Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

ĐĐVU 14 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổi đâu thì thổi. (Gioan 3:8)

* Hiền muội Thiên Kim (San Martin, California). Thư ngày 02-02-2015:
1. Tiểu muội đọc Đại Đạo Văn Uyển tập Trinh (số 12), 2014, thấy bài Can Tràng Ngàn Thu (tr. 18) ghi  Đấng thiêng liêng ban thánh thi là Đức Tổng Lý Đại Đồng. Xin vui lòng cho tiểu muội biết Ngài là ai?
2. Cũng Văn Uyển số 12, đọc Phụ Lục 1 (tr. 15), thấy dẫn lại câu ca dao Bình Định: Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên / Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm. Văn Uyển giải thích: “Thủ thiềng là thủ thành, giữ thành Bình Định. Tháp Cánh Tiên là tháp cũ của người Chăm.” Tuy có ảnh tháp này ở phụ bản 01, nhưng lại không cho biết “quan Hậu” là ai? Xin vui lòng giải thích giúp tiểu muội.
Ban Ấn Tống: Hiền muội quý mến, xin trả lời như sau:
Trả lời câu hỏi 1. Đức Tổng Lý Đại Đồng là Đức Đại Tiên LÊ VĂN DUYỆT trong Tam Kỳ Phổ Độ. Sau đây chúng tôi trích lại phần mở đầu bài thánh giáo ngày 18-8-1968 để hiền muội biết rõ hơn:
Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
Ngọ thời, 25-7 Mậu Thân (Chủ Nhật 18-8-1968)
Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ([1])
THANH MINH ĐỒNG TỬ
Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, chư liệt vị đàn tiền.
Vâng lịnh Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tiểu Thánh đến báo đàn, chư liệt vị được tường lãm. Đàn hôm nay có Tổng Lý Đại Đồng Lê Văn Duyệt giáng. Chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp. Tiểu Thánh chào chung. Xin xuất ngoại hộ đàn. Thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
Non nước suy vì thiếu kẻ nhân
Làm đèn đạo lý đã lu dần
Ai người mến nước thương dân tộc
Khêu lại đèn kia cho tỏ dần.
TỔNG LÝ ĐẠI ĐỒNG LÊ VĂN DUYỆT
Lão chào chư hướng đạo, chư nhân sĩ, mừng chư hiền đệ hiền muội đàn trung.
Lão đến trần gian hôm nay vào giờ này, là vì tự nhận thấy trách nhiệm của mình đối với Cơ Quan cũng như Lịch Trình Hành Đạo còn đang dang dở, và cũng thể theo tôn ý muốn xây dựng của Giáo Tông Lý Bạch, nên Lão đến trước Tòa Tam Giáo và được chuẩn phê lời cầu xin, nên giờ này Lão hiện diện phần vô vi trên linh cơ trước chư hướng đạo và chư hiền đệ muội, để cởi mở hết mọi tâm tình cũng như những gì chư hiền đang vấp phải và sẽ vấp phải trên đường thế Thiên hành hóa.
(...)
Trả lời câu hỏi 2. Ngài Võ Tánh giữ thành Bình Định trong ba năm (1799, 1800, 1801), sau đó thì tự thiêu khi thua quân Tây Sơn. Trước đó (năm 1788), ngài được Chúa Nguyễn (Phước) Ánh phong chức Tiên Phong Dinh Khâm Sai Chưởng Cơ. Đến năm 1793, ngài được thăng lên chức Khâm Sai Quán Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân Hộ Giá. Vậy, hai chữ “quan Hậu” tức là nói tới chức vụ của ngài từ năm 1793.
*
* Hiền tỷ Trần Thị Quý, Trưởng Ban Phổ Tế thánh thất Lộc Thuận (HT Cầu Kho - Tam Quan), thôn Vinh Thạnh 1, Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định. Thư 07-02-2015:
Đắn đo rất nhiều lần, hôm nay đạo muội mới mạnh dạn viết thư này gởi đến quý huynh tỷ trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Lời đầu tiên, đạo muội xin kính chúc quý hiền huynh, hiền tỷ trong Ban Ấn Tống luôn luôn sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn, và vững bước trên con đường tu công lập quả, phổ thông giáo lý Kỳ Ba.
Đạo muội hết lòng cảm kích và biết ơn Chương Trình Chung Tay Ấn Tống. Từ khi về Hội Thánh Cầu Kho - Tam Quan tới nay, lúc nào đạo muội cũng thấy khao khát kinh sách Đại Đạo. Thánh thất Lộc Thuận của đạo muội ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn vật chất nhưng bổn đạo vẫn ham thích học hỏi giáo lý.
Năm 2010, ngày lễ Vía Thầy mùng 9 tháng Giêng, đạo muội về Hội Thánh Cầu Kho - Tam Quan và nhận được quyển Luật Nhân Quả Theo Giáo Lý Cao Đài (của Huệ Khải). Thật là món quà quý báu.
Từ khi có Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, kể từ quyển số 1 (Đất Nam Kỳ Tiền Đề Văn Hóa Mở Đạo Cao Đài, của Huệ Khải) đến quyển 86 (Mấy Nhánh Rồi Sau Cũng Một Nhà, của Phạm Văn Liêm), đạo muội chỉ thiếu ba quyển sau đây, và rất mong được Ban Ấn Tống giúp đạo muội bổ sung cho đầy đủ:
Số 7: Các Thánh Sở Cao Đài Tỉnh Long An.
Số 13: Học Tập Thánh Giáo Năm Ất Tỵ.
Số 62: Cuộc Đời Đức Khổng Tử.
Mới rồi, họ đạo Lộc Thuận đã mất đi Lễ Sanh Hương Tâm (Nguyễn Thị Tâm, 1960-2014). Hôm cúng 81 ngày của cố hiền tỷ Lễ Sanh, nhìn di ảnh người bạn đạo khuất bóng, đạo muội rất cảm thương...
Ban Ấn Tống: Hiền tỷ quý mến, chúng tôi chân thành cảm tạ tấm lòng hiền tỷ, đã viết cho chúng tôi những trang thư rất dài để giãi bày tình cảm quý hóa của hiền tỷ. Chúng tôi xin phép được trích lại và đăng nơi đây một số đoạn, gọi là đồng cảm với hiền tỷ, một bạn đọc rất gắn bó của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Tình cảm của hiền tỷ trước việc Lễ Sanh Hương Tâm quy vị có lẽ cũng là suy nghĩ chung của phần đông đạo hữu chúng ta: Tiễn một bạn đạo rời khỏi trần gian cũng là lúc nên tự nhắc nhở bản thân rằng ai ai cũng phải tuân theo luật vô thường. Vậy, còn được sống ngày nào thì phải ráng sức tu học, hành đạo ngày ấy, bởi lẽ mỗi người chẳng thể biết bao giờ sẽ tới lượt mình! Sinh ký tử quy (sống gởi thác về), nhưng phải về như thế nào cho đúng nghĩa, khỏi uổng phí kiếp sống gởi nơi trần gian trong mấy mươi năm vắn vỏi.
Chúng tôi sẽ gởi biếu hiền tỷ quyển 62 (Cuộc Đời Đức Khổng Tử). Hai quyển số 7 và 13 đã hết, và chúng tôi chưa có kế hoạch tái bản trong lúc này.
Đến nay, không kể các lần tái bản, số nhan đề ấn tống đã là 90 (với quyển Minh Thiện Chơn Kinh), và thêm 14 tập Văn Uyển đã phát hành, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống như vậy đã in được 103 tập kinh, sách nhiều thể loại, trong thời gian bảy năm.
Là Trưởng Ban Phổ Tế của họ đạo Lộc Thuận, hiền tỷ có điều kiện để phổ truyền giáo lý cho nhơn sanh trong phạm vi họ đạo, chúng tôi cầu chúc hiền tỷ được nhiều thuận lợi trong bước đường công quả pháp thí. Mỗi khi cần thêm kinh sách, hiền tỷ cứ liên hệ với Chương Trình. Cầu nguyện hiền tỷ thân tâm thường lạc, tam công tinh tấn.
*
) Hiền tỷ Nguyễn Nguyệt Thu (La Ngà, Định Quán, Đồng Nai). Điện thoại ngày 18-02-2015:
Văn Uyển tập Nguyên Ất Mùi (số 13, 2015), trang 91, có nói tới cuộc tọa đàm quốc tế về tôn giáo được tổ chức tại Hà Nội. Xin vui lòng cho biết tọa đàm là gì?
Ban Ấn Tống: Hiền tỷ kính mến, để giải đáp, chúng tôi xin mượn ý kiến sau đây, được phổ biến trên Internet:
Hiện nay, ngoài những hình thức phổ biến thông tin qua các phương tiện như báo chí, phát thanh, truyền hình… thì một trong các phương pháp truyền thông hiệu quả là tổ chức tọa đàm (workshop).
Tọa đàm là một từ Hán Việt, có nghĩa ngồi để trao đổi, trò chuyện, vì thế nó có một quy mô nhỏ. Trong buổi tọa đàm, người nghe cũng là người nói. Các thông tin được trao đổi hai chiều.
Thông thường, tọa đàm được tổ chức trong một số đơn vị, cơ quan hay tập thể có cùng lĩnh vực hoạt động (kinh tế, y học, giáo dục hay xã hội…). Địa điểm tổ chức rất linh hoạt. Thí dụ, một nhóm nông dân ngồi bàn bạc với một chuyên viên khuyến nông về cách sử dụng một loại phân bón mới, dưới bóng mát của một gốc tre, một nhóm phụ nữ ngồi trao đổi với nhân viên hội phụ nữ tại nhà người dân về việc tổ chức quỹ tín dụng nhỏ… hay nhân viên các tổ chức xã hội ngồi thảo luận với nhau về kinh nghiệm giải quyết việc làm cho trẻ đường phố trong hội trường một cơ quan… tất cả đều được xem là các buổi tọa đàm.
Trong buổi tọa đàm, mọi ý kiến đều được tôn trọng, được lắng nghe nhưng cần có một vài người biết cách điều khiển, hướng các lời phát biểu đi vào trọng tâm, đạt được mục đích đã đặt ra. Vì ai cũng có quyền nói, nếu không có định hướng thì dễ rơi vào sự tranh cãi hay đi lệch mục tiêu, sa đà vào những chuyện “trong nhà ngoài phố”. Ngoài ra cần có quy định, có thể là những quy định bất thành văn, để hạn chế tình trạng nói lê thê, vừa dài, vừa dai vừa dở của vài người thích phát biểu, nhưng không biết mình nói cái gì, nên ngừng lại ở đâu.
Vì thế, để một buổi tọa đàm có giá trị, đem lại lợi ích cho người tham dự, mặc dù thảo luận tự do, nhưng cần xây dựng chủ đề cụ thể và phải có câu trả lời rõ rệt cho các câu hỏi sau đây: Buổi tọa đàm này nói về cái gì? Tại sao lại phải nói về điều đó? Nói như thế nào? Nói với đối tượng nào? Nói ở đâu? Nói trong khoảng thời gian là bao nhiêu?
Tọa đàm là một hoạt động rất hữu ích nếu biết sử dụng, nhưng nếu lạm dụng, cái gì cũng phải ngồi lại để trao đổi, để lấy ý kiến thì e không đem lại hiệu quả, mà chỉ làm cho hoạt động của đơn vị, tổ chức bị trì trệ, không phát triển. Chẳng hạn, vấn đề chỉ cần một hội ý nhanh chóng ngắn gọn là đủ, thì đừng tổ chức tọa đàm.([2])
*
) Hiền huynh Phạm Trung Quốc (thánh thất Nhựt Chánh, Bến Lức, Long An). Điện thoại ngày 21-02-2015:
Mỗi kỳ có Văn Uyển mới phát hành, tệ đệ đều sốt sắng giới thiệu với đạo hữu quanh vùng. Nhưng bà con ở đây phần lớn vốn chất phác, vừa thoáng nhìn thấy bìa sách liền nói “Tôi có rồi”. Tệ đệ phải giải thích là sách mới về, “bánh mì mới ra lò, còn nóng hổi,” làm sao huynh (hay tỷ) lại có được. Thì ra, bìa Văn Uyển lúc nào cũng in hình thánh thất hay thánh tịnh, nhìn thoáng qua thì khá giống nhau, cho nên bà con tưởng lầm. Phải chi Ban Ấn Tống nghĩ ra cách nào để giúp bà con dễ phân biệt. Chẳng hạn, mỗi tập Văn Uyển mình chọn một chủ đề, và in lớn chủ đề đó lên bìa 1 của sách.
Ban Ấn Tống: Hiền huynh kính mến, thời gian qua, gia đình hiền huynh rất tích cực ủng hộ công cuộc hoằng pháp thông qua việc lập tủ kinh sách tại thánh thất Nhựt Chánh, cũng như tại nhà riêng hiền huynh. Con trai hiền huynh mỗi khi có sách mới ra, đều chịu khó đến nhận rồi chở về Bến Lức. Chúng tôi vẫn luôn cảm phục tấm lòng quý hóa của cả gia đình hiền huynh. Hiền huynh cũng như một số gia đình đạo hữu khác nhiều năm nay đã góp công quả pháp thí rất hiệu quả.
Về ảnh bìa minh họa các tập Văn Uyển, hiền huynh nói đúng. Một hiền tỷ ở thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng) cũng từng phản ảnh với chúng tôi điều hiền huynh nói: Đạo hữu Cao Đài hay nhầm lẫn giữa số này với số khác, chỉ vì hình các thánh thất thoạt trông đều có vẻ giống nhau!
Làm bìa sách đạo khó hơn bìa sách thường. Chúng tôi chọn ảnh thánh thất, thánh tịnh để làm bìa Văn Uyển vì muốn cho bà con nhà đạo ở mọi nơi xa xôi, tuy không đủ điều kiện đến viếng khắp các họ đạo trong nước, vẫn có cơ hội được nhìn thấy nhiều thánh sở Cao Đài qua ảnh màu.
Thật ra, không có hai thánh sở nào kiến trúc giống nhau 100%. Bà con mình để ý chút xíu là thấy ngay sự khác biệt. Hơn nữa, trên gáy sách còn ghi rõ số 1, 2, 3, 4 theo từng năm 2012, 2023, 2014, 2015... Trên bìa 1 có ghi số thứ tự (cỡ chữ nhỏ): 1, 2, 3... Tập Văn Uyển này là số 14.
Hiền huynh đề nghị chọn chủ đề” cho từng tập Văn Uyển, quả là ý kiến hay; có điều chúng tôi e rằng nếu làm Văn Uyển theo chủ đề thì rất khó tập trung bài viết cho phong phú và sát chủ đề. Đội ngũ viết lách của chúng ta hiện nay vẫn còn mỏng, bài vở chúng tôi có được phải nói là rất trầy trật! Văn Uyển tồn tại qua được tới năm thứ tư, với số 14 như thế này thì Ban Ấn Tống đã ráng gồng” lắm rồi! Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhớ ý kiến hay của hiền huynh, để sẽ tìm ra một cách nào khác cho thỏa đáng.
*
* Một đạo hữu ở Bàn Cờ (quận 3). Thư ngày 26-02-2015:
Tôi cảm ơn Văn Uyển tập Nguyên, xuân Ất Mùi (số 13) đã giải thích các chữ Việt cổ in trong quyển Tỉnh Thế Ngộ Chơn do Ngài Nguyễn Minh Thiện phiên dịch (Nxb Tôn Giáo, 2014). Sau đây, tôi đính kèm thêm ba câu hỏi nữa liên quan quyển sách nói trên, để nhờ Văn Uyển giải thích.
Huệ Khải: Xin lần lượt trả lời đạo hữu như sau:
Câu 4: Mụa rằng ân oán, sát nhân mới tàng (tường).
Sách in sai, lẽ ra là mựa. Đây là tiếng Việt cổ (do gốc chữ Nho là Mạc ) nghĩa là đừng nên, chớ nên.
Câu 44: Thất tình là quái Mai san / Lục tặc như thể yêu tàng điện Ân.
Thất tình (mừng, giận, yêu, ghét, buồn, vui, sợ) ví như bảy con yêu quái núi Mai. Theo tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa (hồi thứ 90, 91, 93), bảy con yêu này xuất hiện ở núi Mai, chống lại quân Khương Tử Nha. Chúng gồm có: Ðài Lễ (chó sói thành tinh), Dương Hiển (dê núi thành tinh), Kim Ðại Thăng (trâu rừng thành tinh), Ngô Long (con rít thành tinh), Thường Hạo (rắn trắng thành tinh), Trư Tử Chân (heo rừng thành tinh), và Viên Hồng (vượn trắng thành tinh).
Điện Ân là cung điện nhà Ân (cũng gọi nhà Thương) của vua Trụ, nơi cáo thành tinh (mượn xác người đẹp Đát Kỷ) và đồng bọn hoành hành.
Câu 51: Hào quang sáng rỡ thấu trong cửu Huyền (Huyền Môn).
Chữ Nho là huyền môn, nghĩa là cửa huyền, nhưng sách in sai là cửu huyền.
Câu 192: Chiêm hoa, trước chỉ khai tâm.
Lẽ ra nên in là niêm hoa. Chữ Nho niêm gồm bên trái bộ thủ là cánh tay, bên trái là chữ chiêm nghĩa là xem bói. Chữ âm Bắc Kinh đọc là [niān] giống như người Việt Nam đọc nối liền hai âm “ni-en”; nhưng âm Hán-Việt đọc là niêm, có nghĩa nhón hai ngón tay cầm vật gì. Xưa kia trên núi Linh Sơn, Đức Phật Tổ im lặng nhón lấy đóa hoa giơ lên giữa đông đảo đại chúng, và chỉ riêng Ca Diếp lãnh hội ý nghĩa sâu kín, bèn mỉm cười. Sự tích này tạo nên thành ngữ quen thuộc là niêm hoa vi tiếu 拈花微笑 (nhón cánh hoa mà cười mím chi).
*
* Một tu sinh xin ẩn danh (đường Cống Quỳnh, quận 1). E-mail ngày 10-3-2015:
Văn Uyển tập Nguyên, xuân Ất Mùi (số 13), trang 26 có câu: Xuân chào Thánh Đạo ra đời Kỳ Ba. Như vậy, phải chăng đạo Cao Đài là đạo Thánh, không phải đạo Tiên?
Trang 34 có câu: Chưa phải lúc toàn thù duy nhất. Trang 35 có câu: Ngô Minh Chiêu với môn đồ bất như. Em xin hỏi: “toàn thù” và “bất như” nghĩa là gì?
Huệ Khải: Xin lần lượt trả lời hiền hữu như sau:
j Trong câu “Xuân chào Thánh Đạo ra đời Kỳ Ba”, hai chữ “Thánh Đạo” có nghĩa là Đạo thiêng liêng. Chữ thánh (holy) này cùng nghĩa với những chữ thánh trong các chữ thánh dụ, thánh giáo, thánh huấn, thánh lệnh, thánh ngôn, thánh thai, thánh thi, thánh tượng, thánh ý, v.v…
k Toàn là tất cả. Thù là bất đồng, không giống nhau. Duy nhất 唯一 là chỉ có một. Câu Chưa phải lúc toàn thù duy nhất” hiểu thoát ý là: Chưa phải lúc mà tất cả các sai biệt có được sự đồng nhất.
l Bất như 不如 nghĩa là không giống nhau, không đồng quan điểm với nhau.
*
* Thạc Sĩ Ngô Quốc Đông (Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội). E-mail ngày 16-3-2015:
Tôi vừa nhận được mười cuốn ĐẠI ĐẠO VĂN UYỂN, số Xuân Ất Mùi do Ban Ấn Tống gửi tặng. Văn Uyển in rất đẹp, trang trọng, thật ấn tượng cả về nội dung và hình thức. Rất cám ơn Ban Ấn Tống về món quà đầu xuân này. Kính chúc Ban Ấn Tống sức khỏe, mọi việc tốt lành. Trân trọng.
Ban Ấn Tống: Chúng tôi chân thành cảm ơn Thạc Sĩ Ngô Quốc Đông đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng lại bài viết công phu và bổ ích của hiền hữu trong số Xuân Ất Mùi (13). Chúng tôi cũng cảm ơn hiền hữu đã có lời nhận xét đầy hảo ý về tập Văn Uyển 13 này. Ước mong trong những số tới, Văn Uyển sẽ rất hân hạnh được tiếp tục đón nhận thêm nhiều bài viết hay của Ngô hiền hữu. Kính chúc hiền hữu và gia đình vạn an.




([1]) Pháp Đàn: Huỳnh Chơn; Đồng Tử: Hoàng Mai; Độc Giả: Huệ Chơn; Tứ Bửu Hộ Đàn: Diệu Lý, Diệu Hạnh; Điển Ký: Ngọc Kiều, Hồng Cẩm, Cao Lương Thiện; Chưởng Nghiêm Pháp Quân: Đạt Minh; Chứng đàn: Ban Thường Vụ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.
([2]) Tham khảo tại địa chỉ: http://elib.dostquangtri.gov.vn/thuvien/Include/TVDT.asp?option=4&CSDL=6&ID=3558&IDlinhvuc=1834

= Cái bước đầu tiên hướng tới tri thức là biết rằng chúng ta dốt nát.
The first step towards knowledge is to know that we are ignorant.
RICHARD CECIL (giáo sĩ Anh, 1748-1810)

ĐĐVU 14 / THƠ VÕ VĂN PHO



BƯỚC CHIỀU
bóng tôi
hay bóng của chiều
nằm nghiêng bên cỏ
nghe nhiều bước chân
bước vắng xa
bước thật gần
bước vội vã
bước bần thần
lạ chưa?
mặn nồng
đan bước nắng mưa
còn bao bước thiếu
bước thừa bão dông…
gió lên
cuốn bước phiêu bồng
lá lơ lửng lá
bụi hồng nhẹ tênh
ai cũng bước
sao tôi quên
nằm lì với cỏ
thả mông mênh chiều.
VÕ VĂN PHO
LẠI NHỚ VỀ ÔNG
Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998)
Ông đi
như gió ghé qua
trần gian quán trọ
nên tà tà chơi.
Trả tên, trả tuổi, trả lời
thị phi khôn dại
cho đời đa đoan
rong rêu
cùng với truông ngàn
thả bò trên núi
mơ màng dưới khe
lùa sao trăng bướm
le te
lượn qua triền mộng
sim hè tím tim.
Chiêm bao rớt hột
im lìm
nở hoa phiêu hốt
đốt tìm
nẻo thơ.
VÕ VĂN PHO

Thánh thất Trung Minh

ĐĐVU 14 / THƠ TRẦN DÃ SƠN


VÀ… RỒI
Và xưa ai mặc áo hồng
Và xưa sợi nắng sợi lòng phân vân
Và xưa ai đứng chôn chân
Và xưa đi học qua sân ngập ngừng
Rồi nay ai đã còng lưng
Rồi nay đời đạo gian truân khó tròn
Rồi nay ai mất ai còn
Rồi nay mấy kẻ gõ bồn mà ca
Và rồi ta về tìm ta
Và rồi thôi nhé, rồi và hư không
Và rồi hát khúc phiêu bồng
Và rồi còn lại mấy dòng đạo ca.
TRẦN DÃ SƠN (3-2015)
XƯA NAY
Từng con nước cũng nhọc nhằn bồi lở
Khúc giao mùa sông bể tỏ lời ru
Tiếng ai gọi từ ngàn xưa bỡ ngỡ
Đêm nằm nghe sóng lá vẫy rì rào
Ngày Giêng Hai nắng trên đầu lưu luyến
Áo hồng đào mấy thuở ủ hương xưa
Hương của đất với hương trời hòa quyện
Người đã về hay người vẫn còn chưa
Rồi năm tháng cõng tuổi xuân chạy trốn
Bỏ già nua lẽo đẽo bước chân đời
Thấy thấp thoáng bóng thời gian thỏn mỏn
Chờ bên song cuộc chia biệt đầy vơi
Đêm chở khúc vô thường theo nhịp thở
Giữa có không ai nhận diện được mình
Tay lần hạt để gỡ dần duyên nợ
Hồn trầm luân về gõ cửa hư linh.
TRẦN DÃ SƠN
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài

Krông Păk, Đăk Lăk, 20-02-2015

ĐĐVU 14 / THƠ HUỲNH VĂN MƯỜI


LÁ BỎ
Một mai lá bỏ cây rừng
Vầng trăng úp mặt trên từng nhân gian
Khuyết tròn chi lắm đa đoan
Rửa hương gột phấn khơi ngàn tịch nhiên
Một mai là bỏ niềm riêng
Bụi trần thôi hắt qua miền vô ưu
Sau lưng rụng trái oan cừu
Sông hồ chìm nổi còn lưu luyến gì
Một mai lá bỏ lời thề
Câu kinh chợt tỉnh giấc mê giữa đời
Biển trần một cuộc rong chơi
Vùi thân chi để luân hồi mà đau
Một mai lá bỏ cung sầu
Nguyệt cầm rã phím trên màu thời gian
Ngón xưa rỏ máu hai hàng
Ngời trên ngọn sóng Tiền Đường trổ hoa
Một mai lá bỏ quê nhà
Huyễn du trong giấc Nam Kha ngậm ngùi
Bồng bềnh ngọn sóng trôi xuôi
Nước trong veo chẳng vấy mùi lợi danh
Một mai lá bỏ thị thành
Vùi thân cỏ mục rêu xanh đại ngàn
Bới tìm trong cõi nhân gian
Chút yêu thương dẫu muộn màng cho nhau
Một mai lá bỏ niềm đau
Khói hương vịn khúc kinh cầu siêu thân
Trắng tay giữa cuộc phong trần
Thôi thì xong cuộc nợ nần trả vay
Một mai lá bỏ bạn bầy
Chiếu manh đắp mặt ngủ say bên đời
Vòng tay xưa mẹ ầu ơi
Vỗ về cát bụi những lời cỏ xanh
Một mai lá bỏ ngọn ngành
Rơi trong vô định thôi đành thịt da
Nghiêng vai giũ bụi ta bà
Hóa thân ngọn khói chiều tà nhẹ bâng.
HUỲNH VĂN MƯỜI
CỎ LÁ
Sóng đời giăng bủa quanh quanh
Soi đèn tìm ngọn gió lành hiếm hoi
Ta thân lá cỏ mệt nhoài
Bão dông xin đậu ra ngoài non tơ
Rớt khuya một khoảnh trăng hờ
Gót chân du tử đợi giờ phục sinh
Nắng lên gọi cuộc đăng trình
Giật mình, mình biết có mình ở đây
Xin nhè nhẹ một bàn tay
Mảnh mai sợi khói chiều nay ngậm cười
Sáng mai quỳ xuống ơn Người
Xin nhân gian nỗi ngậm ngùi bớt xanh.
HUỲNH VĂN MƯỜI
HẠT LÚA
Bông lúa cựa mình như muốn gọi ta đi
Mượt mà xanh bên chiều cơn gió thổi
Em chắc, lép trong bàn tay nóng hổi
Giọt sữa thơm chờ ngọn nắng mai về
Hạt mùa nghiêng nòn nõn cánh tay giê
Tiếng ràn rạt nhảy reo trên vành mủng
Nắng đổ nghiêng theo dáng chiều mẹ đứng
Như hàng cau rọi bóng xuống hiên nhà
Áo phai màu theo khoảng cách nào xa
Mỗi lần ghé thăm ngập ngừng năm tháng
Cọng rơm vàng cũng trầm tư lơ đãng
Nhớ bàn tay nắm mạ mướt trong đêm
Rét ngày đông rơm lót ổ chăn êm
Nơi chái bếp trái khế vàng chín mọng
Tiếng gà trưa gáy nghe chừng vỡ giọng
Cánh đồng sâu sùi sụt bóng mưa sa
Những đói nghèo năm tháng cũng trôi xa
Giật mình nhớ một thời sao da diết
Trên đất đá đã chồi non lộc biếc
Tận chân trời ngan ngát một màu xanh
Giọt sương khuya ngậm vành lá mong manh
Ánh trăng rọi bước chân người lữ thứ
Về nong nia đón mùa vàng đến ngự
Đất yên lành giọt sữa mẹ cưu mang.
HUỲNH VĂN MƯỜI
Thánh thất Nam Trung Hòa, Quảng Nam

(Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài

ĐĐVU 14 / CHIA SẺ VĂN THƠ TỪ THÁNH TÒA NGỌC KINH


Trong niềm vui được góp phần nhỏ bé vào công cuộc phụng sự Đại Đạo, Chương Trình Ấn Tống xin trân trọng chia sẻ cùng quý đạo hữu gần xa văn thơ sau đây:
THÁNH TÒA NGỌC KINH
 Hội Thánh Cao Đài Bạch Y
Liên Đoàn Chơn Lý
Mong Thọ, Châu Thành,
Kiên Giang
Số: 05/VT-BTT
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ Đ
Năm Đạo 89
Công Bình – Bác Ái – Từ Bi
Niên đạo 89
THƯ YÊU CẦU
V/v kinh sách từ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
Kính gởi: Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
Kinh Sách Đại Đạo
Do nhu cầu đạo sự cấp thiết Hội Thánh Bạch Y đăng cai hội thảo Tổ Chức Liên Giao“Đạo Cao Đài Trong Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam” và tổ chức Đại Lễ Chơn Tu - Ngày Khai Phái Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý hai ngày 14-15 tháng 02 Ất Mùi (nhằm ngày 02-3 tháng 4 năm 2015).
Với hoài bão phổ truyền giáo lý Đại Đạo, trưng bày kinh sách, giúp mọi người hiểu biết hơn về đạo Cao Đài nói chung, khơi gợi tinh thần thích đọc sách Đại Đạo, duy trì văn hóa đọc sách, củng cố đức tin… vì thế Ban Thường Trực Hội Thánh kính mong sự hoan hỷ tài trợ 3.500 quyển kinh sách từ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống (nhiều loại).
Rất mong chương trình hoan hỷ hưởng ứng lời mời của Ban Thường Trực. Kinh sách gởi giúp về Thánh Tòa Ngọc Kinh, địa chỉ: 675 ấp Hòa An, xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Xin chân cảm ơn Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
TM. Ban Thường Trực Hội Thánh
Chánh Phối Sư
(Chữ ký + con dấu)
HUỆ TÍN Trần Văn Huynh
*
Văn thơ của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống kính phúc đáp Hội Thánh Cao Đài Bạch Y như sau:
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
CHƯƠNG TRÌNH CHUNG TAY ẤN TỐNG
KINH SÁCH ĐẠI ĐẠO

Ngày 23 tháng 3 năm 2015
Kính gởi: Anh Lớn Chánh Phối Sư HUỆ TÍN
Ban Thường Trực
Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý
Phúc đáp v/v kính biếu Hội Thánh Bạch Y kinh sách.
Kính thưa Anh Lớn Chánh Phối Sư,
Chúng em rất hân hạnh được góp chút công quả nhỏ nhoi vào việc đạo của Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý. Do đó, ngay sau khi nhận được văn thơ của Quý Anh Lớn, chúng em đã sớm kính chuyển về Hội Thánh Bạch Y mười đầu sách ([1]) như sau:
[Danh sách đính kèm. Tổng số là 3.500 quyển.]
Số sách này được đóng trong hai mươi bao lớn, do hãng xe khách Phương Trang chuyển về Hội Thánh.
Toàn bộ cước phí vận chuyển đã được Chương Trình Ấn Tống đài thọ, mong Quý Anh Lớn không phải bận lòng về chút tiểu tiết ấy.
Chúng em kính tường trình, và kính chúc Quý Anh Chị Lớn Lưỡng Đài Hội Thánh Bạch Y luôn được an khang, thường lạc để chu toàn trọng trách với nhơn sanh.
Kính chúc cuộc hội thảo Tổ Chức Liên Giao“Đạo Cao Đài Trong Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam” và tổ chức Đại Lễ Chơn Tu - Ngày Khai Phái Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý vào những ngày tới đây sẽ đạt được kết quả mỹ mãn.
TM. Chương Trình Chung Tay Ấn Tống
Kinh Sách Đại Đạo
Huệ Khải




([1]) Nhân dịp Đại Lễ Chơn Tu tại Hội Thánh Bạch Y năm 2013, Chương Trình Ấn Tống đã kính chuyển về Thánh Tòa Ngọc Kinh vài ngàn bản sách. Do đó, lần này Chương Trình bổ sung các đầu sách chưa gởi vào năm trước. [Văn Uyển chú]

ĐĐVU 14 / CHIA SẺ THƠ MỜI TỪ TÒA THÁNH CHÂU MINH


Mở đầu niên trình hành đạo Ất Mùi (2015), sau khi nhận lời ủy thác của Quý Anh Lớn từ Tòa Thánh Châu Minh (Tiên Thủy, Bến Tre) để ấn tống mười hai ngàn bản kinh Minh Giáo Thánh Truyền Thi Văn Diệu Lý,([1]) thì Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo rất hân hạnh tiếp nhận thêm văn thơ số 54/VT-BTT, ngày 04-02-2015 của Quý Anh Lớn Ban Thường Trực Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên về việc mời Chương Trình tham gia trưng bày kinh sách ấn tống tại Thư Viện của Tòa Thánh Châu Minh trong dịp tổ chức Đại Lễ An Vị Tổ Đình Tòa Thánh.
Trong niềm vui được góp phần nhỏ bé vào công cuộc phụng sự Đại Đạo, Chương Trình Ấn Tống xin trân trọng chia sẻ cùng quý đạo hữu gần xa thơ mời nói trên.
HỘI THÁNH CAO ĐÀI
TIÊN THIÊN
BAN THƯỜNG TRỰC
Số: 54/VT-BTT
V/v: Mời tham dự
trưng bày kinh sách
TIÊN THIÊN ĐẠI ĐẠO
TAM KỲ PHỔ Đ
Năm Đạo 89
Công Bình – Từ Bi – Bác Ái
Tòa Thánh ngày 16-12 GN (04/02/2015)
Kính gởi: Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Quý hiền hữu thân mến,
Trước hết, Ban Thường Trực chúng tôi chân thành cảm ơn Quý Chương Trình đã hoan hỷ giúp công quả tài trợ ấn tống 12.000 quyển Minh Giáo Thánh Truyền để phát hành trong ngày Lễ An Vị Tổ Đình theo tinh thần mong đợi của toàn thể nhơn sanh.
Với hoài bão phổ truyền giáo lý Đại Đạo, chúng tôi ân cần gởi đến chư hiền hữu lời mời tham dự cuộc trưng bày kinh sách tại Thư Viện Tòa Thánh Châu Minh nhân ngày Lễ An Vị Tổ Đình Tòa Thánh 18-19 tháng Giêng năm Ất Mùi (08-09/3/2015).

Kỳ trưng bày kinh sách của Chương Trình Ấn Tống tại phòng Triển Lãm vào dịp Lễ Khánh Thành ngôi Diêu Trì Bửu Điện năm Canh Dần (2010) đã mang lại kết quả tích cực trong việc hoằng pháp Cao Đài. Lần nầy, chúng tôi hy vọng Chương Trình cũng hoan hỷ tham gia, ngoài việc phổ truyền giáo lý Đại Đạo còn giúp khơi gợi tinh thần vui thích đọc kinh sách Đại Đạo, duy trì văn hóa đọc; củng cố đức tin; phát triển tâm thức liên giao đoàn kết trong ngôi nhà Đại Đạo, không phân biệt Phái Chi, vả đó cũng là phương châm của Tiên Thiên Đại Đạo trong Tam Kỳ Phổ Độ.

Rất mong Quý Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo hoan hỷ hưởng ứng lời mời của Ban Thường Trực chúng tôi, sẽ gởi về Tòa Thánh Châu Minh dồi dào kinh sách ấn tống.
Chúng tôi cầu chúc Quý hiền hữu tiếp tục thẳng tiến trên con đường hoằng pháp phụng sự nhơn sanh càng ngày càng thêm khởi sắc.
Nơi nhận:
- Như trên
- Lưu BTT
TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI THÁNH
Trưởng Ban
Chánh Phối Sư
(Ấn ký)
THƯỢNG BẢY THANH
Trí Quang Vân
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống kính phúc đáp thơ mời của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên như sau:
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
CHƯƠNG TRÌNH CHUNG TAY ẤN TỐNG
KINH SÁCH ĐẠI ĐẠO
Ngày 10 tháng 02 năm 2015
Kính gởi: Anh Lớn Thượng Chánh Phối Sư
Trưởng Ban Thường Trực
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên
Kính thưa Quý Anh Lớn,
Trước hết, chúng em xin trân trọng báo tin vui để Quý Anh Lớn Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên tường lãm:
- Việc in mười hai ngàn bản kinh Minh Giáo Thánh Truyền Thi Văn Diệu Lý quả thật đã được triển khai trong thời gian khá gấp rút (tính từ ngày 26-12-2014, theo văn thơ Tòa Thánh chánh thức ủy thác cho chúng em thực hiện đạo sự này); nhưng hiện nay có thể yên tâm rằng chắc chắn sẽ có đủ số lượng kinh để phát hành trong hai ngày tổ chức Đại Lễ An Vị Tổ Đình Tòa Thánh Châu Minh.
- Được kịp thời như vậy, là nhờ hiền hữu Thiện Tín (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo) đã hoan hỷ tặng cho toàn bộ bản kinh đã được đánh vi tính trước đây, nên Chương Trình Ấn Tống không phải mất thời gian nhập liệu.
- Được kịp thời như vậy, cũng nhờ hiền huynh Truyền Trạng Thanh Căn đã tận tụy, ráo riết chú thích từ ngữ, điển tích trong quyển kinh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Ấn Tống để sớm hoàn tất bản thảo sau cùng, kịp thời trình Hội Thánh trước khi xuất bản chánh thức.
- Và quan trọng hơn thế, còn là nhờ Ban Giám Đốc và Phòng Biên Tập của nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội) đã quan tâm trợ giúp cho Chương Trình Ấn Tống có được giấy phép xuất bản quyển kinh trong thời gian rất nhanh.
- Sau cùng, nhưng không kém phần ý nghĩa, đó là Ban Giám Đốc và các bộ phận kỹ thuật của Xí Nghiệp In Fahasa hoan hỷ nhận lời yêu cầu của Chương Trình Ấn Tống thực hiện gấp rút mười hai ngàn bản kinh, mặc dù mọi người đang trong thời gian cận Tết Nguyên Đán.
Điều cũng rất cảm kích là Ban Giám Đốc Xí Nghiệp In Fahasa ngay khi biết được sẽ có trưng bày kinh sách tại Thư Viện Tòa Thánh, thì quý vị nhiệt tình trợ giúp Chương Trình Ấn Tống chuyên chở về Tòa Thánh mười ngàn bản kinh Minh Giáo Thánh Truyền cùng với hàng ngàn quyển kinh sách khác. Chi phí vận chuyển từ TpHCM về Tiên Thủy (Bến Tre) do Xí Nghiệp In Fahasa đài thọ toàn bộ.
Nhân đây, chúng em cũng kính thưa với Quý Anh Lớn rằng gần bảy năm nay triển khai Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, chúng em luôn luôn nhận được rất nhiều tình cảm ưu ái, ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám Đốc nhà xuất bản Tôn Giáo, và Ban Giám Đốc Xí Nghiệp In Fahasa. Bên cạnh đó là biết bao tấm lòng vàng của hàng hàng lớp lớp con cái Đức Chí Tôn đã thường xuyên và âm thầm đóng góp công quả, tạo nguồn tài lực rất quý báu để Chương Trình có thể liên tục ấn tống kinh sách với số lượng không nhỏ ngõ hầu phục vụ đông đảo nhơn sanh gần xa.
Chính những điều ghi nhận nói trên khiến cho chúng em luôn ghi nhớ hai câu trong Kinh Nhập Hội: “Thuận nhơn tâm ắt thuận Trời / Câu kinh vô tự độ người thiện duyên.”
Tóm lại, Quý Anh Lớn Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên có thể hoan hỷ rằng việc in Minh Giáo Thánh Truyền và gởi kinh sách trưng bày tại Tòa Thánh Châu Minh tới đây sẽ rất suôn sẻ, đảm bảo kế hoạch của Hội Thánh. Chúng em trân trọng bày tỏ lòng biết ơn Hội Thánh đã thương mến, tin cậy, tạo thiện duyên cho chúng em được góp phần phục vụ Hội Thánh trong khả năng nhỏ bé của chúng em.
Trước thềm năm mới Ất Mùi, chúng em kính thành cầu chúc Quý Anh Lớn thân tâm thường lạc, khang kiện và gia tăng tuổi hạc để lãnh đạo Hội Thánh, dìu dắt nhơn sanh tu học, hành đạo.
Trân trọng kính chào Quý Anh Lớn,
TM. Ban Ấn Tống
Huệ Khải




([1]) Xem Văn Uyển tập Nguyên (13), Xuân Ất Mùi, tr. 187.