Hằng năm, vào ngày 23-8 âm lịch, thánh thất Nam Thành đều
trân trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm ngày Khai Tịch đạo Cao Đài 23-8 Bính Dần (Thứ
Tư 29-9-1926), là ngày hai trăm bốn mươi lăm vị trong số các môn đệ Cao Đài đầu
tiên ký tên vào tờ Khai Tịch Đạo để chính thức công khai hóa hoạt động phổ độ
của tân tôn giáo Cao Đài.
Tôn giáo đã từng hiện hữu trong đời sống xã hội nhân loài từ
rất lâu đời và cũng rất đa dạng về hình thức thờ phượng, nghi lễ, giáo lý, giáo
luật, v.v… Trên nguyên tắc, tôn giáo có một vai trò tích cực trong việc mang
lại hạnh phúc, an lạc cho con người trên cả hai phương diện nhân sinh và tâm
linh. Thế nhưng, đã có lúc tôn giáo bị con người lợi dụng cho những mục đích
bất chánh để thỏa mãn tham dục nên đã gây ra biết bao đau khổ cho con người và dẫn
dắt con người vào đường mê tín dị đoan, vì thế tôn giáo từng bị chỉ trích là
thuốc phiện ru ngủ, mê hoặc con người.
Đầu thế kỷ thứ 20, nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là đạo
Cao Đài, được chính Đức Chí Tôn Thượng Đế giáng trần khai mở trên mảnh đất Việt
Nam. Giáo lý Cao Đài đã minh định vai trò của một nền tôn giáo chơn chánh trong
đời sống xã hội nhân sinh.
1. Tôn giáo
góp phần phục hồi các giá trị đạo đức và hoàn thiện hóa con người. Từ đó, tôn
giáo góp phần cải thiện xã hội, hướng đến xây dựng một xã hội an bình hạnh phúc
và văn minh tiến bộ cho con người tại thế gian. Đó là siêu chính trị.
Xưa nay, người có đức tin tôn giáo là
người tin có linh hồn, tin có cuộc sống sau khi chết, tin ở sự công bình thưởng
phạt của luật nhân quả luân hồi, và tin có thiên đàng địa ngục. Niềm tin này
đôi khi bị cho là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận tác dụng
tích cực của niềm tin này đối với đạo đức xã hội. Bởi lẽ, nhờ có niềm tin này,
con người mới cố gắng sống tốt hơn, tích cực làm điều thiện nhiều hơn, và không
dám làm việc bất chánh cho dù chỉ có một mình ở nơi thanh vắng vì tin rằng có trời
đất biết, quỷ thần biết.
Trong Cổ học tinh hoa hai tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tĩnh Trai Trần
Lê Nhân kể lại câu chuyện của một vị quan thanh liêm thuở xưa tên là Dương Chấn.
Dương Chấn được bổ làm thái thú quận
Đông Lai, trên đường phó nhậm đi qua đất Xương Ấp. Quan huyện ở đấy là Vương Mật,
trước kia được Dương Chấn đề bạt. Thế nên đợi đêm khuya Vương Mật đem vàng đến tạ
ơn.
Dương Chấn rầy: “Trước đây tôi biết
ông là người khá, mới tiến cử ông, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem
vàng tới cho tôi ư?”
Vương Mật cố nài: “Xin ngài cứ nhận
cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết.”
Dương Chấn quở: “Trời biết, đất biết,
ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết!”
Nghe vậy Vương Mật xấu hổ, lui ra.
Dương Chấn là một vị quan thanh liêm,
chỉ chăm lo việc dân việc nước, không tham nhũng, không lo làm giàu cho riêng mình.
Ông nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn
tiền của ruộng nương để lại cho chúng ư?” ([1])
Thật vậy, lý tưởng sống của con người
không chỉ nhắm vào các giá trị vật chất mà còn phải chú trọng về các giá trị đạo
đức tinh thần. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Đời con người lấy lẽ sống làm căn bản, nếu chỉ là sống cho bản thân giả tạm
ở cõi vô thường này thì không cần phải đề cập đến, mà phải quan niệm
luôn cả lẽ sống về tâm linh.([2])
Do đó, theo giáo lý Cao Đài, ý nghĩa căn bản nhất của chữ tu chính là tu sửa bản thân cho nên
người thánh thiện; phục hồi, bổi bổ lại các giá trị đạo đức mà con người từ lâu
đánh mất. Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Tu là sửa những gì đã trật
Tu là bồi cái
mất thân tâm
Tu là tránh nẻo
sai lầm
Trong Ngọc Lộ Kim Bàn có ẩn dụ như sau: Mỗi
chơn linh trước khi xuống thế gian làm người đều được Đức Từ Tôn Diêu Trì Kim
Mẫu ban cho một túi đựng tám món báu (bát bửu nang) gồm: Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa,
Liêm, Sỉ.([4]) Tuy nhiên, khi vào trần gian, vì bị năm con ma Sắc,
Tài, Tửu, Khí, Yên ([5]) cám dỗ nên con
người đánh mất tất cả tám món báu ấy.
Quả thật, ngày nay
chúng ta dễ dàng thấy được những bi kịch cuộc đời nhan nhản trên báo chí.
Có những đứa con
đuổi cha đuổi mẹ ra đường phố để chiếm đoạt ngôi nhà. Ấy là chữ Hiếu, món báu đầu tiên của con người,
bị con ma Tiền Tài cám dỗ làm cho
rơi mất.
Có những anh chị em
cùng máu mủ ruột rà lại xâu xé nhau vì tranh giành gia tài mẹ cha để lại. Ấy
cũng vì con ma Tiền Tài khiến cho
con người đánh rơi mất món báu thứ hai là Đễ.
Cũng vì danh lợi
tiền tài mà con người bất trung, bất nghĩa với quốc gia dân tộc, bất tín với
bằng hữu; người làm quan tham ô, nhận của hối lộ. Đó là đánh mất cả Liêm Sỉ.
Vì con ma Sắc khiến xui mà những kẻ quyền thế bức
hiếp gái lành, vợ chồng không trọn niềm chung thủy, thế là con người đánh mất Lễ.
Con
ma Khí xúi giục người nóng giận,
hung bạo. Ngày nay, chỉ cần một ánh mắt, một lời nói bất bình cũng đủ cho kẻ
hung bạo sẵn sàng gây án mạng không chút do dự.
Con
ma Yên xúi giục con người sa đọa
trong ma túy, tìm cái vui ảo giác mà hủy hoại cuộc sống bản thân…
Con
người cần phải tìm lại được đầy đủ tám món báu này thì bản thân mới là người đạo
đức lành mạnh, gia đình mới hạnh phúc, quốc gia xã hội mới an bình.
Xét
trên bình diện thế giới, nhân loại toàn cầu ngày nay đang đứng trước các vấn nạn
nghiêm trọng như chiến tranh, khủng bố, môi trường sinh thái bị hủy hoại, v.v… Nguyên
nhân cũng chỉ vì con người đã đánh mất các giá trị đạo đức như tình thương yêu,
hạnh công bình, lòng bác ái, đức từ bi, nếp sống “thiểu tư quả dục” (ít tư
riêng, ít nghĩ đến lợi ích cá nhân và hạn chế ham muốn)… Nếu con người biết tập
rèn hạnh bác ái, mở rộng lòng thương yêu đến vạn loại chúng sanh, một con kiến
còn không nỡ giết hại thì làm sao có thể gây nên chiến tranh tang tóc hay khủng
bố sát hại người vô tội hàng loạt? Nếu con người biết “thiểu tư quả dục” theo lời
dạy của Đức Lão Tử trong Đạo Đức Kinh
từ mấy ngàn năm trước thì làm gì môi trường thiên nhiên trên trái đất này lại bị
khai thác cạn kiệt và hủy hoại nghiêm trọng như hiện nay?
Thế
nên, giáo lý các tôn giáo kêu gọi con người hãy thức tỉnh để phục hồi các giá
trị đạo đức của con người nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đức Linh
Quang Thổ Địa dạy rõ ý nghĩa và vai trò của đạo đức như sau:
Đạo đức là chi hỡi thế nhân?
Đạo - đường cải thiện cõi hồng trần
Cho đời lạc nghiệp an cư đấy
Trong nếp an hòa khắp chúng dân.
Đạo dẫn người xa nẻo tội tình
Tham lam trộm
cướp hại sanh linh
Loạn luân tửu
nhục lời gian dối
Từ bỏ trước
tiên để sửa mình.
Sửa mình cho đúng kẻ hiền
lương
Chủng tộc
tình dân dạ mến thương
Quốc túy quốc
hồn trong lẽ đạo
Làm dân há lại
chẳng hoằng dương.
Đạo đức sửa sang cõi thế trần
Cội nguồn non
nước khắp thôn lân
Gia đình xã hội
nên lương thiện
Nào phải chỉ
tu với Thánh Thần.
Đạo dạy con người được thế
thôi
Ai ai cũng tốt
đã xong rồi
Thế gian đâu
có trường tranh chấp
Với ý nghĩa và vai
trò mang đầy tính tích cực như thế của tôn giáo, của đạo đức, giáo lý Cao Đài
dạy rằng “đạo đức là siêu chánh trị”,
bởi lẽ, nếu mọi thành viên trong xã hội đều là những con người đạo đức biết
thương yêu nhau thì quốc gia xã hội đâu còn cần đến khám đường để giam hãm kẻ
tội lỗi, thế giới này đâu còn chiến tranh chết chóc và những cảnh bất công
người áp bức người. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát dạy:
… những người trong cửa đạo từ
lâu không dám bàn đến hai tiếng chánh trị, vì quan niệm rằng chánh trị là có lập
phe lập đảng, có tranh bá đồ vương, có giựt giành quyền thế. Tại hiểu như vậy
nên không dám nghĩ và bàn đến hai tiếng ấy. Thật nghĩa của nó là cao quý biết bao!
Định nghĩa: Chánh là
chánh trực, quang minh, ngay thẳng, đúng đắn, có nhân nghĩa đạo đức và háo
sinh. Trị là an ninh, bảo tồn trật tự, hòa thuận dưới trên. (…)
Ngày nay cũng như từ bao giờ, những phần
tử tốt, tu hành chân chính trong cửa đạo hằng hoàn thiện hóa từ nội tâm đến ngoại
thể con người mình cho đúng với hai chữ đạo đức. Đó là phần vụ tu thân. Còn phần
lập công bồi đức là việc tế nhân độ thế, làm những công việc xã hội từ thiện, lấy
lý đạo lồng vào việc làm để tỉnh thức kẻ tội lỗi hung ác trở lại đường thiện
lương thuần mỹ, giáo dân vi thiện.
Độ được một người vào cửa thiện là giảm
đi một phần tử xấu của quốc gia. Độ được một người biết làm công việc giáo dân
vi thiện ([7]) là đã bớt đi hàng trăm phần tử xấu của
quốc gia. Nếu độ được trăm ngàn muôn triệu người như vậy thì một quốc gia đã giảm
đi rất nhiều khám đường và sẽ chuyển những cơ sở ấy lại thành giáo đường. Như
vậy không phải đạo đức là siêu chánh trị hay
sao?
Nếu mỗi người thương nhau trong tình
đạo hữu, trong tình anh chị em cùng một Cha chung Thượng Đế, lo dìu dẫn nhau, bảo
trợ nhau, dạy dỗ nhau như người cùng ruột thịt thì xã hội quốc gia đương nhiên
an bình, dân tình được lạc nghiệp. (…) Được thạnh trị nhờ chữ chánh: chánh tâm,
chánh trực, chánh tín. Từ lớn chí nhỏ, từ quan chí dân, từ kẻ sĩ phu tới hàng
cùng đinh mà được chánh thì lo gì không thạnh trị an ninh, quốc gia cường thịnh,
xã hội thanh bình. Đó không phải đạo đức là siêu chánh
trị hay sao?
Do đó, người có tôn
giáo không tu ích kỷ để thành Tiên thành Phật một mình. Đức Cao Triều Phát dạy:
“Tu không phải chán đời ẩn dật, mà tu
phải mạnh dạn đi vào đời.” ([9]) Ngôi vị Tiên Phật
đương nhiên sẽ đến sau khi đã hoàn thành sứ mạng vi nhân. Đức
Quan Thánh Đế Quân dạy:
Chư hiền đệ hiền muội! Luận về
phần con người, mỗi hiền đệ muội là một công dân của đất nước, tất nhiên mỗi
người phải có trách vụ thương yêu đất nước dân tộc của mình. Ngoài bổn phận
công dân thường nhựt, chư hiền đệ muội lại có một vai trò khác nữa là người tu
thân hành thiện, hay nói cao hơn nữa là hàng giáo dân vi thiện.
(…) người vào đạo tu thân
không có nghĩa là trốn lánh việc đời, mà phải hòa mình trong việc đời để trước
hoàn thiện hóa bản thân mình, rồi hoàn thiện hóa những người khác. Làm thế nào
trong một khoảng thời gian ngắn hoặc dài, hoàn thiện hóa hầu hết dân tộc của
chư hiền đệ muội. Đó mới hoàn toàn thành công trong đời tu thân hành đạo.
Nếu trong một quốc gia, từ cấp
lãnh đạo đến cùng dân đều hoàn thiện, có bổn phận trên xem dưới như con cháu
tay chơn, dưới xem trên như cha anh mắt mũi, thì lo gì nước nhà không thạnh trị,
thiên hạ chẳng thái hòa. Đó là tôn chỉ, mục đích chánh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
ở phần nhân sanh thế đạo.
Chư hiền đệ muội đừng bao giờ
có ý nghĩ này: Vào đạo để độc thiện kỳ thân,([10]) đóng cửa tự luyện phép mầu để chắp cánh bay bổng cung tiên, hoặc vào
hang sâu rừng thẳm tịnh luyện nội ngoại công phu để làm tướng Trời dẹp loạn.
(…) Nếu mỗi một tín hữu làm
sao độ được mười hai bạn khác hiểu đạo, hành đạo thì Bần Đạo tin rằng một thời
gian không lâu, thánh đường mọc lên như nấm, khám đường dẹp bỏ lần lần, để làm
kho dự trữ phẩm vật cứu tế xã hội hoặc làm học đường, hoặc làm cô nhi dưỡng lão
viện.([11])
Đây chính là vai trò đầu tiên của tôn giáo đối với xã hội loài người: Phục
hồi các giá trị đạo đức của con người, cải thiện và xây dựng xã hội thành một
cõi thiên đàng tại thế. Vì thế, tôn giáo hay đạo đức chính là siêu chánh trị.
2. Tôn giáo góp phần xây dựng một xã hội quân bình giữa
tâm linh và nhân sinh.
Giáo lý Cao Đài dạy rằng nhân sinh và tâm linh là hai mặt không thể tách
rời nhau của đời sống con người. Khi hướng ngoại với tư cách là một thành viên
của xã hội nhân loài thì con người có nghĩa vụ về mặt nhân sinh nhằm xây dựng một
xã hội an lạc, hạnh phúc và văn minh tiến bộ nơi trần thế; còn lúc hướng nội với
vai trò là một tiểu linh quang của Thượng Đế lại có sứ mạng thực hiện cơ tiến
hóa tâm linh cho chính bản thân và thúc đẩy sự tiến hóa chung cho vạn loại.
Đức Linh Quang Thổ
Địa dạy:
Duy tâm duy vật cũng con Trời
Hai lẽ song
song để dựng đời
Duy vật đắp
xây nền hữu tướng
Duy tâm thánh
thiện giúp con người.
Vật chất hữu hình tại thế gian
Để làm phương
tiện giúp muôn vàn
Tinh thần lẽ sống trong tim óc
Đức Đại Tiên Lê Văn
Duyệt dạy:
Một cuộc đời đáng sống khi hướng ngoại thì lo giúp thế độ đời, lúc trở
vào tâm nội thì trau dồi đạo hạnh, tu đức, tu công, mưu cầu
ích chúng lợi dân, xây dựng nếp sống hiệp hòa trong thiên hạ. Hiền Thánh xưa có
chi đâu là lạ, biết dưỡng nuôi ý chí giúp đời ở ăn cho thuận lòng Trời, đối với
đạo người thì không tự hối.([13])
Xã hội
nhân loại ngày nay còn nhiều bi kịch đau thương cũng chỉ vì con người quá yêu
chuộng những giá trị vật chất mà chôn vùi các giá trị đạo đức tinh thần, khiến
cho con người trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến lợi ích cá nhân và dửng dưng
trước nỗi đau khổ của tha nhân.
Đức Giáo
Tông Vô Vi Đại Đạo nhắc nhở con người nên giữ Trung Đạo, quân bình giữa vật chất
và tinh thần, giữa đời và đạo, không thái quá cũng không bất cập trong lối sống:
Thiêng Liêng thường nói: Cõi đời là
chốn phù du, là sông mê, là giả tạm. Đừng ai quá chấp ngã mà ôm chầm lấy nó để
rồi hủy hoại bước đường tiến hóa. Có người nghe nói như vậy, đương làm ăn kinh
doanh sự nghiệp, đương trong cảnh phu ấm thê vinh, phụ tử tương phùng, rồi vội
vàng dứt bỏ tất cả để tìm cái không. Trong lúc đó cũng có những người không
tin, mãi đắm đuối mê say ôm ghì lấy cái giả tướng ấy. (…) Hai hạng người ấy ở
hai hoàn cảnh và hai tâm trạng đều trật hết, ấy là sai lý đạo.([14])
Khi con
người biết sống trong phạm vi đạo lý và thực hành bổn phận đối với gia đình, xã
hội, quốc gia cho đúng đạo làm người thì sống đời cũng là sống đạo. Đạo đời, đời
đạo lồng vào nhau không tách biệt chia phân mới là một cuộc sống đúng đạo lý
như lời Đức Cao Triều Phát dạy:
Ai lại không sống,
không ăn, không mặc, không ở. Ai lại không có gia đình kế tự. Nhưng sự ăn mặc, ở
và xây dựng gia đình theo nếp sống hiền lương đạo đức thanh cao trong sạch. Lúc
bấy giờ đời là đạo, đời đạo đi đôi,
chớ nào ai phân tách hai lối hai phương cách biệt.([15])
Vậy, theo giáo lý Cao
Đài, tôn giáo có vai trò xây dựng một cuộc sống xã hội đạo đức quân bình giữa tâm
và vật, giữa vật chất và tinh thần, giữa tâm linh và nhân sinh cho con người. Sự
quân bình này sẽ mang lại cho nhân thế một cuộc sống vừa văn minh tiến bộ về vật
chất, vừa đạo đức thanh cao về tinh thần.
Đức Cao Triều Phát soi rọi
cho chúng ta thấy trước một viễn ảnh tươi đẹp của xã hội nhân loài quân bình giữa
tâm và vật như sau:
Con người sẽ tiến bộ, quốc gia sẽ văn minh. Khoa học sẽ giúp
người đạt địa, đạo lý sẽ giúp người thông thiên. Thế gian không còn là biển khổ,
là sông mê.([16])
3. Tôn giáo đưa
con người tiến hóa đến tầm mức siêu xuất thế gian.
Tiến hóa là một định
luật của vũ trụ. Theo giáo lý Cao Đài, vạn vật nơi thế gian tuần tự tiến hóa từ
kim thạch đến thảo mộc, thú cầm, rồi lên đến con người. Khi đạt đến nhơn phẩm,
con người đã có đủ tam hồn thất phách, được xem là sinh vật tối linh sánh ngang
cùng trời đất trong thế Tam Tài (Thiên-Địa-Nhân) và có đầy đủ điều kiện để tiến
hóa lên hàng Thần Thánh Tiên Phật, giải thoát linh hồn khỏi vòng luân hồi sinh
tử sau khi cổi bỏ xác
phàm, mà trước hết là tự giải thoát tinh thần khỏi mọi
điều khổ đau phiền não của cuộc đời ngay khi còn sống tại thế gian, hay
cũng gọi là “cư trần lạc đạo” hay “cư trần bất
nhiễm” như lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Ở thế mà tâm chẳng nhiễm trần
Tuy mang nhục thể thấy phi thân
An bần lạc đạo nơi trần tục
Do đó, cõi thế
gian chính là trường thi tiến hóa của vạn linh sanh chúng và tôn giáo có vai trò đưa con người tiến
lên cõi hằng thường vô sanh bất diệt hay cũng gọi là niết bàn cực lạc hay thiên
đàng, bằng các pháp môn được truyền thừa từ các bậc Giáo Tổ. Chẳng hạn như Phật
Giáo thì có pháp môn Lục Độ Ba La Mật, Cao Đài Giáo thì có pháp môn Tam Công (bao
gồm Công Quả, Công Trình, và Công Phu).
*
Tóm lại, theo giáo lý Cao Đài, tôn giáo
có một vai trò rất tích cực trong đời sống xã hội, góp phần phục hồi các giá
trị đạo đức của con người. Từ đó, tôn giáo góp phần xây dựng một xã hội an
bình, hạnh phúc và văn minh tiến bộ cho con người trong thế quân bình giữa tâm
linh và nhân sinh, hay nói một cách khác là xây dựng thiên đàng tại thế cho con
người. Tôn giáo cũng đưa con người tiến hóa lên đến tầm mức siêu xuất thế gian,
giải thoát linh hồn khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Ngày nay thế giới nhân loại vẫn còn đầy dẫy những khổ đau bất hạnh, chết
chóc tang thương vì những cuộc xung đột chiến tranh liên miên và tệ nạn khủng
bố giết người hằng loạt, thiên tai, dịch bệnh lan tràn, v.v… Đó là do tôn giáo chưa
phát huy được hết vai trò của mình trong việc phổ biến sâu rộng các lý thuyết
tốt đẹp mà Đức Thượng Đế, các bậc Giáo Tổ và các Đấng thiêng liêng đã truyền dạy
cho con người.
Dân gian Việt Nam ta từ xưa có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm
lại nên hòn núi cao.” Ước mong sao tất cả các tôn giáo chân chính trên hoàn cầu
sẽ cùng bắt tay nhau để kết hợp thành một thực thể đạo cứu thế có khả
năng cải tạo cõi thế gian đầy đau khổ và nước mắt này thành một cõi thiên đàng
thuần chánh.
Xin nguyện cầu được như thế.
DIỆU NGUYÊN
Bài nói chuyện tại thánh thất Nam
Thành
kỷ niệm ngày
Khai Tịch Đạo
sáng Thứ Hai 05-10-2015 (23-8 Bính Dần)
([4]) Hiếu: Kính
yêu và phụng dưỡng cha mẹ. Đễ: Hòa
thuận với anh chị em. Trung: Tận tụy
phục vụ, trung thành với quốc gia dân tộc. Tín:
Thành thực, giữ đúng lời hứa. Lễ: Giữ đúng phép tắc, trật tự, kỷ cương. Nghĩa: Cư xử đúng theo bổn phận, cương vị
của mình. Liêm: Thanh liêm, liêm khiết, trong sạch, không tham lam. Sỉ:
lòng biết xấu hổ nên không làm điều xấu.