Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / NGÀY XUÂN ĐỌC LẠI BÀI THƠ NGƯỜI XƯA / Huệ Khải


Trong một đàn cơ trước giờ giao thừa năm Mậu Ngọ tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh ban ơn cho nhiều dòng thơ xuân, trong đó có bốn câu này:
Xuân xuân đến muôn phần nô nức
Xuân là chi vạn vật đón chờ
Xuân về có rượu có thơ
Có câu chúc tụng có giờ nghỉ ngơi.
Vậy, cứ xuân về là có người làm thơ, đọc thơ, bình thơ, ngâm thơ... Nói gọn là thưởng thức thơ. Nhân cái lẽ đó, đầu xuân này chúng ta thử đọc lại và thưởng thức một bài thơ xưa được ghi trong sử đạo Cao Đài, liên quan tới hành trạng tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932).
Từ Sài Gòn, đầu tháng 5-1909, Ngô tiền khai thuyên chuyển về tỉnh Tân An. (Theo nghị định ngày 20-12-1899 của Toàn Quyền Đông Dương thì tên gọi “tỉnh Tân An” bắt đầu có từ ngày 01-01-1900, tỉnh lỵ Tân An đặt tại làng Bình Lập thuộc quận Châu Thành. Hai quận còn lại của tỉnh là Thủ Thừa và Mộc Hóa.) Làm công chức ở Tòa Bố tỉnh Tân An (sau này gọi là tòa tỉnh trưởng, xem ảnh trang sau), Ngô tiền khai có giao thiệp một số vị ở địa phương, trong đó có ông cai tổng Nhơn (chưa rõ tiểu sử).
Ở Nam Kỳ trước năm 1945, tổng là đơn vị hành chánh địa phương trung gian giữa quậnlàng (về sau gọi làng ). Thời Pháp thuộc, mỗi tổng gồm khoảng mười làng. Đứng đầu một tổng là cai tổng, có nhiệm vụ đôn đốc dân chúng đóng thuế, giữ gìn an ninh trật tự trong tổng... Chữ cai này có nghĩa như cai quản 該管 (trông nom bao quát mọi việc); cai trị 該治 (sắp đặt cho yên mọi việc). Cai tổng 該總 có nghĩa là cai trị, cai quản, trông coi một tổng. Người Pháp gọi tổng canton, gọi cai tổng chef de canton. Ảnh một ông cai tổng ở Nam Kỳ từng được in trên bưu thiếp thời Pháp thuộc (xem trang 25).
Trở lại chuyện ông cai tổng Nhơn ở Tân An. Đầu năm 1920, Ngô tiền khai làm đơn xin đổi đi làm tỉnh Hà Tiên. Trước buổi chia tay, ông cai tổng Nhơn có tặng Ngô tiền khai bài thơ thất ngôn bát cú như sau:
Cám cảnh Huyện quan đã lắm nhiều
Đau lòng đi ở biết bao nhiêu
Hà Tiên tách dặm lòng khoan khoái
Cù Úc chia trời luống quạnh hiu
Bẻ liễu trông theo vò chín khúc
Nhành mai toan gởi quặn trăm chiều
Cái phần nam tử xưa nay vẫn
Cầu chúc cho ông nổi tiếng biêu.
Truyền thống kẻ sĩ thời xưa là hay thơ phú. Thơ lại chuộng thể thơ Đường luật, ý tứ phải câu thúc trong số câu số chữ hạn định, cho nên rất cô đọng. Đã vậy, thơ phải có điển tích, cố sự. Thơ hay còn phải tuân thủ chặt chẽ luật niêm và đối... Tất cả những yếu tố đó khiến cho đời nay, khi đọc sử đạo thời kỳ khai nguyên, gặp các bài thơ Đường luật trong thánh giáo hoặc trong hành trạng các bậc tiền khai, lớp hậu sinh thường lúng túng, hoặc khó lãnh hội trọn vẹn ý nghĩa các bài thơ, do đó cũng không dễ cảm thụ được cái tài tình của người làm thơ thuở trước!
Hiểu được chỗ khó khăn này của lớp môn sanh Cao Đài thời nay, trong việc bình giảng thánh giáo, hay truyền dạy sử đạo, v.v... có lẽ giảng viên cũng cần chú ý làm sáng tỏ ý nghĩa các bài thơ Đường luật. Như vậy, vừa khiến buổi học tập khỏi khô khan, vừa giúp học viên lãnh hội các bài thơ, bồi dưỡng khả năng thưởng thức cái đẹp văn chương thơ phú. (Thánh giáo Cao Đài rất giàu các bài thơ bài phú...)
Trở lại với bài thơ bát cú của ông cai tổng Nhơn.
1. Cặp đề
Câu 1: Cám cảnh Huyện quan đã lắm nhiều.
Câu 1 là câu phá đề, cho thấy đây là bài thơ tả tình.
Cám cảnh: Đem lòng buồn thương trước cảnh ngộ của người khác. Ngày nay chúng ta ít nói cám cảnh mà hay nói chạnh lòng.
Đã lắm nhiều: Đã phải chịu lắm nỗi, nhiều nỗi. Nỗi gì? Câu thơ bỏ lửng, nhưng chúng ta hiểu là nỗi niềm không vui. Theo sử liệu, thời gian này ngài Ngô đang buồn vì mẹ vừa tạ thế được một trăm ngày, đó là việc nhà; về việc công thì trong sở có vài công chức hành xử thiếu liêm chánh, điều này trái với đức tính trong sạch của Ngô tiền khai. Do đó, ngài quyết định làm đơn xin đổi đi Hà Tiên.
Huyện quan: Quan huyện, tức là ngài Ngô. Thật ra, thời Pháp thuộc ở Nam Kỳ không còn chức “quan tri huyện” (đứng đầu một huyện). Đơn vị hành chánh ở Nam Kỳ là quận, trung gian giữa tỉnh và làng. Huyện (nói đầy đủ là tri huyện) ở Nam Kỳ chỉ còn là một ngạch trật trong hệ thống hành chánh. Công chức đang ở ngạch thơ ký (secrétaire) có thể thi lên ngạch tri huyện qua hai kỳ thi rất gay go: (a) examen de culture générale, để khảo sát về kiến thức tổng quát; và (b) concours professionnel, để khảo sát về khả năng chuyên môn trong lãnh vực hành chánh. Ngạch tri huyện có hai hạng. Trong lúc làm việc ở Tân An, Ngô tiền khai đã thi đậu, và thăng lên ngạch tri huyện hạng nhì (huyện de 2e classe) vào ngày 01-01-1917. Ngài thăng lên ngạch tri huyện hạng nhất (huyện de 1er classe) vào ngày 14-7-1920 trong thời gian tòng sự tại Hà Tiên.
Câu 2: Đau lòng đi ở biết bao nhiêu.
Trước cảnh người đi kẻ ở, ông cai tổng Nhơn (cũng như các bạn khác) đau lòng biết bao nhiêu. Câu 2 là câu thừa đề, chuyển tiếp ý câu 1 để đi vào nội dung chánh ở những câu thơ sau.
2. Cặp thực
Câu 3: Hà Tiên tách dặm lòng khoan khoái.
Tách dặm (tếch dặm): Rẽ theo đường khác xa xôi.
Lòng khoan khoái: Ngài Ngô vì chán cảnh đồng nghiệp không thanh liêm chánh trực nên xin đổi đi xa; đơn xin đã được chấp thuận thì đương nhiên ngài lên đường với lòng nhẹ nhàng thanh thản.
Câu 4: Cù Úc chia trời luống quạnh hiu.
Cặp thực đối nhau rất tài. Cùng cái ý chia tay mà câu trên nói tách dặm, câu dưới nói chia trời, tuy không đối ý nhưng đối âm (trắc, bằng)! Khoan khoái quạnh hiu vừa đối ý, vừa đối âm.
Cũng do tuân thủ luật đối âm, câu trên nói Tiên (thanh bằng) thì câu dưới không thể nói Tân An (thanh bằng), nên phải nói Úc (thanh trắc). Cù Úc tức là Vũng Gù, vị trí tỉnh lỵ Long An khi xưa. Hạ lưu sông Vàm Cỏ Tây, đoạn chảy qua Tân An gọi là sông Vũng Gù, các sử quan nhà Nguyễn gọi theo chữ Hán là Cù Úc giang (sông Cù Úc).
Bởi lẽ Tân An còn có tên là Vũng Gù, là Cù Úc, nên khi làm bài thơ tiễn chân Ngô tiền khai đi Hà Tiên đầu năm 1920, hai ông Trần Phong Sắc (1873-1928) và Cao Văn Lỏi có nhắc địa danh Cù Úc trong hai câu như sau:
Nay chỉ sai thuyên nhậm Hà Tiên
Nên mình tách tạm ly Cù Úc.
3. Cặp luận
Câu 5: Bẻ liễu trông theo vò chín khúc.
Bẻ liễu: Bẻ cành (nhánh) liễu: Ngày xưa, ở Trung Quốc, khi chia tay, người ở lại thường bẻ cành liễu tặng cho người đi xa. Do đó, văn học dùng hình tượng bẻ liễu (chữ Hán: chiết liễu) để ám chỉ cảnh chia xa ly biệt.
Nhà thơ Yến Lan tên thật là Lâm Thanh Lang (1916-1998), sinh tại huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Lúc ở miền Bắc, khi tiễn chân con gái lớn lên đường ra Hà Nội vào tháng 8-1961, ông mượn lại hình tượng bẻ liễu cổ điển của người xưa và tặng con bài thơ nhan đề Bẻ Liễu dài bốn mươi lăm câu, mở đầu như sau:
Đi qua đường Tân Đệ, Thái Bình
Cha bẻ cho con cành dương liễu xanh
Hỡi con gái lớn theo lòng Hà Nội
Vườn, phố con đi chen đầy cây cối
Có lạ gì một nhánh liễu rung rinh
Bẻ cho con một nhành dương biếc...
Trông theo: Nhìn theo người đi xa.
: Vo lại, bóp chặt lại.
Chín khúc: Theo quan niệm xưa, ruột người chia làm chín khúc (cửu hồi trường).
Vò chín khúc: Chín khúc ruột bị vo lại, bóp lại, ý nói trong lòng quặn đau, đau đớn ghê gớm.
Bẻ liễu trông theo vò chín khúc: Lúc chia tay, kẻ ở lại nhìn theo người đi xa, lòng đau buồn ghê gớm.
Câu 6: Nhành mai toan gởi quặn trăm chiều.
Cặp luận là hai câu đối nhau thật khéo: Liễu đối với mai; trông theo đối với toan gởi; vò chín khúc đối với quặn trăm chiều.
Tại sao gởi nhành (cành) mai? Đây nương ý bẻ liễu ở câu trên mà nói, tức cũng là hình tượng chia ly.
Quặn trăm chiều cùng nghĩa như vò chín khúc, ý nói lòng dạ đau đớn lắm.
Toan gởi: Định gởi trao, tức chưa gởi. Chưa gởi mà lòng đau đã quặn (thắt) trăm chiều. Cặp luận đối nhau nhưng câu 6 không khác ý câu 5; điều này gọi là hiệp chưởng.
4. Cặp kết
Cái phần nam tử xưa nay vẫn... Lại là một câu bỏ lửng như khi phá đề. Nam tử vẫn làm sao? Vẫn ra sao? Chúng ta hiểu ông cai tổng Nhơn muốn nói rằng phận làm trai thì phải đi đó đi đây, không thể ru rú ở nhà. Đã biết vậy thì hãy chúc lành cho người ra đi: Cầu chúc cho ông nổi tiếng biêu.
Biêu: Tức là bêu, nổi danh, nổi tiếng. Ý ông cai tổng Nhơn đã rõ: Chúc ngài Ngô đi xa sẽ làm nên sự nghiệp, vang danh trong đời.
*
Đọc lại bài thơ của ông cai tổng Nhơn, hai cặp thực và luận chính là cái lõi của bài thơ này, cũng là bốn câu thơ hay khi tả tình buồn trong cảnh chia xa.
HUỆ KHẢI

Nhiêu Lộc, 13-12-2015