Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / THẦN KHỈ HANUMAN TRONG TÍN NGƯỠNG ẤN ĐỘ / Ngô Bái Thiên


Các đền thờ khắp nước Ấn Độ đều có hình ảnh Hanuman, vị thần khỉ nổi tiếng với vũ khí là quả chùy (gada), biểu tượng của lòng dũng cảm. Thần rất sùng bái người bạn của mình là Rama (vị vua anh hùng được kể trong sử thi Ramayana), và cũng được Rama thương yêu nhất, nên có khi người ta vẽ Hanuman với hình Rama xăm trên ngực (xem Hình 1, tr. 38). Rama được coi là hóa thân của Vishnu, là đấng bảo tồn trong quan niệm Thượng Đế ba ngôi (Trimurty) của Ấn giáo. Trong cuộc chiến đấu giữa vua Rama anh hùng và quỷ Ravana, thì Hanuman là người phụng sự vua đắc lực nhất, trung thành với vua nhất. Có lần, để bày tỏ cho vua Rama và hoàng hậu Sita biết tấm lòng trung kiên của mình, Hanuman đã tự lấy móng xé toang lồng ngực, phô bày cho Rama và Sita thấy hình ảnh hai vợ chồng trong trái tim của thần khỉ.
Hanuman có hai tên khác là Hanumat và Bajarangbali. Vì cha thần là thần gió Vayu và mẹ là nữ thần Arijana, nên thần khỉ còn được gọi là Pavan-suta (con trai của gió). Nhưng do đâu thần khỉ có tên là Hanuman? Khi còn nhỏ, nhìn thấy mặt trời mọc, ngỡ rằng đó là một quả chín, Hanuman nhảy thót lên chụp lấy mặt trời và đút ngay vào mồm. Sợ thế gian sẽ tận diệt trong bóng tối triền miên, thần chiến tranh Indra phải đấm vào cằm Hanuman để Hanuman không nuốt được mặt trời. Cha Hanuman là thần gió Vayu liền đem Hanuman xuống hang để ẩn trú. Khi thần gió Vayu vắng mặt, thế gian không còn thở được, chư thần bèn cầu thỉnh Brahma (đấng sáng tạo trong Thượng Đế ba ngôi) vào hang chữa thương cho Hanuman. Vết thương tuy lành nhưng cái hàm Hanuman vĩnh viễn sưng to, và Hanuman có nghĩa là “người hàm to”.
Những kỳ tích phi thường cũng như những chiến thắng dũng cảm của thần Hanuman được tường thuật trong hai quyển Agni PuranaMahabharata (đã có bản dịch tiếng Việt). Đặc biệt, trong bộ sử thi Ramayana thì Hanuman là nhân vật trung tâm của cả quyển thứ năm.
Cũng giống như nhân vật Tôn Ngộ Không (tức Tề Thiên Đại Thánh) trong Tây du ký, thần khỉ Hanuman có thể biến hóa cho thân thể lớn bằng trái núi, hoặc thu nhỏ lại như một con ruồi. Có lần bị yêu tinh nuốt vào bụng, Hanuman hóa phép trở thành khổng lồ và cuối cùng yêu tinh phải mửa thần ra. Một lần khác, trong lúc Hanuman bay đi tìm diệt chúa quỷ Ravana thì bị em họ của Ravana là nữ quỷ Surasa ngậm gọn trong miệng. Hanuman biến hóa cho thân thể to lớn tới đâu thì nữ quỷ cũng hóa phép cho miệng căng rộng ra tới đó. Thình lình Hanuman thu hình nhỏ lại còn bằng đầu ngón tay trong nháy mắt và bất kỳ xuất ý bay vút ra ngoài qua lỗ tai phải của nữ quỷ. Khả năng biến hóa tùy ý của thần khỉ là do Brahma ban cho Hanuman sau khi chữa thương. Ngoài ra các thần khác còn ban cho những quyền năng khác, kể cả tài hùng biện.
Theo kinh sách miêu tả, Hanuman có cổ ngắn mà đầy đặn, mặt tròn và đỏ như hồng ngọc tỏa sáng, răng nanh trắng nhọn, bờm như hoa Ashoka, đuôi như lá cờ của thần Indra (thần chiến tranh), có thể vươn dài bất tận, thân hình to như núi và cao như tháp, nước da óng ánh như đúc bằng vàng ròng. Thần gầm vang như sấm dậy, có thể phóng lên trời bay vun vút như tên bắn giữa các cụm mây, hơi gió mãnh liệt làm cho mặt biển bên dưới dậy sóng, v.v... Nếu Na Tra (trong truyện Phong thần) có thể biến ra ba đầu sáu tay, thì Hanuman có thể biến ra năm cái đầu khác nhau và mười tay, mỗi tay cầm một món binh khí khác nhau (xem Hình 2, trang 38).
Suốt đời sống độc thân, Hanuman được coi là thần của thông minh, tri thức, quyền lực và sức mạnh, cho nên ngay khi mới mười tuồi, Hanuman đã có thể “bứng” những ngọn núi chu vi 26-30 km và ném đi như quẳng một hòn đá (xem Hình 3). Do đó thần khỉ còn có tên là Mahaveera (đại anh hùng), được các võ sĩ, các nhà đô vật hết lòng thờ phượng.
Thần thoại Ấn Độ qua mấy ngàn năm không ngừng truyền tụng các kỳ tích của Hanuman, để rồi Hanuman sớm trở thành một hình ảnh quen thuộc, phổ biến của mỹ thuật Ấn giáo. Tất cả những điều ấy đã hàng bao thế kỷ củng cố đức tin của người Ấn Độ rằng sùng kính thờ phụng Hanuman thì chắc chắn sẽ được Hanuman phù hộ khỏi tà ma quấy phá. Ngày thứ Ba hàng tuần là “ngày vía” của Hanuman, và hàng triệu tín đồ Ấn giáo đều dâng lễ cầu nguyện thần khỉ phù hộ cho họ được khỏe mạnh, sung túc.
Vượt trên khía cạnh tín ngưỡng, chuyện thần khỉ Hanuman còn là ngụ ngôn đầy màu sắc triết lý nhân sinh của Ấn giáo. Thực vậy, Hanuman chính là biểu tượng của con người đạo đức chân chính, là kiểu mẫu của tình bạn chung thủy. Khi Hanuman tận tụy hy sinh giúp vua Rama (một hóa thân của Thượng Đế) để đánh bại chúa quỷ Ravana, thì toàn bộ câu chuyện này nhằm chuyển tải bức thông điệp nhân bản rằng: Muốn phụng sự Thượng Đế đúng nghĩa thì phải luôn luôn biết đứng về cái thiện, chống lại cái ác và quên mình phụng sự cho hạnh phúc con người.

Tham khảo: http://webonautics.com/mythology/hanuman.html