Hiền huynh Vị Chân (Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh), ngụ tại xã Tân Xuân,
huyện Hóc Môn, TpHCM. Ngày 17-6-2015, hiền
huynh gởi về Chương Trình Chung Tay Ấn Tống lá thư như sau (trích):
Tôi trân trọng kính xin đạo huynh Huệ Khải giúp
cho tôi được hiểu một vài điều trong Đại Thừa Chơn Giáo (do Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống xuất bản năm 2011):
* Đạo Trời chẳng ngoại nhơn thân
Đạo khi trồi sụt, xa gần lại qua. (tr. 40)
* Bổn phận tu phải đành khờ dại
Ngữ ngôn gìn lẽ phải điều hơn. (tr. 150)
* Bao lần giáng thế cực lòng Cha
Thương nỗi đàn con bỏ phép nhà
Đạo đức buông trôi ngoài trí não
Bực mình nên phải giáng lần ba. (tr. 183)
* Tánh cùng Thiên lý khai quan
khiếu
Thủ chấp chơn hồn khả bảo tinh. (tr. 179)
* Tánh cùng Thiên lý thông cơ
Đạo
Mạng lịnh Thầy truyền diệu pháp môn. (tr. 204)
Rất mong đạo huynh giải thích giùm các chữ gạch
dưới trên đây. Nếu chữ viết của tôi có khó đọc, kính mong đạo huynh thông cảm
cho người có tuổi cao và tay viết có phần bị run.
Sau đây là phần hồi đáp của Huệ Khải.
*
Thưa hiền huynh trọng kính,
Trước hết, thay mặt Ban Ấn Tống, tệ đệ chân thành kỉnh tạ hiền huynh ngày
17-6-2015 đã chuyển khoản qua ACB số tiền công quả 500.000 đồng để ủng hộ
chương trình hoằng pháp của đàn con áo trắng chúng ta.
Giống như hiền huynh, bảy năm qua, đã có rất nhiều tín hữu Cao Đài Tây Ninh
thuộc nhiều họ đạo khác nhau thường xuyên tìm đọc kinh sách do Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thực hiện, và quý tín hữu ấy còn phát tâm nhiệt
thành góp phần công quả tài chánh hoặc nhận kinh sách đưa về truyền bá tại họ đạo
các vị. Nghĩa cử và tình cảm cao quý này quả thật là niềm vui lớn, khích lệ
tinh thần hành đạo của Ban Ấn Tống rất nhiều.
Tệ đệ nhận được thư hiền huynh chiều tối ngày 18. Trò chuyện qua điện thoại
với hiền huynh sáng ngày 19-6 thì biết hiền huynh niên kỷ đã vượt xa cái ngưỡng
mà Đỗ Phủ gọi là “cổ lai hy”. Nhìn
nét chữ rắn rỏi, rõ ràng của hiền huynh, tệ đệ tin rằng hiền huynh vẫn còn dồi
dào sức khỏe để đeo đuổi con đường tu hành theo chánh pháp Kỳ Ba.
Cũng qua cuộc điện đàm, biết hiền huynh cao tuổi, lại ở ngoại thành, nên
chưa có trọn bộ hơn một trăm nhan đề kinh sách đã ấn tống (từ tháng 6-2008 tới
nay), tệ đệ xin hân hạnh kính gởi biếu hiền huynh “món quà thanh khí” gồm gần
trọn bộ số kinh sách này (vì vài nhan đề đã hết, chưa tái bản). Kính mong hiền
huynh hoan hỷ; nếu như dư quyển nào (vì nhà đã có), hiền huynh có thể tùy duyên
chia sẻ lại với quý đạo hữu khác.
Những chữ hiền huynh hỏi trong thư xét ra cũng cần thiết cho các bạn đạo
tham khảo để rộng đường tu học. Do đó tệ đệ xin hiền huynh cho phép phổ biến
trên Văn Uyển.
Nếu phần giải thích của tệ đệ chưa được đủ đầy, thì rất mong sẽ có các bậc
cao minh, đa văn quảng kiến trong nhà Đạo chúng ta bổ túc.
Biển học thế gian vốn vô bờ, mà đạo pháp hay giáo lý lại càng thậm thâm vi
diệu. Tệ đệ luôn luôn thận trọng và thành tâm chia sẻ cái hiểu rất giới hạn của
mình, nên bao giờ cũng sẵn lòng phục thiện, mong đón nhận lời chỉ giáo thêm của
quý thiện tri thức gần xa.
Hiền huynh trọng kính,
Giáo lý Cao Đài phần lớn diễn bày qua các thể thơ, nhờ vậy mà du dương trầm
bổng, tín đồ dễ học thuộc lòng, dễ nhớ lâu; cũng rất phù hợp với tính tình người
Việt là thích thơ, yêu thơ, nên cũng ưa làm thơ...
Tuy nhiên, thơ phải chịu sự câu thúc của số chữ quy định, của luật bằng trắc,
phép niêm đối, v.v... Do đó, câu thơ có khi không thể cứ đọc xuôi dòng từ trái
sang phải như câu văn xuôi, bởi vì nhiều chữ khi đặt vào câu thơ phải đọc trại
âm, hay phải đảo ngược thứ tự, v.v... Có lẽ đó là mấy lý do chánh khiến đạo hữu
chúng ta lắm lúc đọc thánh giáo ở thể văn vần (thi, thi bài) thường bị lúng
túng về ý nghĩa.
Để hóa giải trở ngại này, đạo hữu chúng ta nên nắm được kiến thức cơ bản về
luật thơ, thỉnh thoảng cũng nên tập gieo vần chơi cho vui; như thế, sẽ giúp
chúng ta nhạy bén hơn mỗi khi đọc phần văn vần (thi, thi bài) trong thánh giáo.
Nhờ thế, chúng ta bồi dưỡng được khả năng “thẩm thấu” những nét đẹp tuyệt vời ẩn
giấu trong câu thơ. Nhưng quan trọng hơn, nhờ “biết” đọc thơ, khi chép thánh
giáo, chúng ta tránh được sai sót, nhầm lẫn về từ ngữ.
Chính vì nhận định như vậy, ngay từ lúc chủ biên Đại Đạo Văn Uyển (2012), tệ đệ rất chú ý tuyển chọn các bài thơ hay
của bạn đạo Cao Đài để đăng dần mỗi quý, và khi có điều kiện thì kết tập rồi ấn
tống. Các tập thơ tuyển chọn như vậy sẽ góp phần “minh họa” cụ thể cho một nền
văn học Cao Đài sau này.
Giờ đây, tệ đệ kính chia sẻ ý kiến về từng chữ được hiền huynh lưu ý.
1. Đạo Trời chẳng ngoại nhơn thân
Đạo khi trồi sụt, xa gần lại qua. (tr. 40)
“Đạo Trời chẳng ngoại nhơn thân”: Đạo Trời (hay nói gọn là Đạo) có ở mọi nơi
(vô sở bất tại / omnipresent), cho
nên Đạo / Đạo Trời có ở trong thân xác mỗi người chúng ta.
Chẳng hạn, khi chúng ta tĩnh tâm, tập trung học thánh ngôn, thánh
giáo cho nghiêm túc, lòng chúng ta trở nên thanh cao, phơi phới, thăng hoa. Chính
khi đó, Đạo / Đạo Trời sẵn có trong chúng ta được khơi dậy, được khai mở...
Đó cũng là khi Đạo / Đạo Trời “trồi” lên, nên ta thấy rõ ta đang “gần” Đạo, và Đạo đang tới, đang “lại” với ta.
Nhưng khi chúng ta bỏ bê thánh ngôn, thánh giáo, khi chúng ta
bị cuốn theo ham muốn, bị lục dục thất tình sai khiến, thì lòng ta ắt đảo điên,
điên đảo. Những khi mang tâm trạng đó, dám chắc chúng ta ra quỳ trước
Thiên Bàn cúng thời cũng tự xấu hổ, không dám ngẩng nhìn thẳng vào Thiên Nhãn.
Nói cách khác, khi ấy ta cảm thấy Đạo / Đạo Trời ở “xa” ta, vì Đạo đã đi “qua” khỏi
ta, không còn hiển hiện rõ trong ta nữa - khi ấy Đạo đã “sụt” xuống, “sụt” mất vì
bị tham dục nổi lên chế ngự lòng ta.
Lắm khi Đạo bị sụt, xa, qua, nhưng
Đạo vẫn không mất hẳn trong ta; hễ ta cải hối, tu tỉnh trở lại, thì khi ấy
ta liền thấy Đạo trồi lên, lại với ta, gần ta.
Tóm lại, chữ khi hiền
huynh lưu ý có nghĩa là khi này, khi khác
(lúc này lúc khác).
*
2. Bổn phận tu phải đành khờ dại
Ngữ ngôn gìn lẽ phải điều hơn. (tr. 150)
Người chơn tu không khoe mình, không tự cao tự đại; cũng không khoe khoang
rằng mình là người tu hành để được thiên hạ tán tụng là bậc đạo đức. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu gọi những kẻ tu hành
giả dối mà lúc nào cũng khoe mình là những kẻ
giả hình, là pharisêu.
Còn bậc chơn tu ở lẫn lộn với phàm phu tục tử mà luôn giấu kín thân phận, nếu
ai không có “mắt xanh” thì chẳng có thể biết đó là người hiền đức, đạo hạnh. Do
đó, Đức Lão Tử nói bóng bảy: Bởi vậy
Thánh Nhân khoác áo vải thô mà trong lòng ôm châu ngọc. (Đạo Đức Kinh, chương 70)
Hiểu như vậy, chúng ta lãnh hội vì sao trong Đại Thừa Chơn Giáo (tr. 58), Thầy dạy:
Làm như dốt nát dại khờ
Đừng cho kẻ thế rằng ngờ mình tu!
Và Thầy nhắc lại (tr. 150):
Bổn phận tu phải đành khờ dại...
Những ai thích khoe mình thì quen lớn tiếng to mồm. Kinh Thánh Tân Ước ví von những người đó là “thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng”, giống như mấy nhóm
Sơn Đông mãi võ bán rong cao đơn hoàn tán mà chúng ta từng thấy trong các chợ
quê Nam Bộ trước kia.
Vậy, Thầy dạy con cái đừng khoe mình, hãy giả khờ giả dại...
Câu “Ngữ ngôn gìn lẽ phải điều hơn”
có liên quan tới giới cấm thứ năm (Ngũ bất
vọng ngữ), và cũng là cẩn ngôn (một
hạnh trong công trình, thuộc tam công).
Người Việt mình nói: Điều hơn lẽ thiệt
(lẽ thật), tức là những lời đúng đắn, hợp lẽ phải. Vậy, “Ngữ ngôn gìn lẽ phải điều hơn” có nghĩa là cẩn ngôn, ăn nói phải giữ mồm giữ miệng,
lời nào nói ra đều đúng đắn, hợp lẽ phải, trúng đạo lý. (Lẽ phải điều hơn cũng giống điều
hơn lẽ thật.)
*
3. Bao lần giáng thế cực lòng Cha
Thương nỗi đàn con bỏ phép nhà
Đạo đức buông trôi ngoài trí não
Bực mình nên phải giáng lần ba. (tr. 183)
Bực mình tức là cảm thấy khó chịu (annoyed, vexed) vì nhìn thấy những việc
chướng mắt, nghe thấy những việc trái tai.
Bực mình thì lòng hết thanh thản. Đó là một tình cảm thông thường của người
thế gian vốn còn chịu sự chi phối của lục dục thất tình.
Cha Trời (Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cao Đài Giáo Chủ) không còn trong vòng sáu
dục bảy tình của phàm phu tục tử, cớ sao Thầy còn bực mình?!
Người xưa nói Thánh Hiền cũng có bất bình, tức giận, nhưng là bất bình, tức
giận của chánh khí, của đại nghĩa; không phải cái bất bình, tức giận khí huyết tầm
thường phát sinh do tánh tình phàm tục.
Thật vậy, trong một đàn cơ tại Minh Lý Thánh Hội (Tam Tông Miếu, Cao Thắng,
quận 3, Sài Gòn), vào giờ Tuất ngày 08-9 Kỷ Dậu (Thứ Bảy 18-10-1969), Đức Vạn Hạnh
Thiền Sư dạy rõ như sau:
“Thánh xưa vui với cái vui nội tâm
thích hợp đạo lý, giận với cái giận của bực siêu nhân, thương
với lòng thương của hàng thánh thiện, sợ với cái sợ của bậc trí tri, yêu
với tình yêu của Đấng Tạo Hóa, ghét với cái ghét của bực hiền nhân, muốn
với lòng ham muốn của người đạo đức. Như thế mới gọi là mừng, vui, giận, ghét,
yêu, sợ, muốn của bực siêu nhân.
Mừng là tự thấy mình có ý nghĩ, lời nói
và hành động có tác dụng vào sự tế nhân lợi vật. Vui là vui vì đã làm được
những việc giúp đời. Giận là giận khi thấy lòng chưa được thanh tịnh
hoặc ý nghĩ lời nói việc làm không thuận Thiên hòa nhân, tự khắc kỷ để tự hậu
không còn tái diễn. Ghét là ghét những điều trái đạo lý luân thường nhân
nghĩa mà không hề nghĩ đến, nhìn đến, nói đến và làm đến. Sợ là sợ những
hành động trái với đạo đức, trái với lòng Trời, chớ không phải sợ dư luận khen
chê, tán tụng.”
Vậy thì không nên ngạc nhiên khi thấy sách vở xưa nay vẫn nói “Trời nổi trận lôi đình”. Tương tự, trong
Tân Ước, Thánh tông đồ Phaolô gởi thư
cho các tín hữu Rôma (1:18) có nói tới “cơn
thịnh nộ của Thiên Chúa / the wrath of God”. (Vậy, so sánh với thịnh nộ, lôi đình, thì bực mình nào đã thấm vào đâu, phải không
hiền huynh? Cười...)
Trong thánh giáo Cao Đài, Thầy Mẹ và các Đấng Phật Tiên, Thánh Thần, Bồ
Tát... lắm khi giáng cơ dạy đạo cho chúng ta đều bày tỏ những tình cảm như buồn thương, xót xa, giận tiếc, bực mình, đau lòng, mừng vui... Đó là các Đấng mượn
tình cảm hữu ngã, hữu vi để gần gũi với chúng ta là những kẻ hữu vi, hữu ngã
cho dễ bề giáo hóa. Chính vì vậy, mỗi khi chúng ta đắm mình vào thánh giáo Cao
Đài, chúng ta rất dễ chạnh lòng rơi lệ, chúng ta hay ... “mít ướt”!
Dẫu là người lớn, nhưng khi chúng ta muốn chơi đùa với bé con thơ dại trong
nhà, chúng ta đều phải giả giọng đớt đát, làm bộ có những cử chỉ vụng về để dễ gần
gũi, thân cận với trẻ thơ non nớt. Thì ngôn ngữ trong thánh giáo Cao Đài cũng tương
tự như thế mà thôi.
*
4. Tánh cùng Thiên lý khai quan
khiếu
Thủ chấp chơn hồn khả bảo tinh. (tr. 179)
5. Tánh cùng Thiên lý thông cơ Đạo
Mạng lịnh Thầy truyền diệu pháp môn. (tr. 204)
Hai chữ cùng này là chữ cùng 窮 trong Đạo học, có nghĩa là suy cứu triệt để
(to investigate thoroughly).
Trong Chu Dịch (Thuyết Quái, Chương I, Tiết 3) nói: “Cùng lý tận tánh dĩ chí ư mệnh.” 窮理盡性以至於命. Nghĩa là:
Khảo sát để hiểu biết tận tường (cùng lý),
thấu triệt bản tánh người và vật (tận tánh),
để cuối cùng đạt tới Thiên lý hay Đạo Trời (dĩ
chí ư mệnh).
Bốn chữ “tánh cùng Thiên lý” ở
đây có thể hiểu là suy cứu triệt để, rốt ráo Thiên lý (lẽ Trời) và thấu triệt bản
tánh của mình. Có như thế thì sẽ “khai
quan khiếu” tức là khai mở những khiếu huyệt (apertures) nơi thân xác khi tham thiền luyện đạo; và sẽ có những khả
năng vi diệu mà người phàm không có, nhờ đó người tu thiền (hành giả) sẽ “thông cơ Đạo” (hiểu biết thông suốt cơ
cấu vận hành của Đạo. Chữ cơ 機 này có nghĩa là guồng máy (mechanism).
Ngồi yên cửu khiếu trong mình
Mở mang thấu đáo thông linh cơ mầu.
*
Tệ đệ trân trọng cảm ơn hiền huynh đã tin cậy mà gởi câu hỏi. Âu cũng là
cách hiền huynh giúp tệ đệ có dịp ôn tập, học hỏi lại giáo lý Kỳ Ba. Tệ đệ ước
mong hiền huynh sẽ tiếp tục gởi tới Văn
Uyển những tâm tư tình cảm, những thắc mắc của hiền huynh trong quá trình
nghiền ngẫm kinh điển Cao Đài.
Con kính thành cầu nguyện Đức Chí Tôn ban hồng ân đến môn sanh Vị Chân và bửu
quyến.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 20-6-2015