Tháng 6-2015 đánh dấu chặng đường bảy năm hoạt động của Chương Trình Chung
|
SỐNG ĐẠO
(SĐ): Thưa
đạo huynh, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo vừa tròn bảy tuổi
(tháng 6-2008 / tháng 6-2015). Để chia sẻ niềm vui này với Chương Trình, Ban Biên
Soạn tài liệu tu học SỐNG ĐẠO cử tệ đệ đến đây, gọi là phỏng vấn đạo huynh . .
.
HUỆ KHẢI (HK): Tôi chân thành cảm ơn Ban
Biên Soạn SỐNG ĐẠO và hiền hữu. Nhưng thay vì phỏng vấn, chúng mình tâm tình với
nhau thì sẽ dễ chịu hơn.
SĐ: Vâng. Sáng Chủ Nhật
19-5-2013 tại Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng), Chương Trình Ấn Tống có buổi giao lưu
lần thứ hai rất hào hứng với đông đảo bạn đọc miền Trung. Tiếc rằng thời gian hạn
hẹp, hôm đó tệ đệ không có điều kiện đặt câu hỏi với đạo huynh. Giờ đây tệ đệ xin
bắt đầu bằng câu hỏi đã bị “treo” suốt hai năm qua:
Kinh sách ấn tống, thậm chí là Đại Đạo Văn Uyển, chèn vào khá nhiều tiếng Anh và chữ Hán. Tín chúng
phần đông cảm thấy rối mắt, đọc không sướng! Đạo huynh có nghĩ rằng chính vì thế
đạo chúng sẽ kém mặn mà với kinh sách do Chương Trình Ấn Tống khổ công thực hiện?
HK: Tôi từng có lần tâm tình
trên một vài quyển đã ấn tống, giãi bày rằng việc chèn tiếng Anh và chữ Hán là
bất đắc dĩ. Trong hoàn cảnh Đạo mình còn thiếu quá nhiều sách công cụ (từ điển)
để tra cứu, thiếu các cơ sở đào tạo giáo lý… tôi muốn mượn kinh sách ấn tống như
một hình thức “hàm thụ” trợ giúp đồng đạo tự bồi dưỡng về giáo lý.
SĐ: Chương Trình đã in được
một vài tập sách song ngữ Việt-Anh. Có lẽ phần đông giới trẻ như tệ đệ rất hoan
nghênh. Nhưng một số tín hữu mộc mạc ắt chẳng khỏi tự hỏi rằng tại sao không in
riêng phần tiếng Anh cho tiết kiệm; bởi vì bà con chủ yếu chỉ cần đọc phần tiếng
Việt.
HK: Nếu in riêng tiếng Anh
thì mình sẽ phát hành đi đường nào, hiền hữu? Và chỉ in bao nhiêu cuốn? Thật ra
in riêng sẽ tốn kém hơn và không hiệu quả vì phải in số lượng rất ít, lại không
có chỗ để phổ biến. Thà in ghép mà còn có thể giúp thêm phương tiện tham khảo cho
quý tín hữu nào đang nuôi hoài bão sau này truyền giáo bằng tiếng Anh.
SĐ: Tệ đệ vừa được xem quyển
Đạo Cao Đài Trong Đời Sống Công Chúng /
Caodaism in Public Life.([1]) Tệ đệ thấy đạo huynh dịch
hai chữ Tam Công rất gọn và có
vẻ… hữu lý (cười). Dĩ nhiên sách vở hiện nay chưa có ai dịch Tam Công là the Three Merits như đạo
huynh. Xin đạo huynh chia sẻ kinh nghiệm tạo từ (coinage) với giới trẻ.
HK: Công Quả, Công Trình, Công Phu được Ơn Trên tóm gọn là Tam Công, tức là ba công. Mình nên dịch
sao cho gọn và cũng tuân thủ “cấu trúc” đó. Công Quả hiểu gọn là phục vụ (Service); Công Trình là luyện kỷ (Self-restraint); Công Phu là tham thiền
(Meditation). Ba chữ Service, Self-restraint, và Meditation
ráp lại thì thiếu yếu tố chung giống như chữ Công. Vậy, phải tạo ra nó. Trong từ Hán-Việt, khi nói Công 功 thì hàm nghĩa công trạng, công lao, công đức; nó khá tương
đồng với chữ Merit trong tiếng
Anh. Do đó, tôi dịch Tam Công là the
Three Merits; dịch Công Quà là the
Merit of Service; Công Trình là the
Merit of Self-restraint; Công Phu là the
Merit of Meditation.
SĐ: Nếu đạo huynh có kinh
nghiệm tạo từ như vậy, tại sao lại “dịch” hai chữ nhân bản là nhan-ban, tức
là gần như dùng y nguyên tiếng Việt? Tức là đạo huynh bó tay?
HK (Cười): Quả là bó tay! Điều
này tôi đã giải thích rõ trong sách. Ở đây nói vắn tắt thì Nhân bản là một thuật ngữ đạo học mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, chỉ
xuất hiện trong giáo lý Cao Đài. Nó là “đặc sản” của Cao Đài. Mình không thể tìm
một từ tương đương nào trong tiếng Anh mà có thể bao hàm tất cả những ý nghĩa phong
phú gói ghém trong hai chữ nhân bản hiểu
đúng theo giáo lý Cao Đài. Vậy thì tại
sao không giữ nguyên tự dạng của nó là nhan-ban?
Hàng trăm năm nay thế giới phương Tây hễ thấy chữ Dao (hay Tao) thì biết ngay nó là “đặc sản” của Lão Giáo Trung Quốc; hễ thấy
chữ Karma thì lập tức xác định nó là
“đặc sản” của Phật Giáo Ấn Độ, thấy chữ Shinto
thì nhất quyết nó là “đặc sản” của Thần Đạo Nhật Bản. Vậy thì tương lai phương
Tây hễ thấy developing nhan-ban, thấy
restoration of nhan-ban, v.v… họ sẽ
nhớ ra nhan-ban chính là “đặc sản” của
Cao Đài Giáo Việt Nam.
SĐ: Trước đây, mỗi khi muốn
thử diễn tả hai chữ sống đạo bằng tiếng
Anh, tệ đệ thường rất lúng túng. Có lần tệ đệ thử dịch là to live a religious life / to lead a religious life; nhưng lại thấy
không ổn, vì như thế có nghĩa là sống đời
tín hữu, sống đời tôn giáo. Trong khi một người thực sự đang sống đạo lại rất có thể không theo một tôn
giáo nào; còn nhiều người tuy đang có tôn giáo nhưng họ lại không hề sống đạo đúng nghĩa.
HK (cười): Hiền hữu hoàn toàn
chính xác! Traduttore, traditore! Dịch
là diệt!
SĐ: Khi đọc Đạo
Cao Đài Trong Đời Sống Công Chúng, tệ đệ thấy đạo huynh dịch sống đạo là to live the Dao. Trên “cơ sở” nào mà đạo huynh tạo từ
như vậy? Liệu nó có được bá tánh chấp nhận không?
HK: Khi tìm cách chuyển các thuật ngữ Cao Đài
sang tiếng Anh, chúng ta hầu như luôn luôn gặp trở ngại là thiếu những sách
công cụ (từ điển) thích hợp. Vì đạo của mình hãy còn mới, bề dày tu thư biên
khảo của học giới Cao Đài hãy còn quá mỏng. Nhu cầu dịch thuật buộc mình phải
tạo từ. Tuy
nhiên, mấy chữ “to live the Dao” không
phải là sáng kiến của tôi, mà chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp.
Tôi hiểu rằng sống đạo tức
là sống phù hợp các nguyên lý của Đạo.
Do đó, lúc đầu tôi dịch sống đạo là to lead a life in harmony
with Dao. Nhưng thấy như vậy dài dòng quá. Tôi suy nghĩ, hay là cứ thử
dịch sát từng chữ (theo kiểu word by word) là to
live the Dao. Thế rồi tôi tự hỏi: Trên thế giới, đã có ai từng dùng cụm
từ to live the Dao chưa? Tôi bèn gõ “to live the Dao” vào công cụ tìm kiếm
Google thì sung sướng quá, thấy rằng đã có khá nhiều tác giả Anh Mỹ viết y như
vậy rồi, đơn cử như Stephen C. Rowe khi viết cuốn Overcoming America, America Overcoming: Can We Survive Modernity?
(Nhà xuất bản Lexington Books in năm 2012, trang 180.)
SĐ (cười): Tệ đệ hỏi hơi thừa:
Dĩ nhiên đạo huynh đã phải đọc kỹ cụm từ to
live the Dao trong các ngữ cảnh (contexts)
truy cập được trên Internet để đảm bảo rằng nó diễn tả giống với ý nghĩa như người
Cao Đài vẫn hiểu?
HK: Thì phải làm như vậy thôi!
Ngày nay, mỗi khi dịch thuật ngữ Cao Đài, chúng ta có thể khai thác lợi ích của
Internet. Tôi kể một kinh nghiệm này nữa, hiền hữu nhé!
Quan tâm tới Tôn Giáo Học,
tôi thấy tiếng Anh thường dùng thuật ngữ Religious Studies, hay Study
of Religions, tức là Nghiên Cứu Tôn
Giáo. Nhưng tôi không hài lòng với tập quán đó. Tôi nghĩ, khi gọi tên một môn
học, tiếng Anh thường có hậu tố (suffix)
là -logy.
Thí dụ: Astrology (Chiêm Tinh Học); Mythology (Thần Thoại Học); Physiology (Sinh Lý Học); Theology (Thần Học); v.v… Tại sao mình
không thử tạo ra từ Tôn Giáo Học giống cách thức như thế?
Religion (Tôn Giáo) do gốc Latin là
Religio; vậy thì cứ dịch Tôn Giáo Học
là Religiology. Sau đó, tôi tự hỏi:
Trên thế giới, đã có ai dùng thuật ngữ này chưa? Tôi bèn gõ “Religiology” vào công
cụ tìm kiếm Google, và sung sướng thay, tôi phát hiện ra một danh gia người Nhật
là Hideo Kishimoto (1903-1964) - giáo sư giảng dạy ở Viện Đại Học Tokyo
(Nhật), cũng như ở ba Viện Đại Học Harvard, Stanford, và Princeton
(Mỹ) - chính là người sáng tạo
ra thuật ngữ Religiology. Thế là tôi
yên tâm.
SĐ: Tệ đệ cảm ơn đạo huynh đã
dành thời gian trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm dịch thuật rất bổ ích, và đồng
thời giúp tệ đệ hoàn thành đạo sự do Ban Biên Soạn SỐNG ĐẠO giao phó. Sau cùng,
nhân dịp Chương Trình Chung Tay Ấn Tống bước sang năm thứ tám, tệ đệ xin cầu
nguyện cho Chương Trình Ấn Tống hoàn hảo ở giai đoạn đầu, hoàn hảo ở giai đoạn
giữa và hoàn hảo ở giai đoạn cuối, như lời chúc mà Chương Trình đã nhận được vào
buổi hội ngộ sáng Chủ Nhật 19-5-2013 tại Trung Hưng Bửu Tòa.
SỐNG ĐẠO (tập Thu Ất Mùi, tr. 175-179)
Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015