Câu đối hay đối liên 對聯 là thể văn có hai vế đối xứng, về
từ, ngữ hoặc câu, với số chữ trên dưới bằng nhau và xếp theo luật bằng, trắc
nhất định, được coi là loại hình nghệ thuật văn chương độc đáo hấp dẫn mà người
Hoa và người Việt đều ưa thích, hợp với cả thành phần bình dân lẫn giới bác
học, nhưng chủ yếu do giới bác học sáng tác để mọi người thưởng thức chung.
Theo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) thì:
“Câu đối, chẳng qua, chỉ là một lối văn vụn vặt, tính từng chữ,
chớ không đếm từng trang, từng tờ. Tuy vậy mà câu đối là một thể văn rất cần.
Phàm các lối văn vần của ta…, đều có câu đối lẫn ở trong… Quả vậy, người ta bất
cứ về dịp nào, mối thất tình đã động, là cũng nên câu đối được cả. Dịp vui có
câu đối mừng, dịp buồn có câu đối viếng; hết một năm, hơn một tuổi có câu đối
thưởng xuân; qua mười năm, lên một giáp có câu đối chúc thọ; mến cảnh, chìu đời
mà làm được câu đối, thì ghét người, giận thân cũng làm được câu đối; ở nơi
đình chùa, miếu mạo oai linh, trịnh trọng mà đề được câu đối, thì ở chốn anh em
bè bạn chơi đùa, cợt nhả cũng ngâm được câu đối… Văn câu đối tuy vụn vặt, mà
không phải là khinh thường, cứ kể ra lại thật là khó…, chữ rất ít, rất gọn mà ý
nghĩa bao hàm rộng rãi, càng xem càng nghĩ mới càng rõ được hết cái hay. Bởi
vậy làm một câu đối cho nên, xưa nay hồ dễ đã được mấy người…”. (Thú Chơi Câu Đối.
Nxb Văn Hóa Thông Tin in lại năm 2001.)
Về các câu đối xưa, từ lâu đã
có vài bộ sưu tập câu đối chữ Hán lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, sau đó truyền
sang Việt Nam, được các nhà Nho dùng như những tập sách tham khảo, chẳng hạn
như:
- Cổ Kim Đối Liên Đại Quan 古今對聯大觀, do ban biên tập của Thượng Hải Trung Ương Thư Điếm biên soạn, in
lần thứ ba, năm Dân Quốc thứ 25 (tức năm 1936).
- Đối Liên Tập
Thành 對聯集成 , do Xuân Châu Hoàng Tải Trang sưu tập, bản của
Bảo Hoa Các, không rõ năm in...
Trong các loại nội dung khác
nhau của câu đối, hấp dẫn nhất có lẽ là câu đối về mùa xuân và ngày tết - cũng gọi xuân liên 春聯 - mà khi đọc
lên, ta cảm nhận ngay được niềm hân hoan hớn hở, chứa chan hy vọng của con
người trước cảnh tượng đổi thay của đất trời, hoa lá, cảnh sắc thiên nhiên lộng
lẫy sáng sủa:
Dân hòa ngũ tộc văn
minh thịnh
(Dân hòa cả năm tộc văn minh
đều thịnh
Vận mới mở ra tam dương cảnh
tượng mới mẻ.)
Và cái không khí tươi vui, tưng bừng của những ngày đầu xuân:
Hoa nghênh hỷ khí giai như tiếu
(Bông hoa đón khí lành nên
trông đều có vẻ như cười
Chim chóc biết tiếng vui nên
cũng biết ca hát.)
Hoặc nói lên niềm vui, niềm hy
vọng cuộc sống của con người trong những ngày tết đến:
Bạo trúc lưỡng tam
thanh, nhân gian cải tuế
(Pháo tre đùng mấy tiếng, cõi
đời chuyển sang năm mới
Hoa mai nở vài đóa, thiên hạ
đều được mừng xuân.)
Về đêm nguyên tiêu, tức đêm rằm
tháng giêng, có câu như:
Nguyệt đáo bán luân
thiên diệc túy
(Trăng mọc nửa vòng tròn làm
trời cũng say sưa
Hoa nở đêm rằm tháng giêng khắp
đất đều xuân.)
Nguyên dạ là từ đồng nghĩa với nguyên tiêu. Câu vừa nêu trên dễ gợi nhớ
tới đôi câu đối tiếng Việt quen thuộc:
Trừ tịch kêu vang
ba tiếng pháo
Nguyên tiêu cao
ngất một cành nêu.
Câu đối xuân chữ Hán của người
Hoa rất phong phú đa đạng vì họ vốn có một bề dày sinh hoạt văn chương lâu đời.
Nhưng người Việt ta cũng không kém, câu đối rất được mọi thành phần xã hội ưa
chuộng, coi như một thú chơi văn chương tao nhã, đặc biệt sử dụng trong những
ngày lễ tết, gắn với hình ảnh của ông thầy đồ viết chữ như phượng múa rồng bay:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người
qua...
Đoạn thơ hoài cổ trên đây của
nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996) đã đi vào văn học sử,
thường được nhắc đến mỗi khi nhớ lại quá khứ cách nay chừng sáu, bảy mươi năm: Hình
ảnh những ông đồ Nho đeo kính trắng, ngồi trong lều viết câu đối bán cho người
đi chợ để người ta mang về treo trên bàn thờ tổ tiên, bàn thờ ông Táo hoặc dán
ở nhà khách ngày tết.
Tập quán chơi câu đối tết của
người dân Việt chưa rõ có từ lúc nào, nhưng chắc chắn đã trải qua thời gian khá
lâu dài, như có thể chứng minh qua cặp câu đối tết do hòa thượng Pháp Thông
làm, treo trước cổng chùa Siêu Loại để đón vua Trần Nhân Tông trong dịp vua ngự
lên chùa vãn cảnh vào tiết đầu xuân, tháng giêng năm Kỷ Sửu (1289):
Tứ hải dĩ thanh,
trần ai dĩ tĩnh
(Bốn biển đã thanh bình, bụi
trần đã sạch
Tam dương mở vận thái, cảnh vật
sáng tươi.)
Tam dương chỉ mùa xuân hoặc chỉ tháng giêng âm lịch. Tam dương khai thái là tháng giêng mở
đầu cho sự hanh thông cả năm, ý nói đông đi xuân lại, âm tiêu dương trưởng, vạn
sự tốt lành hanh thông, thời xưa thường dùng làm lời chúc tụng năm mới.([6])
Còn cặp câu sau đây tương truyền
của Bà Huyện
Thanh Quan (1805-1848) thời đầu nhà Nguyễn, làm để
dán nhà vào dịp tết, cũng cho thấy thú chơi câu đối tết là một loại hình rất
phổ biến:
Duyên với giang sơn nên dán
chữ
Nợ gì trời đất phải trồng
nêu.
Câu đối dán ở cột nhà ngày tết thường là một cặp câu chữ Nho, giản dị dễ
hiểu mà đọc lên nghe phấn khởi:
Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ
(Trời thêm năm tháng, người thêm tuổi
Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà.)
Trong quang cảnh rộn rã trước đây của những ngày tết đến, dân ta thường vui
vẻ ngâm nga đôi câu đối giản dị chất phác mà sinh động này, vẽ nên được cái
cảnh tượng “thanh bình tam bách niên
thiên hạ” ([8]) của một thời xa xưa nào đó:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Câu đối tết tiếng Việt từ xưa tới nay được cả giới trí thức lẫn người bình
dân sáng tác nhiều vô số kể, phản ảnh cảnh vui tết hoặc buồn tết của mọi thành
phần trong xã hội, không phân biệt già trẻ sang hèn, vì “xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà”:
Không dưng xuân đến chi nhà tớ
Có lẽ Trời nào đóng cửa ai.
(Khuyết danh)
Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái
Nhà hai gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.
Nguyễn Công Trứ (1778-1858)
Hoặc câu đối dán tết tương truyền của Chiêu Lỳ tức Phạm Thái (1777-1813):
Bật cành nêu, đem mới lại về mau, già trẻ gái trai đều sướng kiếp!
Đùng tiếng pháo, đuổi cũ đi cho sớm, cỏ hoa non nước cũng
mừng xuân.
Có bản chép khác: đem mới lại cho
mau, đùng tiếng trúc, đuổi cũ
đi đã đáng (tiếng trúc cũng là
tiếng pháo).
Cảm động nhất là những đôi câu đối chuyên tả tâm trạng và tình cảnh của
người dân nghèo, cực kỳ sinh động:
Hành niên qua đến cùng xương, nào tiền nhà, nào tiền học, nào tiền thuế,
nào tiền ăn, nghĩ đời sống lắm phen bớ phở
Mùi tết mới tha hồ béo mỡ, này chén rượu, này chén chè, này chén anh, này
chén chú, gặp ngày xuân thỏa xác đá gà.
(Khuyết danh)
Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống; biết khổ là vậy nhưng người lao động nghèo
trong những ngày tết đến vẫn có tâm lý mượn dịp vui chơi cho thỏa. Chẳng những
vậy, trong lúc “túy lúy càn khôn”, họ
còn muốn cho thời gian ngày tết kéo dài thêm ra:
Có là bao, ba vạn sáu nghìn ngày, được trăm lần tết
Ước gì nhỉ, một năm mười hai tháng, cả bốn mùa xuân.
(Khuyết danh)
Tối ba mươi nần nợ rối Canh Thân, những ước mười năm dồn lại một
Sáng mồng một rượu chè say Quý Tỵ, muốn cho ba bữa hóa ra mười.
(Khuyết danh)
Riêng các thi nhân thường thường nghèo nhưng phóng túng lãng mạn, cái tết
của họ được ghi lại thật khôi hài, bày tỏ mọi vẻ của tâm trạng:
- Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà.
Nguyễn Công Trứ
- Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi
Nợ đâm ương ra đó, nói ba bốn chuyện cà riềng.
Nguyễn Công Trứ
- Tối ba mươi, giơ cẳng đụng cây nêu, ủa tết!
Sáng mồng một, lắng tai nghe tiếng pháo, à xuân!
Nguyễn Quý Tân (1814-1858)
Còn Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến (1835-1909) thì
tếu một cách có duyên mà thâm trầm:
Thiên hạ dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó
Ông này khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo.
Hai chữ Thiên hạ ở vế đầu, có dị bản
chép thành Chúng nó, để đối chỉnh hơn
với hai chữ Ông này ở vế thứ hai.
Câu dưới đây được cho là của Tú Xương, một nhà thơ nghèo kiết xác nhưng có
tính khinh đời:
Nực cười thay! Nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà tết!
Thôi cũng được! Rượu có, nem có, bánh chưng đều có, thừa xuân!
Cũng là nhà Nho, nhà thơ, nhưng đối với các cụ tiền bối cách mạng suốt đời
bôn ba vì sự nghiệp giang sơn to lớn, đến khi thất bại thúc thủ trở về, ngày
tết đến, lòng họ vẫn còn canh cánh một nỗi ưu thời mẫn thế:
Ba chục triệu đồng
bào, híp mắt no say ba bữa tết
Bốn nghìn năm tổ
quốc, ôm lòng chờ đợi một ngày xuân.
Ngô Đức Kế (1878-1929)
Truyền thống văn chương có lẽ
đã thâm nhập khá sâu vào tâm hồn người Việt nên mặc dù nền học cũ đã qua lâu,
trên báo chí thời cận hiện đại người ta vẫn còn mượn hình thức câu đối để bộc
lộ khi thì những tâm tư tình cảm nghiêm túc, như lòng nhớ quê của kẻ tha phương
cầu thực, khi thì để nói chuyện thời sự, châm biếm hoặc chúc tụng, thậm chí có
khi chỉ để giải trí:
Nghiêm túc như:
Ngào ngạt mùi
hương, dẫu tại đất người, không mất gốc
Lung linh ánh lửa,
dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.
(Khuyết danh)
Tả cảnh tết Sài Gòn trước năm
1975, có người viết như cà rỡn:
Dưới biệt thự nguy
nga, là ô tô bóng lộn, là váy cụt nhởn nhơ, cảnh tượng hiện hình xuân phá sản
Ngoài vỉa hè ngơ
ngác, nào đói rách bơ vơ, nào tật nguyền côi cút, não nùng chào đón tết tang
thương.
Đông Tùng (1972)
Câu đối trên hay, chỉ tiếc hai
chữ cảnh tượng đối lại với não nùng không được chỉnh.
Câu đối sau đây có phần dí dỏm:
Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà, rượu rót đôi ly, nghe lời
chúc
Mồng một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ, trà dâng ba chén, nhận lì xì.
(Khuyết danh)
Nói gì thì nói, do đã cách biệt
khá xa với truyền thống văn học cổ điển, kỹ năng sáng tác câu đối nói chung và
câu đối tết nói riêng của người Việt hiện đại đã có phần sa sút đáng kể, không
so được với người xưa. Không ít câu đọc lên chỉ được phần nội dung hay, nhưng
về câu chữ đối nhau chan chát cho đúng luật về bằng trắc, từ loại thì họa hoằn
lắm mới thấy có được một vài.
Nhiều năm gần đây, người ta
trên báo chí vào dịp tết những câu đối tết mang tính thời sự, có màu sắc phê
phán, như cặp đối dưới đây đăng trên báo Tuổi
Trẻ Cười Xuân Quý Mùi (2003), mặc
dù đối chưa được chỉnh lắm:
Cười bao chuyện chướng tai gai mắt, tinh nghịch trớ trêu, cho mọi
tuổi thêm vui thêm trẻ
Biếm những trò vờ điếc vờ đui, côn đồ tham nhũng, để cuộc đời càng
sáng càng trong.
(Thuần Tăng)
Giáo sư toán học Văn Như Cương
(sinh năm 1937) đã hạ bút hai câu đối đăng ở trang đầu tạp chí Tia Sáng số đặc biệt Xuân Kỷ Sửu (2009):
Năm
Chuột đi, nhà cháy vẫn chưa ra mặt chuột
Tết Trâu đến, đàn gảy liệu
có lọt tai trâu.
Nhưng câu đối tết đôi khi cũng
chỉ đơn thuần dùng cho việc giải trí bằng thứ ngôn ngữ lắt léo, để đố nhau cho
vui. Tạp chí Sông Hương (số 29, Huế: tháng 1 và 2-1988) có nhắc lại một
“vế ra” của Nguyễn Khoa Vy (1881-1968) ở Huế, rất khó tìm vế đối:
Tết tới túng tiền
tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế
Có người đã tìm cách đối lại
nhưng thất luật, chỉ nghe vui thôi chứ không chỉnh:
Xuân xưa xài xa xỉ,
xun xoe xin xỏ xếp “xăng xu”.
Xăng xu phiên âm tiếng Pháp ở vế dưới có
thể hiểu theo hai nghĩa: trăm xu (cent
sous) hay không có xu (sans sous),
nghĩa là hết tiền, đều được.
TRẦN VĂN CHÁNH