Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

ĐĐVU 12 / ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI / Trúc Thảo



Một buổi tối cuối thu, khi không gian chìm lắng vào trong đêm tối, tôi vẫn còn thao thức đếm tiếng thời gian. Đâu đây như văng vẳng tiếng hát một bài nhạc Trịnh: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi. Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông. Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông. Ôi, trái tim đang bay theo thời gian. Làm chiếc bóng đi rao lời ...”
Vâng, gió đã cuốn đi rồi một con người, với nụ cười hiền hòa, với tâm chí đêm ngày không mệt mỏi. Tôi vẫn biết rồi ngày ấy sẽ đến khi nhìn vào ánh mắt ngày mỗi đục mờ vì thần sắc như đã thu vào bên trong thăm thẳm. Nhưng tôi vẫn chưa kịp, vẫn chưa xong những lời hứa và những sự chuẩn bị… Tôi thấy tiếc nuối vì đã mất đi một người đồng hành, một người luôn có mặt và nhiệt tình khi có ai cần giúp đỡ, và hơn thế nữa, tôi đã không còn được nghe những lời động viên nhắc nhở khi tôi khó khăn, lùi bước…
Ở Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, không ai là không biết đạo huynh Đạt Truyền. Ông là người truyền bá giáo lý qua kinh sách ấn tống, ông còn là người truyền lửa, truyền ngọn lửa nhiệt tâm và tích cực cho mọi người. Đối với ông, sách là bảo vật. Ông trân trọng sách đạo bởi trong ấy chứa đựng những lời vàng tiếng ngọc của Ơn Trên, mà ông tin rằng mọi người theo đó có thể giác ngộ, tìm về ngôi vị. Sách còn là tâm huyết của bao bậc tiền bối đã đúc kết bằng kinh nghiệm bản thân, dẫn đàng soi lối cho kẻ hậu sinh. Ông đã ĐẠT được thành công khi TRUYỀN niềm đam mê sách và TRUYỀN niềm tin truyền bá giáo lý giác ngộ người đời qua kinh sách, bằng chứng là ông đã kêu gọi rất nhiều người quyên góp cho quỹ ấn tống kinh sách tại Cơ Quan, và ủng hộ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Trao một quyển sách với một nụ cười thân ái động viên và cả tấm lòng quý mến, đó là hình ảnh đặc trưng của đạo huynh Đạt Truyền.
Ở tuổi bảy mươi bảy, ông làm việc gấp mấy lần thanh niên. Đâu cần đạo huynh có, đâu khó có đạo huynh. Tôi vẫn hay biếng lười đi cúng cửu cầu siêu, đi tịnh nhóm. Đạo huynh là người luôn mẫu mực. Ông đi làm công quả vì tấm tình đồng đạo, vì sự quan tâm chứ không vì sự lập công bồi đức. Chẳng những thăm viếng đồng đạo khi gia đình có tang sự hay có người bệnh, ông còn quan tâm đến những người già yếu hay những đạo hữu vì lý do nào đó ít đến Cơ Quan. Bằng vài quyển sách, một tập san mới ra, và cả qua thư điện tử, ông đã mang đến cho người nhận cả một tấm lòng. Nhìn cung cách ông đến với mọi người, tôi thấy vô cùng trân trọng. Ông đi tịnh, đó là tính kỷ luật bản thân. Phương châm của đạo huynh Đạt Truyền khi sinh thời là “Không tịnh không ăn cơm”. Đó còn là niềm vui an lạc của riêng ông trong giờ phút hiệp thông cùng các Đấng thiêng liêng. Khi bắt đầu vào Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, vì tuổi đã lục tuần, ông quyết định không đi mà phải chạy. Sức chạy của ông, không thanh niên nào bì kịp. Đi hết 1.350 thánh sở khắp 63 tỉnh thành, ở tuổi lục tuần, khó có ai có thể làm được.
Ông rất cầu tiến nên luôn động viên và giúp đỡ các bạn trẻ đang đi học khi các bạn gặp khó khăn về tài chánh, phương tiện, chỗ ở… Ông rất năng động nên sẵn lòng chia sẻ với mọi người khi được hỏi kinh nghiệm làm việc… Với ông, giúp đỡ mọi người một cách thiết thực là niềm vui, là thức ăn thức uống tinh thần trong đời sống đạo của ông.
Đạo huynh Đạt Truyền là một mẫu mực, là tấm gương cho mọi người về sự thực hành những điều đã học. Sinh thời, ông giữ đúng các nguyên tắc này: “Nói được làm được”; “Làm những việc tầm thường để trở nên phi thường”.[1] Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh đạo huynh Đạt Truyền đẩy chiếc xe lăn khi chăm sóc đạo trưởng Chí Tín những ngày cuối đời.[2]  “Có ai muốn chụp hình với đạo trưởng không?” Ông đã làm cho đạo trưởng khỏe thêm được vài tuần khi cười vui chụp ảnh cùng bọn trẻ. Không có đạo huynh Đạt Truyền, chắc chắn chúng tôi không có những tấm ảnh để đời với cả hai người mà chúng tôi vô cùng kính mến.
Ngày vừa lên và đêm đã xuống mênh mông. Trái tim ông đã ngừng đập, trái tim ông đã bay theo thời gian, làm chiếc bóng đi rao lời mến thân. Ông đã làm cho nhiều trái tim phải thổn thức vì thương tiếc. Tạm biệt đạo huynh. Cầu nguyện đạo huynh vững bước trên con đường Bồ Tát Đạo, đi khắp cõi nhân gian để trao gửi thêm nhiều nụ cười, những lời động viên ân cần và những chân tình giúp đỡ. Chúng đệ muội sẽ luôn ghi nhớ thực hiện những lời đã hứa và sẽ tiếp nối những công việc còn dang dở của đạo huynh tại cõi trần này…
TRÚC THẢO
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 12-9 Giáp Ngọ



[1] Ngày 01-5-1965, Đức Mẹ dạy: “Các con hãy làm những việc tầm thường để trở nên phi thường…”
[2] Đạo trưởng Chí Tín, thế danh Lê Văn Bá (1918-2008), là Phó Tổng Lý Minh Đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.