I. VÌ SAO
CÓ HIỆN TƯỢNG ÂM ĐỌC KHÔNG ỔN ĐỊNH HOẶC ĐÁNG NGỜ?
Trong thời gian học chữ Hán và sau này biên soạn một số từ điển Hán Việt, chúng tôi chú ý
thấy hiện tượng phổ biến không ít chữ Hán có âm đọc không thống nhất, không ổn
định, hoặc đáng ngờ, mặc dù chữ Hán từ lâu vốn đã có tiêu chuẩn phát âm bằng
phương pháp phiên thiết.([1])
Nguyên
nhân sâu xa có lẽ do các nhà Nho Việt Nam thời trước ít chú trọng việc
nghiên cứu ngữ âm, mà chỉ quan tâm đến phần ngữ nghĩa: Đọc sao cũng được, miễn
hiểu đúng nghĩa câu sách của người xưa thì thôi. Trong tất cả các loại sách học,
dù thuộc văn chương hay khoa học tự nhiên, phần lớn đều chỉ chứa đựng những chữ
Hán thông dụng đã có cách đọc ổn định, theo kiểu truyền từ đời nọ sang
đời kia (như các chữ nhất, nhị, tam, nhân, phu, phụ,
giang, sơn, thiên, địa, thủy, khổng, mạnh, tử, tôn…), thầy dạy sao trò đọc vậy, chứ không có tiêu chuẩn ngữ âm nhất
định. Thậm chí, trong thư tịch Hán Nôm, dường như cũng chưa thấy có nhà Nho Việt
Nam nào xét nét / thẩm định cách đọc một chữ Hán cụ thể nào đó hoặc đề cập cách
đọc chữ Hán theo lối phiên thiết.
Theo sự hiểu
biết của chúng tôi, ở Việt Nam, mãi đến năm 1962 mới có ông Lê Ngọc Trụ (1909-1979)
viết bài “Lối Đọc Chữ Hán” (khởi đầu
đăng trên tạp chí Văn Hữu số 21, năm 1962; sau có đăng lại trên tập san Đại Học Văn Khoa Sài Gòn,
số 5, năm 1968), trình bày vấn đề một cách khá rành rọt, mà sau ông Nguyễn Hiến
Lê (1912-1984) có tham khảo, tóm tắt lại để hướng dẫn cho những người trẻ học
chữ Hán, in trong phần phụ lục “Cách Đọc
Chữ Hán” đặt phía sau quyển Tự Học Một Nhu Cầu Thời Đại của ông.
Cũng theo
nhà ngữ học quá cố Lê Ngọc Trụ: “Đến như
giọng đọc Hán Việt, có nhiều chữ lại không theo phiên thiết mà chỉ đọc theo
nhân tuần, thói quen của tiền nhân.” ([2]) Rồi ông nêu mấy thí dụ về chữ 一 (nhất) [Y + TẤT thiết = ất], chữ 必 (tất) [BÍCH + CÁT thiết = bát], chữ 轟 (oanh) [HÔ + HOÀNH thiết = hoanh].
Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng nêu một ý kiến
nhận xét tương tự, “Các nhà Nho thời xưa khi dạy học, không chỉ
rõ ràng cách phiên âm trong các tự điển Trung Hoa, và nhiều khi ta thấy hai nhà
phiên âm khác nhau, do đó cùng một chữ mà đọc hơi khác nhau.” ([3])
Trên đây là lý do chủ
yếu khiến nảy sinh tình trạng cùng một chữ Hán mà lại có hai ba cách đọc khác
nhau, kể cả đối với hai bộ từ điển (tự điển) Hán Việt được thông dụng lâu đời
nhất của Đào Duy Anh (ĐDA, 1931) và của Thiều Chửu (TC, 1942). Cùng một
chữ Hán mà từ điển ĐDA đọc khác với tự điển TC, là hiện tượng khá thường xảy
ra. Chúng tôi tạm gọi đây là trường hợp những chữ Hán có âm đọc không thống nhất
/ không ổn định hoặc đáng ngờ.
Ở đây, tạm bỏ qua những
chữ Hán đã có cách đọc ổn định mà ngày nay chúng ta cũng không cần thiết mấy phải
dùng phương pháp phiên thiết để định lại âm đọc của chúng, vì làm như thế chỉ tạo
thêm sự rắc rối khó xử. Chúng ta chỉ chú ý đến đối tượng những chữ Hán có âm đọc
không ổn định, do khởi đầu người ta chỉ đọc theo lối suy diễn / loại suy, mà phần
lớn đều dựa vào bộ phận hài thanh (tức phần thanh bàng) để đọc “mò”: Hễ thấy những
chữ có thanh bàng giống nhau thì cho ra cách đọc giống nhau, không tham khảo lối
đọc theo tiêu chuẩn phiên thiết.
Do đó, trên thực tế
Hán Việt, nhiều trường hợp một chữ Hán lại tồn tại hai, ba lối đọc khác nhau,
trong đó có một / hai âm đọc sai theo truyền thống và một âm đọc đúng nhờ vận dụng
phép phiên thiết. Tiêu biểu có trường hợp chữ 幻 bị đọc sai ảo, do loại suy từ
thanh bàng 幺 (yêu)
trong những chữ có âm ao 坳, ảo 拗,… trong khi chữ này nếu đọc
theo âm pinyin phải là /huàn/ và theo phiên thiết phải là huyễn [HỒ + BIỆN thiết, KHỨ thanh, GIẢN
vận, HẠP tổ] (chữ “tổ” trong “HẠP tổ” ý nói nhóm thanh mẫu HẠP). Chữ 幻 này TC đọc huyễn và
nói ảo thuật là huyễn thuật; còn ĐDA thì nói “chữ này chính đọc
là huyễn, nhưng lâu nay đọc quen là ảo”
(tr. 398).
Vài thí dụ khác về sự
khác biệt giữa âm đọc truyền thống và âm đọc phiên thiết:
- Cật
吃 /chī/ (trước đọc /jī/) [CƯ + KHẤT thiết, NHẬP
thanh, NGẬT vận, KIẾN tổ] (= ăn) quen đọc thành ngật. Chữ này ĐDA ghi âm
“ngật”, TC ghi “cật” có cơ sở hơn.
- Liễm 臉 /liǎn/ (= gò má, mặt) quen đọc thành kiểm (như câu thơ “Áng đào kiểm đâm bông não chúng”, trong Cung
Oán Ngâm Khúc). Chữ 臉 phải
đọc “liễm” /liǎn/ [LỰC + GIẢM thiết, THƯỢNG thanh, LIÊM vận, LAI tổ]. ĐDA ghi
âm “kiểm”; TC ghi cả ba âm “kiểm”, “liệm” và “thiểm”.
- Đai 呆 /dāi/ (ĐÁI bình thanh), còn
có âm “ngai” /ái/ (âm 皚). ĐDA đọc “ngai” (= si đần, không hoạt bát, tr.
19) thì có cơ sở; TC đọc “ngốc” (= ngây dại) thì không hiểu dựa trên cơ sở nào.
ĐDA có từ ngữ “ngu ngai” ở vần NGU (tr. 39), nhưng người Việt thì chỉ quen dùng
“ngu ngốc” chứ không “ngu ngai” (nói “ngu ngai” sẽ chẳng ai hiểu). Được biết,
chữ này sách Ngũ Thiên Tự bản phiên
âm của hai tác giả Vũ Văn Kính và Khổng Đức cũng đọc “ngốc”.([4])
- Phũ 腐 /fǔ/ quen đọc thành hủ. Chữ 腐 /fǔ/ [PHÙ + VŨ thiết, THƯỢNG thanh, NGU vận, PHỤNG tổ], phải đọc
“phũ”, nhưng cả ĐDA và TC đều ghi âm “hủ”. Đây là một tình trạng gần như không
thể sửa đổi, vì người Việt Nam đã quen nói hủ bại, hủ hóa, hủ lạn, hủ lậu, hủ tục, đậu hủ...,
chứ không ai nói “phũ bại”, “phũ nho”, “đậu phũ”... (mặc dù đọc “phũ” hay “phủ”
thì có lý do ngữ âm hơn để giải thích tại sao lại có từ “đậu phụ” tức tàu hủ...).
- Điểu 跳 /tiào/ (= nhảy) quen đọc thành khiêu. Chữ
跳 /tiào/
[ĐỒ + LIỄU thiết, THƯỢNG thanh, TIỂU vận, ĐỊNH tổ] lẽ ra phải đọc “điểu” hoặc
“điễu”.
- Hải giáp 海峽 (= eo biển), lẽ ra phải đọc hải hiệp /hǎixiá/, vì chữ 峽 /xiá/
[HẦU + GIÁP thiết, âm 狹, NHẬP thanh, HIỆP vận, HẠP tổ] đọc “hạp” hay
“hiệp”. Chữ này TC ghi hai âm “hạp” và “giáp”, nhưng chú thêm “có nơi đọc là chữ
giáp”. Các nhà chú giải sách cổ thời trước thường viết Vu Sơn, Vu Giáp
thay vì Vu Sơn, Vu Hiệp...
- Hại hậu 邂逅 (cũng viết 邂遘, 邂覯, 邂后) /xièhòu/
(= tình cờ gặp), quen đọc thành giải cấu. Chữ 邂 /xiè/
[HỒ + GIẢI thiết, KHỨ thanh, QUÁI vận, HẠP
tổ] lẽ ra phải đọc “hại”, còn chữ 逅 /hòu/ [HỒ + CẤU thiết, âm 候, KHỨ
thanh, HẬU vận, HẠP tổ] đọc “hậu”. ĐDA, TC và các từ điển tiếng Việt, các sách
chú giải văn học khác đều đọc “giải cấu” (như “May thay giải
cấu tương
phùng / Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa”, trong
truyện Kiều). Nhóm Vương Lực trong Vương Lực Cổ Hán Ngữ Tự Điển (tr.
1460) cho đây là một từ “song thanh liên miên tự” (tương tự từ láy trong tiếng
Việt), nên đọc “hại hậu” là có sơ sở hơn về mặt ngữ âm.
- Hồ thương 壺觴 /húshāng/ (= chén uống rượu) đọc thành hồ trường.([5]) Chữ 觴 /shāng/
TC ghi âm “thương” nhưng có nói thêm “ta quen đọc là chữ tràng”. Ông
Nguyễn Bá Trác (1881-1945) dịch thơ cổ Trung Quốc viết là “hồ trường” nên từ đó
về sau người ta cứ nói theo bài thơ dịch của Nguyễn Bá Trác.([6])
- Hử 許 /hǔ/
(trong họ Hử; cũng có nghĩa “đồng ý, cho phép”) quen đọc thành hứa. Chữ 許 /hǔ/
lẽ ra phải đọc “hử” /hǔ/ [HƯ + LỮ thiết, THƯỢNG thanh, NGỮ vận, HIỂU tổ]. ĐDA
chỉ ghi âm “hứa”; TC ghi cả ba âm “hử”, “hứa” và “hổ”.
- Hiệu đính 校訂 /jiàodìng/ lẽ ra phải đọc giáo
đính như trong tự điển của TC và Hoa Việt Tự Điển của Khổng-Lạc-Long
(Nxb Thanh Hóa, tr. 287), nhưng phổ biến đều đọc “hiệu đính” theo từ điển ĐDA.
Chữ 校 dùng theo nghĩa “sửa, chữa” đọc
“giếu” hoặc “giáo” /jiào/ [CỔ + HIẾU thiết, KHỨ thanh, HIỆU vận, KIẾN tổ]. Chữ 校 này cũng có âm “hiệu” /xiào/
[HỒ + GIÁO thiết, KHỨ thanh, HIỆU vận, HẠP tổ] nhưng âm “hiệu” lại chỉ chuyên
dùng với nghĩa “trường học”.
- Tây Tương Ký 西廂記 /xīxiāngjì/ quen đọc thành Tây
Sương Ký. Chữ 廂 /xiāng/ [TỨC + LƯƠNG thiết, âm 相,
BÌNH thanh, DƯƠNG vận, TÂM tổ] lẽ ra phải đọc âm “tương”. Chữ này ĐDA đọc đúng
là “tương”, đến TC lại đọc thành “sương”. Hay là TC bị ảnh hưởng bởi bản dịch Tây
Sương Ký của Nhượng Tống? Giáo sư Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học
Sử Yếu cũng đọc Tây Sương Ký (bản in của Bộ Giáo Dục Sài Gòn, 1968, tr.
379).
Trên đây là một số thí dụ trong ngôn ngữ
thông thường. Còn trong hệ thống thuật ngữ khoa học Hán Việt, chúng ta cũng thấy
khá phổ biến một số trường hợp dị biệt, không thống nhất nhau, hoặc có tính bất
thường trong cách phát âm. Một ít thuật ngữ cũng mượn của Trung Quốc nhưng đã bị
đọc sai đi một yếu tố, như hoành cách mô (thay vì phải đọc đúng “hoành
cách mạc”, như trong từ ghép “võng mạc”...). Đây cũng là trường hợp tiêu biểu
có sự nhầm lẫn ban đầu trong cách phát âm. Nhưng có hiểu được do đâu âm Hán Việt
bị phát âm một cách bất nhất, thậm chí đọc sai hẳn, chúng ta mới hiểu thấu được
nguồn cơn tại sao một số thuật ngữ khoa học gốc Hán Việt cũng bị đặt sai ngay từ
đầu, nhưng dùng riết rồi thành quen, được giới khoa học và xã hội chấp nhận.
Dưới
đây là một số trường hợp cụ thể nữa liên
quan đến những âm đọc bất thường trong thuật ngữ khoa học gốc Hán Việt:
- Ban mao 斑蝥 /bānmáo/ (= loài côn trùng dùng làm vị thuốc đông y, tên khoa học: Epicaula gorhami hoặc Mylabris phalerata) quen đọc thành ban
miêu. Chữ 蝥 /máo/
[MẠC + GIAO thiết, âm 茅, BÌNH thanh, HÀO vận, MINH tổ], phải đọc
“mao”. ĐDA ghi âm “mâu”; TC cũng ghi âm “mâu” nhưng có thêm âm “mao” cho trường
hợp “ban mao”. Các thầy thuốc bắc chỉ quen nói “ban miêu”.
- Biên
bức 蝙蝠 /biānfú/
(= con dơi), có chỗ còn đọc “biển bức”, lẽ ra phải đọc biên phúc. Chữ 蝠 /fú/
đọc “phúc”, nhưng ĐDA và TC đều đọc “bức”, do chọn âm theo những chữ 偪 /bó/
[BỈ + TRẮC thiết, NHẬP thanh, CHỨC vận, BANG tổ], 幅 /bī/
[BỈ + TRẮC thiết, âm 逼, NHẬP thanh, CHỨC vận, BANG tổ], 逼 /bī/ đều có phần hài thanh giống
chữ 蝠. Riêng
chữ 偪 còn
có một âm đọc “phúc” /fú/ [PHƯƠNG + LỤC thiết, NHẬP thanh, ỐC vận, PHI tổ]
trong từ Phúc Dương 偪 陽 (tên nước thời cổ).
Chú
giải: Chữ 幅 cũng
có âm “phúc” /fú/ [PHƯƠNG + LỤC thiết, âm 福, NHẬP thanh, ỐC vận, PHI tổ]
theo nghĩa là “khổ rộng của vải” (“bố bạch đích khoan độ”). ĐDA lại đọc “bức”
cho nghĩa “khổ vải”, TC đọc “phúc” /fú/ cho nghĩa “khổ vải” và đọc “bức” /bī/ cho
nghĩa “vải trói chân” (bảng thối bố), nhưng có nói thêm “ta quen đọc là chữ bức
cả”.
- Tri tru 蜘蛛 /zhīzhū/ (= con nhện), quen đọc thành tri thù, trong khi
chữ 蛛 [TRẮC + LUÂN thiết, BÌNH
thanh, NGU vận, TRI tổ] phải đọc âm “tru”. Vả lại 蜘蛛 (tri tru) là hai chữ song
thanh, nên không thể đọc “thù”. Tự điển TC ghi cả hai âm “chu” và “thù”, vì đọc
theo giọng Bắc nên không phân biệt phụ âm đầu ch và tr;
còn ĐDA chỉ ghi âm “thù” là hoàn toàn theo thói quen (do nhận dạng phần hài
thanh giống với những chữ “thù” khác như 侏, 殊, 洙, 茱...).
- Bức xạ 輻射 /fúshè/ (HXH tr. 151, LKK, TĐVP, tr. 114…), lẽ ra phải đọc phúc xạ. Chữ 輻 /fú/
[PHƯƠNG + LỤC thiết, âm 福, NHẬP thanh, ỐC vận, BANG tổ], TC đọc “phúc”
nhưng có chú thêm “ta quen đọc là chữ bức”, còn ĐDA lại không có chữ 輻 này.
- Cát cánh 桔梗, phải đọc kiết cảnh vì
chữ 桔 đọc “kiết” /jié/ [CỔ + TIẾT
thiết, NHẬP thanh, TIẾT vận, KIẾN tổ]; chữ 梗 đọc âm “cảnh” /gěng/ [CỔ + HẠNH thiết, THƯỢNG thanh, CẢNH vận, KIẾN tổ].
Chữ 梗, cả
ĐDA lẫn TC đều đọc âm “ngạnh”, như vậy lẽ ra đến từ ghép 桔梗 phải đọc “kết ngạnh”, nhưng
ĐDA lại đọc “cát cánh”, còn TC đọc “kết cánh”. Ở đây quả là có một tình trạng lộn
xộn phức tạp về âm đọc!
- Dịch hoàn 睾丸 (ĐVT,
tr. 96; LKK, TĐVP: testicule, tr. 287) lẽ ra phải đọc cao
hoàn /gāowán/, vì chữ “cao” 睾/gāo/ bị đọc nhầm thành “dịch”
睪 /yì/
, hai chữ có tự dạng gần y như nhau (cả hai chữ đều thuộc bộ 目 (mục),
nhưng 睾 (cao)
có thêm một dấu phẩy ở góc trên phía trái).
- Điền thanh 田菁 (VVC: Sesbania, tr. 2263) là cây so đũa, cây điền thanh, lẽ ra
phải đọc điền tinh 田菁 /tiánjīng/, vì chữ 菁 /jīng/
[TỬ + DOANH (DINH) thiết, âm 精, BÌNH thanh, THANH (THINH) vận, TINH tổ] bị đọc
nhầm thành “thanh” 青 /qīng/ (do có thanh bàng 青). Riêng
chữ 菁 cũng có âm “thanh / thinh” /qīng/
[THƯƠNG + KINH thiết, âm青, BÌNH thanh, THANH (THINH) vận, THANH tổ] nhưng
khi đọc theo âm này thì có nghĩa không liên quan gì đến cây cỏ.
- Giao thoa 交叉, lẽ
ra phải đọc giao xoa /jiāochā/, vì chữ 叉 /chā/ [SƠ + NHA thiết, BÌNH
thanh, MA vận, XUYÊN nhị tổ] bị đọc nhầm thành “thoa”. Chữ này TC đọc “xoa”;
ĐDA không có chữ 叉 nhưng
lại có mục từ “giao thoa” với chữ “thoa” viết 梭. Đến nay các sách khoa học đều
quen dùng “giao thoa”.
- Hoành cách mô (ĐVT,
tr. 27; LKK, TĐVP: diaphragme, tr. 485) và Võng mạc (LKK,
TĐPV: rétine, tr. 1155; ĐVT, tr. 85 đọc “võng mô”). Hai chữ “mô”
trong “hoành cách mô” 橫膈膜 và chữ “mạc” trong “võng mạc” 網膜 (Trung
Quốc gọi “thị võng mạc”) đều viết “mạc” 膜 (nghĩa là màng...), nên phải
nói hoành cách mạc mới đúng (từ “hoành cách mô” nay ít dùng, đã thay bằng
từ “cơ hoành”). Chữ 膜 tuy vẫn có hai âm “mô” /mó/ [MẠC + HỒ thiết,
BÌNH thanh, MÔ vận, MINH tổ] và “mạc” /mó/ [MỘ + CÁC thiết, NHẬP thanh, ĐẠC vận,
MINH tổ], ký âm pinyin giống nhau, nhưng “mô” chỉ dùng trong từ ghép “mô bái”
nghĩa là “quỳ dài mà lạy”. TC chỉ ghi âm “mô”, nhưng ĐDA ghi phân biệt hai âm
“mô” và “mạc” với hai nghĩa khác nhau và cũng gọi đúng “hoành cách mạc” (quyển
I, tr. 378).
- Hối suất 匯率, phải
đọc hội suất, vì chữ 匯 có âm
phiên thiết là HỒ + TỘI thiết, THƯỢNG thanh, HỐI vận, HẠP tổ (đọc thật đúng phải
là “hỗi”, vì thuộc THƯỢNG thanh).
- Hồng đồng 珙桐 (VVC:
Davidia involucrata, tr. 897) là cây hồng đồng, cây hoa lệch, lẽ ra phải
đọc củng đồng /gǒngtóng/, do đọc nhầm chữ “củng” 珙 /gǒng/
[CƯ + TỦNG thiết, THƯỢNG thanh, CHỦNG vận, KIẾN tổ] thành chữ “hồng” 洪 (có
phần hài thanh / thanh bàng tương tự là 共). Chữ 珙 (củng)
có trong từ điển ĐDA, nhưng lại không có trong TC.
- Hương thung 香椿 (LKK,
TĐTVHPV: cèdre rouge-Cedra toona, tr. 43) dịch là cây hương thung
đỏ, lẽ ra phải nói hương xuân đỏ, vì cây này có tên chữ Hán là hồng xuân
紅椿 /hóngchūn/,
và đã đọc nhầm chữ “xuân” 椿 /chūn/ thành chữ “thung” 樁 /chōng/,
hai chữ có tự dạng gần giống hệt nhau.
- Lạc huyết 咯血 /kǎxiě/ (= chứng khạc ra
máu), lẽ ra phải đọc khách huyết, vì chữ 咯 đọc âm “khách” /kǎ/ chứ không
đọc âm “lạc”. TC ghi âm “lạc” cho nghĩa “cãi lẽ” và âm “khách” cho mục “khách
huyết” với nghĩa “khạc ra máu” là chính xác, nhưng trong dân gian và cả một số
từ điển đông y học lại quen nói “lạc huyết”.([7])
- Lệ dương 列當 (Vũ
Văn Chuyên, Tóm Tắt Đặc Điểm Các Họ Cây Thuốc: Orobanchaceae, tr.
132, Sách Đỏ Việt Nam, Phần thực vật: Orobanchaceae, Aeginetia
indica, tr. 301) dịch là họ Lệ dương, cây lệ dương, lẽ ra phải nói là họ Liệt
đương, cây liệt đương (còn có những tên khác: dã cô, tai đất ấn), vì gốc chữ Hán viết 列當, do
đọc nhầm chữ “liệt” 列 thành chữ “lệ” 例 (hai chữ có tự dạng gần giống
nhau), và đọc / viết nhầm “đương” 當 thành “dương”.
- Liên cầu khuẩn 鏈球菌 (LKK,
TĐVP: streptocoque), lẽ
ra phải đọc luyện cầu khuẩn /liànqiújūn/, vì chữ 鏈 /lián/ [LỰC + DUYÊN thiết, BÌNH thanh, TIÊN vận,
LAI tổ] đọc âm “luyện”. Chữ này Hán ngữ hiện đại đã đổi thành âm /liàn/, đọc
như các chữ 煉 /liàn/,
練 /liàn/.
- Mao lương 毛艮 (Vũ Văn Chuyên, Tóm Tắt Đặc
Điểm Các Họ Cây Thuốc: Ranunculaceae, tr. 155; Sách Đỏ Việt Nam,
Phần thực vật: Ranunculaceae, tr. 307) dịch là họ Mao lương (tất cả các sách thực vật học
khác đều lấy theo tên này), lẽ ra phải nói họ Mao cấn, vì gốc chữ Hán viết
毛 艮 /máogèn/, do đọc nhầm chữ “cấn”
艮 /gèn/ thành “lương” 莨 /làng,
liáng/ (TC đọc “lang”), hai chữ có tự dạng gần giống nhau. Điều đáng tiếc là
thuật ngữ mao cấn đã từng được dùng đúng từ năm 1950 trong Danh Từ
Khoa Học - Vạn Vật Học của Đào Văn Tiến (tr. 85), nhưng những nhà khoa học
hậu bối đã không nhận biết để dùng theo, mà lại đổi mao cấn thành mao lương!
- Phân bí 分泌, chữ
泌 có ba âm “tất” /bì/ [TÌ + TẤT
thiết], “bất” hoặc “tất” /bì/ [BỈ + MẬT thiết, NHẬP thanh] và “mật” /mì/ (âm 密)
(không có âm nào đọc “bí”), nhưng trong trường hợp phân bí (nghĩa là tiết
ra) thì phải đọc 泌 là “mật” /mì/ thành phân mật /fēnmì/.
Nói “phân bí” là do nhầm chữ 泌 với một
số chữ khác có bộ phận hài thanh tương tự, như 毖, 泌, 秘 …
- Phiền lộ (LKK,
TĐTVHPV, tr. 120: mouron des champs - Anagallis arvensis), chữ
Hán viết 繁縷 /fánlǚ/
nên phải đọc phiền lũ.
- Thích 槭 (Vũ
Văn Chuyên, Tóm tắt đặc điểm các họ cây thuốc: Aceraceae, tr. 6;
VVC: Aceraceae, tr. 170) chỉ thực vật họ Thích (Aceraceae),
giống cây thích hay cây phong (Acer), lẽ ra phải nói họ Túc, cây túc,
vì chữ Hán viết 槭樹科, 槭樹 (Túc thụ khoa túc thụ) nên 槭 phải
đọc âm “túc”. Nhầm lẫn là do chữ 槭 có bộ phận chỉ âm bên phải
giống những chữ “thích” khác như 戚, 慼, 蹙, 鏚. TC
ghi âm pinyin là /zú/ đọc “túc” và dịch là “cây túc”; Hán Ngữ Đại Tự Điển ghi âm /qī/ và /zú/, đọc theo phiên
thiết là TỬ + LỤC thiết, NHẬP thanh, ỐC vận, TINH tổ; Tân Thời Đại Hán Anh Đại
Từ Điển ghi âm /qì/. Các nhà thực vật học và làm từ điển ở Việt Nam khi gặp chữ
maple trong tiếng Anh hay érable trong tiếng Pháp (tên khoa học: Acer)
đều dịch “cây thích” là do nhận lầm mặt chữ.([8])
- Thoát giang 脫肛 (= bệnh sa hậu môn / lòi dom),
lẽ ra phải đọc thoát cang /tuōgāng/, vì chữ 肛 /gāng/ [CỔ + SONG thiết, BÌNH
thanh, GIANG vận, KIẾN tổ] đọc “cang” (tương tự những chữ “cang” khác, như 矼, 缸...).
Chữ này TC ghi âm “giang” nhưng có chú thêm “ta quen đọc là chữ xoang cả”;
ĐDA cũng ghi âm “giang” (quyển I, tr. 326) và có mục từ “thoát giang” (quyển
II, tr. 423). Từ này vẫn còn tồn tại trong nhiều từ điển để chỉ bệnh sa hậu môn.([9])
- Thải khoản 貸款 (= khoản vay / cho vay), lẽ
ra phải đọc thái khoản /dàikuǎn/, vì chữ 貸 /dài/ [THA + ĐẠI thiết, KHỨ
thanh, ĐẠI vận, THẤU tổ] đọc “thái” (KHỨ thanh). Cả ĐDA lẫn TC đều ghi âm “thải”.
Tương tự, người ta quen nói “tín thải” thay vì “tín thái”...
- Thẩm thấu 滲透, lẽ
ra phải đọc sấm thấu /shèntòu/,
vì 滲 /shèn/
[SỞ + CẤM thiết, KHỨ thanh, THẤM vận, THẨM nhị tổ] đọc “sấm” như TC là đúng;
ĐDA đọc “sâm” thiếu cơ sở hơn. Gọi “thẩm thấu”, rất có thể lần đầu tiên là do
HXH trong Danh Từ Khoa Học (ở mục từ osmotique, tr. 128).
-Trật đả 跌打 (=
té ngã), lẽ ra phải đọc điệt đả. Chữ 跌 /diē/ [ĐỒ + HIỆT thiết, NHẬP
thanh, TIẾT vận, ĐỊNH tổ], TC và ĐDA đều ghi âm “điệt”, nhưng ở TC nói thêm “ta
quen đọc là chữ trật”. Các sách đông y đều nói “trật đả”, “trật đả cốt
khoa” (khoa chữa trặc gãy xương), “trật đả hiếp thống” (sườn đau do té ngã), “trật
đả tổn thương” (tổn thương do té ngã)... có lẽ dùng theo âm đã đọc quen chứ
không dựa trên cơ sở ngữ âm.([10])
-Trung khu 中樞, lẽ
ra phải đọc trung xu, vì chữ 樞 /shū/ [XƯƠNG + CHU thiết,
BÌNH thanh, NGU vận, XUYÊN tam tổ] đọc “xu” như trong TC là đã đúng; ĐDA cũng
ghi âm “xu” trong “xu mật viện” (tr. 578), nhưng đến từ ghép 中樞 lại
đọc thành “trung khu” (tr. 507). Hầu hết các từ điển khác về sau đều ghi theo
“trung khu” (như LKK, TĐVP, tr. 1084, Đại Từ Điển Tiếng Việt, tr.
1729). Tương tự, người ta cũng quen nói khu mật viện (Từ Điển Bách Khoa Việt
Nam, tập II, tr. 537) thay vì xu mật viện, trung khu thần kinh thay vì
trung xu thần kinh (xem LKK, TĐVP,
tr. 1084).
- Vi khuẩn 微菌
là một từ Hán Việt (= tế khuẩn 細菌: bactérie), trong đó chữ 菌 /jūn/ hoặc /jùn/ đọc âm “khuẩn” [CỪ + VẪN thiết, THƯỢNG
thanh, TRÂN vận, QUẦN tổ], nhưng chữ đồng nghĩa với nó là
蕈 /xùn/ [TỪ + NHẪM thiết,
THƯỢNG thanh, TẨM vận, TÙNG tổ], phải đọc tẩm, không hiểu sao tất cả các từ điển
đều đọc “khuẩn” (cùng nghĩa với 菌 nghĩa là nấm). Chữ 蕈 còn có một âm khác nữa là “đàm” /tán/ [ĐỒ + NAM thiết, âm 潭, BÌNH thanh, ĐÀM vận, ĐỊNH tổ].
- Yết hầu 咽喉, lẽ
ra phải đọc yên hầu, vì chữ 咽 /yān/ [Ô + TIỀN thiết, âm 煙,
BÌNH thanh, TIÊN vận, ẢNH tổ] đọc “yên”. Chữ 咽 TC còn ghi thêm hai âm “yến” và “ế”; ĐDA chỉ ghi một âm “yết”.
II. THẨM ĐỊNH MỘT SỐ CHỮ HÁN CÓ ÂM ĐỌC KHÔNG ỔN ĐỊNH HOẶC ĐÁNG NGỜ
Thông thường, có một quy luật chuyển âm
tương đối nhất quán giữa âm đọc Hán Việt và âm Bắc Kinh (âm pinyin), như những
chữ Hán có âm khởi đầu là nguyên âm a
(a, á, ách, ai, ai, ái, am, ảm, ám, an, áng…) thì khi chuyển qua âm Bắc Kinh
cũng đọc bằng nguyên âm /a/ hoặc /e/; những chữ Hán có phụ âm đầu là c như cô, cổ, cốc, côi… khi chuyển qua
âm Bắc Kinh phần lớn được ký âm bằng /g/… Như vậy, khi xem bảng tra chữ Hán
theo âm Hán Việt trong tự điển TC chẳng hạn, ta thấy một dãy liệt kê liên tiếp từ
trên xuống những chữ đồng âm dị tự vần C, với âm pinyin đều khởi đầu bằng /g/,
nhưng nếu chen vào giữa có một, hai chữ khởi đầu âm pinyin bằng /h/ hoặc /j/
thì ta nên nghi ngờ âm đọc của những chữ Hán này là “có vấn đề”, thuộc trường hợp
cần phải xét lại.
Thí dụ trong dãy liên tục chữ CẢO 杲, 槁, 皜, 稿, 縞, 鎬, đều
phiên âm /gǎo/, riêng chỉ có hai chữ 皜 và 鎬 lại
phiên âm /hào/ thì âm CẢO của hai chữ 皜 và 鎬 cần
phải thẩm định lại. Hai chữ này, từ điển TC ngoài âm CẢO còn có ghi thêm âm HẠO,
nhưng âm HẠO mới gần với âm phiên thiết hơn [HẠ + LÃO thiết, THƯỢNG thanh, HẠO
vận, HẠP tổ; đọc đúng là “hão”], còn CẢO chỉ là cách đọc sai theo thói quen
truyền thống, vốn được suy đoán dựa theo phần thiên bàng 高 của
những chữ CẢO 杲, 槁, 稿, 縞
khác.
Ưu điểm của tự điển TC ở chỗ về phương diện
ngữ âm, ngoài ghi âm chính (“hạo”) soạn giả còn ghi phụ thêm âm quen đọc.
Tương tự như vậy, chữ 哈 TC
và ĐDA đều đọc CÁP (không có âm đọc nào khác, với từ trùng điệp “cáp cáp” nghĩa
là [cười] hầng hậc, khanh khách, khách khách), nhưng âm pinyin đọc /hā/ thì rõ
ràng phải đọc HA mới phù hợp…
Về thanh điệu (giọng), tiếng phổ thông
Trung Quốc ghi bằng âm pinyin có bốn thanh:
- Thanh thứ nhất (thanh ÂM), ký hiệu bằng
dấu - đặt
trên vần cái (thí dụ: /ā/), thường cho ra một âm Hán Việt cũng đọc thanh ngang
(thanh BẰNG / BÌNH, không dấu), như /biān/ cho ra biên… (nếu thấy tự điển đọc biền, biển, biến thì phải nghi có thể sai).
- Thanh thứ hai (thanh DƯƠNG), ký hiệu bằng
dấu ´ đặt trên vần cái (thí dụ: /á/), thường cho ra một âm Hán Việt đọc thanh BẰNG
/ BÌNH, dấu HUYỀN, như /chén/ cho ra trần…
(nếu thấy tự điển đọc trận thì phải
nghi có thể sai).
- Thanh thứ ba (thanh THƯỢNG), ký hiệu bằng
dấu ˇ đặt trên vần cái (thí dụ: /ǎ/),
thường cho ra một âm Hán Việt đọc thanh THƯỢNG, dấu HỎI hoặc NGÃ, như /biǎn/
cho ra biển, /wǒ/ cho ra ngã… (nếu thấy tự điển đọc biên, ngạ thì phải nghi có thể sai).
- Thanh thứ tư (thanh KHỨ), ký hiệu bằng
dấu ` đặt trên vần cái (thí dụ: /à/),
thường cho ra một âm Hán Việt đọc thanh KHỨ, dấu SẮC hoặc NẶNG, như /biàn/ cho
ra biến, biện… (nếu thấy tự điển đọc biên,
biền thì phải nghi có thể sai).
Nắm vững nguyên âm, phụ âm đầu và thanh
điệu trong ký âm pinyin là phương pháp thực tiễn giản đơn giúp ta có ấn tượng đầu
tiên về một chữ Hán đã được phát âm đúng hay sai ghi trong các từ (tự) điển Hán
Việt.
Dưới đây là bảng liệt kê một số chữ Hán
có âm đọc không ổn định hoặc đáng ngờ. Loại chữ dạng này có thể lên đến số hàng
trăm, nhưng đây chỉ chọn kê ra mỗi vần một chữ tiêu biểu, từ A đến X. Về âm đọc
của chúng, chúng tôi căn cứ chủ yếu vào từ (tự) điển ĐDA và TC, rồi so sánh với
âm đáng lẽ phải đọc (âm phiên thiết), qua đó cho thấy loại chữ này nếu có âm khác
nhau giữa các từ (tự) điển thì có lẽ chúng ta nên dựa theo phép phiên thiết để
quyết định chỉ một âm tiêu chuẩn. Riêng những chữ có tính phổ thông, dễ biết và
đã quá quen dùng từ xưa thì giờ đây có lẽ cũng không nên can thiệp xét lại cách
đọc làm gì, trừ khi có nhu cầu khảo cứu sâu hơn về từ nguyên tiếng Việt địa
phương hoặc tiếng Việt cổ.
Trong bảng, về âm phiên thiết, chúng tôi căn cứ chủ yếu vào Vương Lực Cổ Hán Ngữ Tự Điển do Trung
Hoa Thư Cục xuất bản lần thứ nhất, năm 2000. (Ký hiệu Æ nghĩa là không có.)
Chữ Hán
|
Thiều Chửu
|
Đào
Duy
Anh
|
Chú âm theo
Vương Lực Cổ Hán Ngữ Tự Điển
|
Âm quyết định
|
嗌
|
ách /yì/
|
Æ
|
Y+TÍCH
thiết, âm 益, NHẬP thanh, TÍCH vận, ẢNH tổ
|
ích
|
雹
|
bạc /báo/
|
Æ
|
BẠC+GIAO
thiết, âm 庖, BÌNH thanh, HÀO vận, TỊNH tổ
|
bào
|
翱
|
cao /áo/
|
Æ
|
NGŨ+LAO
thiết, BÌNH thanh, HÀO vận, NGHI tổ
|
ngào
(âm phụ: cao)
|
鯈
|
du /tiáo/ (trước đọc /yóu/)
|
Æ
|
ĐIỀN+LIỄU
thiết, BÌNH thanh, TIÊU vận, ĐỊNH tổ
|
điều
|
靦
|
điến /miǎn/
|
Æ
|
âm
緬
|
miễn
|
噎
|
ế /yē/
|
Æ
|
Ô+KẾT
thiết, NHẬP thanh, TIẾTvận, ẢNH tổ
|
yết
|
癇
|
giản /xián/
|
Æ
|
HỘ+NHÀN
thiết, BÌNH thanh, SAN vận, HẠP tổ
|
hàn
(âm phụ: giản)
|
剄
|
hĩnh /jǐng/
|
Æ
|
CỔ+ĐĨNH
thiết, THƯỢNG thanh, QUÝNH vận, KIẾN tổ
|
kỉnh
|
夥
|
khỏa /huǒ/
|
Æ
|
HỒ+QUẢ
thiết, THƯỢNG thanh, QUẢ vận, HẠP tổ
|
hỏa
|
棣
|
lệ /dì/
|
đệ
|
ĐẶC+KẾ
thiết, KHỨ thanh, TỄ vận, ĐỊNH tổ
|
đệ
|
冪
|
mạc /mì/
|
mịch
|
MẠC+ĐỊCH
thiết, âm 覓, NHẬP thanh,
TÍCH vận, MINH tổ
|
mịch
|
閡
|
ngại
/hé/
|
Æ
|
HỘT+TẮC
thiết, âm 劾, NHẬP thanh,
ĐỨC [ĐẮC] vận, HẠP tổ
|
hặc
|
猱
|
nhu
/náo/
|
nao
|
NÔ+ĐAO
thiết, 腦 BÌNH thanh,
HÀO vận, NÊ tổ
|
nao
|
鍋
|
oa
/guō/
|
oa
|
CỔ+HÒA
thiết, 腦 BÌNH thanh,
QUA vận, KIẾN tổ
|
qua
|
劈
|
phách
/pī/
|
phách
|
PHỔ+KÍCH
thiết, NHẬP thanh, TÍCH vận, BÀNG tổ
|
phích
|
蜎
|
quyên
/yuān/
|
Æ
|
Ô+HUYỀN
thiết, BÌNH thanh, âm 冤, TIÊN vận, ẢNH tổ
|
uyên
|
猜
|
sai
/cāi/
|
xai
|
THƯƠNG+TÀI
thiết, BÌNH thanh, ĐÀI vận, THANH tổ
|
thai
|
鼒
|
tỉ,
tài /zī/
|
Æ
|
TỬ+CHI
thiết, BÌNH thanh, CHI vận, TINH tổ
|
ti
|
揪
|
thu
/jiū/
|
Æ
|
TỨC
+ VƯU thiết, 酒 bình thanh
|
tưu
|
倀
|
trành
/chāng/
|
trành,
xương
|
TRỬ
+ DƯƠNG thiết, BÌNH thanh, DƯƠNG vận, TRIỆT tổ
|
trương
|
喙
|
uế
/huì/
|
Æ
|
HỬ
+ UẾ thiết, KHỨ thanh, PHẾ vận, HIỂU tổ
|
huế
(âm phụ: uế)
|
葦
|
vi
/wěi/
|
vi,
vĩ
|
VU
+ QUỶ thiết, THƯỢNG thanh, VĨ vận, DỤ tam tổ
|
vĩ
|
齪
|
xúc
/chuò/
|
Æ
|
SỨC
+ GIÁC thiết, NHẬP thanh, GIÁC vận, XUYÊN nhị tổ
|
sác
|
III. XỬ LÝ VẤN ĐỀ ÂM ĐỌC BẤT NHẤT
TRONG TỪ NGỮ GỐC HÁN
Qua một số cứ liệu dẫn chứng và phân tích
cụ thể như trên, chúng ta thấy, có những chữ Hán đã bị đọc sai âm Hán Việt ngay
từ đầu, rồi người khác dùng sai theo (ông Lê Ngọc Trụ gọi là “nhân tuần”), do
người đọc đầu tiên chỉ “suy đoán” ra một âm nào đó dựa theo những chữ khác có yếu
tố hài thanh (tức thanh bàng) tương tự, như thấy chữ 槭 (túc)
thì cứ đọc “thích” theo những chữ có âm “thích” khác như 戚, 慼, 蹙, 鏚 ... Phần còn lại là do hiện tượng chữ tác 作 đánh thành chữ tộ 祚, tức nhận lầm mặt chữ, như
chữ 睾(cao)
trong “cao hoàn” 睾丸 bị nhận lầm thành chữ 睪 (dịch)
nên mới đặt ra từ “dịch hoàn” để chỉ tinh hoàn hay hòn dái (từ “dịch hoàn” hiện
đã ít dùng).
Đến thời kỳ cận-hiện đại, coi như sau
giai đoạn từ điển ĐDA ra đời (1931), cách nay khoảng hơn tám mươi năm, thuật ngữ
khoa học đều do các nhà tân học đặt. Họ phần lớn có thể giỏi về chuyên môn và
có biết chữ Hán ít nhiều, nhưng cũng do óc thực tế, lại không quan tâm mấy đến
phần ngữ âm, mà chỉ tham khảo chủ yếu cách đọc ở hai bộ từ (tự) điển Hán Việt của
Đào Duy Anh (1931) và của Thiều Chửu (1942). Tuy nhiên, hai bộ từ điển này, tuy
đã có công rất lớn đối với việc học tập chữ Hán của hậu thế, nhưng vẫn còn một
số mặt hạn chế, đặc biệt về phương diện ngữ âm. Cùng một chữ Hán mà từ điển ĐDA
đọc khác với tự điển TC, là hiện tượng khá thường xảy ra. Trong trường hợp có
mâu thuẫn này, thiết nghĩ có thể dùng phương pháp phiên thiết để quyết định một
âm chuẩn duy nhất (như bảng liệt kê ở mục II đã thử làm), nếu không sẽ tiếp tục
để xảy ra thêm tình trạng lộn xộn về sau.
Khi nêu ra một số trường hợp nhầm lẫn cụ
thể để dẫn chứng cho vấn đề đang xét, chúng tôi hoàn toàn không có ý hạ thấp
công lao biên soạn từ (tự) điển hoặc chế định thuật ngữ của những người đi trước.
Một số nhầm lẫn nếu có thì xét cho cùng cũng vô hại cho khoa học, vì bản chất của
ngôn ngữ là tính quy ước xã hội được mọi người chấp nhận, nên một thuật ngữ dù
có vỏ ngữ âm sai vẫn có thể được người ta hiểu đúng ý nghĩa của nó về
phương diện nội dung mà thuật ngữ muốn diễn tả. Chúng tôi cũng không có ý đề
nghị từ nay trở đi phải đổi những thuật ngữ đã dùng quen như “bức xạ” thành
“phúc xạ”, “trung khu” thành “trung xu”... mặc dù biết đọc “phúc xạ”, “trung
xu” thì chắc chắn có cơ sở khoa học hơn, mà chỉ muốn nêu lên một ít thực tế chệch
choạc tương đối phổ biến trong việc định âm Hán Việt của chữ Hán cũng như trong
việc xây dựng thuật ngữ gốc Hán, nhằm rút kinh nghiệm cho những công việc hữu
quan về sau được tốt hơn.
TRẦN VĂN CHÁNH
18-4-2015
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ MỘT SỐ
TỪ VIẾT TẮT
ĐDA: Đào
Duy Anh, Hán Việt Từ Điển. Paris :
Nxb Minh Tân, 1949.
ĐVT: Đào Văn Tiến, Danh
Từ Khoa Học - Vạn Vật Học, Paris: Nxb Minh Tân, 1950.
HXH:
Hoàng Xuân Hãn, Danh Từ Khoa Học (Toán, Lý, Hóa, Cơ, Thiên Văn). Paris : Nxb Minh Tân,
1955.
LKK: Lê
Khả Kế.
TC: Thiều
Chửu, Hán Việt Tự Điển. Hà Nội: Đuốc Tuệ, 1942.
TĐVP: Lê
Khả Kế, Nguyễn Lân, Từ Điển Việt-Pháp. Hà Nội: Nxb Khoa Học Xã Hội, in lần
thứ tư, 1997.
TĐTVHPV: Lê
Khả Kế, Từ Điển Thực Vật Học Pháp-Việt. Hà Nội: Nxb Khoa Học Và Kỹ Thuật,
1978.
VVC: Võ
Văn Chi, Từ Điển Thực Vật Thông Dụng, tập I và II. Hà Nội: Nxb Khoa Học
Và Kỹ Thuật, 2003-2004.
Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn Gốc Và Quá Trình Hình Thành Cách Đọc Hán Việt. Hà Nội: Nxb
Khoa Học Xã Hội, 1979.
Trần Văn Chánh, “Từ Cách Đọc Chữ Hán, Bàn Về Một Số Nhầm Lẫn Khi Đặt Thuật Ngữ Gốc Hán”,
tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, số
4 (81), 2010.
Trần Văn Chánh, “Đọc Chữ Hán Bằng Phương Pháp Phiên Thiết”, đặc san Suối Nguồn, tập 1, tháng 5-2011.
Nguyễn Hiến Lê, Tự Học Một Nhu Cầu Thời Đại. Sài Gòn: Nxb Thanh Tân, 1967.
Vương Lực, Vương Lực Cổ Hán Ngữ Tự Điển 王力古漢語字典. Bắc Kinh: Trung Hoa Thư Cục, 2000.
Lê Ngọc Trụ, “Lối Đọc Chữ Hán”,
tập san Đại Học Văn Khoa, số 5. Sài Gòn: Tháng 2-1968.
([5]) Bài Dâng Trà trong Cao Đài có câu: Đông độ thanh trà mỹ vị hương / Khấu đầu cung hiến chước hồ trường.
Nếu hiểu hồ trường là chén uống rượu
thì không thích hợp; do đó phải giải thích hồ
trường là hồ trà 壺茶 (nước trà đựng trong bình),
nhưng đọc trại trà ra trường cho ăn vần với chữ hương ở câu trên. [Văn Uyển chú]
([7]) Trần Thúy, Vũ Nam, Sách Chuyên Khảo Danh Pháp Y Học Cổ Truyền.
Hà Nội: Nxb Y Học, 2003, tr. 173.
Nguyễn Công Đức, Thuật Ngữ Đông Y.
Nxb Thanh Niên, 2010, tr. 195.