Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / MẤY NÉT VỀ BUỔI ĐẦU CAO THƯỢNG BỬU TÒA / Bạch Diệu


Tiền bối Trần Văn Tìa, sinh năm 1896 tại Bạc Liêu, song thân là ông Trần Thuận Thêm (theo đạo Khổng) và bà Thái Thị Tồn (theo đạo Phật). Tiền bối Tìa kết hôn với cô Trịnh Thị Trỉ, sinh năm 1890 tại làng Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Hai vị sinh sáu người con (bốn trai, hai gái).
Năm 1932, tiền bối Trần Văn Tìa cùng với các ông đốc học Đăng, thầy giáo Xuân, biện Nhu, và bà Tư Huỳnh, v.v… lập đàn cầu cơ, tại nhà số 22 đường Bangkok (nay là đường Đống Đa, phường 2, thành phố Bạc Liêu), tiếp nhận nhiều bài thi phú ý nghĩa cao siêu; nhờ đó các vị được bồi dưỡng đức tin vào lẽ mầu nhiệm ở cõi siêu hình.
Năm 1942, quyển Đại Thừa Chơn Giáo (của Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, Cần Thơ) đã giúp tiền bối Trần Văn Tìa hiểu được lý siêu nhiên, và tiền bối quyết tâm tìm đường tu giải thoát tâm linh. Tiền bối và người bạn đời là Trịnh Thị Trỉ cùng thọ pháp tu thiền theo Chiếu Minh. Tiền bối được ban thánh danh Chơn Sắc, và nhà riêng của tiền bối được Ơn Trên ban cho danh hiệu Cao Minh Đàn, để làm nơi tu học cho các vị môn sanh Chiếu Minh tại Bạc Liêu.
Chủ Nhật 10-02-1952 (15-01 Nhâm Thìn), Đức Hồng Quân Lão Tổ giáng cơ dạy tiền bối Chơn Sắc xây dựng Cao Thượng Bửu Tòa. Tiền bối bạch rằng vì đã tu pháp vô vi theo Chiếu Minh nên không thể tạo tác Bửu Tòa được.
Thứ Tư 03-9-1952 (15-7 Nhâm Thìn), Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu giáng đàn dạy rằng tiền bối Chơn Sắc còn thiếu phần công quả, vì vậy nên vâng theo lời dạy của Đức Lão Tổ mà lập công kiến tạo Bửu Tòa.
Tuân theo thánh lịnh, tiền bối Chơn Sắc đã dốc hết nhân lực, tài lực, tâm lực để lo xây dựng Cao Thượng Bửu Tòa. Tiền bối được sự tận tình trợ giúp của thánh tịnh Hắc Long Môn và thánh tịnh Huệ Đông Thiên, các nhà Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu, và người con thứ ba là ông Trần Quới Thiên.
Lễ an vị và lạc thành Cao Thượng Bửu Tòa vào Thứ Hai 26-3-1956 (15-02 Bính Thân) có đông đảo chức sắc, bổn đạo Cao Đài các nơi gần xa trong miền Tam Giang hoan hỷ đến dự rất đông. Nhân dịp này, tiền bối Chơn Sắc tuyên bố hiến ngôi Cao Thượng Bửu Tòa để làm thánh sở chung cho bổn đạo Cao Đài bảy tỉnh miền Hậu Giang. Tiền bối cũng nói: “Ngôi Bửu Tòa lập ra đây để truyền hiền chứ không truyền tử.”
Giờ Tý đêm năm ấy, Đức Hồng Quân Lão Tổ lâm đàn, xưng hồng danh qua bài thi khoán thủ như sau:
HỒNG Bàng gặp Đạo dưới Nam bang
QUÂN ngự, bút phê mở Đạo vàng
LÃO chiếu điển Thiên gầy giống báu
TỔ truyền lời ngọc cảnh trần gian.
Đức Lão Tổ lại ban cho bài bát cú mừng lễ an vị:
CAO rộng thinh thinh khắp vũ hoàn
THƯỢNG đời gầy dựng xứ Nam bang
BỬU linh pháp nhiệm Trời thay sửa
TÒA chánh biện phân thấy rõ ràng
CHỨNG chiếu Hậu miền tâm đạo đức
LỄ thành khẩn bái cả Tam Giang
AN tâm giồi sửa nên Tiên Đạo
VỊ cũ ngôi xưa cảnh Niết Bàn.
Sau khi cất xong Cao Thượng Bửu Tòa tiền bối Chơn Sắc lâm trọng bệnh nặng, được đưa lên Sài Gòn chữa trị tại bệnh viện Saint Paul.
Thứ Hai 02-3-1959 (23-01 Kỷ Hợi), tiền bối Chơn Sắc thoát xác, trở về cõi Thiêng Liêng hằng sống.
Thứ Tư 04-3-1959 (25-01 Kỷ Hợi), trong lúc linh cữu còn quàn tại gia đình thì tiền bối Chơn Sắc được Ơn Trên cho giáng đàn tại Cao Thượng Bửu Tòa. Ngài dạy chức sắc và tín hữu sở tại không được tổ chức lễ tang rình rang, không bày nhạc lễ rộn ràng. Đồng thời Ngài cho biết đã được sắc phong là Đông Thắng Chơn Như.
Hiện nay Cao Thượng Bửu Tòa tọa lạc ở số 18 đường Đống Đa, thành phố Bạc Liêu () 07813 823 625).

BẠCH DIỆU