Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / TRẢI NGHIỆM ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN: HỒI TƯỞNG VÀ SUY NIỆM / Huệ Khải


1. Đầu thập niên 60 thế kỷ trước, tôi học trường tiểu học Mỹ Luông A tại xã Mỹ Luông (quận Chợ Mới, tỉnh An Giang). Trường tôi không xa thánh thất Mỹ Luông (thuộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh). Ba tôi thuê nhà gần chợ Mỹ Luông, sát bờ sông. Trong xóm có một số nhà theo Công Giáo, còn nhà tôi theo đạo Phật, mùng một và ngày rằm hàng tháng thường ghé tịnh xá cúng, đọc kinh, rồi ăn cơm chay. Ba má tôi và hai anh em tôi đều được sư cô cho pháp danh.
Mỹ Luông hồi đó chưa có điện, những buổi tối như trung thu hay dịp lễ Giáng Sinh, đám con nít chúng tôi rủ nhau đốt đèn cầy (nến) đi lòng vòng trong xóm. Đứa xách lồng đèn phất giấy kiếng nhiều màu, đứa chỉ có cái lon thiếc sữa bò gắn vào que gỗ… Không biết ai cắc cớ bày vẽ mà cả đám con nít vừa kéo nhau đi thành hàng vừa nhịp nhàng lớn tiếng: “Đạo Thiên Chúa có lúa ăn hoài; đạo Cao Đài ăn hoài hết gạo…” Đêm thanh im ả, giọng trẻ con cứ thế vang lên từng chập, xen với tiếng cười rộ hồn nhiên. Chẳng thấy người lớn nào bước ra can thiệp, rầy rà chúng tôi.
Hai mươi tuổi tôi ngộ đạo Cao Đài, vài năm sau được các đàn anh áo trắng dẫn dắt làm quen tôn giáo đối chiếu, đến lúc ngũ tuần trở đi thì dành nhiều thời gian cho đối thoại liên tôn. Đôi khi nhớ câu “đạo Cao Đài ăn hoài hết gạo” xưa kia, tôi không khỏi buồn cười. Gần đây, cùng các anh ở báo Công Giáo Và Dân Tộc (CGvDT) về miền Tây thăm một vị giám mục cao niên, trong lúc rỉ róm những chuyện đầu Ngô mình Sở dọc đường dài, tôi chia sẻ kỷ niệm cũ với một bạn đồng hành rồi nói vui: Có lẽ hồi nhỏ tôi sái quấy bảo rằng Cao Đài hết gạo nên Thượng Đế dắt tôi vô Cao Đài, và để tôi khỏi phân biệt “có lúa ăn hoài” với “ăn hoài hết gạo” nên Trời còn ban ơn cho tôi được thực hành đối thoại liên tôn.
Đối thoại liên tôn, như nhan đề nói “trải nghiệm”, tức là liên quan đến việc bản thân đã làm; do đó khó tránh khỏi nhắc tới cái tôi của mình, rất mong bạn đọc hoan hỷ lượng thứ.
2. Tôi biết báo CGvDT vào năm 2002, nhưng mãi tới năm 2005 trở đi mới góp bài thường xuyên với tuần san, rồi trễ hơn nữa mới viết bài gởi nguyệt san. Trong khoảng mười năm được tòa soạn dành cho mục “Góc Nhà”, tôi đem lòng thành bắc nhịp cầu liên tôn giữa Công Giáo với đạo Cao Đài và vài tôn giáo khác. Nhiều bạn đọc viết thư bày tỏ thiện cảm, hoặc “sao” lại các bài viết ở “Góc Nhà” rồi đưa vào trang điện tử một số giáo xứ. Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Quang Hưng nhận xét: “[Góc Nhà] gần như là một ‘cửa sổ nhỏ’ về ‘đối thoại liên tôn’, rất tinh tế và nghệ thuật.” (CGvDT số 2014-2015, tr. 14).
Tôi hạnh phúc đón nhận phản hồi tốt đẹp từ người đọc. Ngần ấy năm viết “Góc Nhà” là ngần ấy năm tâm tình của một tín hữu Cao Đài. Mượn lời nhà thơ Mỹ Longfellow (1807-1882), tôi đã bắn một mũi tên vào không trung, và may mắn thay, mũi tên ấy không hề lạc mất!
3. Thông thường tôi suy nghĩ, chắt lọc vấn đề rồi dàn trải thành bài viết; nhưng đôi lúc, nhân một sự kiện, tòa soạn “đặt bài”, thì đó là cơ hội để bản thân học hỏi về Công Giáo, làm giàu thêm hành trang đối thoại liên tôn. Chẳng hạn: Tháng 5-2011, bài “Đồng Cảm Với Thư Chung 2011 Bằng Tâm Tình Của Một Người Tín Hữu Cao Đài” (CGvDT số 1808); tháng 7-2012, bài “Nửa Thế Kỷ Công Đồng Vatican II: Một Chút Tâm Tình Của Người Đạo Cao Đài” (CGvDT số 1866-1867), v.v…
Tôi đặc biệt ghi nhớ cái duyên góp mặt với nguyệt san CGvDT số 147 (tháng 3-2007), mà phần lớn số trang dành cho chủ đề “Đạo Cao Đài”, và tòa soạn nhờ tôi viết. Đây là một trong nhiều trải nghiệm để tôi xác định rằng báo CGvDT có một phong cách thực hành đối thoại liên tôn độc đáo với tâm hồn Công Đồng Vatican II.
4. Tháng 6-2008, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo ra đời, để in và tặng sách (miễn phí) cho mọi người quan tâm, không phân biệt tín ngưỡng. Qua Chương Trình này, tôi tuyển lại các bài đã đăng trên tuần san và nguyệt san CGvDT để in thành sách, liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội); mỗi nhan đề thường in từ năm tới mười ngàn bản, chẳng hạn: Nhịp Cầu Tương Tri (2011, 2013); Bắc Cầu Tâm Linh (2012, 2013); Hòa Điệu Liên Tôn (2012, 2013); Dưới Mái Đạo Viện (2013); Nẻo Về Tâm Linh (2014); Ngọn Nến Nào Không Tắt (2015), v.v…
Khi Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TpHCM tổ chức ngày hội ngộ liên tôn (27 tháng 10 hàng năm), các sách ấy được gởi biếu đông đảo đại biểu, tức là nhịp cầu đối thoại liên tôn được nối dài và mở rộng… Có được nhân duyên tốt đẹp như thế là nhờ tấm lòng linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Trưởng Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn của Tổng Giáo Phận TpHCM.
5. Linh mục PX. Bảo Lộc hướng dẫn Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn đến thánh thất Cao Đài Bàu Sen (quận 5) lần đầu tiên vào sáng Chúa Nhật 26-4-2009. Sau đó có thêm nhiều lần hội ngộ khác, khi thì ở thánh thất Bàu Sen, khi thì ở Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận (quận 1). Những tiếp xúc giữa hai bên thật sự đã vượt lên khỏi mức độ “xã giao” thông thường, chẳng hạn:
a. Trung tuần tháng 8-2011, Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn có nhã ý trao đổi với tôi về “Kinh Nghiệm Gặp Gỡ Tín Đồ Các Tôn Giáo”. Nội dung buổi trò chuyện được in trong Hiệp Thông số 67 (bản tin tháng 9 và 10-2011 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), sau đó Chương Trình Chung Tay Ấn Tống in lại trong Nhịp Cầu Tương Tri.
b. Những lễ Giáng Sinh tổ chức hàng năm tại thánh thất Bàu Sen vào sáng 24 tháng 12 là dịp trao đổi thần học giữa hai cộng đồng Cao Đài và Công Giáo:
- Giáng Sinh 2011, tôi trình bày “Con Đường Hạnh Phúc” theo giáo lý Cao Đài và Kinh Thánh, đã in thành sách (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, 2013).
- Giáng Sinh 2012, linh mục PX. Bảo Lộc trình bày “Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta”. Năm sau, linh mục Giuse Trần Đình Thụy (Đại Chủng Viện Thánh Quý, Cần Thơ) trình bày “Giáng Sinh Hòa Bình”. Hai bài này Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã in thành sách: Công Giáo Và Cao Đài Hội Ngộ Giáng Sinh (Nxb Tôn Giáo, 2013).
c. Mùa Phục Sinh năm 2013, tối Thứ Tư 03 tháng 4, linh mục PX. Bảo Lộc mời nhóm tín hữu Cao Đài đến Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận trình bày về:
- Thượng Đế Cao Đài, cuộc sống con người sau cái chết theo giáo lý Cao Đài.
- Thực hành đức tin trong đời thường.
- Hôn nhân liên tôn giáo.
- Tương quan giữa chức sắc và đạo hữu Cao Đài
Nội dung và hình ảnh buổi trao đổi thần học và kinh nghiệm tôn giáo sau đó đã được Chương Trình Chung Tay Ấn Tống in thành sách: Công Giáo Và Cao Đài Hội Ngộ Phục Sinh (Nxb Tôn Giáo, 2013).
d. Năm sau, tối Thứ Tư 02-4-2014, theo lời mời của linh mục PX. Bảo Lộc, anh chị em Cao Đài lại đến Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận để trình bày về chủ đề “Gia Đình Cao Đài, Hạnh Phúc Và Giáo Dục”, với ba nội dung:
- Thế nào là một gia đình hạnh phúc theo giáo lý Cao Đài?
- Việc giáo dục con cái theo đức tin của người Cao Đài.
- Đời sống hôn nhân với người khác tôn giáo.
e. Chiều Thứ Ba 22-4-2014, tại Nhà Truyền Thống Tổng Giáo Phận, Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn và Học Viện Mục Vụ Tổng Giáo Phận tổ chức buổi trao đổi thần học với chủ đề “Chữ Thiên Trong Truyền Thống Các Tôn Giáo Baha’i, Cao Đài, Công Giáo Và Islam”. Các tín hữu Cao Đài đã tham dự và nội dung các tham luận được Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn in lại trong Nhịp Cầu Tâm Giao, tập 13 (Nxb Phương Đông, 2014).
f. Ngoài ra, những thông tin về đối thoại liên tôn giữa Công Giáo và Cao Đài cũng được chuyển tải qua Đại Đạo Văn Uyển, ra đời từ năm 2012 đến nay, do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo in mỗi quý một tập… Chương Trình Chung Tay Ấn Tống và Ban Mục Vụ Đối Thoại Liên Tôn còn thường xuyên trao tặng nhau các sách mới in.
6. Với tâm tình của người tín hữu được giáo lý Cao Đài soi dẫn từ tuổi đôi mươi, khi hồi tưởng quá trình trải nghiệm đối thoại liên tôn như đôi điều chia sẻ trên đây, tôi rất thấm thía rằng để có thể gặt hái được hoa trái mong muốn thì điều quan trọng chính là thành ý hợp tác, tương tri và tương thân tương kính.
Khả năng ít ỏi, hiểu biết mỏng manh, nếu may ra tôi có thể góp nhóp được chút xíu cỏn con nào vào đối thoại liên tôn, thì hoàn toàn chẳng thể trông cậy vốn liếng bản thân. Hành trình khi nhìn lại, các cơ hội ngỡ như rất tình cờ, nhưng tôi tin đó chính là ơn phước Thiêng Liêng ban cho, như lời Đức Chúa dạy: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi.” (Giêrêmia 29:11).
Nhiêu Lộc, 07-12-2015
HUỆ KHẢI
____________
Sẽ không có hòa bình giữa các dân tộc nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo. Sẽ không có hòa bình giữa các tôn giáo nếu không có đối thoại giữa các tôn giáo.
Linh mục, nhà thần học HANS KÜNG

(Thụy Sĩ, sinh năm 1928)