Bài
viết kỷ niệm tám năm ấn tống
(tháng 6-2008 / tháng 6-2016)
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo đến tháng Sáu 2016 này vừa
tròn tám tuổi. Thời gian tám năm thì chưa đầy một phần mười chiều dài nền Đại
Đạo đã trải qua chín thập niên, nhưng có lẽ những gì Chương Trình đã làm được
không phải là không đáng để nhìn lại…
Tôi chỉ biết đến Chương Trình non năm năm trở lại thôi, nhưng những gì bản
thân tôi học được qua đó phải nói là nhiều, rất nhiều.
Những lần gặp gỡ liên tôn được phản ánh trên các trang sách của Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống giúp chúng ta hiểu thêm về tôn giáo bạn. Gặp gỡ liên tôn đang
là xu hướng tiến bộ trên hoàn vũ, và cũng rất cần thiết khi mà trên thế giới trong
bao nhiêu năm nay vẫn chưa hết xảy ra xung đột về tôn giáo.
Đặc biệt, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã làm được việc kết nối, chia
sẻ, truyền đi những hiểu biết căn bản về đạo học trong tinh thần không phân biệt
chi phái, giúp chúng ta có thêm tri thức về chi phái bạn, có thêm cơ hội chia
sẻ, trao đổi lẫn nhau, tạo nên sợi dây kết nối bền vững. Qua đó chúng ta thấy
được những điều hay và những nét tương đồng; thấy được chỗ dị biệt chỉ là tiểu
tiết không đáng kể - như thế Cao Đài chúng ta vẫn là một,
chỉ duy nhất là MỘT.
Đây là một việc làm rất ý nghĩa và thể hiện ý thức trách nhiệm của Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống. Tín hữu áo trắng chúng ta lúc nào cũng đau đáu trong tâm
về một Hội Thánh Cao Đài thống nhất và duy nhất. Điểm mốc một trăm năm của Đại
Đạo Kỳ Ba không còn xa nữa. Những băn khoăn suy nghĩ về điểm mốc ấy vì thế càng
thêm nặng lòng những ai ưu tư về tương lai cơ đạo, hoài mong sớm được thấy “Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà” như Thầy
đã dạy trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển.
Đọc kinh sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống thực hiện, tôi ước gì có
trí nhớ siêu phàm để thu và giữ lại lâu dài những tri thức ấy trong bộ óc nhỏ
bé của mình.
Những bài trích đăng thánh giáo từ nhiều nguồn khác nhau đều được chú
thích, diễn giải rõ ràng. Trước kia, đọc rất nhiều từ ngữ (nhất là từ Việt cổ)
tôi không hiểu; nhưng nay, nhờ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, tôi đã dần dần hiểu
ra nghĩa lý…
Một số người nói với tôi rằng Chương Trình Chung Tay Ấn Tống quá sa đà
trong chú thích. Không sai, tôi cũng thấy vậy.([1]) Nhưng, suy cho cùng đó là một khao
khát, muốn chuyển tải tri thức tới đông đảo tín hữu trong cộng đồng áo trắng, bổ
khuyết cho hoàn cảnh nhà đạo trải qua nhiều thập niên thiếu thốn sách vở, cơ sở
đào tạo...
Điều đặc biệt của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống là giai phẩm Đại Đạo Văn Uyển, mỗi ba tháng ra một tập,
tính đến số Xuân Bính Thân vừa qua đã là mười bảy tập. Là mảnh Vườn Văn của Đại Đạo, giai phẩm này chia sẻ với chúng ta chuyện đời chuyện đạo,
chuyện xưa chuyện nay, thánh giáo, thơ ca, từ văn xuôi cho tới văn vần, hình
ảnh chọn lọc, mỹ miều…
Không kể Văn Uyển, gần một trăm
tập sách của Chương Trình Ấn Tống đã lần lượt ghi chép lại nhiều góc cạnh lịch
sử của đạo Cao Đài.
Lịch sử các thánh sở (Bát Bửu Phật Đài, Bát Quái Đồ Thiên, thánh thất Cao
Đài Thủ Đô Hà Nội...); những gương tiền bối xả thân hành đạo trong những giai
đoạn đất nước cực kỳ nguy khốn (tiền bối Cao Triều Phát...); cuộc đời đạo hạnh
của ngài Minh Thiện, Đức Hậu Sư Chí Thánh Trương Vĩnh Ký, Đức Vạn Hạnh Thiền
Sư...; những trang sử bi hùng của lớp hướng đạo khai sơn phá thạch ở Trung Kỳ
thuở trước được ghi chép trong Ơn Gọi
Miền Trung, Trên Đường Thiên Lý - hai quyển sách đầu tiên dẫn tôi đến
với Chương Trình Chung Tay Ấn Tống.
Ngay cả tập sách rất mỏng như Hành
Trạng Đức An Trinh Thần Nữ, tôi nâng niu trân quý vô cùng, bởi vì qua đó chúng
ta thấy nổi bật một gương sáng tu học cho giới trẻ, để thế hệ thanh niên thấy
rằng dù tu học trong nghịch cảnh nhưng vẫn một lòng một dạ sắt son với đạo
Thầy, trung trinh, kiên định, thì cuối cùng sẽ được Đức Chí Tôn và Tam Giáo Tòa
chứng giám, ân phong.
Tôi cũng rất quý những tập thơ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã in, và rất
tâm đắc những dòng này:
“Tôi không có ý chọn in những bài thơ
khuyến tu, hay thơ diễn bày giáo lý, bởi một lẽ rất đơn giản là vô vàn thánh
giáo Cao Đài sẵn có đã quá đỗi phong phú các vần điệu diệu mầu giảng dạy giáo
lý rồi; do đó, những bài thơ tôi mong đợi là những bài tuôn theo một dòng chảy
khác; tuy thật sự chính là thơ đạo, nhưng không phải là hình thức thuyết giảng
giáo lý bằng văn vần.” ([2])
“Mùi đạo” của thơ có sức thẩm thấu và lan tỏa rất lớn đối với bản thân
tôi. Đôi khi, chỉ cần cảm một câu thơ, ta có thể thay đổi lối sống theo chiều
hướng tích cực hơn, có ích hơn trong đời sống đạo. Ví dụ, sau khi đọc được câu “Con nguyện thu nầy hồi hướng Mẹ” ([3]) thì tôi đã thọ châu nhân ([4]) ngày vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Một số huynh tỷ yêu thơ đã từng gởi các sáng tác của mình đến
Văn Uyển và rồi… không được chọn. Giờ đây, đọc bài Giao Cảm mở đầu tập thơ của đạo huynh Trần Dã Sơn, tôi nghĩ có lẽ
quý huynh tỷ ấy sẽ thông cảm với sự “chắt lọc” của Ban Ấn Tống.
Chẳng riêng thơ, không ít lần văn xuôi của tôi đã bị Văn Uyển
gác lại. Dĩ nhiên tôi không vui, nhưng hiểu rằng sự “gắt gao” hay “kén chọn”
của Ban Ấn Tống là để đảm bảo giá trị hay chất lượng của những bài được chọn
đăng, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm đối với đông đảo bạn đọc, đối với các
vị Mạnh Thường Quân đã tin cậy mà không ngừng tài trợ cho Chương Trình. Có như
vậy, mỗi khi được đăng bài, chúng ta càng thêm vui nhiều.
Sáng Chủ Nhật 19-5-2013 (10-4 Quý Tỵ), trong buổi gặp gỡ giữa Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống và bạn đọc thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tại Trung Hưng
Bửu Tòa (số 63 đường Hải Phòng, Đà Nẵng), Giáo Sư Thượng Văn Thanh (Chưởng Quản
Cơ Quan Phổ Tế) đã noi theo lời Đức Phật Tổ khi xưa mà cầu nguyện cho Chương
Trình Ấn Tống hoàn hảo ở giai đoạn đầu,
hoàn hảo ở giai đoạn giữa và hoàn hảo ở giai đoạn cuối.([5])
Tôi xin nhắc lại lời cầu nguyện ấy nơi đây để tỏ lòng tri ân Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Đà Nẵng, 27-02-2016
PHẠM NGUYỄN THIÊN VŨ