Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / KHÁT VỌNG CỦA NGƯỜI DÂN QUA BỨC TRANH THỜ Ở NAM BỘ / Trần Văn Chánh


Trong tranh kiếng này, cặp liễn chữ Hán đọc như sau: Tổ tiên công đức thiên niên thịnh / Tôn tử hiếu hiền vạn đại vinh. (Tổ tiên công đức ngàn năm thịnh / Con cháu hiếu hiền vạn đời vinh.). [Văn Uyển chú.]
Hầu hết người Việt Nam nếu không theo một tôn giáo nào rõ rệt thì kể như theo đạo ông bà, coi việc thờ cúng tổ tiên như điều gì hết sức tự nhiên, hợp với tâm tư tình cảm của mình. “Việc tôn thờ này bắt nguồn từ lòng hiếu thảo. Một người con có hiếu thì tâm trí luôn nhớ mãi tới cha mẹ mình, để khỏi làm những điều đáng trách hại đến thanh danh, làm hoen ố kỷ niệm về họ. Việc thờ cúng ông bà xem ra như là một tôn giáo nhưng không phải tôn giáo.” (Hồ Đắc Hàm, Phụ Quyền Trong Luật An Nam, tr. 30-31.)
Dù có khác nhau về hình thức đến mấy, ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn là một, biểu hiện lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tiền bối đã sinh thành ra mình:
Cây có nước mới nở ngành [cành] xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.
Người ta nguồn gốc ở đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình.
Việc thờ cúng ông bà biểu hiện rõ nét những quan niệm về nhân sinh cũng như khát vọng cuộc sống, do vậy người dân Việt nói chung và người Việt miền Nam nói riêng đều rất coi trọng, xem cái bàn thờ như một biểu tượng thiêng liêng gắn liền với mảnh đất, ngôi nhà của mình, có ảnh hưởng đến cả mệnh vận của mình cùng biết bao niềm tin qua kinh nghiệm sống lâu đời về những điều u ẩn siêu việt khác nữa.
Cũng như những miền khác của đất nước, người dân Nam Bộ luôn coi việc sắp xếp bàn thờ cho chu tất, trang nghiêm là điều không thể thiếu được nếu còn khả năng cất được một nhà ở cho mình, cho dù chỉ là mái tranh vách đất đơn sơ.
Bàn thờ chính chung cho cả dòng họ thường đặt ở nhà người con trưởng hay trưởng tộc. Trong trường hợp con trưởng nghèo quá hoặc vì hoàn cảnh phải quanh năm xuôi ngược không ở tại quê nhà thì việc nhận phần hương hỏa và thờ cúng có thể giao cho một trong những người con khác có uy tín nhất trong dòng họ. Nếu nhà nghèo thì bàn thờ thường là một chiếc bàn đơn giản nhưng sạch sẽ, trên để bộ lư hương nhỏ, chiếc đèn dầu và một ống đựng nhang. Nhưng nếu làm ăn khá lên đôi chút thì việc đầu tiên phải nghĩ tới là sắm sửa cho được một tủ thờ trang trọng.
Trên tủ thờ này, ngoài bộ lư hương đồng to lớn bóng lộn, với cặp chưn đèn cao hai bên (cũng bằng đồng), và các bài vị (nếu có), còn có bức tranh thờ đặt phía sau, sát vách, có thể treo hoặc kê thẳng trên tủ thờ. Đơn giản chỉ có vậy, và bức tranh cũng không mấy rườm rà, vẽ toàn cảnh bằng màu nước ([1]) một góc nhỏ của làng quê Nam Bộ, gồm mây nước, cây cối (cau, dừa…) xung quanh một ngôi nhà tường ngói đỏ, trước nhà có chiếc cầu đá bắc qua, xa xa là dòng sông nước đang lớn có những cánh buồm thấp thoáng, và chim én bay liệng tung tăng trên bầu trời quang đãng…
Bức tranh bình dị mộc mạc như tâm hồn bình dị của người dân quê Nam Bộ, gợi nên cảnh sắc quê hương giàu đẹp với kiến trúc trung tâm là ngôi nhà, gắn với môi trường thiên nhiên mát rượi, có những cây cau, vườn chuối, biểu hiện rõ nét khát vọng của người dân về một đời sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc… một khát vọng cũng bình dị như lối sống, cách ăn ở dễ thương của họ vậy.
Ngôi nhà tường mái đỏ nói lên khát vọng cải thiện đời sống cơ bản của người nông dân, với ước mơ từ nghèo trở nên giàu, nhà lá cất lên nhà ngói, đời sống sung túc, biểu hiện sự thành công, làm ăn được, thoát khỏi số phận bần nông cơ cực.
Quan niệm sống của người nông dân xét cho cùng thật đơn giản: Nuôi con lớn lên thì dựng vợ gả chồng, dạy cho chúng biết “mần ăn” lương thiện, biết cách đối nhân xử thế, rồi dựng cho chúng mái nhà lá cột gỗ đơn sơ để “ra riêng”, chia cho vài ba công đất tự lập…
Lo được đến đó, người làm cha mẹ coi như hết phận sự với con cái, rồi có chết cũng cam lòng. Đứa nào giỏi giang cày cuốc thì cất được nhà ngói, bán đôi trâu để sắm được ít nông cụ tương đối hiện đại hơn như máy cày, máy suốt lúa…; đứa nào bản lĩnh nữa thì nuôi cho cháu mình được ra chợ, lên thành phố học, nếu đỗ đạt chút ít, thoát khỏi cuộc đời chân lấm tay bùn coi như thành công lớn, được họ hàng và xóm giềng nể trọng.
Cây cầu đá trên bức tranh thờ bắc từ bên kia bờ sông hay con rạch nhỏ đi qua nhà cho tiện cũng chỉ thị khát vọng mong “làm ăn được”, vì có làm ăn được mới có khả năng thay chiếc cầu khỉ bằng cầu ván, rồi lần hồi lên tới cầu đá, cầu xi-măng. Theo tập quán từ xưa, nhà tuy riêng nhưng cầu, đường luôn được dùng chung, cho dù chỉ một cá nhân bỏ tiền ra làm hay do nhiều người đóng góp cũng vậy, ai cũng có quyền đi qua (mà luật pháp hiện đại gọi là quyền địa dịch).
Những con đường làng ban đầu lầy lội sau trở thành đường đất đỏ hoặc tráng xi-măng, lót đan cũng có cùng một xuất phát như vậy, không cần phải bảo “nhà nước với nhân dân cùng làm”. Khi nhân dân đã sống khá lên rồi thì tự họ biết cách thu xếp trong tinh thần tập thể để cải thiện cuộc sống, mới có đủ điều kiện thực thi lễ nghĩa tốt hơn, và mới có tiền lập miễu, cúng đình, một hình thức đóng góp tự nguyện đã có từ lâu đời để dân chúng vừa tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền hậu hiền khai cơ lập nghiệp, vừa cùng nhau ăn uống vui chơi thỏa thích trong những dịp hội hè, bù lại cho những ngày nắng mưa nặng nhọc. Điều này cho thấy ý thức tập thể chỉ có thể được hình thành một cách bền vững và tự nhiên từ đời sống thuận lợi hơn của người dân chứ không thể áp đặt từ trên xuống bằng cách gieo rắc ý thức có tính trừu tượng hay bó buộc nào khác.
Ngoài cảnh nhà ở với sông nước, cây cối bao quanh, còn có bức hoành phi và đôi câu đối cũng được gắn chung vào bức tranh thờ, thành một tổng thể cân đối của bức tranh, rất tiện gọn cho việc bài trí. Bức hoành phi ở giữa phía trên, hai bên là đôi câu đối, đều bằng chữ Hán. Về sau dân chúng ít người còn biết chữ Hán nên có người nhờ thợ vẽ viết lại thành chữ quốc ngữ theo lối chữ triện,([2]) với nội dung cũng lấy từ những câu chữ Hán thông dụng phiên âm ra. Các phần chữ nghĩa này trên bức tranh thờ cũng biểu hiện nhân sinh quan và khát vọng cuộc sống của người dân quê Nam Bộ với tâm hồn bình dị, khả ái, chẳng khác nào như những lời chú giải thêm cho bức tranh bên trong vậy.
Ở các vùng quê Nam Bộ, ngay tại đô thị nhưng chủ nhà vốn gốc chân quê lên, bức hoành phi trong tranh thờ thường thấy viết những chữ đại tự truyền thống như:
Đức lưu quang. (Đức để lại sáng.)
Đức lưu phương. (Đức để lại tiếng thơm.)
Đức duy hinh. (Đức truyền có tiếng thơm.)
Ẩm hà tư nguyên. (Uống nước nhớ nguồn.)
Khắc xương quyết hậu. (Để tốt lành về sau.)
Sơn cao hải tuấn. (Núi cao biển sâu.)
Con người ăn ở phải có đức, sau khi chết cũng để đức lại cho con cháu, đó là quan niệm sống đạo đức rất đơn giản nhưng dứt khoát của người Việt nói chung và đồng bào Nam Bộ nói riêng. Giàu sang là điều tốt, nhưng sống thiếu đức bị coi là “trọc phú”, chẳng phải điều dân ta mơ ước. Vì vậy trên bức tranh thờ nếu không nhắc nhở việc vun bồi đạo đức thì cũng nói chuyện “uống nước nhớ nguồn”, về lòng biết ơn…
Đôi khi bức hoành phi chỉ ghi ba chữ “Phúc, Lộc, Thọ”, cũng biểu hiện sự mơ ước về một đời sống an lành hạnh phúc, hoặc ghi bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” để chỉ thị đây là chỗ thờ phượng tập thể ông bà của cả hai bên nội ngoại trong gia tộc. Cặp đối liên trong bức tranh thờ chẳng qua cũng chỉ là sự quảng diễn cho rõ hơn những khát vọng đã hàm chứa trong bức vẽ, đồng thời nói lên lòng tri ân của hàng con cháu đối với các bậc tiên tổ. Những câu thường thấy nhất nơi các làng xã Nam Bộ là:
*Phụ đạo sinh thành sơn nhạc trọng
Mẫu ân cúc dục hải hà thâm.
(Đạo cha sinh thành nặng như non núi
Ơn mẹ nuôi nấng sâu như biển sông.)
*Tổ công phụ đức thiên niên thịnh
Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh.
(Công đức cha ông ngàn năm thịnh
Cháu hiền con hiếu muôn đời vinh.)
Hoặc đôi khi chỉ là những câu diễn tả niềm mơ ước một đời sống thanh nhàn, tươi vui, được hiểu ngầm chỉ có được sau khi đã làm ăn khấm khá, nên cửa nên nhà:
Sơn thủy thanh cao xuân bất tận
Thần tiên lạc thú cảnh trường sinh.
(Phong cảnh thanh cao xuân mãi mãi
Thần tiên vui thú cảnh đời đời.)
Có lẽ không phải quá đáng nếu cho rằng hiểu được ý nghĩa của bức tranh thờ như nói trên cũng là hiểu được lòng dân, thấu hiểu tâm lý cùng hoài bão thiết tha về cuộc sống, lúc nào cũng muốn vươn lên bằng sức lao động chân chính của mình. Mà cuộc sống từ đời nọ qua đời kia của họ vốn gắn liền với quyền sở hữu (chứ không phải quyền sử dụng) chính đáng ngôi nhà, với đất đai vườn tược xung quanh mà họ luôn ra sức chăm bồi không kém phần cơ cực để chỉ mong có được một ngày thanh thản lúc tuổi già và có gì để lo lại cho con cháu.
Nói chung người nông dân Việt Nam đầu óc thực tế và ít có những tư biện mông lung về chính trị, song điều đó hoàn toàn không có nghĩa họ không có sự nhạy cảm vừa đủ để phân biệt những ai là người đã mang lại cơm no áo ấm cho họ, còn ai là những kẻ sâu dân mọt nước gián tiếp hoặc trực tiếp phá hoại đời họ. Thăm hỏi một người dân quê Nam Bộ, người ta thấy hình như họ chỉ hứng thú sôi nổi với những gì liên quan việc đồng áng, cá tôm, việc học hành của con cái cháu chắt, điều kiện chăm sóc y tế, những quyền lợi thực tế trước mắt… Phàm những gì thấy rõ trong hiện thực thì mới tin chứ ít khi nhớ được những câu chữ phức tạp hay lời hứa hẹn gì trong những bài diễn văn tràng giang đại hải, mà họ mặc nhiên cho rằng thuộc ngôn ngữ của một thành phần nào khác.
Chính vì vậy, cho tới bây giờ, ở các tỉnh thành Nam Bộ, chúng ta vẫn không hiếm thấy được bức tranh thờ với ý tranh đơn sơ giản dị kèm theo những câu đối lộng lẫy biểu hiện tâm thức và khát vọng muôn đời của người nông dân Nam Bộ. Các nhà chức trách khi đưa ra các quyết định hoặc chế định luật pháp, nếu thật sự quan tâm đến số phận, hạnh phúc người dân, đặc biệt tầng lớp nông dân đã bao đời khốn khó, chỉ cần nhìn vào bức tranh thờ là biết ngay họ đã có sẵn những nguyện vọng gì rồi!
TRẦN VĂN CHÁNH



([1]) Thường thấy vẽ bằng sơn dầu lên mặt sau tấm kiếng. Gọi là tranh kiếng. Tấm hoành và cặp liễn đi kèm theo tranh này cũng vẽ trên mặt sau tấm kiếng. [Văn Uyển chú]
([2]) Thường thấy là cách viết từng chữ Việt lọt trong một vòng tròn, các vòng đường kính bằng nhau. [Văn Uyển chú]

= Hạnh phúc chân chánh thì giá cả đủ rẻ, nhưng chúng ta lại trả tiền quá mắc để mua lấy hạnh phúc giả hiệu. / Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit. Hosea Ballou (nhà thần học Mỹ, 1771-1852)