Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 18 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8

* Hiền huynh Trần Trung Nhẫn (đường Lâm Thành Mậu, K 4, phường 4, thành phố Cà Mau). Thư ngày 26-12-2015.
Ban Ấn Tống: Chúng tôi cảm ơn huynh đã gởi thư tâm tình với chúng tôi. Chúng tôi đã trích phần lớn nội dung lá thư của hiền huynh để chia sẻ với quý bạn đọc và in trong Văn Uyển tập Hanh này (bài Lá Thư Cà Mau). Ở bìa 2, chúng tôi cũng trân trọng giới thiệu ảnh thánh thất Cà Mau, nơi hiền huynh nhập môn cầu Đạo.
Mặc dù sức khỏe chưa bình phục hoàn toàn (như hiền huynh nói trong thư), hiền huynh đã chẳng quản ngại viết và gởi cho Văn Uyển nhiều bài thơ, nét chữ rất đẹp. Chúng tôi cảm kích và kính thành cầu nguyện Thầy Mẹ ban ơn phước để hiền huynh sớm hồi phục, và có phương tiện thân xác khỏe mạnh để tu hành thêm tinh tấn, hiệu quả.
Qua các bài thơ của huynh (Cảm lòng Từ Mẫu; Chợ Mới, quê hương một người con; Huynh đệ một lòng; Huynh đệ một nhà...), chúng tôi thấy rõ huynh vừa yêu thơ lục bát, song thất lục bát, vừa mến thơ Đường luật. Quả là một hồn thơ lai láng! Mong hiền huynh tiếp tục sáng tác. Chúng tôi xin biết ơn tấm lòng và mỹ ý của hiền huynh đã dành rất nhiều cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
*
* Hiền tỷ Phương Lan (Đà Nẵng). Thư ngày 13-01-2016:
Đọc sách báo, tôi thấy có người viết “khoái trá”, hoặc viết “khoái chá”. Xin hỏi Văn Uyển chữ nào đúng?
Huệ Khải: Hiền tỷ quý mến, viết “khoái chá” mới đúng. Khoái là miếng thịt, miếng cá thái nhỏ, xắt vụn (minced meat or fish). Chá là nướng (to roast, to broil). Nói khoái chá tức là rất đỗi thích thú.
*
* Hiền tỷ Hà Thị Tuyết Minh (Bến Bình Đông, quận Tám, TpHCM). Thư ngày 16-3-2016:
Tôi thấy hầu hết các thánh thất thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài luôn luôn đặt tên có chữ TRUNG phía trước, chẳng hạn như Trung Bảo, Trung Chiêu, Trung Hiền, Trung Minh, Trung Nghĩa, Trung Tín, v.v... phù hợp với tên gọi giáo sở trung ương là Trung Hưng Bửu Tòa. Cách đặt tên thống nhất như vậy theo tôi rất hay, vì thoạt nghe tên thánh thất như Trung Hòa, Trung Phước An, v.v... thì biết ngay là thuộc Hội Thánh Truyền Giáo. Tuy nhiên, lại có nhiều thánh thất cũng thuộc Hội Thánh Truyền Giáo mà tên gọi lại không bắt đầu bằng chữ TRUNG, ví dụ như Kim Quang Minh Đài, Linh Bửu, Thanh Quang, Từ Vân, v.v... Kính nhờ Văn Uyển cho biết lý do sự khác biệt này.
Huệ Khải: Hiền tỷ kính mến, sáu mươi năm trước, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài xây dựng xong Trung Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng. Lễ khánh thành ngôi Trung Hưng Bửu Tòa và ra mắt Hội Thánh Truyền Giáo được tổ chức rất trọng thể vào ngày 01-6 Bính Thân (Chủ Nhật 08-7-1956). Sau đó, trong một đàn cơ tại Trung Hưng Bửu Tòa vào ngày 27-7 Bính Thân (Thứ Bảy 01-9-1956), Đức Ngôi Hai Giáo Chủ Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dạy: “Lấy chữ TRUNG đặt đầu các hiệu thất.” Như vậy, kể từ khi có Trung Hưng Bửu Tòa trở đi, các thánh thất mới thành lập đều lấy tên bắt đầu bằng chữ TRUNG; riêng các thánh thất nào đã thành lập trước thời điểm 01-6 Bính Thân (tháng 7-1956) thì tên gọi cũ vẫn giữ nguyên.
*
* Hiền tỷ ĐỖ THỊ KẾT (thánh thất Linh Bửu, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài). E-mail ngày 12-4-2016:
Trong ngày khánh thành thánh thất Quảng Hòa (thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào buổi sáng 26-02 Bính Thân (03-4-2016), đa số bổn đạo đến từ khắp nơi rất phấn khởi khi nhận được sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo trong Nam gởi ra để tặng biếu. Hôm ấy, tệ muội rất hào hứng khi tham gia với Ban Tổ Chức cuộc lễ để phát hành kinh sách, và tệ muội cảm nhận được sự sung sướng, ngưỡng mộ của bạn đọc trong đạo và cả ngoài đời. Tiếc rằng lại không có đủ sách để tặng biếu hàng ngàn đạo hữu, quan khách đến dự lễ.
Ban Ấn Tống: Chân thành cảm ơn hiền tỷ chia sẻ tin vui và kính chúc hiền tỷ an lạc. Số sách được mang ra tận thánh thất Quảng Hòa trong ngày vui lớn của họ đạo chính là kết quả công lao khó nhọc của nhiều vị tín hữu nhiệt tâm thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Vì tôn trọng thiện ý muốn làm công quả vô vi của quý huynh tỷ ấy, chúng tôi không tiện nêu rõ phương danh từng vị nơi đây.
Thật lòng mà nói, nếu không có quý hiền huynh, hiền tỷ tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo vừa chịu nhọc nhằn với những bao sách nặng nề, những thùng sách cồng kềnh, vừa chịu bỏ tiền túi chi trả cước phí vận chuyển đường dài, thì chúng ta cũng khó mong sách trong Nam được chuyển ra tới miền Trung. Thế nên chúng tôi luôn luôn thành tâm biết ơn quý huynh tỷ bấy lâu nay đã âm thầm ủng hộ, nối dài cánh tay của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
*
* Hiền hữu ẩn danh (điện thoại ngày 20-4-2016):
Kinh sách hay dẫn hai câu: Mạc đãi lão lai phương học đạo / Cô phần tận thị thiếu niên nhơn. Câu hai có dị bản: Cô phần đa thị thiếu niên nhơn. Xin hỏi câu nào đúng?
Huệ Khải: Hai câu đạo hữu hỏi đều thấy phổ biến trong kinh sách người Hoa và người Việt:
- Mạc đãi lão lai phương học đạo 莫待老來方學道: Chớ đợi tuổi già đến mới học đạo. / Cô phần tận thị thiếu niên nhân 孤墳盡是少年人: Mồ hoang đều là kẻ nhỏ tuổi. (Tận thị: Đều là, hết thảy là, tất cả là, toàn bộ là.)
- Cô phần đa thị thiếu niên nhân: Mồ hoang phần nhiều là kẻ nhỏ tuổi. (Đa thị 多是: Phần nhiều là, đa phần là.)

Có lẽ nói đa thị hợp lý hơn tận thị.