Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

ĐĐVU 13 / BA BƯỚC ĐẾN HẠNH PHÚC

Nguyên tác: DAVID G. ALLAN
Dịch: NGÔ THÚY ANH
Kỹ sư Trần Nhất Minh 陳一鳴 (Chade-Meng Tan) của Google khẳng định ông nắm được bí quyết để sống hài lòng, không căng thẳng. David G. Allan thử áp dụng lời khuyên sống hạnh phúc của Nhất Minh, đồng thời xét về mặt khoa học: lời khuyên của Nhất Minh có hiệu quả chăng?
Tại tập đoàn công nghệ khổng lồ Google, một kỹ sư đang thực hiện một nhiệm vụ vô cùng bất thường: nhiệm vụ giúp mọi người hạnh phúc hơn và thế giới bình yên hơn.
Một vài năm trước khi còn là một trong những kỹ sư đầu tiên của Google ở Mountain View,[1] Nhất Minh nhận thấy nhiều đồng nghiệp của ông luôn ở trạng thái căng thẳng và mệt mỏi trong công việc, và ông quyết định sẽ nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề này. Ông thuyết phục lãnh đạo của mình để cho ông thực hiện một khóa học giúp các nhân viên luyện tập kỹ năng chánh niệm để nâng cao trí tuệ xúc cảm và xây dựng cuộc sống an lạc. Sau đó ông chuyển sang bộ phận nhân sự để tiến hành kế hoạch của mình. Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo công ty, ông chọn cái tên Tìm Kiếm Trong Nội Tâm cho khóa học, một cái tên có phần ủy mị đồng thời trở thành nhan đề cuốn sách mô tả các kỹ thuật mà ông đã sử dụng trong khóa học.
Tại lễ hội SXSW năm nay ở Austin, Texas,[2] tôi đã tò mò về bài phát biểu của Nhất Minh với tiêu đề “Để trở thành người hạnh phúc nhất trên trái đất”. Không có gì ngạc nhiên, lời hứa hàm ẩn trong tiêu đề bài phát biểu thu hút một lượng đông người quan tâm và đầy kín phòng hội nghị của khách sạn. Nhất Minh hứa sẽ dạy cho chúng ta những bí mật của hạnh phúc “đã được chứng minh một cách khoa học” trong ba bước dễ dàng.
Tôi đã bị cuốn hút, nhưng dĩ nhiên là cũng hoài nghi. Vì vậy, trong những tuần sau đó, tôi quyết định thử nghiệm phương pháp của Nhất Minh áp dụng cho bản thân mình để xem nếu nó có thật sự làm tôi hạnh phúc hơn chăng. Tôi cũng xem xét kỹ hơn về các công trình khoa học được Nhất Minh sử dụng để chứng minh cho hiệu quả của các kỹ thuật mà ông đã sử dụng. Các chứng cứ khoa học này có thật sự vững chắc? Chúng ta hãy lần lượt xem xét từng bước trong kỹ thuật của Nhất Minh.
Bước một: Điều hòa tâm trí để đạt sự bình thản
Để giới thiệu về lời khuyên đầu tiên của mình, Nhất Minh dẫn khán giả dự lễ hội SXSW qua một bài tập thở ngắn để làm lắng xuống nơi hộp sọ của chúng tôi “các vụn tuyết trong quả cầu tuyết” (hình ảnh ẩn dụ của ông ấy). Ông ủng hộ việc tìm kiếm những cách thuận tiện để có vài phút nghỉ ngơi trong ngày khi mà chúng tôi có thể chú ý nghe hơi thở của chính mình. Ông nói đùa: “Nếu cảm thấy quá khó, đơn giản là bạn chỉ cần đừng nghĩ gì cả trong giây lát.” Cuốn sách của ông đi vào chi tiết hơn, tập trung giải thích và mô tả phương pháp thực hành thiền định, đồng thời trích dẫn một nghiên cứu của Jon Kabat-Zinn tại Đại Học Massachusetts tìm thấy hiệu quả của phương pháp thực hành chánh niệm trong việc giảm thiểu lo âu.
Nhất Minh không phải là người duy nhất nhận thấy ích lợi của thiền định và chánh niệm đối với sức khỏe tâm thần. Nhà sư Matthieu Ricard,[3] người được báo chí mệnh danh là “người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới” cũng đã từng viết một cuốn sách về chủ đề này.
Nhưng nó có thực sự hiệu quả không? Có một số bằng chứng cho thấy chánh niệm có thể giúp ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực. Một báo cáo tổng hợp 209 công trình nghiên cứu gần đây cho thấy trên thực tế, luyện tập chánh niệm giúp điều trị trầm cảm, lo âu và căng thẳng. (Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn tuyên bố rằng thông qua việc giảm thiểu những căng thẳng, thiền định có thể giúp làm chậm lại quá trình lão hóa.)
Điều đáng lưu ý đó là việc đối phó với chứng trầm cảm hay lo âu và việc thúc đẩy hạnh phúc không hẳn là hai nhiệm vụ tương đương. Dẫu vậy, bước một trong lời khuyên của Nhất Minh dường như cũng được các kết quả khoa học củng cố.
Bước hai: Ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc
Điều này đơn giản, như khi bạn nhâm nhi một ly cà phê tuyệt vời, cười đùa với bạn bè hoặc mua cái áo bạn muốn, hãy nói với chính mình rằng: “Tôi đang có khoảnh khắc vui sướng.” Chúng ta có xu hướng ghi nhớ những điều tiêu cực, trong khi ta lại để những điều tốt đẹp thoáng qua và vụt mất. Vì vậy, Nhất Minh nói, bằng cách ghi lại những điều tốt đẹp xảy ra trong ngày, chúng ta đang làm tăng cơ hội nhận thấy ta vừa trọn một ngày hạnh phúc.
Giả thuyết cho rằng việc ghi nhận những trải nghiệm tích cực giúp cân bằng, hoặc thậm chí là vượt qua, những điều tiêu cực tạo nên trực giác (intuitive sense). […] Như Jonny Mercer hát,[4] bạn phải “làm nổi bật sự tích cực, loại trừ sự tiêu cực”.
Các nghiên cứu gần đây đã cố gắng khảo sát hiệu ứng này, trong đó có công trình của bà Barbara Fredrickson [5] − nhà nghiên cứu tâm lý học tích cực (positive psychology) − với kết luận rằng chúng ta cần một tỷ lệ tích cực đối với tiêu cực là 3-1 để giải phóng tâm trí của chúng ta khỏi những tác hại của suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi […].
Tuy vậy, một nghiên cứu vào năm 2006 cho thấy những người viết ra trải nghiệm tích cực trong nhật ký cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống và ảnh hưởng đó có thể kéo dài đến hai tuần.
Bước ba: Mong ước người khác được hạnh phúc
Theo Nhất Minh, tư tưởng vị tha rất có ích vì chúng ta nhận được nhiều niềm vui từ việc cho đi, thậm chí nhiều hơn cả việc nhận lại.
Theo tôi, Nhất Minh đã có một lập luận hùng hồn cho sự cần thiết hiển nhiên của lòng từ bi, nhưng ông chỉ trích dẫn duy nhất một nghiên cứu để củng cố cho nhận định rằng “lòng từ bi là suối nguồn của hạnh phúc”.
Trong quyển Hạnh Phúc: Một Giới Thiệu Rất Ngắn (Happiness: A Very Short Introduction), triết gia Daniel Haybron đưa ra một số luận cứ khoa học có thể hộ trợ cho nhận định của Nhất Minh. Đặc biệt quan trọng là nghiên cứu của nhà tâm lý học Michael Argyle [6] với kết luận: “Nhảy múa là hoạt động duy nhất đem ra nhiều niềm vui hơn là hoạt động tình nguyện và làm từ thiện.” Tương tự, bà Barbara Fredrickson cũng tìm thấy những lợi ích của một phương pháp thiền định trong đó thiền sinh thực hành các suy nghĩ tích cực về người khác. Trong nghiên cứu này, bà Fredrickson yêu cầu người tham gia dành ra một vài phút trong ngày để suy nghĩ những điều tốt đẹp về người khác, và kết quả là rất nhiều người cho biết họ cảm thấy vui vẻ và nhiều hy vọng hơn trước.
Nhưng chúng ta vẫn còn xa so với bước nhảy vọt trong lập luận của Nhất Minh bảo rằng rằng chỉ cần nghĩ tốt cho người khác là đủ để ta thấy hạnh phúc. Chúng ta sẽ tự huyễn hoặc chính mình nếu nghĩ rằng việc mong muốn cho người khác được hạnh phúc cũng tương tự như việc thực sự làm gì đó để đem lại hạnh phúc cho họ, như tặng họ một món quà, hay rõ ràng hơn là đưa họ đi nhảy múa.
Khoa học và kinh nghiệm
Thực sự, càng xem xét kỹ nhận định của Nhất Minh, tôi càng thấy ít bị thuyết phục rằng nhận định của ông được các nghiên cứu hiện có củng cố. Hơn nữa, các nghiên cứu này vẫn chưa được xác thực và việc lặp lại thí nghiệm để xác minh các kết luận là điều rất cần thiết. Theo Daniel Haybron, khoa học đã kiểm chứng và đưa ra kết luận xác thực về một số yếu tố khác mang lại hạnh phúc như quyền tự chủ, các công việc ý nghĩa và chuyên nghiệp, các mối quan hệ và tình yêu, tiền bạc (nhưng không quá nhiều), sự an ninh (nhưng không quá nhiều bởi vì bạn sẽ cảm thấy nhàm chán), và việc không quyến luyến những thứ ta có thể đánh mất.
Tuy nhiên, cũng cùng lúc đó, càng thực hành phương pháp ba bước của Nhất Minh, tôi càng thấy nó thực sự hiệu quả. Tôi bắt đầu tập thiền ở công ty. Tôi đặt lời nhắn trong điện thoại để nhắc nhở mình gửi những lời chúc hạnh phúc đến người khác mỗi giờ. Và tôi luôn nhớ tự nói với bản thân rằng “Tôi đang vui!” khi tôi chơi đùa cùng các con, chạy bộ trong công viên, uống một ly bia ngon và thậm chí khi viết lại bài viết này.
Tuy nhiên, tôi cần tìm cách lý giải cho trải nghiệm tích cực của chính mình trong trường hợp thiếu rõ ràng những bằng chứng hộ trợ cho phương pháp của Nhất Minh. Nhất Minh liệu có đang giới thiệu đến chúng ta một điều gì đó thật sự giá trị hay ông chỉ đơn thuần là một “lái buôn bán ánh nắng mặt trời giá rẻ / merchant of cheap sunshine”, như Haybron vẫn thường mô tả một số chuyên gia về hạnh phúc.
Tôi đã hỏi nhà tâm lý học Tom Stafford, đồng thời là tác giả của chuyên đề Neurohacks trên BBC Future, về những trăn trở này. Ông nói với tôi: “Dùng khoa học để lý giải cho những trải nghiệm cá nhân là việc làm rất khó khăn trong trường hợp này vì hạnh phúc là một phạm trù phức tạp. Cá tính đặc thù của mỗi cá nhân đưa đến những biểu hiện đa dạng. Điều đó lý giải cho những khác biệt giữa trải nghiệm cá nhân và kết quả khoa học thực nghiệm […]. Đối với tôi, câu hỏi thú vị nhất là khi nào thì ta nên tin vào kinh nghiệm bản thân và khi nào tin vào khoa học.”
Stafford nói thêm: “Rõ ràng chúng ta không cần khoa học trong một số trường hợp, thí dụ để biết “rớt một hòn đá vào chân thì có đau không?”. Nhưng trong một số trường hợp khác thì chúng ta lại cần, thí dụ để biết “hút thuốc có hại cho sức khỏe của tôi hay không?” Hạnh phúc nằm giữa hai trường hợp này.”
Khi cân nhắc giữa kinh nghiệm cá nhân và chứng cứ khoa học đối với phương pháp của Nhất Minh, tôi cảm thấy gần hơn với phe rớt-hòn-đá-vào-chân, tin tưởng vào trải nghiệm bản thân nhiều hơn bằng chứng khoa học. Như Stafford lưu ý, có thể việc thiền định, ghi nhận lại những niềm vui và chúc cho người khác hạnh phúc hiệu quả đối với tôi một phần do tính cách cá nhân của chính mình.
Có thể là các nghiên cứu trong tương lai sẽ làm sáng tỏ hơn về những vấn đề này. Lĩnh vực tâm lý học tích cực chỉ mới có mặt vài mươi năm nay. Stafford nhận định: “Một phần lý do bạn không thể tìm thấy những bằng chứng là do chúng ta chưa nghiên cứu về nó đủ lâu nhưng chúng ta đã nghiên cứu về chứng trầm cảm.”
Ngày càng có nhiều nghiên cứu về hạnh phúc được công nhận, và Hayborn thấy phạm trù này có giá trị tương đương với phạm trù đối nghịch với nó, đó là sự bất hạnh. Ông kết luận: “Việc đo lường hạnh phúc không có gì là bí ẩn hay khó khăn hơn việc đo lường sự trầm cảm hoặc lo âu, và cũng có khả năng gây tranh cãi tương tự.”
Đối với nhiều người, phương pháp ba bước của Nhất Minh có vẻ hiển nhiên và đơn giản. Tuy nhiên, ông đã so sánh phương pháp này với việc thực hiện các lần chống tay nằm hít đất hay nâng tạ ở phòng tập thể hình. Bạn biết nó sẽ làm bạn khỏe mạnh hơn, nhưng bạn phải tập thể dục mỗi ngày để có được kết quả. Tôi có thể thấy mình bị thuyết phục bởi những kinh nghiệm hơn là bởi những bằng chứng khoa học, nhưng nó cũng đủ để giữ cho tôi đi đến “phòng tập hạnh phúc” của Google và thực hiện những lần chống tay nằm hít đất.
Nguyên tác: DAVID G. ALLAN
Dịch: NGÔ THÚY ANH




Các chú thích trong bài do Văn Uyển thc hin:
David G. Allan tốt nghiệp University of Maryland College Park, từng làm biên tập viên cho The New York Times, MTV, nhà xuất bản Random House… trước khi làm việc cho BBC Worldwide.
Hiền muội Ngô Thúy Anh vốn là thanh nữ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo. Hiện nay Thúy Anh đang làm nghiên cứu sinh chuyên ngành tâm lý học tại Nanyang Technological University (Singapore). Hiền muội dịch bài này theo lời mời của Ban Ấn Tống.
[1] Mountain View là thành phố ở hạt Santa Clara County, trong khu vực vịnh San Francisco, thuộc bang California, Hoa Kỳ.
[2] Lễ hội SXSW (viết đầy đủ là South by Southwest Festival) có từ năm 1987, tổ chức hàng năm vào giữa tháng 3 tại thành phố Austin, bang Texas, Hoa Kỳ. Lễ hội bao gồm cả hội thảo và các hoạt động liên quan tới phim ảnh, âm nhạc và tương tác (interactive).
[3] Matthieu Ricard (sinh ngày 15-02-1946) tại Aix-les-Bains, Savoie (nước Pháp). Sau khi lấy bằng tiến sĩ về di truyền học phân tử (molecular genetics), ông từ bỏ tất cả để trở thành nhà sư tu theo pháp môn Phật Giáo Tây Tạng. Ông viết sách, dạy học, nhập tịch Nepal và cư trụ tại tu viện Shechen Tennyi Dargyeling ở Nepal.
[4] Johnny Mercer (1909-1976) là thi sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ Mỹ.
[5] Barbara Fredrickson (sinh năm 1964), giáo sư tâm lý học người Mỹ.
[6] Michael Argyle (1925-2002), người Anh, là một trong những nhà tâm lý xã hội danh tiếng.
 ------------
Hạnh phúc giống như nụ hôn. Để hưởng được nó, bạn phải san sẻ nó với người khác.
Happiness is like a kiss. You must share it to enjoy it.
BERNARD MELTZER (nghệ sĩ Mỹ, 1916-1998)