Gió muốn thổi đâu thì thổi.
(Gioan 3:8)
* Hiền hữu NG. TH. L. (Họ đạo Trung Thành, Đà Nẵng). Thư ngày 28-11-2014:
Tôi thấy Văn Uyển và các sách của
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo khi thì viết là BÁT NHÃ, lúc thì viết là BÁC NHÃ. Xin vui lòng giải thích
vì sao lại không nhất quán về chánh tả.
Ban Ấn Tống: BÁT NHÃ 般若 là trí huệ
minh triết. Người Trung Quốc mượn hai chữ ban
nhược 般若 để dịch âm
chữ Phạn Prajna. Nhưng khi chuyển
sang cách đọc Hán-Việt, tại sao lại viết bát
nhã?
Trên Văn Uyển tập Hanh (Quý Tỵ, quý Hai 2013), trang 180-181, nhà nghiên cứu
Trần Văn Chánh trả lời rằng điều này “cũng có lý do ngữ âm khá rõ
ràng, chứ không phải đọc sai”. Trần tiên sinh giải thích:
“Trong 般若 (ban nhược), chữ 般 (ban) theo Long Khám Thủ Giám
còn đọc âm 撥 (bát) [bō]; chữ 若 (nhược) theo phiên thiết còn đọc NHÂN + GIẢ thiết, THƯỢNG
thanh, tức nhả (dấu hỏi), ta quen
đọc thành nhã (dấu ngã).”
Tương truyền, tiền bối Minh
Thiện (1897-1972) tu ở Minh Lý Đạo, bình sinh chủ trương viết BÁC vì cho rằng
chữ BÁT không có ý nghĩa. Do đó, khi nào nhắc đến Bác Nhã Thiền Sư
(quả vị ngài Minh Thiện), Bác Nhã Tịnh Đường
(thánh sở của Minh Lý Đạo) thì chúng tôi viết BÁC để tôn trọng chủ trương của tiền bối Minh Thiện. Khi nào
nhắc tới prajna theo truyền thống kinh
điển Phật Giáo Việt Nam từ Nhị Kỳ Phổ Độ thì chúng tôi viết BÁT.
Nói thêm: Căn cứ theo soạn giả Đặng Thế Kiệt (http://vietnamtudien.org/hanviet),
người Hoa có dùng hai chữ BÁC NHÃ 博雅, với ý nghĩa học thức uyên bác, phẩm
hạnh đoan chính. Đặng tiên sinh dẫn một thí dụ trong Minh Sử 明史: Mặc bác nhã hữu tài biện 默博雅有才辨 (Lý Mặc Truyện 李默傳); nghĩa là Lý Mặc học thức uyên bác, phẩm hạnh
đoan chính, có tài biện luận.
*
) Hiền huynh TRƯƠNG VĂN LONG (Cần Giuộc, Long An). Hỏi qua điện thoại ngày 05-12-2014:
Vừa qua tôi được một bạn đạo tặng quyển Tự
Thắp Đuốc Mà Đi của Thiện Quang, do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh
Sách Đại Đạo thực hiện. Tôi phân vân như sau: Đạo Thầy xưa nay chủ trương Thiên nhơn hiệp nhứt, nghĩa là mình tu
hành kiểu gì cũng đều có người và có Trời trong đó; nay lại nói tự thắp đuốc mà đi thì phải chăng mình
muốn bỏ qua phần tha lực của Trời?
Ban Ấn Tống: Thưa hiền huynh, quả thật người đạo Cao Đài
chúng ta không thể nào tu học và hành đạo mà không tin theo lẽ Thiên nhơn hiệp nhứt. Tuy nhiên, không
nên đồng hóa Thiên nhơn hiệp nhứt với
việc ỷ lại vào tha lực. Thuở mới khai Đạo, Đức Chí Tôn
dạy như sau: “Thầy đã nói cho các con hay
trước rằng nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời
tạm của các con, thì Thầy cũng không
bồng ẵm các con mà đỡ lên cho
đặng.” [1]
Tuy ngôn từ khác nhau nhưng qua lời dạy này rõ ràng Thầy nhắc chúng ta phải
tự lực, phải tự thắp đuốc mà đi.
Bốn mươi chín năm sau, tại Vĩnh
Nguyên Tự (Cần Giuộc), vào đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng 11 Bính Thìn, Đức Vô
Cực Từ Tôn Diêu Trì Kim Mẫu dạy: “Đến
một ngày nào đây các con cũng sẽ tự thắp
đuốc mà đi…”
Sau đó bảy năm, tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, vào đêm Rằm tháng 2 Quý Hợi,
Đức Chí Tôn nhắc nhở: “Vô Cực Từ Tôn đã từng dặn các con hãy tự thắp đuốc mà đi là để chuẩn bị đến một
lúc các con sẽ không nhìn thấy thế tựa bên ngoài nữa, mà phải trở về thế tựa
bên trong.”
*
) Hiền muội LINH và hiền muội THOA (thánh thất Nam Thành,
phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TpHCM). Hỏi qua điện thoại:
Sáng 25-12-2014 vừa qua, chúng em có tham dự lễ kỷ niệm Chúa
Giáng Sinh tại thánh thất Bàu Sen và nhờ vậy nên được tặng quyển 36 Bài Thánh Giáo Của Đức Gia Tô Và Các Thánh.
Đọc sách này, chúng em có hai thắc mắc:
- Ở cuối bài 16, Đức Gia Tô Giáo Chủ dạy: “Ba mươi sáu chữ thương phân dạy người”. Xin hỏi: Thương phân là gì?
- Ở giữa bài 32, Đức Gia Tô Giáo Chủ dạy: “Cái thái quá của sự cuồng tín, đồng với ta
là phải, là thanh; trái với ta là
quấy, là sơ.” Xin hỏi: Hai chữ là
thanh nghĩa là gì?
Diệu Nguyên: Hai hiền muội mến, thánh giáo Cao Đài truyền
dạy qua cơ bút, đồng tử hoặc viết chữ
lên bàn cơ, hoặc xuất khẩu (miệng nói
ra tiếng). Nếu đồng tử không xuất khẩu thì một vị độc giả quỳ cạnh bàn cơ sẽ nhìn mặt chữ do ngọn cơ viết ra và đọc lớn.
Một, hai, hay ba, bốn vị cùng làm điển ký
nghe theo lời độc giả hoặc đồng tử xuất khẩu mà ghi chép lại ra giấy. Kết thúc đàn cơ, các vị có trách nhiệm trong bộ phận thông công (Hiệp Thiên Đài) sẽ đối chiếu các bản viết của điển ký,
sửa chữa sai sót, hoặc chấm câu lại, sửa lỗi chánh tả, cách viết hoa, v.v…
Tuy nhiên, khi sao chép thánh giáo để truyền từ người này, nơi
này sang người khác, nơi khác nếu người sao chép thiếu thận trọng, hoặc vì không
hiểu thấu đáo lời dạy của Ơn Trên, tự ý sửa chữa, ắt làm cho thánh giáo khó hiểu.
(Chính vì vậy, ông bà xưa kia bảo tam sao
thất bổn.)
Việc thiếu cẩn trọng, phổ biến các thánh giáo bị ghi chép sai
sót như thế rất có hại: Một là tín đồ không hiểu lời Ơn Trên dạy; hai là dễ khiến
người đời mất đức tin vào cơ bút!
Hiểu rõ sự việc như thế thì hai hiền muội biết ngay vì sao hai
hiền muội lại có hai thắc mắc chí lý như đã hỏi chúng tôi.
Trả lời câu hỏi thứ nhất:
Câu thánh thi của Đức Gia Tô Giáo Chủ nếu thêm dấu phẩy thì sẽ
rõ nghĩa ngay: “Ba mươi sáu chữ thương, phân dạy người”.
Hai chữ phân dạy có
nghĩa là phân bày, giãi bày để dạy dỗ cho
rành rẽ. Câu thơ đó đọc xuôi như sau: Phân dạy người đời ba mươi sáu chữ
thương.
Thật vậy, trong bài thánh thi này, Đức Gia Tô Giáo Chủ nhắc tới
chữ thương tổng cộng 36 lần, đặt ở đầu
36 câu thơ lục bát. Nguyên văn cả bài lục bát 42 câu như sau:
Lòng Ta muốn cả nhơn loài
Thương nhau cho khỏi gặp ngày diệt vong
Thương là gốc đại đồng thế giới
Thương gieo mầm đi tới hòa bình
Thương sao khỏi cảnh đua kình
Thương tìm nguồn sống an ninh đời đời
Thương thì hết những lời qua lại
Thương sanh ra việc ngãi [nghĩa] lẽ nhân
Thương người tức thị thương thân
Thương tìm phương tiện tiến lần cho nhau
Thương thì hết tranh cao với thấp
Thương tất nhiên chẳng chấp chẳng nê
Thương xem thành thị như quê
Thương vùa giúp khổ há nề
thân nhân [vùa = giúp đỡ]
Thương mới có tinh thần phục thiện
Thương nên tìm cải tiến phương châm
Thương đưa người khỏi lạc lầm
Thương lần dập tắt cái mầm khổ lao
Thương xã hội chung nhau mới đặng
Thương gia đình trong lặng ngoài yên
Thương đừng vì lợi vì quyền
Thương đừng nhắm bởi túi tiền thị phi
Thương Ta đã trước đi gương mẫu
Thương Ta đành chịu thấu tâm can
Thương Ta thập tự nhẹ nhàng
Thương Ta mình chịu không màng kêu ca
Thương bớt đường tranh đấu lẫn nhau
Thương tâm mình khỏi xôn xao
Thương chung nhơn loại binh đao tắt lần
Thương tránh khỏi si sân tật đố
Thương thì xa được hố rẽ chia
Thương hòa tợ khóa với chìa
Thương như thế ấy đâu lìa được nhau
Thương nâng cao đồng bào chủng tộc
Thương há chi lừa lọc thân nhân
Thương cho ổn định cõi trần
Ba mươi sáu chữ thương, phân dạy người
Ta nhìn thấy các ngươi hòa hiệp
Lễ Giáng Sinh đón tiếp chơn thành
Ban ân chan rưới phúc lành
Thiên Đình trở bước, đêm thanh Ta về.
Trả lời câu hỏi thứ hai:
Sách in sai chữ thanh, lẽ ra là thân. Đức Gia Tô Giáo Chủ đã dùng hai cặp từ đối nghĩa nhau: phải
/ quấy và thân
/ sơ. Cho nên, để rõ ý nghĩa,
phải sửa lỗi và chấm câu như sau: Cái
thái quá của sự cuồng tín: đồng với
ta là phải, là thân; trái với ta là quấy,
là sơ.
*
) Hiền tỷ ẨN DANH (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Tp.HCM). Hỏi qua điện thoại ngày 05-01-2014:
Vừa rồi chúng tôi học tập giáo lý, vị hướng dẫn có hỏi: “Trong đạo Khổng thì
Kinh và Thư khác nhau thế nào?” Cả lớp chúng tôi đều không trả lời được mà
vị hướng dẫn có lẽ cũng “quên” không cho biết đáp án! Vậy, kính nhờ Văn Uyển giải
thích giúp sự khác nhau giữa Kinh và Thư.
Ban Ấn Tống: Thưa hiền tỷ, để trả lời câu hỏi ấy, chúng tôi
đã mời hiền hữu Lê Anh Minh giải đáp rõ, và có đăng bài trong Văn Uyển tập Nguyên (13), xuân Ất Mùi này.
*
* Hiền huynh NGUYỄN VĂN ĐẠO (phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Ngày 15-01-2015:
Thay mặt một số độc giả của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống ở họ đạo Long
Khánh (Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh), chúng tôi chân thành cảm ơn Ban Ấn Tống đã
giải thích rõ ràng ý nghĩa hai chữ CHƯ NHU, và đăng trên Văn Uyền tập Trinh
(12), quý Bốn 2014.
Lâu nay chúng tôi nhận thấy Văn Uyển giống như một “học báo hàm thụ”, giúp người đạo các nơi mở mang hiểu biết giáo lý,
văn hóa, v.v... Thật bổ ích cho tín đồ gần xa.
Cũng qua số Văn Uyển (12) này chúng tôi rất buồn khi đọc tin hiền huynh ĐẠT
TRUYỀN Hà Văn Phủ đã quy thiên. Chúng tôi được tin trễ, chẳng kịp đến thánh thất
Bàu Sen thắp nhang viếng hiền huynh và chia buồn với gia đình, chia buồn với Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý cũng như Chương Trình Ấn Tống. Trong lúc cúng thời, chúng
tôi sẽ hồi hướng, cầu nguyện hiền huynh sớm thọ hưởng hồng ân của Thầy Mẹ ban bố
nơi cõi thiêng liêng hằng sống.
*
) Hiền tỷ LÊ THỊ NÔ (họ đạo Trường An, Vĩnh Long). Điện thoại ngày 20-01-2015:
Một số đạo hữu ở hai họ đạo Trường An (Vĩnh Long) và Tân Nhuận Đông (Đồng
Tháp) rất sửng sốt và buồn khi đọc Văn Uyển tập Trinh năm Giáp Ngọ (12) và biết
tin hiền huynh ĐẠT TRUYỀN đã quy thiên. Hai nhóm đạo hữu chúng tôi vào ngày cúng
chung cửu của hiền huynh sẽ có mặt ở thánh thất Bàu Sen để cùng hiệp tâm cầu
nguyện cho giác linh người bạn đạo thân thương, kính mến.
Ban Ấn Tống: Chiều Thứ Sáu 23-01-2015, hiền huynh Nguyễn
Thanh Tùng và chín huynh tỷ từ TT Tân Nhuận Đông (Đồng Tháp), cùng hai hiền tỷ
Lê Thị Hữu, Lê Thị Nô (TT Trường An, Vĩnh Long) đã mang lễ phẩm đến dự thánh lễ
chung cửu của cố hiền huynh Đạt Truyền. Quý vị còn thăm Ban Ấn Tống, góp công
quả vào Chương Trình Ấn Tống, và bày tỏ mong ước được làm một điểm phát hành
kinh sách ấn tống tại Tân Nhuận Đông vào năm 2015.
*
* Hiền tỷ HỒ THỊ LAN (Ban Kinh Hộ, Cơ Quan Phước Thiện, Hội Thánh Truyền Giáo). Thư 22-01-2014.
Vừa qua, nhân lễ khánh thành thánh thất Trung Hòa ở Đăk Lăk ngày 14-11 Giáp
Ngọ (04-01-2015), Ban Kinh Hộ (Cơ Quan Phước Thiện, Hội Thánh Truyền Giáo) đã
chuyên chở rất nhiều đầu sách của Chương Trình Ấn Tống từ Đà Nẵng đến thánh thất
Trung Hòa, để kính biếu đạo hữu, quan khách... Dịp này, Ban Kinh Hộ đã cử các
huynh tỷ sau đây làm công quả phát hành kinh sách: Hiền huynh Hành Thiện Lê
Công Được; hiền huynh Nguyễn Văn Quang; hiền tỷ Hồ Thị Lan; hiền tỷ Nguyễn Thị
Huệ. Quý đạo hữu ở Tây Nguyên đã rất phấn khởi khi tiếp cận nguồn sách đẹp, bổ
ích, và phong phú với nhiều đề tài bổ ích.
Ban Ấn Tống: Chân thành đa tạ quý huynh tỷ đã giúp Chương
Trình Ấn Tống đưa sách đạo lên Tây Nguyên. Cảm ơn hiền tỷ Hồ Thị Lan đã chia sẻ
tin vui, và cảm ơn hiền huynh Nguyễn Văn Quang đã gởi ảnh chụp quầy phát hành
sách tại thánh thất Trung Hòa. Ước mong năm 2015, chúng ta sẽ mở rộng nhiều hơn
nữa mạng lưới phát hành.
* Một đạo hữu ở Bàn Cờ (quận 3). Thư 29-01-2014.
Vừa qua, tôi được thỉnh
quyển Tỉnh Thế Ngộ Chơn do Ngài
Nguyễn Minh Thiện phiên dịch (Nxb Tôn Giáo, 2014). Tôi đính kèm theo đây một số
câu, chữ tôi không hiểu, kính mong Văn Uyển vui lòng giải thích giúp.
Huệ Khải: Những từ ngữ quý đạo hữu thắc mắc đều là tiếng
Việt cổ. Xin lần lượt giải đáp như sau:
Câu 10: Ái xiềng, tình tróng, buộc cầm ngổn ngang.
Tróng là một đoạn tre dài khoảng hai,
ba tấc; hai đầu dùi lỗ để xỏ dây. Có thể dùng tróng để tròng cổ con chó, cột
vào một chỗ để nó khỏi chạy mất (gọi là tróng
chó). Đóng tróng là bắt mang
tróng. Gông tróng cũng như gông cùm. Vậy tình tróng nghĩa là ái tình
trói buộc con người.
Câu 43: Giận gây tai họa, tan tành
họ đang.
Họ đang nghĩa là họ hàng, thân thích.
Câu 47: Luống công tụng niệm, no nao Đạo thành?
No nao nghĩa bao
giờ, chừng nào.
Câu 52: Thần thông bấy quyết tiên thiên.
Chữ bấy nghĩa là chừng ấy, ngần ấy,
như thế ấy. Câu 52 nghĩa là khẩu quyết
tiên thiên thần thông (nhiệm mầu) ngần ấy (như thế ấy).
Câu 62: Chín mươi sáu giống tà đoan.
Tà 邪 là gian tà, bất chánh; đoan
端 là mầm mống, đầu mối. Tà
đoan là mầm mống bất chánh, đầu mối tà vạy.
Câu 68: Một thời lầm lạc, muôn thời
trầm mai.
Trầm 沉 là chìm đắm; mai 埋 là chôn vùi.
Câu 91: Dầu ai phước rộng tăm tăm.
Tăm tăm nói đầy đủ là tăm tăm mù mù, nghĩa là rộng lớn bao la, nhìn ngút cả mắt, không
thấy được trọn vẹn.
Câu 98: Mảy hào, nghiệp cảnh chiếu hình chẳng sai.
Cảnh tức là kính, theo cách gọi của người miền Nam vì kiêng
húy Ngài Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính
阮有鏡 (1650-1700). Cảnh (hay kính) là tấm kiếng, tấm gương soi. Nghiệp cảnh (kính) là tấm
kiếng ở thế giới bên kia, phản chiếu tất cả nghiệp lành và nghiệp dữ mà con
người đã gây tạo trong cuộc sống trên trần thế.
Câu 108: Mỗi điều dối trá, phân
minh thị trừng.
Thị 是 là đúng, phải. Trừng 懲 là trách phạt. Thị trừng là trừng phạt đúng người,
đúng tội.
Câu 114: Hữu hình, đặng ấy thường lề.
Thường lề tức là thói thường, lẽ thường.
Câu 165: Người mù đêm tối chơn lần hang mai.
Mai là loài rắn lớn, như mãng xà. Vậy, hang
mai là hang mãng xà, hang rắn lớn.
Câu 174: Cá, dều, rồng, cọp, một lần vượt cao.
Sách in sai. Lẽ ra là diều (chữ Nho là diên 鳶, tức là con diều hâu; tiếng Anh là kite), người Việt gọi tắt là diều.