Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8

* Hiền tỷ Kim Ngọc (Ninh Kiều, Cần Thơ). Thư ngày 27-11-2015:
Trong thi bài Dự Bị Huyền Công, Đức Hà Tiên Cô dạy tịnh viên như sau:
Phương tựu chánh hằng toan nghiềm ngẫm
Phép tồn tâm cũng lắm công phu....
Xin Văn Uyển cho biết ý nghĩa Tựu Chánh, Tồn Tâm.
Lê Anh Minh: Kính thưa hiền tỷ, phương tu chánh tức là phương cách thân cận người đạo đức để thỉnh giáo và trau sửa mình.
Tựu : Gần gũi, thân cận. Chánh (chính) : (a) Thỉnh giáo, (b) Sửa chữa lỗi. Tựu chánh: thân cận người đạo đức để thỉnh giáo và trau sửa mình. Xuất xứ tựu chánh là sách Luận Ngữ (1:14):  :      ,    ,      ,      .      .
Tử viết: Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chánh yên. Khả vị hiếu học dã dĩ.
Dịch: Đức Khổng Tử nói: Quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an nhàn, làm việc mau mắn siêng năng, thận trọng lời nói, thân cận người đạo đức để trau sửa mình. Người như vậy có thể gọi là hiếu học vậy. 
Phép tồn tâm là cách chú ý, cố ý, chuyên tâm, lưu giữ trong tâm. Xuất xứ tồn tâm là sách Mạnh Tử (Ly Lâu, hạ):
孟子曰: 君子所以異於人者, 以其存心也. 君子以仁存 , 以禮存心. 仁者愛人, 有禮者敬人. 愛人者人恆愛之, 敬人者人恆敬之.
Mạnh Tử viết: Quân tử sở dĩ dị ư nhân giả, dĩ kỳ tồn tâm dã. Quân tử dĩ nhân tồn tâm, dĩ lễ tồn tâm. Nhân giả ái nhân, hữu lễ giả kính nhân. Ái nhân giả nhân hằng ái chi, kính nhân giả nhân hằng kính chi.
Dịch: Mạnh Tử nói: Quân tử sở dĩ khác người thường là lưu giữ điều ấy trong tâm. Quân tử lấy nhân ái giữ trong tâm, lấy lễ giữ trong tâm (tức là luôn luôn chú tâm nhân ái và lễ). Người nhân ái thì thương yêu kẻ khác; người có lễ thì kính trọng người khác. Ai yêu người thì sẽ được người luôn yêu lại; ai kính trọng người thì sẽ được người luôn kính trọng lại. 
Thưa hiền tỷ, như vậy suy ra, trong thi bài Dự Bị Huyền Công, phương tựu chánh và phép tồn tâm dựa trên căn bản Nho Giáo. Tựu chánh là thân cận và thỉnh giáo người đạo đức để mình trau sửa bản thân cho hoàn thiện, đó cũng giống như tu thân, luyện kỷ. Tựu chánh nhấn mạnh sự hướng nội vào chính mình. Còn phép tồn tâm là phép luyện tâm, chú trọng nhân ái và lễ, nhấn mạnh sự đối đãi với người khác.
*
* Hiền hữu Nguyễn Thành Phương (Bến Lức, Long An). Tin nhắn ngày 05-12-2015:
Trong nhiều sách báo, tiểu đệ thấy người ta hay viết là Hồi Giáo. Riêng các sách của Chương Trình Ấn Tống chỉ gọi là đạo Islam. Xin vui lòng giúp tiểu đệ hiểu lý do.
Huệ Khải: Hiền hữu mến, Islam do gốc tiếng Ả Rập Salema, có nghĩa là hòa bình, thanh khiết, tùng phục và vâng lời. Theo ý nghĩa tôn giáo, Islam nghĩa là tùng phục ý Trời (Allah) và vâng theo luật Trời. Tham khảo: Islam is derived from the Arabic root “Salema”: peace, purity, submission and obedience. In the religious sense, Islam means submission to the will of God and obedience to His law.([1])
Tôn giáo do Đức Khổng khai sáng gọi là Khổng Giáo, đạo Khổng. Tôn giáo do Đức Phật Thích Ca khai sáng gọi là Phật Giáo, Thích Ca Giáo, đạo Phật. Tôn giáo do Đức Lão Tử khai sáng gọi là Lão Giáo, đạo Lão. Tôn giáo do Đức Cao Đài khai sáng gọi là Cao Đài Giáo, đạo Cao Đài...
Trường hợp đạo Islam khác hơn, tôn giáo Islam không gọi tên theo tên vị sáng lập là Giáo Chủ Mohammed. Người Trung Hoa dịch âm Mohammed là Mục-hãn-mặc-đức 穆罕默德 , và dịch âm Allah là A-lạp 阿拉.
Ban sơ, người Trung Hoa thấy người Hồi Hồi 回回人 (Huihui people, the Huis, the Hui people) theo đạo của Giáo Chủ Mohammed rất nhiều, nên gọi đó là Hồi Giáo, với nghĩa tôn giáo của người Hồi Hồi. Như vậy, cách gọi tên này không đúng với ý nghĩa của tôn giáo Islam; bởi lẽ đó, ngày nay chúng ta nên dùng tên gọi Islam thay cho Hồi Giáo, đạo Hồi.
Để thay cho hai chữ Hồi Giáo không thích đáng, người Trung Hoa dịch âm Islam là Y-tư-lan 伊斯蘭, gọi tôn giáo này là Y-tư-lan Giáo.
Nhân tiện, nên lưu ý: Tiếng Anh gọi đạo Phật là Buddhism, gọi Phật tử là Buddhist; gọi Kitô Giáo là Christianity, gọi Kitô hữu là Christian; gọi đạo Cao Đài là Caodaism, gọi tín hữu Cao Đài là Caodaist... Thế nhưng tín đồ theo đạo Islam được gọi là Muslim.
*
* Hiền huynh Vị Chân (huyện Hóc Môn, TpHCM): Thư gởi ngày 04-9-2015 và ngày 10-12-2015. (Vì hiền huynh nêu nhiều vấn đề, sau đây Văn Uyển sẽ lần lượt phúc đáp từng điểm một cho tiện theo dõi.)
1. Vị Chân (VC): Câu kinh tôi thường nghe là: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo. Nhưng thỉnh thoảng thấy có người viết là: thị chi Phật giáo. Xin hỏi chữ nào đúng? Chư hay chi?
Huệ Khải (HK): Cụm từ chót nói cho đúng là: thị chư Phật giáo. Câu kinh hiền huynh hỏi là câu số 183, trích từ Kinh Pháp Cú, phẩm Phật Đà. Câu chữ Hán tương ứng như sau: 諸惡莫作 , 眾善奉行 , 自淨其意 , 是諸佛教.
Chữ chư (= các, những, mọi) diễn tả số nhiều. Thí dụ: chư sự 諸事 (= mọi việc, các việc); chư quân 諸君 (= các ông); chư ác 諸惡 (= các việc ác, những điều ác, mọi cái ác); chư Phật 諸佛 (= các vị Phật, mọi vị Phật).
Chữ giáo (= lời dạy) trong cụm từ chót là danh từ. Lẽ ra nói đầy đủ là chư Phật chi giáo 諸佛之教 (= lời dạy của các vị Phật), nhưng vì ba cụm từ trước đó chỉ có bốn chữ mỗi cụm, thế nên bỏ bớt chữ chi (= của) ở cụm chót cho cân xứng. Khi dịch tiếng Việt, cần chú ý giữ số chữ mỗi cụm bằng nhau: Các việc ác chớ làm, vâng làm những việc lành, tự thanh lọc ý mình, ấy lời chư Phật dạy.
Cụm từ chót được Narada Thera dịch từ Pali sang tiếng Anh như sau: this is the teaching of the Buddhas. (Đây là lời dạy của chư Phật.) Acharya Buddharakkhita cũng dịch y như vậy.
Tỳ kheo Khantipalo và nữ tu Susanna dịch không khác: this is the Buddhas’ Teaching.
2. VC: Trang 15 quyển Một Dòng Bát Nhã của Huệ Khải (Nxb Tôn Giáo 2010, 2013) viết: “... người thế gian xem việc phá hoại hôn nhân của kẻ khác là ác độc. Nhưng Đức Phật Thích Ca nghĩ khác. Khi biết em họ của Ngài là A Nan (Ananda) đang làm đám cưới, sợ A Nan vì việc này mà chìm đắm biển trần, Phật liền rời tịnh xá, đi thẳng vào hoàng cung và đưa A Nan về tịnh xá quy y ngay, bất chấp chú rể lẫn cô dâu dang dở việc trăm năm. Nhờ Phật hành xử theo bậc thượng đức mà sau này A Nan thành chánh quả.” Theo tôi biết thì chú rể này là Nan Đà (Nanda), chứ không phải là A Nan (Ananda).
HK: Kính thưa hiền huynh, tệ đệ chân thành cảm tạ hiền huynh đã chỉ cho thấy lỗi viết sai. Hiền huynh nói chính xác: Chú rể trong chuyện ấy là Nan Đà (Nanda), không phải là A Nan (Ananda). Khi tái bản Một Dòng Bát Nhã, tệ đệ sẽ sửa lỗi sai này. Lai lịch ông Nanda như sau:
Nanda là con vua Suddhodana Gotama (Tịnh Phạn) và hoàng hậu Mahapajapati Gotami. Còn Siddhattha (Sĩ Đạt Ta) là con vua Suddhodana và hoàng hậu Mahamaya (Ma Da). Hoàng hậu Mahamaya là chị ruột của Mahapajapati, sau khi sinh Siddhattha bảy ngày thì bà qua đời; dì Mahapajapati trở thành kế mẫu của cháu. Như vậy, Nanda vừa là em cùng cha khác mẹ vừa là em họ của Siddhattha.
3. VC: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển II (1972), tr. 128, đàn cơ ngày 08-12-1926 (04-11 Bính Dần), bài thơ bát cú của Thầy như sau:
Dặm dài bước lạ nẻo chưa quen
Thánh chất dầu trau gẫm chẳng hèn
Bóng trải diềm dà xuân đợi chúa
Tiết nồng thơ thới hạ khoe sen
Nhành dương nước rưới tan lòng tục
Nguồn Thánh Đạo dìu lại cõi tiên
Phước gặp Kỳ Ba Trời dẫn độ
Mau chơn ráng lướt tới rừng thiền.
Xin Văn Uyển cho biết diềm dà nghĩa là gì.
HK: Thưa hiền huynh, qua thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài chúng ta thấy nhiều khi Ơn Trên dùng tiếng Việt cổ, bây giờ không còn thông dụng; do đó, nên tham khảo các từ điển cổ mới tìm ra nghĩa. Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình-Tịnh Paulus Của (Tome I, Sài Gòn 1895), mục từ Diềm, thì Diềm dà nghĩa là: “Xanh tươi, rậm rạp (thường nói cây)” (tr. 233).
4. VC: Văn Uyển tập Nguyên năm Nhâm Thìn (quý Một 2012), trang 63 có câu: “Vào trung thu Kỷ Dậu (1968), văn phòng Nữ Chung Hòa Đại Đạo thuộc Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý được đặt tại Vạn Quốc Tự.” Theo tôi, năm Kỷ Dậu tức là 1969.
HK: Vâng, hiền huynh nói đúng. Phải sửa lại là 1969.
5. VC: Văn Uyển tập Lợi năm Nhâm Thìn (quý Ba 2012), bài viết của ông Lê Hương nhiều lần nhắc tới “Hội Thánh Ngoại Giao (trang 66, 67, 72, 76, 77). Nhưng theo Cao Đài Tự Điển của Đức Nguyên Nguyễn Văn Hồng (quyển I, mục từ Hội Thánh Ngoại Giáo) thì phải gọi cho đúng là Hội Thánh Ngoại Giáo (Mission étrangère).
HK: Đa tạ hiền huynh. Chúng tôi đã sơ sót, không chú thích trong bài ấy để đính chính là Hội Thánh Ngoại Giáo.
6. VC: Văn Uyển tập Hanh năm Quý Tỵ (Quý Hai 2013), trang 24 viết: Ánh thái dương dọi trước phương đông. Theo tôi, viết giọi mới đúng chánh tả.
HK: Vâng, hiền huynh nói đúng. Phải sửa lại là giọi.
7. VC: Văn Uyển tập Nguyên năm Giáp Ngọ (Quý Một 2014), trang 25 có câu: “Một tao dây cáp con có lúc bị chúng lại bứt ngang. Xin hỏi: Chúng là gì?
HK: Thưa hiền huynh, chúng (đại từ / pronoun) nghĩa là số đông người, nhiều người, thiên hạ, bá tánh...
Ca dao: (a) Trong lưng chẳng có một đồng / Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe; (b) Thôi thôi mang tráp mà về / Học hành chi nữa chúng chê bạn cười.
Thơ khuyết danh: Lấp liếm, chối bừa làm chúng ghét / Nhì nhèo, cãi bướng khiến người khinh.
8. VC: Văn Uyển tập Hanh năm Giáp Ngọ (Quý Hai 2014), trang 86: “Như nhớ điều gì, Tình nói lẹ”. Phải sửa là Tính (dấu sắc) mới đúng.
HK: Vâng, hiền huynh nói đúng. Phải sửa lại là Tính.
9. VC: Văn Uyển tập Hanh năm Giáp Ngọ (Quý Hai 2014), trang 160: “Thơ Đường vốn dĩ rất khó vì rất hàm súc, chỉ trong sáu mươi bốn chữ ...”. Phải sửa là năm mươi sáu chữ.
HK: Vâng, hiền huynh nói đúng. Thơ thất ngôn bát cú (7 chữ x 8 câu = 56 chữ). Phải sửa là năm mươi sáu chữ.
10. Văn Uyển tập Lợi Trinh năm Quý Tỵ (quý Ba - Bốn 2013), mục Gió Bốn Phương, hiền huynh Huệ Khải viết: “Ngày nay, một ức được giải thích là một trăm triệu (100.000.000)”. Nhưng trong Lòng Con Tin Đấng Cao Đài (tr. 43) huynh Huệ Khải viết “thất ức niên (bảy trăm ngàn năm)”, tức một ức là một trăm ngàn (100.000). Vì sao lại giải thích khác nhau?
HK: Kính thưa hiền huynh, trong mục Gió Bốn Phương hiền huynh đã dẫn, tệ đệ đã nói rõ hai ý: “Trước đây một ức được giải thích là mười vạn, tức là một trăm ngàn (10 x 10.000 = 100.000). Ngày nay, một ức được giải thích là một trăm triệu (100.000.000)...” Như vậy, tệ đệ đã giải thích một ức là 100.000 theo quan niệm cũ, nhưng bổ sung quan niệm mới cho rằng một ức là 100.000.000.
Hiền huynh có thể tham khảo thêm:
(a) MDBG Chinese-English Dictionary giải thích: = hundred million; many.([2]) Như vậy, từ điển này không nhắc lại quan niệm cũ, chỉ nói tới quan niệm mới (ức = 100.000.000) và thêm một nghĩa phiếm định (ức = nhiều).
(b) Từ Điển Hán Việt (Bắc Kinh: Thương Vụ ấn thư quán, 1994), tr. 785, giải thích: Ức = (một) trăm triệu. Như vậy, từ điển này không nhắc lại quan niệm cũ.
Rất cảm ơn hiền huynh Vị Chân, xin hiền huynh tiếp tục góp ý cho kinh sách trong Chương Trình Ấn Tống.
*
* Hiền huynh Phan Văn Tân. E-mail ngày 05-12-2015:
Tạp chí Đại Đồng (số 14, ngày 01-7-1940, tr. 24) có đăng bài bát cú của một vị Tiên Nương trong Cửu Nương:
Bi xuân
Đổ lộc mừng xuân trải khắp nơi
Mà ai riêng thảm một phương trời
Thăm đào, đào vẫn thương hòa ghét
Viếng cúc, cúc trêu khóc lộn cười
Ong bướm lả lơi cay xốn mắt
Nhành chim đưa đẩy nhớp nhơ lời
Xuân xưa ví bẳng xuân như thế
Trộm trách xuân sao chẳng gặp thời.
Xin hỏi nhành chim nghĩa là gì? Ví bẳng là gì?
Huệ Khải: (a) Nhành là cành, nhánh (cây). Nhành (cành) chim nói đầy đủ là lá gió cành chim, một thành ngữ nói về kiếp sống phụ nữ bán phấn buôn hương. Vì lá gió cành (nhành) chim liên quan những mảnh đời ấy nên câu 5 bài Bi xuân nói ong bướm lả lơi, câu 6 nói đưa đẩy nhớp nhơ lời.
Diễn tả lúc nàng Kiều sa chân vào chốn lầu xanh, Nguyễn Du (1766-1820) viết:
Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm
Dập dìu gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
Nguyễn Du sáng tạo lá gió cành chim dựa theo tích một nữ thi sĩ tài hoa bạc phận đời nhà Đường (Trung Quốc). Nàng tên Tiết Đào 薛濤 (768-831), tự Hồng Độ 洪度, con nhà quan, biết làm thơ từ tấm bé. Một hôm nhìn tàn cổ thụ trước sân nhà cành lá xao động trước mấy cơn gió, cô bé tám tuổi buột miệng ngâm: Chi nghinh nam bắc điểu / Diệp tống vãng lai phong. 枝迎南北鳥 / 葉送往來風. (Nhánh cây đón chim phương nam, phương bắc bay tới / Lá cây tiễn đưa gió đến rồi đi.) Đứng cạnh con gái, nghe khẩu khí con như vậy thì người cha buồn lòng, tiên đoán kiếp hồng nhan ắt sẽ phải chịu cảnh bướm ong nơi chốn phong lưu trụy lạc. Quả nhiên, sau khi cha chết, cảnh nhà sa sút, Tiết Đào tài hoa đành phải tìm kế mưu sinh trong kỹ viện!
(b) Theo luật thơ Đường: Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh. Chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm trong câu thì không bắt buộc (O), riêng chữ thứ hai, thứ tư và thứ sáu thì phải theo đúng luật về thanh bằng, thanh trắc.
Bài Bi xuân theo luật trắc (T) vần bằng (B):
Đổ lộc (T) mừng xuân trải khắp nơi (B).
Câu thơ 7 vì thế phải là: O B O T O B T
Do đó, thay vì nói bằng (B) phải nói bẳng (T).
Ví bằng nghĩa là nhược bằng, nếu mà, nếu như (if, in case, supposing that...). Nguyễn Du viết: Ví bằng thú thực cùng ta / Có dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Trong một đàn cơ vào giờ Hợi, ngày 14-02 Ất Sửu tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Đức Thượng Trung Nhựt giáng điển ban cho bài bát cú luật bằng (B) vần bằng (B):
Đạo mầu (B) thị hiện bởi con người (B).
Câu thơ 7 vì thế phải là: O T O B O T T;
Do đó, thay vì nói bằng (B) phải nói ví bẳng (T).
Bài thơ như sau:
Đạo mầu thị hiện bởi con người
Trung nhất chuyên trì chí rộng khơi
Luyện tánh sáng lòng thông sự thế
Gìn tâm thật ý tỏ cơ Trời
Xuân sanh Hạ trưởng không sai trái
Thu lợi Đông trinh chẳng đổi dời
Ví bẳng vi nhân đà vẹn phận
Thì bàn chi nữa cuộc đầy vơi.
Trong cặp luận, câu 5 nhắc tới Xuân sanh Hạ trưởng Thu liễm Đông tàng, tức là chu kỳ biến dịch thế gian, không ai có thể tránh khỏi. Chu kỳ biến dịch này được nhắc lại ở câu kết qua hình tượng “cuộc đầy vơi”.
Câu 6 nhắc tới Xuân nguyên Hạ hanh Thu lợi Đông trinh, tức là bốn đức quẻ Càn (nguyên, hanh, lợi, trinh), cũng là bốn đức của người quân tử (người chân tu) khi sống đạo giữa cõi trần ai, thực thi sứ mạng vi nhân, gồm hai mục đích: đối với bản thân là tu hành để giải thoát; đối với xã hội là kiên trì phụng sự con người. Nếu như đã thực thi trọn vẹn phận sự kép (double duties) này rồi thì người chân tu (bậc quân tử) còn có chi mà phải bận lòng bàn luận về nỗi thăng trầm, đầy vơi thế sự: Ví bẳng vi nhân đà vẹn phận / Thì bàn chi nữa cuộc đầy vơi.



([1]) http://www.barghouti.com/islam/meaning.html. Truy cập ngày 13-12-2015.
([2]) http://www.mdbg.net/chindict/chindict.php?wdrst=1&popup=1&wdqchid=%E5%B9%BE%E5%8D%81%E5%84%84. Truy cập ngày 18-12-2015.