TIỄN BIỆT PHỐI SƯ THƯỢNG
NHÂN THANH
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo rất thương tiếc được tin
Phối Sư Thượng Nhân Thanh (thế danh Lê Văn Nhân), Hội Thánh Cao Đài Cầu Kho −
Tam Quan (Bình Định) đã quy thiên lúc 19 giờ 10 ngày 21-9 nhuận năm Giáp Ngọ (13-11-2014).
Lễ tang cố Phối Sư được cử hành trang trọng theo nghi thức Hội Thánh; sau đó,
người được an táng tại nghĩa trang Hoàng Thứ, thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện
Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cố Thượng Phối Sư sinh năm 1953, tại thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài
Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhiều năm qua, Anh Lớn hết lòng ủng hộ Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống, đã đến dự họp mặt ấn tống tại thánh thất Bàu Sen (quận 5, TpHCM),
không quản ngại xa xôi cách trở. Ở tỉnh nhà, trong lúc đến hành đạo tại các
thánh thất trực thuộc Hội Thánh, Anh Lớn không nệ nhọc nhằn, thường mang theo
kinh sách ấn tống để giới thiệu và tặng các họ đạo…
Chúng con thành tâm cầu nguyện Đức Chí Tôn ban bố hồng ân độ rỗi chơn
linh Phối Sư Thượng Nhân Thanh sớm được cao thăng phẩm vị nơi cõi thiêng liêng
hằng sống.
*
TIỄN BIỆT HIỀN HUYNH ĐẠT
TRUYỀN
Một thành viên nhiệt thành của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo là hiền huynh Đạt Truyền (thế danh Hà Văn Phủ) đã quy thiên lúc 20 giờ 15 ngày 12-9 nhuận năm Giáp Ngọ (04-11-2014). Lễ tang cử hành trọng thể theo nghi thức Đại Đạo tại thánh thất Bàu Sen; sau đó, sáng ngày 08-11-2014, cố hiền huynh được đưa về an táng tại Thánh Lâm Mộ Địa (thuộc Vĩnh Nguyên Tự, xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Hiền huynh Hà Văn Phủ sinh ngày 27-6 Mậu Dần (24-7-1938) tại nhà thương
Rạch Kiến, xã Long Hòa, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Cần Đước,
tỉnh Long An). Vì thân phụ làm khai sanh trễ một ngày nên giấy khai sinh ghi
ngày 25-7-1938. Hiền huynh tự thuật như sau:
Tía tôi tên Hà Văn Kỷ,
sanh năm 1899, là con thứ năm trong gia đình. Ông nội tôi tên Hà Văn Đồ, mất
năm 1919. Bà nội tôi tên Mai Thị Lộc, mất năm 1943. Tôi bắt đầu biết tía tôi
khi tôi lên ba tuổi. Khi nầy tôi thấy mỗi tối, má tôi ngồi trước cửa nhà, dưới
bóng dèn dầu, cạnh bên rổ may (vải vụn cuộn lại mỗi thứ từng bó để vá áo quần).
Má tôi vừa vá áo quần cho các con, vừa trông nhà sợ trộm cắp, vừa trông tía tôi
đi khai đàn (thượng tượng) về. Hầu như ngày nào tía tôi cũng đi khai đàn thượng
tượng, nên má tôi thường xuyên ngồi may vá áo quần cho con mỗi buổi tối.
Năm Bính Dần (1926), khi đạo Cao Đài
vừa khai mở là có mặt tía tôi rồi. Ngày 23 tháng 8 Bính Dần, tía tôi cùng bác
Tư tôi (Hà Văn Nguyện), cùng chú Tám tôi (Hà Văn Vàng) và anh Ba Phan Văn Ngựa
(con của cô Hai tôi) cùng đi lên Chợ Lớn đến nhà ông Nguyễn Văn Tường họp mặt
ký tờ Khai Đạo Cao Đài, gồm tất cả có 247 vị.[1]
Sau ngày
Khai Minh Đại Đạo, Tòa Thánh Tây Ninh được cất ở làng Long Thành. Bà nội tôi, tía
tôi, cô Hai tôi cất nhà ở cạnh Tòa Thánh để tu theo Cao Đài Tây Ninh. Đến năm
1934, tía tôi theo Ngài Nguyễn Ngọc Tương về Bến Tre theo Cao Đài Ban Chỉnh Đạo
hành đạo với phẩm Giáo Hữu.
Má tôi
tên là Nguyễn Thị Vỉ, cũng sanh năm 1899. Ông ngoại tôi tên Nguyễn Văn Luận,
mất năm 1918. Bà ngoại tôi tên Nguyễn Thị Lan, mất năm 1937, người cùng xóm với
ông nội tôi, ấp Thuận Tây, xã Thuận Thành.
*
Là nhân viên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
Đại Đạo, bước đường tu học và hành đạo của hiền huynh Đạt Truyền có những mốc
đáng nhớ như sau:
Năm 1998, hiền huynh bắt đầu ăn chay trường kể từ mùng một Tết Mậu Dần.
Tháng 12-1998, hiền huynh học Dự Bị Sơ Thiền tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo
Lý Đại Đạo.
Đầu năm 1999, hiền huynh bắt đầu công cuộc thu thập hình ảnh các thánh sở
Cao Đài trong toàn quốc. Đến đầu năm 2000, có thêm hiền huynh Đạt Linh (Chánh
Hội Trưởng thánh thất Bàu Sen) sát cánh đồng hành cộng tác.[2]
Tháng 12-1999, hiền huynh học Sơ Thiền Cửu Cửu.
Tháng 12-2000 hiền huynh nghỉ hẳn việc đời, ở nhà tu. Trong tháng này, hiền
huynh học Sơ Thiền Thập Nhị Cẩm Đoạn.
Tháng 12-2001, hiền huynh học Nội Công Hấp Khí bậc một.
Thứ Tư 20-11-2002 (16-10 Nhâm Ngọ), hiền huynh chính thức báo cáo với Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo về công trình thu thập ảnh thánh sở và trân
trọng hiến Cơ Quan toàn bộ công trình điền dã thu thập hình ảnh.
Tháng 12-2003, hiền huynh học Nội Công Hấp Khí bậc hai.
Năm 2006, hiền huynh học khóa Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp một, tốt nghiệp năm
2008. Học khóa Bồi Dưỡng Giáo Lý cấp hai và tốt nghiệp năm 2012.
Ngày 15-4-2007 (17-02 Đinh Hợi), hiền huynh được Đức Giáo Tông Vô Vi Đại
Đạo ban thánh danh:
Hà Văn Phủ lòng thiền mới tới
Chốn Thiên Cung thơ thới nhẹ nhàng
Bớt đi mọi thứ vương mang
Đạt Truyền tên thánh Lão ban cho hiền.
Năm 2008, hiền huynh được Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo bổ nhiệm làm
Trưởng Ban Thông Tin Báo Chí.
Từ tháng 6-2008, hiền huynh nhiệt thành cộng tác với Chương Trình Chung
Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Trong năm này, hiền huynh xuất bản Các Thánh Sở Cao Đài Tỉnh Long An (nhà
xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội).
Năm 2009, hiền huynh xuất bản Các
Thánh Sở Cao Đài Tỉnh Bến Tre (Nxb Tôn Giáo).
Năm 2012, hiền huynh xuất bản Các
Thánh Sở Cao Đài Tỉnh Tây Ninh (Nxb Tôn Giáo). Cùng năm này, hiền huynh
được tiến đạo, thọ pháp thiền Nhị Cơ.
Đầu năm 2013, hiền huynh trình Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý bản thảo Các Thánh Sở Cao Đài Tỉnh Tiền Giang. Cuối
năm này, hiền huynh trình Cơ Quan bản thảo
Các Thánh Sở Cao Đài Mười Hai Hệ Phái.
Ngày 24-4-2014 (25-3 Giáp Ngọ), về tu thiền, hiền huynh học Thể Yên Pháp -
Ngọc Dịch Hoàn Đơn Điền.
Ngày 19-8-2014 (24-7 Giáp Ngọ), hiền huynh xin học pháp thiền Nhị Cơ Tiến
Đạo.
*
Trước ngày quy thiên, hiền huynh chu đáo sắp xếp mọi việc cần thiết, dặn
dò gia đình những điều giống như di chúc.
Suốt thời gian linh cữu quàn tại thánh thất Bàu Sen, đông đảo các Hội
Thánh, thánh thất, thánh tịnh, cơ quan Đạo trong và ngoài TpHCM, hai tôn giáo
bạn (Công Giáo, Phật Giáo) đã cử chức sắc, chức việc, cùng các tín hữu, bằng
hữu đời và đạo, lần lượt đến viếng hiền huynh.
Còn nhớ, ngày 27-8-2014 hiền huynh cùng với Ban Ấn Tống đến viếng thánh
thất Nhựt Chánh (Bến Lức, Long An), thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.[3] Không ngờ đây lại là chuyến hành đạo sau cùng
của hiền huynh cùng với Ban Ấn Tống. Vì vậy, trong tình cảm thương mến hiền
huynh, chiều ngày 07-11-2014, Giáo Hữu Thái Cheo Thanh (Đầu Họ Đạo
thánh thất Nhựt Chánh) đã cùng quý chức sắc, chức việc, nam nữ tín hữu của ba
thánh thất An Thạnh, Long Hiệp, và Nhựt Chánh, đến viếng hiền huynh Đạt Truyền
rất trọng thể.
Về phần Ban Ấn Tống, chiều ngày
06-11-2014, bốn huynh đệ (Đạt Tịnh, Trần Văn Quang, Thanh Căn, và Huệ Khải) đã cùng
dâng hương quỳ lạy tiễn biệt người bạn đạo thân thiết của mình. Hiền huynh
Truyền Trạng Thanh Căn ai điếu hiền huynh Đạt Truyền với bài thất ngôn bát cú quán
thủ như sau:
VÔ Vi chiếu triệu trở về nguyên
CÙNG với Chư
Linh ở cõi Tiên
THƯƠNG bởi nụ cười hồn hậu, thật!
TIẾC vì lời nói thẳng ngay, hiền!
ĐẠO
tâm tinh tấn, lo điền dã
HUYNH
đệ dung thông, bận cửa thiền
ĐẠT
đức, đạt công, Thiên phẩm đạt
TRUYỀN
tin Thượng Đế, ấy chân truyền.
Hiền huynh Đạt Truyền Hà Văn Phủ đã
trở về với Thầy Mẹ, kết thúc một quãng đường nhiều năm dài chí thành tâm đạo,
tinh nghiêm quy giới, và tu học đầy đủ cả ba mặt công quả, công trình, công
phu.
Dẫu biết rằng “Tử sanh do tại Thiên Công”, nhưng đông đảo bằng hữu của hiền
huynh, trong đạo lẫn ngoài đời, đều không khỏi bàng hoàng sửng sốt khi hay tin
hiền huynh đột ngột giã từ cõi ta bà để phục lịnh Thiêng Liêng. Thôi thì:
Từ
nay cách biệt âm dương
Anh
em Ấn Tống dọc đường lại vơi!
Người
đi kẻ ở ngậm ngùi
Bao
năm gắn bó, một ngày chia phân
Cầu
xin Thầy Mẹ hồng ân
Hiền
huynh bệ kiến Thiên Nhan chín trùng
Chúng tôi kính tiễn mấy dòng.
BAN ẤN TỐNG
[1] Thực tế có 245 vị ký tên (vì 2 vị
không ký tên). Trong danh sách các vị ký tên, thấy: tiền bối Hà Văn Vàng số thứ
tự 143; tiền bối Hà Văn Nguyện số 195; tiền bối Phan Văn Ngựa số 199; tiền bối
Hà Văn Kỷ số 214. [Văn Uyển chú]
[2] Xem thêm: Nhiều người viết, Nhớ Đạt Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo,
2008, 2009. (Quyển 11-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại
Đạo.)
[3] Xem bài và hình ảnh trong Văn Uyển tập Lợi (quý Ba 2014).