Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / ĐỨC CÔNG BÌNH CỦA NHO GIÁO TRONG ĐẠO CAO ĐÀI / Thanh Căn


Tiêu ngữ chúng ta thường thấy đi kèm với danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ ĐộCông Bình - Bác Ái - Từ Bi để chỉ cho sự tổng hợp Tam Giáo (Nho, Đạo, Thích) tức Tam Giáo quy nguyên trong đạo Cao Đài, bởi lẽ: Công Bình thuộc về Nho, Bác Ái thuộc về Đạo, và Từ Bi thuộc về Phật. Riêng về Công Bình, Đức Khổng Thánh dạy như sau:
“Đức công bình luôn luôn tồn tại trong vũ trụ và vạn sanh. Vì nếu thiếu lẽ công bình là tất cả hình thức này đến hình thức nọ, trong cõi hữu thể cũng như trạng thái siêu hình đều dấy động. Tất cả nhơn sanh tự cổ chí kim đều gội nhuần đức công bình mà an cư lạc Đạo.” [1]
ĐỊNH NGHĨA
Công là việc chung, chung cho mọi người; không nghiêng về bên nào; không tư tâm. Bình là bằng nhau, đều nhau, như: bình đẳng ngang hàng, bình quân đồng đều. Công bình: Không nghiêng về bên nào, không có ý riêng tư; ngay thẳng, không thiên lệch (justice).([2])
Từ định nghĩa trên, chúng ta suy ra công bình là trả cho người khác những cái thuộc quyền họ; là tôn trọng quyền lợi của người khác. Công bình cũng là đừng làm cho người khác những cái mà mình không muốn người khác làm cho mình.[3]
Ngoài ra, công bình còn được thể hiện trong ba phạm vi của xã hội:
- Phạm vi pháp lý: Công bình là sống hợp với quyền lợi do luật pháp thừa nhận.
- Phạm vi kinh tế: Công bình là tôn trọng tài sản người khác.
- Phạm vi đạo đức: Công bình là trung thành với nhân vị của chính mình và của người khác.
Muốn có công bình thì cần có lương tâm. Đức Khổng Thánh dạy:
“Lương tâm là đòn cân công lý, một khi phạm lỗi với người nào, làm đau khổ cho ai, một lâu sau cảm thấy hối hận ăn năn; nếu kẻ khác hại, vẫn không thù hằn nhau, mà cố làm sao thu phục kẻ đó về đường thiện. Tòa án lương tâm giữ cán cân công bình thiêng liêng cao cả nhứt (…) Việc chi chính bản thân không muốn thì chẳng hành cho kẻ khác.” [4]
ĐỨC CÔNG BÌNH CỦA NHO GIÁO TRONG ĐẠO CAO ĐÀI
Đức công bình của Nho Giáo xuất phát từ lòng nhân ái (lòng thương người), cho nên chúng ta thấy đức công bình của Nho Giáo tỏ rõ quan điểm nhân đạo trong học thuyết của Đức Khổng Tử, rằng con người chính danh không thể tách rời khỏi quần thể xã hội, người với người cùng sống và cùng phát triển bằng “tình yêu khắp mọi người và gần gũi người nhân đức”.[5] Giá trị đạo đức của công bình được xem là quan trọng và rất cần thiết vì trong đó có tình yêu thương, sự khoan dung và lòng trắc ẩn.
Khi trở lại trần gian vào Kỳ Ba qua phương tiện cơ bút đạo Cao Đài, Đức Khổng Thánh dạy:
“Thánh Sư tá trần [6] thọ lãnh chơn giáo của Đấng Từ Phụ trước kia, khai trường Nhơn Đạo để phổ cứu quần sanh (…), đem lại trật tự điều hòa lẽ nhân ái công bằng cho xã hội.” [7]
Để thể hiện lòng nhân ái, việc đầu tiên là lắng nghe và hiểu thấu lòng dân (thứ dân 恕民), kế đó làm cho dân giàu (dân phú 民富) và giàu đồng đều (quân phú 均富), và dạy dỗ dân chúng theo đường lành (giáo dân 教民).
1. Thấu hiểu lòng dân
Lo lắng về việc thực thi điều nhân và thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhơn sanh (dân chúng), Đức Khổng Tử dạy:
“Lo nghĩ làm điều nhân và thứ là trồng được cây đức, thi hành hình phạt hà khắc là trồng cây oán, cần lấy lẽ công bình mà hành sự.” [8]
Cho nên sinh thời Đức Khổng dặn dò các đệ tử luôn giữ gìn cái tâm nhân thứ để có thể thương yêu, thấu hiểu và bao dung người khác.
Chữ thứ ở đây có nghĩa là suy bụng ta ra bụng người; lòng mình không muốn thì đừng bắt người phải chịu, đó gọi là thứ . Vậy cái bụng của người dân muốn gì? Tất nhiên ai cũng muốn mọi điều cát tường, có cuộc sống ấm no hạnh phúc và được đối xử công bình, vì “công bằng sẽ làm vui lòng người.” [9]
Một hôm thầy Tử Cống hỏi Đức Khổng Tử:
“Nếu có một người đưa nhiều điều tốt đến cho dân, giúp dân sống tốt, có phải là người nhân không?”
Đức Khổng Tử đáp:
“Không chỉ là người nhân mà là bậc thánh nhân.” [10]
2. Dân sinh bình đẳng
Trong đạo Cao Đài, Đức Khổng Thánh dạy:
Đem minh đức, tân dân bình đẳng
Đem công bình xán lạn cõi đời
Đem người chánh đại rọi soi
Công bình nêu rõ Đạo Trời đã lâu.[11]
Nho gia cho rằng con người ai cũng có đức tánh lương thiện quang minh, đó là cái đức sáng (minh đức), nhưng bị tham dục che mờ, nếu được sự giáo dục thích hợp thì cái đức sáng kia sẽ hiển lộ.
Tân dân bình đẳng là làm cho mọi người cùng có sự thay đổi tốt về ý thức, không ngừng trau dồi phẩm chất và đức hạnh, tự mình cách tân cầu tiến, sau đó trở lại đem tài đức của mình ra cống hiến cho xã hội bằng cách xây dựng con người mới, xã hội mới theo mục tiêu bình đẳng cả hai mặt tinh thần và thể chất, thể hiện sự tương đồng nhân cách của con người.
Về tinh thần, ai cũng có quyền thụ hưởng quyền lợi giáo dục; thụ hưởng những sản phẩm văn hóa và thụ hưởng quyền tự do tối thiểu của con người trong khuôn khổ luật pháp.
Trong thời Tây Chu (1111-770 trước Công Nguyên) việc học chủ yếu dành riêng cho thành phần quý tộc, con nhà bình dân khó mà lọt vào các trường do triều đình quản lý. Đức Khổng Tử đã làm một cuộc cách mạng về giáo dục qua sự đề xuất tư tưởng hữu giáo vô loại, nghĩa là việc dạy học thì không phân biệt hàng quý tộc hay bình dân, chỉ cần có tâm chí hiếu học. Ngài mở lớp dạy học tại nhà để mọi người được học, với kỳ vọng bồi dưỡng hiền tài ra giúp dân giúp nước. Ngài nói:
Dạy người, ta không phân biệt thứ hạng, giàu nghèo, thiện, ác, dở hay.” [12]
Điều kiện nhập học thì vô cùng khiêm tốn:
[Kẻ cầu học] tự mình dâng lên một bó nem, ta chưa từ chối dạy bảo ai bao giờ.” ([13])
Về thể chất, không phân biệt kẻ thân người sơ; kẻ già người trẻ, Ngài đều chủ trương đối xử bình đẳng:
“Người già được nuôi dưỡng đầy đủ, bạn bè tin cậy lẫn nhau, trẻ em được quan tâm chăm sóc.” [14]
Đối tượng Ngài quan tâm trợ giúp là người nghèo:
“Ta nghe nói người quân tử chỉ cứu tế người nghèo, không cứu tế người giàu.” [15]
Cho nên trong một lần Ngài phát lương cho quản gia tên là Nguyên Tư tới chín trăm đấu, ông nầy thấy nhiều quá bèn từ chối, Đức Khổng Tử bảo:
“Đừng từ chối, cứ mang về cho người nghèo trong xóm.” [16]
Tuy nhiên, về phía những người nghèo, Đức Khổng cũng muốn họ có lòng tự trọng bằng cách nêu quan điểm của Ngài về việc người ta có được giàu có hay không, và giàu có bằng cách nào đều tùy thuộc vào khuynh hướng cần kiệm, thời vận và đạo đức của người đó. Theo Ngài, sự giàu sang không thể ngồi không mà cầu được. Ngài nói:
“Nếu giàu sang mà có thể cầu được thì dù có phải làm kẻ đầu sai thấp kém ta cũng làm. Nếu không thể giàu được thì ta chỉ làm việc ta thích thôi.” [17]
Đây không phải là phó mặc cho định mệnh như Nguyễn Du bảo “Bắt phong trần, phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”, nhưng là an mệnh thuận thời sau khi đã tận nhơn lực.
Đức Khổng Tử còn dạy dân khi làm giàu hay thoát cảnh nghèo thì phải theo lẽ công bình, chính đáng:
“Giàu và sang thì ai cũng thích, nhưng nếu sự giàu sang ấy do thiếu đạo đức mà có thì không nên chọn làm. Nghèo và thấp hèn, chẳng ai thích, nhưng nếu không dùng đạo đức để thoát khỏi nghèo hèn thì không nên làm. Người quân tử mà bỏ mất điều nhân, sao có thể gọi là quân tử?” [18]
3. Phân phối đồng đều để dân chúng thoát nghèo
Xuất phát từ tư tưởng nhân ái và học thuyết nhân chính, Đức Khổng Tử chủ trương phân phối quân bình để xóa nghèo và ổn định xã hội.
Đức Khổng Tử nói: “(…) Ta từng nghe nói, vua chư hầu có nước, quan đại phu có nhà chẳng lo buồn vì dân ít, mà lo buồn vì của cải phân phối không đều; không sợ nghèo mà sợ không yên ổn. Của cải chia công bằng thì dân không nghèo nữa. Dân yên ổn thì không cảm thấy người ít, nước yên sẽ không còn ngả nghiêng nữa.” [19]
4. Công bình và đạo đức
Trong đạo Cao Đài, Đức Khổng Thánh dạy:
Người đạo đức khư khư hòa ái
Mất công bình ắt phải rẽ tan
Công bình giữ vẹn Năm Hằng
Đạo Trời một thể đoan trang mới là.[20]
Theo thánh giáo dẫn trên, công bình luôn đi đôi với đạo đức: Không thể có công bình mà không có đạo đức hoặc có đạo đức mà thiếu mất công bình, và đạo đức đang nói ở đây chính là Năm Hằng tức là Ngũ Thường hay Ngũ Đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín).
Yếu tố ban đầu tạo nên đức công bình là “khư khư hòa ái”: tấm lòng lúc nào cũng tràn đầy nguồn nước thương yêu hòa thuận với mọi người, nó sẽ giúp cho lẽ công bình thấm đậm vào năm đức, lưu chảy trong từng mạch sống của nhân sinh, gây nên sự an bình cho gia đình và xã hội.
Suy ra từ lời dạy dẫn trên: Hành vi xâm phạm công bình đồng nghĩa với vi phạm Ngũ Giới Cấm, và đánh mất Ngũ Đức. Chẳng hạn:
* Hành vi đoạt mạng hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (giới bất sát sanh) làm mất lẽ công bình và đánh mất đức Nhân.
* Hành vi trộm cướp; lừa đảo chiếm đoạt; chứa đồ gian, làm hàng giả; kinh doanh hàng quốc cấm… để mưu lợi (giới bất du đạo) làm mất lẽ công bình và đánh mất đức Nghĩa.
* Hành vi tư thông với vợ hay chồng người khác hoặc vi phạm luật hôn nhân gia đình để thỏa mãn sắc dục (giới bất tà dâm) làm mất lẽ công bình và đánh mất đức Lễ.
* Hành vi say mê rượu thịt, làm náo động xóm làng, phung phí thời gian và tiền bạc… (giới bất tửu nhục) làm mất lẽ công bình và đánh mất đức Trí.
* Hành vi vọng ngữ, xảo trá, gạt gẫm người để thủ lợi về mình (giới bất vọng ngữ) làm mất lẽ công bình và đánh mất đức Tín.
Thật tình thì không ai muốn nhận về phần mình những điều xấu xa hay thương tổn, nhưng do không làm chủ nổi phàm tâm vọng ý nên biến sanh những hành vi trái đạo. Trong đạo Cao Đài, Đức Khổng Thánh dạy:
Ai chẳng biết vô tư là quý
Ai chẳng tường ích kỷ là sai
Ngặt vì tước lộc, tiền tài
Nhiễm mê hồn tục, mắt tai ù lòa.[21]
LỜI KẾT
Đức công bình là một nguyên tắc cơ bản cho sự an lạc, hạnh phúc từ trong gia đình ra ngoài xã hội, và nó cũng là nguyên tắc cơ bản cho sự chung sống hòa bình và thịnh vượng giữa các quốc gia trên toàn thế giới.
Trong đạo Cao Đài, Đức Khổng Thánh dạy:
“Từ trong gia đình, phụ mẫu xử vẹn công bình thì bảo vệ được hạnh phúc vui tươi; phu phụ xử vẹn công bình thì trọn thủy trọn chung; phụ tử có công bình thì phụ từ tử hiếu; huynh đệ tỷ muội có công bình thì huynh hữu đệ cung, em ngã chị nâng, vẹn tình cốt nhục. Nói rộng ra xã hội, từ thượng cấp đến hạ cấp có công bình thì hòa an lạc nghiệp, trên dưới vui tươi. Rộng ra thế giới đại đồng, có xử trọn công bình thì sẽ tạo nên thiên đàng cực lạc.” [22]
Do tầm quan trọng của đức công bình như nêu trên, những người đã lập nguyện tu thân hành đạo đều không thể thờ ơ với hai chữ công bình. Cái trục để kềm giữ cán cân công bình là cái tâm trung hòa, không thiên không lệch trong việc đối nhân xử thế và trong việc thực thi hành chánh đạo. Trong đạo Cao Đài, Đức Khổng Thánh dạy:
Việc xử sự giữ thường một mực
Chữ công bằng tích cực hành y
Không thiên vị, chẳng tư vì
Điều hay lẽ phải cứ thì hành theo.[23]
Chung quy, đức công bình của Nho Giáo giản lược chỉ có một câu: Những gì mình không muốn ai làm cho mình thì đừng làm cho người khác. Trong đạo Cao Đài, Nho Giáo đóng vai trò chính về phần Nhơn Đạo, phát triển dân sinh, mở mang dân trí và bồi dưỡng dân đức, đồng thời có mối quan hệ chặt chẽ trong tôn chỉ Tam Giáo quy nguyên qua tiêu ngữ Công Bình - Bác Ái - Từ Bi.
THANH CĂN



[1] Hội Thánh Cao Đài Trung Ương Trung Việt, Trung Thừa Chơn Giáo, bài 15 (Giữ Lẽ Công Bình), đàn ngày 15-6 Nhâm Dần (16-7-1962).
([2]) Đào Duy Anh, Từ Điển Hán Việt. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội 2001.
[3] Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. (Luận Ngữ, Vệ Linh Công) 己所不欲,勿施於人.
[4] Tòa Thánh Châu Minh, 10-01 Canh Tý (06-02-1960).
[5] Phiếm ái chúng nhi thân nhân. (Luận Ngữ, Học Nhi) 汎愛眾而親仁.
[6] Tá trần 借塵: Từ cõi trời đi xuống thế gian, mượn cõi trần để mở đạo, truyền giáo, dạy dân chúng đạo lý.
[7] Tòa Thánh Châu Minh, 10-01 Canh Tý (06-02-1960).
[8] Tư nhân thứ tắc thụ đức, gia nghiêm bạo tắc thụ oán, công dĩ hành chi. (Khổng Tử Gia Ngữ) 思仁恕則樹德, 加嚴暴則樹 怨, 公以行之.
[9] Công tắc duyệt. (Luận Ngữ, Nghiêu Viết) 公則說.
[10] Tử Cống viết: Như hữu bác thí ư dân nhi năng tế chúng, hà như? Khả vị nhân hồ? Tử viết: Hà sự ư nhân? Tất dã thánh hồ! (Luận Ngữ, Ung Dã) 子貢曰: 如有博施於民, 而能濟眾, 何如, 可謂仁乎? 子曰: 何事於仁? 必也聖乎!
[11] Tòa Thánh Châu Minh, 10-01 Canh Tý (06-02-1960).
[12] Tử viết: Hữu giáo vô loại. (Luận Ngữ, Vệ Linh Công) 子曰: 有教無類.
[13] Tử viết: Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường vô hối yên. (Luận Ngữ, Thuật Nhi) 子曰: 自行束脩以上, 吾未嘗無誨焉.
[14] Tử viết: Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi. (Luận Ngữ, Công Dã Tràng) 子曰: 老者安之, 朋友信之, 少者懷之.
[15] Ngô văn chi dã: quân tử chu cấp bất tế phú. (Luận Ngữ, Ung Dã) 吾聞之也: 君子週急不濟富.
[16] Nguyên Tư vi chi tể, dữ chi túc cửu bách, từ. Tử viết: Vô. Dĩ dữ nhĩ lân lý hương đảng hồ! (Luận Ngữ, Ung Dã) 原思為之宰, 與之粟九百, . 子曰: ! 以與爾鄰里鄉 黨乎!
[17] Tử viết: Phú nhi khả cầu dã; tuy chấp tiên chi sĩ, ngô diệc vi chi. Như bất khả cầu, tòng ngô sở hiếu. (Luận Ngữ, Thuật Nhi) 子曰:富而可求也, 雖執鞭之士, 吾亦為之. 如不可求, 從吾所好.
[18] Tử viết: Phú dữ quý, thị nhân chi sở dục dã; bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử dã. Bần dữ tiện, thị nhân chi sở ố dã; bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất khử dã. Quân tử khử nhân, ô hô thành danh? (Luận Ngữ, Lý Nhân) 子曰: 富與貴, 是人之所欲也; 不以其道得之, 不處也. 貧與賤, 是人之所惡也; 不以其道得之, 不去也. 君子 去仁, 惡乎成名?
[19] Khổng Tử viết: (…) Khâu dã văn hữu quốc hữu gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an. Cái quân vô bần, hòa vô quả, an vô khuynh. (Luận Ngữ, Quý Thị) 孔子曰: (...) 丘也聞 國有家者, 不患寡而患不均, 不患貧而患不安. 蓋均 , 和無寡, 安無傾.
[20] Tòa Thánh Châu Minh, 10-01 Canh Tý (06-02-1960).
[21] Hội Thánh Cao Đài Trung Ương Trung Việt, Trung Thừa Chơn Giáo, bài 15 (Giữ Lẽ Công Bình), đàn ngày 15-6 Nhâm Dần (16-7-1962).
[22] Tòa Thánh Châu Minh, 10-01 Canh Tý (06-02-1960).
[23] Chánh Giáo Thánh Truyền, đàn tại Tòa Thánh Châu Minh, ngày 07-12 Mậu Tuất (15-01-1959).