Hiền huynh Lê Trí Tổng, chức việc của thánh
thất Trung Đồng (Đà Nẵng), thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, trong gần hai
năm trị bệnh ở Huế đã hoàn tất tự truyện Mảnh Thân Giữa Cõi Vô Thường vào tháng 12-2015. Văn Uyển được hiền
huynh chia sẻ bản thảo này vào đầu xuân Bính Thân (hạ tuần tháng 2-2016). Văn
Uyển trích đăng phần đầu của tự truyện và trân trọng giới thiệu cùng quý bạn
đọc đạo tâm. (Các
chú thích trong bài đều do Văn Uyển thêm vào.)
|
Chôn cất mẹ tôi xong, đứa em gái của tôi mới rời quê xuống
phố báo tin mẹ tôi đột ngột qua đời. Tôi, thằng bé mười bốn tuổi đang ăn nhờ ở
đậu nhà người bà con để theo học tại trường trung học tỉnh lỵ. Mẹ tôi, người
tôi yêu quý nhất mất đi, tôi chỉ còn lại người anh và đứa em gái nhỏ dại. Trước
đây mười năm, cha tôi cũng đã vĩnh biệt cuộc đời. Nỗi đau xót quá bất ngờ, quá
lớn chụp xuống tuổi thơ khiến tôi bàng hoàng với bao nỗi hoang mang, hụt hẫng.
Tôi không khóc được. Nước mắt cứ viền quanh mi mặn chát, cay xè ngược xuống mũi
rồi trôi lại vào ruột gan tôi. Phía trước tôi mọi cảnh vật như nhòe đi, tự đáy
lòng tôi nỗi lo sợ một tương lai mịt mù. Sau khi mẹ ra đi, gia tài bất hạnh mà
anh em tôi chia nhau là căn nhà cột gỗ tròn đứng táng ([1]) ba gian hai chái bị đạn bom thiêu
rụi, gần một mẫu đất tư điền đạn bom cũng tha hồ cày xới. Đã nhiều năm rồi
ruộng vườn không canh tác được, mẹ tôi phải buôn gánh bán bưng để nuôi anh em
chúng tôi.
Ba năm trước, sau khi được miễn thi bằng tiểu học,([2]) tôi thi đậu vào trường trung học
Trần Quý Cáp ở Hội An – một trong những ngôi trường tốt nhất của miền Trung.
Thi đậu đệ thất là một bất ngờ lớn, là nỗi mừng vui không những chỉ riêng gia
đình tôi mà thầy Nguyễn Hoàng, hiệu trưởng trường tiểu học, đồng thời là giáo
viên dạy tôi năm lớp nhất vô cùng mừng rỡ; cả xã, chỉ có một mình tôi thi đỗ
trường tỉnh. Nhưng sau niềm vui là nỗi buồn lo của cả tôi và mẹ. Nhà nghèo quá,
lấy đâu ra tiền mua sắm sách vở, áo quần, lại còn tàu xe, chỗ ở… và tôi còn quá
bé nhỏ để xa mẹ. Nhưng rồi tất cả cũng qua.
Đến Hội An, mẹ tôi gửi tôi ở nhờ nhà người chị bà con cô cậu ruột phía
sau trại biệt kích Tây Hồ, gần sát bờ sông Hoài. Nhà chị nấu cơm tháng cho
lính, gần như suốt ngày đêm ồn ào, nóng bức và chật chội. Mỗi tháng mẹ tôi gởi
xuống hơn một ang gạo,([3]) còn có gửi tiền không thì tôi không
biết. Ở đó, tôi đi bộ qua trường theo con đường Phan Bội Châu, rẽ qua Phạm Hồng
Thái, Nguyễn Duy Hiệu đến lò heo, qua khỏi trường nam tiểu học trên đường Trần
Hưng Đạo là đến trường tôi. Nói vòng vèo như thế, nhưng mất khoảng mười lăm phút
đi bộ thì đã đến rồi.
Tôi được xếp vào lớp đệ thất 1, do thầy Huỳnh Văn Tịnh làm giáo sư hướng
dẫn,([4]) lớp có năm mươi hai học sinh, trong đó khoảng mười
hai nữ. Tôi chơi thân nhất với Phan Trung Thành, quê Bảo An (Điện Bàn), có
chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng vài ba tuần đạp xe về quê một lần, Thành cho tôi quá
giang. Có lần đạp xe về đến cây Tháp Bàng An, mệt quá, hai thằng lăn ra bờ cỏ
ven đường nằm nghỉ dưới bóng cây. Sau đó, tôi biết thêm một số bạn như Nguyễn
Tâm, Ngô Đình Nghinh, Văn Công Trâm, Nguyễn Văn Bổng, Phạm Hoàng Do, Huỳnh Sơn
Phước, Châu Toàn Khánh… Nguyễn Văn Bổng có giọng hát rất hay, sau này làm thơ,
hắn lấy bút hiệu là Nguyễn Đông Nhật.
Ở nhà chị Hai, tôi đi học một buổi sáng. Trưa về, tôi phụ bưng dọn thức
ăn cho lính. Buổi chiều ra bờ sông học bài rồi phụ dọn cơm chiều. Nhà chị không
được rộng lắm, buổi tối phải xếp hết bàn ghế mới kê chỗ ngủ. Bà mợ tôi nằm ở
cái chõng tre trước hiên nhà, tối nào mợ cũng say khướt. Trong cơn say mợ chửi
lung tung, và nhặt các viên gạch vỡ, đá cuội sắp đầy trên một góc giường. hễ có
ai đi qua, bà lại ném. Ngày này qua ngày khác, thời khóa biểu cứ y như thế. Cho
đến tết tôi về quê, thưa lại mẹ rằng tôi không thể ở đó được nữa bởi tôi chẳng
học hành được gì kể cả ngày và đêm. Tôi thưa mẹ cho tôi được ở nhờ nhà của
người cùng quê, tuy không bà con nhưng có đứa con trai học cùng lớp và hàng
tháng tôi về đưa xuống hai ang gạo.
Sau khi nghỉ tết âm lịch Quý Mão (năm 1963), tôi trở xuống Hội An. Tôi
chuyển qua nhà Phùng Mãnh, trạc tuổi tôi và cũng học sinh Trần Quý Cáp. Qua
tháng hai âm lịch năm ấy, khi chuẩn bị thi đệ nhị lục cá nguyệt,([5]) tôi lâm bệnh nặng. Lúc đầu là bệnh
thủy đậu,([6]) do không biết và cũng không ai chăm
sóc, tôi tắm nước lạnh rồi bị nhiễm thương hàn. Gần một tuần sau mẹ tôi từ quê
xuống, bà ra chợ mua một mớ lươn còn sống bỏ vào thau nước đặt dưới giường tôi.
Không bao lâu sau các con lươn chết sạch. Những người bạn gái trong lớp như Vân
Anh, Nguyễn Thị Ánh, Nguyễn Thị Như Anh, Tỉnh Tâm, Thu Nguyệt, Lê Thị Sáu,
Nguyễn Thị Kim Thơ, Lê Thị Bưởi cùng Văn Bổng, Nguyễn Tâm, Hoàng Do, Văn Công
Trâm vận động lớp góp tiền đưa tôi đi bệnh viện. Tôi nằm viện hơn hai tháng,
khi ra viện thì cũng vừa hết niên khóa 1962-1963. Không thi lục cá nguyệt và bỏ
dở chương trình cả học kỳ, tôi buộc phải học lại năm đệ thất.
Năm 1963-1964 tôi vào học lớp đệ thất 3. Tôi vẫn ở nhà chung với Mãnh.
Tháng 10 năm Giáp Thìn (1964), một cơn bão lũ lịch sử tràn về, núi Cà Tang trên
thượng nguồn sông Thu Bồn bị sạt lở, cuốn trôi nguyên cả làng ra biển. Sau cơn
bão lũ, anh Liếu, con người bác ruột của tôi được chuyển về làm cán bộ Ty Xã
Hội, đưa tôi về ở chung tại cơ quan.
Ty Xã Hội Quảng Nam
nằm đối diện trường tiểu học Cẩm Hồ trên đường Cường Để là căn nhà rộng hai
tầng. Tầng dưới làm văn phòng và một gian bếp, nhà ăn; tầng trên là nơi ở của
cán bộ. Cán bộ của ty có năm nam, hai nữ. Tôi còn nhớ rõ tên anh Hoàng, anh
Hoành, anh Tuyền, anh Lợi và anh Liếu tôi. Hai chị là chị Mai và chị Đạm. Tôi
nhỏ con, siêng làm những việc lặt vặt trong nhà nên các anh chị ai cũng thương
mến. Ngoài những bữa ăn chính, các anh chị thỉnh thoảng đưa tôi đi ăn vặt,
trong đó có chị Đạm quê làng Gò Nổi, có làn da trắng hồng, dáng người thanh
mảnh, đôi gò má cao. Chị đẹp sắc sảo. Chị và anh tôi hình như có cảm tình với
nhau, hai người thường đưa nhau đi chơi vào mỗi cuối tuần. Một lần, anh chị và
tôi đi bộ xuống quán Bà Sỏ ở đường Lê Lợi ăn chè đậu đỏ nước cốt dừa. Chẳng ai
đem theo tiền; ăn xong rồi để tôi ngồi ở đó, hai người chạy về nhà lấy tiền trả
rồi dắt tôi về.
Cùng lúc quen thân với chị Đạm, anh tôi có người yêu là thợ may ở chợ Hòa
Phát, Phước Tường, Đà Nẵng. Một lần, anh bảo tôi mang thư anh ra chị. Anh nói
chị thương anh lắm và chị sẽ thương tôi. Nếu tôi xin chị cây bút máy, chị sẽ
cho ngay. Đưa thư cho chị xong bỗng dưng nước mắt tôi chảy dài, chị hỏi: “Sao
em khóc?”
Tôi nói: “Lúc lên xe buýt, em bị rơi mất cây bút máy và sợ bị anh la mắng
nên em lo quá.”
“Em yên tâm. Chị sẽ mua cho cây bút khác.”
Rồi chị dắt tôi qua bên kia đường, vào nhà sách Sông Đà chọn cho tôi cây
bút Pilot 57 màu đen, nắp mạ vàng, là loại bút máy tốt nhất lúc bấy
giờ. Lúc ấy, tôi thấy chị đẹp thùy mị, dịu dàng, mái tóc dài xõa đến ngang
lưng, đôi mắt bồ câu trong, sáng long lanh và nét mặt hiền, phúc hậu. Tôi rối
rít cám ơn chị, theo chị về nhà ăn cơm trưa, nghỉ ngơi để chị viết thư hồi âm
đưa tôi mang về cho anh tôi. Cuối năm ấy, anh chị cưới nhau.
Đầu năm 1965, Ty Xã Hội chuyển nơi
làm việc đến ngã ba Phan Đình Phùng – Trần Cao Vân, anh chị thuê căn nhà ở gần
Khổng Miếu và đưa tôi về kèm cặp việc học hành. Đó là năm tôi lên đệ ngũ. Mùa
hè năm ấy, do tố cáo lãnh đạo Ty ăn chặn tiền cứu trợ, anh tôi và anh Đỗ Lâm
Tuyền bị thuyên chuyển khỏi Hội An. Anh Tuyền lên tít Kon Tum còn anh tôi vào
Quảng Tín.
Anh chị tôi đi rồi, tôi được gởi
xuống nhà người chị con ông bác, gần Ty Công Chánh, đường Thái Phiên. Lúc này
chiến tranh lan rộng nhanh chóng, quê tôi không còn yên bình nữa. Rất nhiều lần
anh em tôi nhắn mẹ xuống phố Hội An hoặc ra Đà Nẵng để mẹ con được gần gũi,
nhưng mẹ bảo sẽ không biết lấy gì để sống, rồi nấn ná với vườn rau, gánh hàng,
tảo tần hôm sớm để hàng tháng gửi tiền gạo cho tôi. Cho đến khi vừa khai giảng
năm học 1965-1966 tôi vào lớp đệ ngũ thì hung tin mẹ qua đời đến với tôi như
cơn sét đánh.
Mẹ tôi mất, nơi nương tựa duy nhất
của em gái tôi không còn. Nó cùng anh tôi khăn gói vào Sài Gòn, bắt đầu cuộc
đời trôi dạt. Còn tôi, sau một tuần lễ thẫn thờ như một kẻ mất hồn đã phần nào
tỉnh lại và nhớ ra rằng mình phải đến trường để tiếp tục việc học hành. Tôi trở
lại lớp với vành khăn tang trắng, lòng tôi mênh mông một nỗi trống vắng đến vô
cùng. Thầy cô, bạn cùng lớp an ủi vỗ về tôi, càng làm tôi tủi thân hơn. Tôi bất
chợt lớn lên trong suy nghĩ phải cố gắng học hành cho bằng bè bằng bạn như mong
ước của mẹ tôi ngày xưa, mỗi Chủ Nhật cuối tháng chạy về giúi đầu vào lòng mẹ
để nghe mẹ dặn dò, khuyên nhủ. Niềm đau của tang thương bất hạnh lắng xuống khi
tôi phải tập trung vào công việc học tập và mỗi ngày Chủ Nhật tôi ra trại tạm
định cư Cao Đài Xuân Mỹ để sinh hoạt cùng các bạn con em nhà đạo từ khắp miền
trong tỉnh về đây để tị nạn chiến tranh.
Đoàn thanh niên Hưng Đạo của đạo Cao
Đài được thành lập đã hơn một năm và tôi có may mắn được tham gia trại đại hội
ra mắt ngày mồng một tháng Sáu năm Giáp Thìn (09-7-1964) tại Trung Hưng Bửu
Tòa, Đà Nẵng. Tôi nhanh chóng tiếp thu những bài hát sinh hoạt tập thể, những
trò chơi ngoài trời, kỹ thuật trại và đặc biệt tôi được học về giáo lý, giáo
luật, giáo sử… Thấy tôi lanh lợi, thông minh, quý trưởng giao cho tôi làm đội
trưởng một đội ngành thiếu và anh Lưu Ngọc Em, Lưu Ngọc Phước mỗi người làm đội
trưởng một đội khác. Từ đấy trong tuần tôi đi học ở trường, Chủ Nhật đi sinh
hoạt tập thể. Tôi sinh hoạt đều đặn và chuyên cần, dần dần hình thành cho tôi
một nhân cách sống tự lập, biết sống cho mọi người, vì mọi người và luôn kiên
nhẫn, vui tươi trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Cuối năm học 1966-1967, tôi hoàn
thành chương trình trung học đệ nhất cấp và được cấp bằng trung học hệ miễn
thi. Mùa hè năm đó, tôi ra Đà Nẵng, tá túc tại nhà người bác ruột ở ngã ba Cai
Lang, được một cậu bé trạc tuổi dắt đi bán kẹo kéo. Bạn tên Tăng, Nguyễn Văn
Tăng, là em con nhà chú của cháu Cao, gọi tôi bằng cậu. Nó quê làng Giao Thủy (Đại
Lộc) ra lánh nạn chiến tranh ở Đà Nẵng và mưu sinh bằng nghề bán kẹo kéo. Nó
dắt tôi xuống ngã ba Cây Quăn, đi vào một con hẻm sâu. Nó nhận bàn xếp, nhận
kẹo rồi dắt tôi theo nó. Ra đón xe lam ([7]) lên Hòa Khánh nó rẽ vào phía
tay phải, nơi có trại gia binh,([8]) trại định cư và khu dân cư
đông đúc. Miệng nó rao lanh lảnh: “Kéo đây, kẹo kéo đây…” Khi có khách mua, nó đặt
chân bàn xếp xuống, mở ra, đặt bàn kẹo kéo lên. Nó lấy tấm vải trắng sạch sẽ
hơi ẩm nước, tay phải đè vào giữa thân cây kẹo, tay trái lấy khăn ẩm quấn vào
đầu cây và từ từ kéo. Bàn tay nó vặn đều, nhẹ nhàng, cây kẹo được kéo đều tăm
tắp. Được một đoạn dài khoảng 10cm, nó lấy ngón tay cái và ngón trỏ giữ một
đầu, tay kia nó cầm cây kẹo bẻ nhẹ, cây kẹo gãy một cách gọn gàng. Gần trưa,
cây kẹo đã ngắn đi phân nửa, nó đưa tôi: “Cậu kéo đi.”
Tôi cũng nhẹ nhàng kéo và lần đầu,
tôi bẻ không gãy. Nó bảo: “Cậu phải bẻ cho dứt khoát.”
Tôi bẻ dứt khoát và bẻ được. Đến hai
giờ chiều nó bán hết, đếm được 120 đồng. Giá vốn 80 đồng, vậy là lãi được 40
đồng. Hồi đó ăn cơm hết 300 đồng một tháng, tôi tính nếu ba tháng hè, ăn nhờ
nhà bác, đi bán kẹo kéo khoảng tám mươi ngày tôi sẽ để dành được trên 3.000
đồng, bằng tiền ăn của cả một năm học, và tôi đã làm được như thế, một kỳ nghỉ
hè vất vả mà không thể nào quên.
Hết kỳ nghỉ hè, tôi dùng tiền lời bán
kẹo kéo mua một chiếc xe đạp, sắm hai bộ đồng phục quần xanh áo trắng.([9]) Nhiều năm rồi, tôi chỉ có một chiếc
quần xanh, giặt đến bạc màu, phải lộn bên trong ra ngoài may lại mới có quần
màu xanh đồng phục mặc đi học. Chú Hai Kiệm ở Quảng Ngãi gửi về cho bốn chục
quyển vở, anh Ba Tham ở Sài Gòn gửi tặng bộ sách giáo khoa lớp đệ tam. Tôi trở lại
Hội An, ăn nhờ ở đậu nhà chú tôi.
Năm học đệ tam,([10])
tôi chọn ban C (ban văn chương và ngoại ngữ) cùng với trên mười đứa bạn của lớp
đệ tứ, một số chuyển từ trường trung học Quế Sơn, một số từ Nguyễn Duy Hiệu (Điện
Bàn), tổng cộng lớp đệ tam C1 năm ấy có hai mươi bảy đứa. Tôi thường chơi thân
với Lê Có, Phạm Ngọc Châu, Phạm Hải - những đứa có nhà ở Hội An nhưng
thuộc diện nghèo, không khá giả lắm. Lê Có học giỏi đều các môn,
giỏi nhất là môn văn và ngoại ngữ. Tôi thua nó môn ngoại ngữ, còn văn thì chia với
hắn hai lần làm sơ-mi của bốn kỳ thi lục cá nguyệt.([11]) Giáo sư hướng dẫn năm đệ tam C1 là cô
Nguyễn Thị Phương Lan. Cô dạy Anh Văn, đẹp và nói tiếng Anh
rất hay. Ngay trong buổi học đầu tiên, cô dành cho lớp năm quyển tự điển
Việt-Anh Anh-Việt của Nguyễn Văn Khôn, trong đó cô cho tôi một quyển. Có lẽ cô
đã tìm hiểu lý lịch của tôi: Tên cha (chết), tên mẹ (chết).
Vào năm học mới, Hội Khuyến Học Đà
Nẵng cấp học bổng cho học sinh có học lực khá, gia cảnh khó khăn qua sự giới
thiệu của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Tôi được bác Mai Dinh bảo lập tờ khai,
kèm theo bản sao kết quả học tập năm trước. Có lẽ hoàn cảnh của tôi bi thương
quá, phải bước xuống cuộc đời từ tuổi mới mười ba, mười bốn, nên Hội Khuyến Học
đã dành cho tôi một học bổng toàn phần là 800 đồng một tháng. Có được nguồn trợ
cấp này, các năm tiếp theo tôi không lo nhiều về cơm áo và tập trung cho việc
học tập, sinh hoạt. Tôi cũng có thời gian hơn để tham gia các sinh hoạt văn học
qua trao đổi thơ văn với các bạn đồng sở thích và lập bút nhóm, viết bài đăng
báo Tuổi Ngọc.([12]) Tôi lấy bút hiệu là Lê Trí Hàn Sinh.
Cũng kể thêm rằng năm học đệ tam, tôi
gặp người chú tên Lương Vĩnh Đồng chuyển từ trường trung học Quế Sơn qua. Chú
cũng theo ban C, ngoại ngữ chính là Pháp văn nên chú vào đệ tam C2. Hồi
đó tôi thần tượng chú vì chú ăn nói lưu loát, hát hay, chơi đàn guitar được.
Bài ruột của chú là bài Giọt Mưa Thu
(của Đặng Thế Phong), Chiếc Bóng Công
Viên (của Phượng Linh, tức Nguyễn Văn Đông) và Chuyến Tàu Hoàng Hôn (của Minh Kỳ và Hoài Linh). Chú lớn hơn tôi bốn
tuổi và do làm khai sinh trễ nên học cùng thời với tôi. Từ đó, tôi và chú còn
nhiều gắn bó đầy kỷ niệm cho tới sau này. Hai chú cháu cùng thích bài thơ Thân Phận của Nguyễn Thúy Thụy Trầm, tên
thật là Nga Tuyết, nữ sinh trường nữ trung học Hội An, đến năm đệ nhất thì
chuyển qua lớp đệ nhất C Trần Quý Cáp (trích):
Tuổi
mười sáu em bỏ về với phố
Buồn
muôn phương hoài vọng khát lời quê
Nghe
thời gian khai tử tuổi trăng thề
Làm
thân xác một mùa thu tàn tạ
Hồn
lênh đênh như sông về biển cả
Lòng
đại dương ôm buốt giá biên thùy
Buồn
có buồn chưa hẳn nghĩa chia ly
Mà
một thuở sân trình mình tay trắng
Có
nhớ thương nhưng còn gì ước hẹn
Thơ
đã nhiều đâu đến tận quê hương
Viết
cho nhau từ buổi mới lìa trường
Lời
gió núi, mưa khuya hồn dã thảo
.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Cùng học ban C, cùng trọ chung
nhà, cùng mất quê hương vì chiến tranh ly loạn, tôi và chú có nhiều điểm gần
gũi, nhưng chú hơn tôi bốn tuổi nên vốn sống của chú rất phong phú. Tiếc thay những ngày bên chú cũng ngắn
ngủi. Sang nửa năm đệ nhị, chú chuyển qua trường Phan Chu Trinh (Đà Nẵng).
Lên lớp đệ nhị, chiến tranh càng lan rộng, tỉnh lỵ hẹp dần, con đường Hội
An – Đà Nẵng trở nên nguy hiểm vì thỉnh thoảng có người chết vì xe đụng mìn,
hoặc vì bắn sẻ. Đỉnh điểm của chiến tranh là cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân
(1968). Sau khi làm lược giải cá nhân,([13]) đến lúc bước vào tuổi mười tám, tôi
được cấp tấm giấy hoãn dịch vì lý do học vấn, hạn chót là ngày 04-10-1969, với
tài nguyên là hạ sĩ quan trừ bị, nghĩa là kỳ thi tú tài một ([14]) sẽ được diễn ra vào tháng 7, nếu thi
hỏng, buộc phải nhập ngũ vào quân đội trước ngày 04-10-1969.
Nhóm bạn chúng tôi gồm Lê Có, Phạm Ngọc Châu, Hoàng Công Khanh, Phạm Hải
và tôi thường đến nhà Châu học thêm ban đêm. Không ai bảo ai, chúng tôi quyết
tâm chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi quan trọng, kỳ thi quyết định trực tiếp đến số
phận mình. Nếu thi đỗ, anh sẽ tiếp tục học lên đệ nhất, mở cánh cửa vào tương
lai thênh thang bằng con đường đại học khi vượt qua được kỳ thi tú tài hai năm
sau, hoặc nếu không đỗ tú tài hai, anh sẽ vào trường bộ binh với tài nguyên là
sĩ quan trừ bị.
Tôi học tốt môn văn, tạm được môn ngoại ngữ là hai môn chính; còn toán,
lý hóa, sử địa thì ở mức trung bình. Tôi rất tự tin vào học lực của mình; điều
cụ thể là kết thúc năm đệ nhị, điểm trung bình cuối năm của tôi là 13,5/20 xếp hạng
6/27 học sinh.([15])
Mùa hè năm 1969 – mùa chia tay buồn thảm trong cuộc đời tôi. Dường như
linh tính mách bảo những điều không hay nên tôi viết cho thằng Lê Có, bạn thân
nhất lớp của tôi những dòng lưu bút thấm đẫm nỗi buồn (bài lưu bút ấy, sau bốn
mươi sáu năm với biết bao biển dâu hưng phế, Lê Có vẫn còn cất giữ, nó còn giữ
cả tấm ảnh thời học trò của tôi. Nét vẽ vụng về trên trang lưu bút – tôi nhận
ảnh scan – nâng niu trân trọng như một vật quý…)
Mùa hè năm 1969 – mùa hè bận rộn và lo âu nhất của tôi. Hoặc tôi sẽ bước
tiếp lên đệ nhất, hoặc sẽ trình diện nhập ngũ. Thời gian này cơm áo không còn
là mối lo lớn nữa. Anh Hướng tôi đã vào ngành Hành Chánh Tài Chánh, anh Liếu
tôi mãn khóa 1/68 Thủ Đức về Đặc Khu Đà Nẵng, đã mua được nhà ở đường trụ vôi
Hòa An, trên ngã ba Huế, tôi có nơi ôn luyện. Lúc này tôi đã ra Đà Nẵng, cùng
ôn thi với tôi có Hoàng Quốc Bê, Trần Phước Vĩnh.
Ngày 28, 29 tháng 7 năm 1969, tôi bước vào phòng thi tú tài một tại trung
tâm ([16]) Sao Mai (Đà Nẵng) đầy tự tin, không
một chút lo âu. Sau ngày thi mấy hôm, nhóm bạn lớp tôi gồm Có, Châu, Bê, Vĩnh, Phạm
Hải, tôi và Nguyễn Tuấn đèo nhau bằng Honda lên đỉnh đèo Hải Vân chơi rồi về
Nam Ô tắm biển. Trèo lên cành cây cao trên núi Nam Ô, nhìn về thành phố chỉ
thấy toàn là nhà và bãi biển Thanh Bình lượn cong đến mũi Sơn Trà. Chúng tôi
gặm bánh mì, uống nước lọc và chơi với nhau nguyên một ngày. Tôi có ngờ đâu, đó
là ngày hội ngộ sau cùng trong đời học trò của tôi, vì khoảng mười ngày sau tên
tôi không có trong danh sách thí sinh thi đậu tú tài một.
Tôi vật vã, khổ đau trước cú trượt ngã đầu đời dập tắt con đường vào
tương lai trong mơ ước của tôi. Tôi đã không có tuổi ấu thơ, không có nguồn
động viên an ủi nào ngoài sự lẻ loi, cô độc. Không thiết ăn uống, đêm về tôi
không ngủ được. Tôi ở lì trong phòng nhà anh tôi ở đường trụ vôi Hòa An. Anh
tôi đóng đồn dưới chân đèo Hải Vân, chị tôi đi may ở chợ Phước Tường từ sáng
đến tối mịt mới về, nên chỉ một mình tôi gặm nhấm nỗi đớn đau vô hạn.
Ít ngày sau tôi tạm vơi đi nỗi buồn thất chí. Tôi còn cả một cuộc đời dài
phía trước và gần nhất là con đường vào quân ngũ, tôi phải trình diện khi thời
hạn hoãn dịch vì lý do học vấn kết thúc. Không có con đường nào khác. Nhưng từ
thâm tâm tôi quyết tâm sẽ làm cuộc đời mình bằng sự cố gắng khác, để vươn lên
dù trong nhục nhằn, cay đắng. Tôi đón xe lam xuống ngã ba Cai Lang gặp những
người anh em cùng trang lứa, tuy không học cùng lớp cùng trường, nhưng có cùng
chung thân phận: Quê hương chiến tranh, trôi dạt ra thành phố kiếm sống bằng
mọi công việc lương thiện ban ngày và đi học ban đêm. Trong số này có Nguyễn
Văn Cao (cháu gọi tôi bằng cậu), Nguyễn Đức Ánh quê Lệ Bắc (Duy Xuyên), Trần
Thanh Cảnh quê làng Giao Thủy (Đại Lộc), Trần Hữu Thiệp quê Bảo An (Điện Bàn),
Nguyễn Truyện quê Quế Sơn. Chỉ có Cảnh được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, còn
lại Thiệp, Truyện, Cáo và tôi đều đến tuổi đi lính. Anh em tôi bàn nhau nộp đơn
vào chuyên viên không quân. Nhưng khi nhận đơn, người ta đòi năm ngàn đồng (giá
tương đương một lạng vàng). Do tôi không có tiền, nên không đi được không quân
và vì thế, chỉ một mình tôi chấp nhận vào bộ binh, vào quân trường Đồng Đế.
Không cùng nhau đi chung binh chủng, nhưng tình cảm với nhau, anh em tôi giữ
bền mãi đến sau này, và chúng tôi thường tự hào là tình thân như thủ túc.
Một tuần lễ trước khi nhập ngũ tôi vào lại Hội An để gặp gỡ bạn bè lớp cũ.
Tôi đến thăm và chào từ giã thầy cô. Điều tôi không nghĩ đến bao giờ và là điều
bất ngờ đối với thầy Dương Ngọc Tạo, cô Nguyễn Thị Nguyệt là thầy cô dạy tôi
môn văn năm đệ nhị, hai vị giáo sư đã thương yêu tôi, cả hai ngỡ ngàng đón nhận
nguồn tin không vui và càng xót xa hơn khi biết rằng tôi không còn cơ hội để
làm lại. Hai vị đã an ủi tôi rất nhiều, đã cho tôi những lời khuyên sâu sắc. Trưa
hôm ấy tôi ở lại nhà thầy Dương Ngọc Tạo, căn nhà cổ cấp bốn nằm sâu trong hẻm
Phan Đình Phùng. Khi chào thầy lần sau cùng, thầy nắm lấy tay tôi khuyên nhủ:
“Rồi em sẽ bước vào một môi trường mới, một hoàn cảnh mới, một không gian mới,
tất cả đều cần sự thích nghi. Điều quan trọng là em sẽ làm gì để sớm thích nghi
với những đổi thay nầy. Không gian nào cũng buồn chán cả thì chỉ có tâm hồn
thưởng ngoạn mới làm nó khác đi được mà thôi.”
Cũng trong những ngày buồn chán này, tôi bắt đầu viết. Tôi viết tự
truyện, làm thơ. Có những đêm tôi chợt thức giấc nghe lòng mình cực kỳ hoang
vắng. Nỗi buồn theo ngày tháng càng dâng cao chụp kín tuổi thanh xuân. Vùng
trời mơ ước phủ đầy mây đen như sắp sửa trút một cơn mưa lớn, tôi có còn gì đâu
ngoài những đau thương mọc rễ ở tâm hồn. Tôi lại bắt đầu tập hút thuốc. Khói
thuốc đắng ngắt như nỗi niềm cay đắng chất ngất ở trong tôi, nỗi buồn như làn
khói trắng bay lên, tan loãng vào khoảng không.
Những vần thơ đầu đời như những tiếng than đau, tôi ngây ngô viết cho
riêng mình nỗi lòng không biết tỏ cùng ai:
Thôi hết rồi, em ơi! Còn chi nữa
Vỡ tan rồi mộng ước của đời anh
Trọn đêm này, đêm mai rồi mãi mãi
Dệt thơ sầu, khai tử tuổi tròn trăng.
Trả lại em những ngày đầy kỷ niệm
Vui cho tròn đừng nhắc đến tên anh
Tàu anh đi em ơi còi đã điểm
Để anh đi xây đắp mộng đăng trình…
“Em ơi” là gọi ai? Tôi chưa có ai để gởi gắm, để tâm sự. Em
của tôi bấy giờ là thành phố thân yêu, là bạn bè thắm thiết, là thầy cô thân
thương. Phải chi có một ai đó để giờ này tôi được gục đầu khóc nức nở, cho vơi,
cho dịu nỗi xót xa bỏng rát trong tim. Và tôi ước chi tôi còn mẹ.
Tôi chỉ có một người có thể hiểu, sẻ chia tâm sự là chú Lương Vĩnh Đồng.
Chú đã xa tôi ra Đà Nẵng học rồi và năm nay chú thi đỗ. Chú đã bứt tóc khi nghe
tin buồn của tôi. Trước đây chú cháu tôi đọc cho nhau nghe những bài thơ hay,
hát cho nhau nghe những bản nhạc buồn, học thuộc lòng thơ Nguyễn Công Trứ, Cao
Bá Quát, Nguyễn Khuyến và thích nhất là truyện Kiều của Nguyễn Du. Chú chép
tặng tôi bài Ngồi Lại Bên Cầu của
Hoài Khanh trong tập thơ Thân Phận:
Người em xưa trở về đây một bận
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ
Tôi lẫn trốn vì thấy mình không thể
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi
Em thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
Màu cô đơn trên suối tóc la đà
Còn gì nữa với mây trời đang trắng
Đã vô tình trôi mãi bến sông xa
Thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
Chân vẫn bước trên lối về hoang vắng
Còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
Quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
Giấc chiêm bao, nguyên vẹn có bao giờ
Ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
Con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Lên lớp đệ nhị - giao thừa của tuổi mười bảy lên mười
tám. Ngưỡng của tuổi thành nhân, tôi bắt đầu biết mơ mộng. Lúc này tôi đang ở
trại tạm định cư, tá túc gia đình một đạo hữu quê Gò Nổi để học và kèm cho một
cô học trò dưới tôi hai lớp nhưng lại hơn tôi một tuổi nên những từ ngày đầu
tôi gọi bằng chị. Chị có mái tóc cắt ngắn ôm quanh khuôn mặt tròn, đẹp nhất là
đôi mắt. Đôi mắt sáng tinh anh, long lanh, lúc nào cũng như biết cười. Tôi
không thể nào quên được có lần tôi đang học bài, chị từ phía sau nghịch ngợm
bịt mắt tôi rồi giả giọng đố: “Biết ai không?” Tôi đưa hai tay đặt lên lưng đôi
bàn tay của chị. Một cảm giác êm đềm, dịu nhẹ, dần lan tỏa từ khuôn mặt tôi
chạy dần đến trái tim tôi. Một cảm giác không thể diễn tả, nó lâng lâng khi lần
đầu tiên tôi tiếp xúc làn da mềm mại của người khác phái. Lần khác vào một đêm
đông, ngoài trời mưa rả rích, tôi và chị cùng ngồi ghế tựa, học bài bên chiếc
bàn, đối mặt vào nhau. Không biết từ lúc nào, không biết ai chủ động, đôi đầu
gối chúng tôi đan vào nhau, ấm áp. Tôi biết, không ai có ý đồ đen tối hay dục
vọng thấp hèn, nên những giây phút ấy thoáng qua, rất nhanh, không để lại mặc
cảm tội lỗi.
Cho đến khi tôi thi hỏng tú tài và thời hạn hoãn dịch đã hết, đêm cuối ở
Hội An, mấy đứa bạn thân làm một tiệc nhỏ tiễn tôi. Lần đầu tiên tôi nhắp men
cay. Sáu năm dài chung lớp chung trường, chung ước mơ và chung niềm hy vọng.
Ngày mai tôi, Hoàng Công Khanh, Phạm Hải, Nguyễn Anh sẽ rời phố cổ Hội An, nơi
tôi đã sống cả thời niên thiếu trong đau thương, trong mất mát. Lê Có, Nguyễn
Bổn, Phạm Ngọc Châu, Hoàng Quốc Bê, Trần Phước Vĩnh ở lại, dệt tiếp mộng ước
tương lai.
Tôi chưa biết uống bia, bia đắng quá, khó nuốt quá, tôi không nhấp từng
ngụm, bưng lên là tôi uống cạn như cạn chén men đời rát buốt trái tim tôi. Tôi
đốt một điếu thuốc, khói thuốc Ruby Queen thơm nồng tỏa lan. Qua làn khói tôi
thấy đôi mắt bạn bè nhìn tôi buồn rười rượi. Chút men cay đã làm tôi bớt buồn.
Tôi nhớ lời cô Nguyệt, giáo sư Việt văn nửa năm đệ nhị khuyên nhủ khi tôi đến
giã từ cô: “Em đi, cần nhất là giữ gìn sức khỏe. Sự ra đi của em, chị tin rằng
em sẽ thành công, thành công ở một hướng đời khác. Điều cốt yếu là không được
quyền buông bỏ ước mơ. Vào quân trường, những ngày đầu sẽ rất bỡ ngỡ, gian nan,
chị tin rằng em sẽ đủ nghị lực vượt qua. Khi có địa chỉ ổn định nhớ biên thư
cho chị…” Cô giáo tôi – một người tôi vừa kính, vừa yêu từ nhan sắc, tính tình
đến giọng nói, ngọt ngào chia sẻ cùng tôi. Đại từ mà cô xưng cùng tôi là chị-em. Cô không xem tôi là đứa học trò
để cô dạy bảo, cô đã xem tôi là đứa em nhỏ bé để an ủi, vỗ về, và tôi đã được
an ủi, vỗ về.
Ngấm chút men cay, lũ bạn tôi tha hồ kể lể những kỷ niệm của sáu năm cùng
học. Nào những đêm ôn bài ở nhà Phạm Ngọc Châu nhóm chúng tôi được dì Bốn là mẹ
thứ của Châu nấu mì tôm Đại Hàn ăn cùng với kim chi hộp ngon hết sẩy; nào những
buổi thuyết trình văn học tại lớp; nào những đêm xem phim rạp Hòa Bình ở đường
Bạch Đằng; nào những lần đi biển Cửa Đại cùng nhau…
Bữa tiệc nhỏ diễn ra đến gần nửa đêm mới tan. Tôi bước về trong mưa khuya
lất phất. Trời lập đông mang giá buốt rét run thấm vào da thịt, trên từng ngón
tay tê cứng, nhưng từ cổ họng trở vào, men bia như mang hơi ấm chạy vào tới
ngực. Tôi bước từng bước nhỏ trong mưa khuya, con đường Nguyễn Trường Tộ nhòa
dưới ánh đèn đường vàng vọt. Qua khỏi nhà thờ thì đến đoạn đường đá lởm chởm
dẫn ra miễu Ông Cọp, tiếp đến là con đường đất dẫn ra trại tạm định cư. Đoạn
đường nầy tối om vì không có đèn đường, tôi bất giác lặng buồn. Con đường tối
quá, tối như ngày mai của một thằng học trò hỏng thi chỉ một lần trong đời và
phải đun đầu vào quân trường khắc nghiệt, chôn tuổi thanh xuân trên nắng cháy
thao trường.
Trời vẫn mưa, tôi vẫn thả những bước ngắn trên con đường đất dẫn vào khu
tạm cư Cao Đài và dừng lại trước hiên nhà người học trò của tôi mà tôi gọi bằng
chị. Đèn vẫn còn sáng, Thúy (tên người con gái) vẫn đang còn thức. Ánh sáng vàng
vọt từ ngọn đèn trần hắt qua khe cửa hẹp. Dưới chân tôi nước mưa từ bộ quần áo
ướt sũng chảy thành vũng. Phía trong Thúy vẫn vùi đầu vào trang vở, bên ngoài
trời tối đen vẫn đang tí tách mưa. Tôi bỗng dưng thấy lạnh. Vùng ánh sáng bên
trong là của Thúy, đêm đen và con đường tối tăm phía trước là của tôi. Tôi phân
vân định đưa tay gõ cửa, nhưng rồi lại thôi. Tôi lặng lẽ quay đi, lặng lẽ giã
từ một kỷ niệm đầu đời.
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia vẫn cứ chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Đời
tôi đã bắt đầu hoang vu khi giữa hồn tôi, nỗi đau thương mặn đắng. Tôi bước lên
cây cầu chênh vênh vào đời với kỷ niệm học trò bi thương, hồn tôi đơn lẻ vô
cùng.
LÊ TRÍ TỔNG
([2]) Ở miền
Nam (1955-1975), bậc tiểu học gồm năm lớp từ thấp lên cao là lớp năm, lớp tư,
lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Từ năm học 1970-1971 gọi theo thứ tự từ thấp lên cao
là lớp một, lớp hai, lớp ba, lớp bốn, lớp năm. Bậc trung học đệ nhất cấp gồm
bốn lớp từ thấp lên cao là đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Từ năm học 1970-1971
gọi theo thứ tự từ thấp lên cao là lớp sáu, lớp bảy, lớp tám, lớp chín. Học trò
chọn một sinh ngữ (ngoại ngữ), thường là Anh hay Pháp.
([7]) Xe lam ba
bánh (tức xe lambretta hoặc lambro) là phương tiện chuyên chở công
cộng dành cho người lao động bình dân ở miền Nam Việt Nam từ thập niên 1960.
Tài xế ngồi phía trước, có thể chở thêm một hành khách ngồi bên cạnh. Dưới ghế
tài xế là thùng đặt máy xe (sản xuất ở Ý). Phía sau là thùng xe có thể chở từ
tám đến mười hành khách. Thùng xe đóng tại Việt Nam, đặt trên hai bánh xe. Bánh
thứ ba ở đầu xe. Từ năm 2004 xe lam bị ngưng sử dụng dần dần và rồi mất dạng
trên các nẻo đường.
([10]) Ở miền
Nam (1955-1975), bậc trung học đệ nhị cấp gồm ba lớp từ thấp lên cao là đệ tam,
đệ nhị, đệ nhất. Từ năm học 1970-1971 gọi theo thứ tự từ thấp lên cao là lớp
mười, lớp mười một, lớp mười hai. Học sinh chọn thêm một sinh ngữ (ngoại ngữ)
thứ hai, thường là Anh hay Pháp. Một ít trường lớn ở Sài Gòn dạy tiếng Đức là
sinh ngữ thứ hai.
([11]) Sơ-mi (chemise, tiếng Pháp): Tờ bìa đôi bọc ngoài xấp giấy tờ, hồ sơ.
Trong lớp tác giả thuở ấy, trò nào có bài thi môn văn đạt điểm cao nhất thì
được thầy cô giao cho trọn xấp bài làm của cả lớp để xếp lại theo thứ tự từ cao
xuống thấp; bài thi có điểm cao nhất sẽ bọc ra bên ngoài như một bìa sơ-mi.
([14]) Xong
chương trình lớp đệ nhị (từ năm học 1970-1971 gọi là lớp mười một) học sinh sẽ
thi tú tài phần thứ nhất (gọi tắt là
tú tài một), gồm tất cả các môn đã học trong niên khóa. Nếu đậu thì được học
lên lớp đệ nhất (từ năm học 1970-1971 gọi là lớp mười hai), cuối niên khóa sẽ
thi tú tài phần thứ hai (gọi tắt là
tú tài hai), cũng gồm tất cả các môn đã học. Kỳ thi tú tài một được bãi bỏ từ
năm học 1972-1973; sau đó tú tài hai gọi là tú
tài phổ thông. Thí sinh đậu hai kỳ thi tú tài chia làm năm hạng: thứ (điểm trung bình các môn 10-11/20), bình thứ (12-13/20), bình (14-15/20), ưu (16-17/20), tối ưu hay
ưu ban khen (18-20/20). Đậu tú tài hai từ hạng bình trở lên sẽ có cơ hội
nhận học bổng để du học. Các kỳ thi tú tài ờ miền Nam trước 1975 được tổ chức
rất chặt chẽ, nên tỷ lệ đậu ở cả miền Nam thường không quá cao, và đa số thi
đậu là học sinh trường công. Các công tư chức, binh lính, tù nhân được nộp đơn
thi, gọi là thí sinh tự do, và đều được đối xử công bằng. Không có quy định
cộng thêm điểm ưu tiên cho bất kỳ thí sinh nào.
([15]) Ngày xưa,
học sinh tuy giỏi nhưng điểm lại không cao lắm. Giáo sư, tiến sĩ giáo dục Dương
Thiệu Tống (1925-2008) viết: “Điểm nhận
xét đầu tiên của tôi là điểm số các môn học ngày xưa sao lại thấp đến thế, ngay
cả đối với học sinh đứng nhất lớp (...)” Giáo sư Dương hỏi: “Vậy phải chăng các thầy giáo chúng tôi ngày
xưa không bị áp lực bởi thi đua đạt thành tích nên có thể cho điểm trung thực
hơn? Phải chăng chúng tôi quá khắt khe với học sinh? Hay là học sinh ngày nay
giỏi hơn xưa quá nhiều? Tôi xin phép dành các câu hỏi này cho các đồng nghiệp
và các trường học của chúng ta suy ngẫm và tìm giải đáp.” (Dương Thiệu
Tống, Suy Nghĩ Về Giáo Dục Truyền Thống
Và Hiện Đại. Nxb Trẻ 2003, tr. 279-281.)
Hiền huynh Lê Trí Tổng (2013).
Ảnh: Nguyễn Thế Tuấn (thánh thất Trung Hải, Đà Nẵng)
VĨNH BIỆT HUYNH LÊ TRÍ TỔNG
Khi quý đạo hữu đọc
hồi ức trên đây thì hiền huynh Lê Trí Tổng đã an nghỉ trong tình thương Thầy
Mẹ chúng ta. Chúng tôi đang chuẩn bị đăng phần cuối hồi ức của huynh Tổng trên
Văn Uyển tập Lợi (số 19) thì trưa ngày 30-4-2016, hiền nội của huynh (chị Tuyết
Mai) điện thoại cho biết huynh đã về cõi vĩnh hằng lúc 15 giờ kém 5 phút ngày
12-3 Bính Thân (18-4-2016), tại nhà riêng ở Đà Nẵng, an táng tại nghĩa trang
Hòa Sơn (Đà Nẵng).
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh
Sách Đại Đạo kính thành thắp nén hương lòng, hiệp tâm cùng tang quyến và các đạo
hữu cầu nguyện giác linh hiền huynh Lê Trí Tổng (tuổi Tân Mão, 1951) sớm thọ hưởng
ơn cứu rỗi của Thầy Mẹ nơi cõi thiêng liêng hằng sống.
|