản là con người có ý chí, tham vọng và những tình cảm bất chợt, và không phải lúc nào họ cũng nhớ hoặc có hoàn cảnh thích hợp để hỏi ý kiến người khác hoặc tự bấm độn gieo quẻ…
Vì một ý chí đặc biệt, con người thường chỉ nửa tin nửa ngờ đối với tất cả mọi thứ ấy cho dù đã được mách nước, hướng dẫn và thường khi họ có khuynh hướng lựa chọn hành động theo ý chí tình cảm và những tham vọng riêng của họ mà thôi, giống như không ít người vẫn hút thuốc, uống rượu dù có đủ kiến thức để biết những thứ này chắc chắn có hại cho sức khỏe.
Việc áp dụng các khoa bói toán vào đời sống hằng ngày cũng là hiện tượng dễ hiểu, phản ánh một bối cảnh văn hóa và văn minh nhất định trong điều kiện nhất định của các ngành khoa học trong quá khứ, khi chưa có đủ những thứ khác tốt hơn để dùng. Trong bốn môn nho, y, lý, số mà các nhà trí thức thời xưa ở Trung Quốc và Việt Nam được trang bị, ta có thể xem nho là triết học và luân lý, y là khoa học tự nhiên còn lý số là khoa học xã hội; khi gặp chuyện gì rắc rối thì đem thứ khoa học xã hội này ra để tìm hướng giải quyết.
Nhưng ngay cả nhà nho cũng coi lý số chỉ là tương đối. Họ vẫn còn tin vào bản thân cùng những khả năng hoán cải hoàn cảnh và quyền lựa chọn chủ động của con người, nên đưa ra những luận đề để hạn chế tính tất yếu của lý số như nói đức năng thắng số (đức có thể thắng được số), hoặc xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều [2] là có ý muốn cãi lại một phần số trời chứ không chịu thua hẳn, bởi vì theo họ phải có tận nhân lực mới tri thiên mệnh chứ không phải chỉ biết có một đường xuôi theo là thuận thiên an mệnh một cách vô điều kiện.
Có lẽ vì nghĩ như thế nên các nhà nho đi làm cách mệnh để cứu dân cứu nước của ta thời xưa người nào cũng rành về Dịch lý, cũng biết coi bói; nhưng hễ làm là làm chứ không phải lúc nào cũng coi theo quẻ Dịch.
Cụ Phan Bội Châu (1867-1940) là một trường hợp độc đáo. Cụ chẳng những tinh thông Dịch lý mà còn là tác giả của một công trình nghiên cứu có giá trị nhất Việt Nam về Dịch học với bộ Chu Dịch (hai quyển) đồ sộ, thế mà cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ thất bại là phần lớn, trừ những giá trị tinh thần mà cụ đem lại được cho các phong trào yêu nước.
Một đồng chí rất gần gũi với cụ Phan là cụ Đỗ Chân Thiết, rất có công trong việc sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi Nghĩa Thục bị đóng cửa (1908), lực lượng cách mạng bị tan rã gần hềt, đến năm 1911, khi hay tin Cách Mạng Tân Hợi ở Trung Quốc thành công, cụ Đỗ Chân Thiết quyết đi sang đó một chuyến để tìm đường cứu viện.[3] Trước khi đi, cụ rủ một người bạn cùng đi đến đền Bạch Mã [4] ở phố Hàng Buồm để xin một quẻ xăm nhưng lại gặp quẻ quá xấu. Người bạn can nên hoãn chuyến đi lại ít tháng nhưng cụ vò nát lá xăm liệng xuống đất rồi nói:
“Quỷ thần an năng tri thử sự? [Quỷ thần sao biết được việc này?] Không, tôi cứ đi. Đãi Hà chi thanh, nhân thọ kỷ hà? [Đợi nước sông Hoàng Hà trong lại biết chừng nào, đời người còn sống được là bao?]
Qua tới Trung Quốc, cụ Đỗ Chân Thiết liên lạc được với cụ Phan Bội Châu, chở tạc đạn về nước định gây một vụ bạo động chống Pháp thì bị Pháp bắt và xử tử vào năm 1913.
Nhắc đến câu nói của cụ Chân Thiết, người ta nhớ đến câu nói gốc trong bài Bốc Cư tương truyền là của Khuất Nguyên (khoảng 340-277 trước Công Nguyên) mà cụ đã mượn dùng. Bốc Cư có nghĩa là bói đường cư xử, nội dung thể hiện được tinh thần phóng khoáng trong cách hiểu Dịch lý của người xưa. Hồi đó Khuất Nguyên là vị trung thần đang bị gièm đuổi, lòng phiền ý loạn không biết hành xử ra sao, mới lại thăm và hỏi ý kiến quan thái bốc chuyên về coi bói thời đó là Trịnh Thiềm Doãn:
“Tôi nên thành khẩn chất phác mà hết lòng trung chăng, hay nên đưa đón theo thời để khỏi khốn cùng? Nên ra sức cày ruộng kiếm ăn, hay nên giao du với kẻ vinh hiển để cầu danh? Nên nói thẳng chẳng kiêng dè gì để nguy đến thân, hay nên theo thói tục cầu giàu sang để sống cẩu thả?...”
Ông còn hỏi thêm gần chục câu nữa, nhưng khi nghe xong thì Thiềm Doãn tiên sinh liền đặt cỏ thi xuống mà nói:
“Thước có khi ngắn mà tấc có khi dài; vật có chỗ không đủ mà trí có chỗ không sáng; số có chỗ đoán không tới mà thần có chỗ không thông. Ông cứ theo lòng ông mà làm đúng ý ông. Mai rùa và cỏ thi thật không biết được việc này.”
Như trên đã nói, việc bói toán thường chỉ có ý nghĩa trợ giúp tinh thần hoặc đem lại một nguồn động viên an ủi chứ ít khi có tác dụng thực tế. Mặc dù vậy, khi gặp một tình huống bối rối trù trừ bất quyết thì người ta thường cần tới nó. Một người bản lĩnh như Nguyễn Thái Học (1902-1930) mà có lúc cũng phải giở quyển Truyện Kiều ra bói. Lúc đó là một đêm mùng hai Tết Canh Ngọ, sau cuộc khởi nghĩa thất bại tại Yên Bái (ngày 9 và 10-02-1930), khi ông cùng với Cô Giang, Ký Con, Lương Ngọc Tốn… trốn về xã Hùng Thắng (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) ẩn mặt trong nhà một đồng chí tá điền. Sau khi đọc xong lời khấn, ông mở quyển Kiều ra, được bốn câu:
Thân ta, ta phải lo âu
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này.[5]
Liệu đường cao chạy xa bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi.[6]
Quẻ bói này là một điềm dữ. Quả nhiên sau đó lực lượng tan rã rồi bị bắt. Tháng 6-1930, Nguyễn Thái Học cùng mười hai đồng chí bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái.[7]
Việc này có thể do quẻ bói đúng, cũng có thể do sự ngẫu nhiên trùng hợp, nhưng trong cả hai trường hợp, xét theo tình hình thực tế lúc đó thì Nguyễn Thái Học cũng khó có thể tránh khỏi thất bại như bao phong trào yêu nước khác, cho dù tối mùng hai Tết năm đó ông có giở quyển Kiều ra để bói thử hay không.
Nếu các khoa bói toán có một giá trị nhất định như đã nhận định ở trên kia thì việc ứng dụng các phương pháp bói có cho ra những kết quả đúng hay không lại là một chuyện khác, vì phương pháp có rồi nhưng việc thực hiện lại còn tùy thuộc nhiều yếu tố có thể chưa được nắm vững và cũng tùy vào kỹ năng ứng dụng của người thực hiện, khác nào một viên quản lý tuy được trang bị đủ nghề nhưng vẫn có thể quản lý thất bại một xí nghiệp.
Theo nhà văn và học giả quá cố Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) nói trong quyển Luyện Lý Trí dựa theo kinh nghiệm từng trải khi nghiên cứu Bốc Phệ, Tử Vi và Tử Bình, thì những môn này đôi khi đưa ra những kết quả thần sầu làm ta kinh ngạc, nhưng cũng có khi trật lất, thành thử cũng khó nói.
Liên quan đến vận mệnh của cả loài người, hoặc của một xã hội, một dân tộc, người ta còn biết đến những lời tiên tri trong các sách thánh hoặc sấm ký. Các sách Thánh Matthêu, Thánh Maccô, Thánh Luca trong Tân Ước đều báo trước sẽ có lúc tận thế nhưng không chỉ rõ sẽ xảy ra vào lúc nào, có lúc người ta tưởng là năm 1000 hoặc năm 2000…
Trước đây trên bốn mươi năm, do nhu cầu hoạch định các kế hoạch phát triển, các nhà khoa học đã tạm bỏ qua những sự kiện bí ẩn, họ cũng đã tìm cách tiên tri tương lai xã hội loài người căn cứ vào các dữ kiện kinh tế − xã hội đã có, hình thành một môn học mới khá hấp dẫn gọi là Tương Lai Học (Futurology / Futurologie).([8])
Hiện nay ngành Tương Lai Học đã phát triển rất cao, nhưng cách đây gần nửa thế kỷ, công trình tập thể của các nhà bác học Mỹ có tính chất tập trung tiêu biểu nhất là quyển Năm 2000 (The Year 2000) do Viện Hudson xuất bản năm 1967 với bản dịch tiếng Pháp nhan đề là L’an 2000 xuất bản ở Paris năm 1968. Trong Lời Giới Thiệu, nhà xuất bản Robert Laffont của bản dịch tiếng Pháp đã hớn hở viết: “Lần này là lần đầu trong lịch sử, nhân loại có thể thẩm định được những động lực điều khiển vận mạng mình, liệt kê những động lực ấy, để duy trì chúng hoặc đổi hướng của chúng. Do đó cuốn Năm 2000 phải là Thánh Kinh của tất cả những người muốn có thể suy nghĩ về tương lai trong mười, mười lăm, ba mươi năm nữa. Đây là cuốn sách đầu tiên khiến sự dự đoán tương lai bước từ kỷ nguyên của thầy bói qua kỷ nguyên của các nhà bác học…”
Đoạn văn trên được trích lại theo bản dịch của cụ Nguyễn Hiến Lê trong quyển Những Vấn Đề Của Thời Đại (Sài Gòn: Nxb Mặt Đất, 1974), trong đó, cụ bỏ công tóm tắt phần lớn những ý chính của quyển sách Năm 2000.
Những điều cụ Lê ghi lại trong quyển sách, nay đọc lại vẫn còn thấy thú vị. Nhìn chung, các dự đoán về phát triển khoa học − kỹ thuật phần nhiều đều đúng, nhất là trong việc hình dung một xã hội hậu công nghiệp (post-industrial / post-industriel), xu hướng toàn cầu hóa, những khả năng và ảnh hưởng thần kỳ của máy tính, việc tạo và nuôi thai trong phòng thí nghiệm…
Tuy nhiên, cũng có những dự đoán đi quá đà hoặc chỉ gần đúng với sự thật. Riêng trong lãnh vực chính trị toàn cầu, nhiều dự đoán đưa ra đã không đúng với thực tế và điều này cũng dễ hiểu, vì về chính trị, điều gì cũng có thể xảy ra được, như vụ khủng bố kỳ lạ ngày 11-9-2011 ở Mỹ là một thí dụ, không ai tiên đoán nổi! Đủ biết phương pháp dự đoán nào cũng có mặt tích cực và giới hạn của nó trước sự bí ẩn vô tận của thế giới loài người. Câu nói của Trang Tử trong trường hợp này có thể là một ý tưởng đáng suy gẫm để giúp con người bớt phải bối rối:
“Cuộc sống của ta có bờ bến mà cái biết thì không bờ bến, lấy cái có bờ bến để theo cái không bờ bến thì nguy lắm vậy.” [9]
TRẦN VĂN CHÁNH



Các chú thích trong bài do Văn Uyển thêm vào.
[1] Bốc phệ 卜筮: Bói toán. Bốc là bói bằng mai rùa (quy giáp 龜甲: tortoise shell); phệ là bói bằng cỏ thi (thi thảo 蓍草: achillea millefolium).
[2] Truyện Kiều của Nguyễn Du, câu 420.
[3] Tôn Dật Tiên (1866-1925) có vai trò rất quan trọng trong Cách Mạng Tân Hợi.
[4] Bốn ngôi đền trấn giữ bốn mặt kinh thành Thăng Long là: đền Quán Thánh (phía Bắc); đền Kim Liên (phía Nam); đền Voi Phục (phía Tây); Đền Bạch Mã (phía Đông). Đền Bạch Mã nay nằm ở số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
[5] Truyện Kiều của Nguyễn Du, câu 2015-2016.
[6] Truyện Kiều của Nguyễn Du, câu 1971-1972.
[7] Theo tạp chí Phổ Thông số 152, ngày 01-3-1961. [Trần Văn Chánh chú]
[8] Về Tương Lai Học, xem thêm: Người Đạo Cao Đài Bước Vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, in trong Triết Lý Đền Thánh Cao Đài Tây Ninh, của Huệ Khải (Nxb Tôn Giáo 2012).
[9] Trang Tử Chú (Dưỡng Sinh Chú): Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai, dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ.
吾生也有涯, 而知也無涯, 以有涯隨無涯, 殆已.