Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN GIÁO TRONG ĐIỀU KIỆN MỚI


Đây là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội vào sáng Thứ Sáu 25-9-2015. Lý do, mục đích, và yêu cầu của cuộc hội thảo này được Tiến Sĩ NGUYỄN QUỐC TUẤN, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo, trình bày như sau:
Trong mấy thập niên gần đây, trên thế giới, thực sự đã có một quá trình đối thoại tôn giáo diễn ra đa dạng và mạnh mẽ giữa các tôn giáo. Sự gặp gỡ, đối thoại giữa các tôn giáo cũng đã đạt được những kết quả nhất định thể hiện qua các cam kết gác bỏ sự khác biệt để tạo ra sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các tôn giáo. Vì thế, đối thoại tôn giáo còn được xem như một giải pháp làm giảm đi xung đột tôn giáo, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở nhiều nơi trên thế giới. Từ sau năm 1990 đến nay, các tôn giáo ở Việt Nam cũng đã và đang đối diện với thực tế đa dạng tôn giáo, do đó nhu cầu tương tác và đối thoại liên tôn giáo bắt đầu đặt ra.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà Nước giữ vai trò như thế nào trong đối thoại liên tôn giáo? Nhìn từ phía các tôn giáo, đối thoại liên tôn giáo sẽ bao gồm những nội dung gì và quá trình đối thoại ấy cần dựa trên những cơ sở thực tiễn thiết yếu nào? Các tôn giáo cần chuẩn bị những gì khi tham gia đối thoại? Đối thoại có ý nghĩa thế nào đối với sự hòa hợp tôn giáo, sự hài hòa và an ninh xã hội? Ở phạm vi nào, các giá trị tôn giáo có thể đồng hành với các giá trị thế tục để cùng phục vụ cuộc sống chung? Mặt khác, là một thực thể xã hội tồn tại bên cạnh các thực thể khác, khi các tôn giáo mang giá trị đặc thù của mình phục vụ xã hội, họ cần các cơ chế, và điều kiện gì? Việc đối thoại liên tôn giáo có thể khả thi chỉ khi chúng ta phải đảm bảo được tính đa dạng và tôn trọng sự đa nguyên về ý kiến, về những kiến giải về đời sống xã hội theo những nhãn quan tôn giáo khác nhau. Vậy, yếu tố khoan dung, bác ái, thấu hiểu, tinh thần dấn thân và sự sẵn lòng hợp tác quan trọng như thế nào trong việc đảm bảo đối thoại tôn giáo diễn ra hiệu quả và hài hòa, v.v...
Việc tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng nhất cho những câu hỏi trên chính là lý do Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Đối Thoại Liên Tôn Giáo Trong Điều Kiện Mới. Hội thảo có ý nghĩa trong việc nghiên cứu đối thoại liên tôn giáo ở Việt Nam kết hợp với việc tham khảo và vận dụng kinh nghiệm quốc tế trong chủ đề này thúc đẩy việc trao đổi, thảo luận học thuật về đa dạng tôn giáo và nhu cầu đối thoại giữa các tôn giáo trong điều kiện hiện đại hóa ở Việt Nam và trên thế giới. Đồng thời, hội thảo sẽ tạo điều kiện cho các chức sắc và trí thức đến từ các tôn giáo, các nhà nghiên cứu và đại diện từ chính quyền xây dựng các mối quan hệ, thúc đẩy giao lưu, trao đổi học thuật, và tăng cưỡng chia sẻ thông tin khoa học cũng như các nguồn tài liệu, tri thức về các vấn đề liên quan đến đối thoại tôn giáo trong điều kiện mới.
Trên cơ sở trên, hội thảo Đối Thoại Liên Tôn Giáo Trong Điều Kiện Mới sẽ tập trung thảo luận bốn chủ đề chính sau:
(1) Đối thoại liên tôn giáo trong điều kiện mới: Nhận thức và tiếp cận; (2)Những nội dung hay phương diện cơ bản của đối thoại liên tôn giáo; (3) Các điều kiện cần thiết và phương thức phù hợp cho đối thoại giữa tôn giáo với tôn giáo và Nhà nước với tôn giáo; (4) Vai trò của Nhà nước và không gian công trong đối thoại liên tôn giáo.
*
Sáng Thứ Sáu, 25-9-2015, tại Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo (thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam), số 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học với chủ đề Đối Thoại Liên Tôn Giáo Trong Điều Kiện Mới. Ban Tổ Chức đã nhận được mười chín tham luận, và kết tập thành quyển kỷ yếu dày hơn 200 trang A4. Do khuôn khổ thời gian hạn hẹp, Ban Tổ Chức đã có nhã ý ưu tiên dành hầu hết thời gian cho các tham luận viên đến từ các tôn giáo ở cách xa Hà Nội. Ngoài hai tham luận của TS. Bùi Thanh Hà (Phó Trưởng Ban, Ban Tôn Giáo Chính Phủ) và ông Ngô Khôi (Phó Giám Đốc Sở Nội Vụ, Trưởng Ban Tôn Giáo thành phố Đà Nẵng), phần tham luận của các tôn giáo được lần lượt trình bày gồm có:
(1) Ông Nguyễn Nghị (Công Giáo, Sài Gòn): Đối Thoại Liên Tôn Giáo Trong Điều Kiện Mới.
(2) Sư cô Thích Nữ Phổ Tuệ (Lâm Đồng): Từ Bi Và Công Bằng Xã Hội Của Phật Giáo Tại Huyện Di Linh, Tỉnh Lâm Đồng.
(3) Hiền hữu Huệ Khải (Sài Gòn): Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài.
(4) Ông Nguyễn Đình Thỏa (Sài Gòn): Cộng Đồng Tôn Giáo Baha’i Việt Nam.
(5) Mục sư Lê Quốc Huy (Tổng hội Báptít Việt Nam [Ân điển – Nam phương]): Chọn Lựa Thái Độ Tiếp Cận Trong Bối Cảnh Đa Dạng Tôn Giáo.
(6) GS.TS. Công Văn Tụ (Tin Lành, Hà Nội) có đóng góp nhiều ý kiến liên quan.
Bài tham luận của hiền hữu Huệ Khải tại cuộc hội thảo khoa học nói trên đã được dịch ra tiếng Anh và xuất bản trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, quyển 96-1 (song ngữ Việt-Anh), nhan đề: ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN GIÁO TỪ GÓC NHÌN MỘT TÍN HỮU CAO ĐÀI / Interfaith Dialogues as Viewed by a Caodai Believer (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, quý Bốn 2015, 64 trang, in 4.000 bản).

VĂN UYỂN