Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 18 / GIAO CẢM


1. ĐẠI ĐẠO VĂN UYỂN tập HANH (số 18), quý Hai 2016, đánh dấu tròn tám năm phổ thông giáo lý qua phương tiện là Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo (tháng 6-2008 / tháng 6-2016).
Kỷ niệm tám năm ấn tống, bìa 1 Văn Uyển tập Hanh (số 18) Bính Thân không in hình một thánh sở như mấy năm qua. Có lẽ sự thay đổi này không khỏi làm quý bạn đọc ngạc nhiên. Chúng ta ắt còn nhớ hiền huynh Phạm Trung Quốc (thánh thất Nhựt Chánh, Bến Lức, thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), từng tâm tình như sau:
Mỗi kỳ có Văn Uyển mới phát hành, tệ đệ đều sốt sắng giới thiệu với đạo hữu quanh vùng. Nhưng bà con ở đây phần lớn vốn chất phác, vừa thoáng nhìn thấy bìa sách liền nói: “Tôi có rồi.” (…) Thì ra, bìa Văn Uyển lúc nào cũng in hình thánh thất hay thánh tịnh, nhìn thoáng qua thì khá giống nhau, cho nên bà con tưởng lầm. Phải chi Ban Ấn Tống nghĩ ra cách nào để giúp bà con dễ phân biệt.([1])
Tiếp thu ý kiến xác đáng trên, cũng như ý kiến tương tự của hiền tỷ Nguyễn Thị Lang (thánh thất Trung Thành, Đà Nẵng, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), bìa Văn Uyển quý Hai này là ảnh con ong hút mật hoa.([2]) Mượn dùng ảnh này, chúng tôi liên tưởng tới tất cả các tác giả, các đạo hữu, các vị Mạnh Thường Quân ân nhân luôn luôn âm thầm, cần mẫn như những con ong suốt tám năm qua để cùng góp phần vun đắp, dưỡng nuôi cho hơn một trăm đầu sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống. Vậy thì, với ảnh đẹp này làm bìa, Văn Uyển tập Hanh (số 18) xin được làm cánh thiệp xinh xắn kính trao gởi những “con ong” thân quý gần xa với tất cả lòng biết ơn sâu đậm của Ban Ấn Tống.
2. Trang 30 trong quyển Người Đạo Cao Đài Làm Quen Phương Pháp Nghiên Cứu,([3]) có đoạn này:
Tóm lại, để viết được bài nghiên cứu tốt, ngoài phương pháp nghiên cứu, người viết còn phải chú ý rèn luyện kỹ thuật hành văn, phong cách ngôn ngữ. Cần đọc nhiều sách. Có những tác phẩm nghiên cứu giá trị với văn phong mực thước, lập luận vững chắc, diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu... Người nghiên cứu chưa có kinh nghiệm cần noi theo đó để học tập ưu điểm.
Tiếp theo đó, khi nêu Vài tấm gương tiêu biểu về phong cách viết biên khảo, sách giới thiệu như sau:
Bộ Việt Nam Sử Lược (hai quyển) của Lệ Thần Trần Trọng Kim (1883-1953) có ưu điểm là ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Lời bình luận ôn tồn, chừng mực.
Chúng tôi vẫn tin và mong rằng những người con áo trắng đang ôm ấp hoài bão viết sử đạo Cao Đài sẽ tìm thấy trong bộ sử danh tiếng của học giả Trần Trọng Kim không ít gương mẫu để noi theo. Tuy nhiên, ưu và khuyết của bộ sử ấy là gì? Câu trả lời ngắn gọn quả không hề đơn giản.
Bởi vậy, chúng tôi rất vui mừng khi nhận được bài viết Trần Trọng Kim Và Việt Nam Sử Lược của nhà nghiên cứu uy tín Trần Văn Chánh, cũng là một phương danh quen thuộc với bạn đọc Văn Uyển suốt tám năm nay. Bài viết công phu và khách quan của Trần tiên sinh (vốn là nhà giáo, người Bạc Liêu) sẽ giúp bạn đọc Cao Đài hiểu lý do vì sao soạn giả quyển Người Đạo Cao Đài Làm Quen Phương Pháp Nghiên Cứu đã rất trân trọng giới thiệu bộ Việt Nam Sử Lược với những vị muốn chép sử Cao Đài.
Để tri ân các nhà văn hóa đáng kính của dân tộc, Văn Uyển tập Lợi (11) năm Giáp Ngọ (2014), trang 126-140, đã in bài Học Giả Trần Trọng Kim của cùng cây bút khảo cứu tên tuổi Trần Văn Chánh. Quý đạo hữu có thể xem lại bài này để tưởng nhớ Lệ Thần - một trong những khuê tinh sáng ngời của dòng giống Lạc Hồng.
3. Trong Văn Uyển tập Hanh (số 18), quý đạo hữu thấy chúng tôi chọn in lại một vài ảnh xưa liên quan tới lịch sử đạo Cao Đài. Các ảnh này có khi đã quá cũ, độ nét không được như ý. Tuy nhiên, đây là những ảnh tài liệu rất quý, trước mắt giúp cho hình thức Văn Uyển bớt khô khan vì trang sách thường in dày đặc con chữ; về lâu dài, các ảnh này có thể dùng minh họa cho các sách Cao Đài. Nếu quý đạo hữu đang có những ảnh tài liệu liên quan tới đạo Cao Đài, xin hoan hỷ cộng tác với Văn Uyển.
4. Với mong ước các sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo dễ dàng tới được quý bạn đọc ở nơi xa xôi, nhất là hải ngoại, kể từ tháng 01-2016 Ban Ấn Tống bắt đầu đăng lại nội dung các tập ĐẠI ĐẠO VĂN UYỂN tại địa chỉ: daidaovanuyen.blogspot.com.
Blog UNDERSTANDING CAODAISM cũng ra mắt với các bài tiếng Anh của Huệ Khải viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: understandingcaodaism.blogspot.com.
Mở hàng cho blog tiếng Anh này là Giáo Sư Winfried Löffler, người Áo, mà chúng ta đã biết qua Văn Uyển tập Nguyên (số 13) năm Ất Mùi. Kế tiếp, một nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres (SPC) là chị Cécile hiện đang tu học bên Ý, đã ghé thăm blog này vì cần tìm hiểu về đạo Cao Đài do yêu cầu đối thoại liên tôn của khóa học…
5. Bước sang năm thứ chín, hãy còn quá nhiều điều thiết yếu trong nhà Đạo cần được tiếp tục chở chuyên qua từng trang Văn Uyển, từng tập sách dày mỏng trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống. Chỉ xin cố gắng bước thêm từng bước cho xứng đáng với lòng tin tưởng mến yêu của quý đạo hữu gần xa, và cho khỏi bội bạc với hồng ân Thầy Mẹ cùng các Đấng… Xin anh chị em luôn dành thời gian cầu nguyện Thầy Mẹ, Tam Giáo, Tam Trấn, và Công Đồng Tiền Khai Đại Đạo từ bi thêm sức, soi dẫn, dắt dìu Chương Trình Chung Tay Ấn Tống vững vàng rảo bước trên đường dài góp phần vào công cuộc phổ thông giáo lý Kỳ Ba, cùng hướng tâm về ngày hạnh phúc thống nhứt đạo Cao Đài.
BAN ẤN TỐNG




([1]) Văn Uyển tập Hanh (số 14) năm Ất Mùi, tr. 202.
([2]) Mượn từ http://www.huffingtonpost.ca/lizanne-foster/bc-recall-plant-seeds_b_6919688.html. Truy cập 17-01-2016.
([3]) Huệ Khải biên soạn. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2011, quyển 45 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.