Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / Nhân vật Cao Đài: NGUYỄN HỒNG PHONG 1894-1947


Tiền bối Nguyễn Hồng Phong sinh ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Ngọ (Thứ Bảy 12-5-1894) tại làng Hương Lam, tổng An Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam).
Thân phụ là ông Nguyễn Văn Dương, thân mẫu là bà Huỳnh Gia Ngẫu. Tiền bối chào đời được bốn tháng thì mẹ mất, ông bà ngoại nhận về bảo dưỡng. Năm mười một tuổi tiền bối mới về ở với ông nội, cha và người mẹ kế tại quê nội (làng Hà Thanh, tổng An Thái, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tiền bối được sống trong môi trường gia đình tương đối khá giả, lại may mắn được bảo bọc trong vòng tay thương yêu của người mẹ kế.
Từ tuổi thiếu niên, tiền bối lớn lên trong gia cảnh đặc biệt khó khăn: Cha, chú, ông nội và cả ông bà ngoại đều mất sớm, rồi mẹ kế cũng mất, chỉ còn lại bà mẹ kế thứ ba còn trẻ nên không đảm đang nổi gia nghiệp. Lúc này tiền bối phải nghỉ học Hán văn, lo xây dựng gia đình, kết hôn với cô Trần Thị Điểu là con gái ông Hương Mẫn ở làng Mãn Quang, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Nhờ tài nội trợ của vợ và được sự giúp đỡ của cha mẹ vợ vốn giàu có, hào hiệp nên gia thế lần hồi được chấn chỉnh.
Tiền bối có tất cả mười người con: hai trai, tám gái. Một trai và ba gái đã mất lúc nhỏ, còn lại đều trưởng thành.
- Người con trưởng là Nguyễn Hồng Giao được ăn học từ nhỏ, lớn lên đi dạy ở Viện Hán Học (Huế), sau về dạy ở trường nữ trung học Tam Kỳ và làm hiệu trưởng đầu tiên trường tiểu học Hưng Đạo ở Quảng Tín. Ông Nguyễn Hồng Giao có soạn chung với ông Võ Như Nguyện bộ sách Hán Văn Giáo Khoa Thư (hai tập), do Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục xuất bản (Sài Gòn, 1972). Ông Hồng Giao mất năm 1980 tại Tam Kỳ, hiện còn hai người con sống ở quê hương.
- Ba người con gái lớn có gia đình, con cháu đông đúc, sống ở quê hương tại làng Hà Thanh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
- Người con gái thứ là đạo tỷ Nguyễn Thị Triêm tu giải thoát tại gia.
- Người con gái áp út là Giáo Sư Hàm Phong Nguyễn Thị Thanh Trúc, phó chưởng quản Cơ Quan Nữ Phái, phụ trách Sống Đạo Từ Thiện thuộc Cơ Quan Nữ Phái Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Năm Bính Thìn (1916), tiền bối Nguyễn Hồng Phong nhận nhiệm vụ liên lạc khi tham gia phong trào phò vua Duy Tân khởi biến chống Pháp cùng với hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên. Cuộc khởi nghĩa thất bại, các nhà ái quốc hy sinh, còn tiền bối phải tạm lánh về ở vùng đèo Phường Rạnh (Quế Sơn) mở tiệm buôn tại đây. Dân làng Hà Thanh (huyện Điện Bàn, Quảng Nam) bầu tiền bối làm lý trưởng và cử người lên Phường Rạnh mời liền bối về làng. Tiền bối được dân làng cử luôn ba khóa, tất cả là mười hai năm.
Trong thời gian này tiền bối thường đi khắp các tỉnh từ miền Trung đến miền Nam để tìm hiểu đời sống dân chúng, môi trường xã hội, tôn giáo. Lúc bấy giờ tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, tiền bối quyết bỏ làng vào Nam viết báo (khoảng năm 1930).
Thời gian ở Sài Gòn tiền bối nhận làm biên tập viên cho tạp chí Từ Bi Âm của Hòa Thượng Bích Liên. Tiền bối được Hòa Thượng đặt cho đạo hiệu Liên Hải. Sau tiền bối gia nhập nhóm tăng đồ của cô Tư Bè chuyên lo hoạt động kinh tế khai phá đất đai. Trong hoạt động xã hội, tiền bối chủ trương mở trường học, lập chợ, xây chùa, chấn hưng kinh tế, hoạt động từ thiện giúp đỡ kẻ nghèo khó. Mọi việc gia đình đều giao cho người vợ quán xuyến.
Trong thời gian tham gia các hoạt động xã hội tại Sài Gòn, cơ duyên đưa đẩy tiền bối được gặp các hướng đạo Cao Đài như hai vị Trần Đạo Quang và Cao Triều Phát. Qua nhiều lần tiếp xúc và trao đổi, nhận thức được nền tân pháp cứu thế Kỳ Ba của Cao Đài, tiền bối Nguyễn Hồng Phong đã phát nguyện nhập môn đạo Cao Đài vào năm Bính Tý (1936). Từ đó tiền bối theo các bậc đàn anh hành đạo và trở thành một hướng đạo Cao Đài uyên thâm về Tam Giáo nhưng lại rất thực tế về mọi mặt dân sinh và xã hội.
Đầu năm Đinh Sửu (tháng 2 năm 1937), đàn cơ tại Tòa Thánh Hậu Giang, Đức Chí Tôn giáng dạy truyền lịnh cho tiền khai Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang và tiền bối Bảo Đạo Cao Triều Phát thuộc Hội Thánh Minh Chơn Đạo, kết hợp với tiền bối Nguyễn Hồng Phong ra Trung với nhiệm vụ giúp các Phật đường Minh Sư quy hiệp đạo Cao Đài.
Vâng Thánh lệnh ngày 15-2 năm Đinh Sửu (Thứ Bảy 27-3-1937), quý vị lên đường ra Trung. Chuyến đi Trung này của hai bậc hướng đạo miền Nam đạt kết quả tốt đẹp, giúp cho cơ đạo miền Trung phát triển thêm. Tiền bối Nguyễn Hồng Phong cùng tiền bối Cao Triều Phát ra Huế tiếp xúc Thượng Thư Phạm Quỳnh để nhờ can thiệp việc truyền đạo Cao Đài ở Trung Kỳ đang bị ngăn cấm. Trong dịp về Trung lần này tiền bối Nguyễn Hồng Phong ở luôn tại quê nhà Quảng Nam.
Khi thánh thất Trung Thành được xây cất năm Mậu Dần (1938) để làm trung tâm truyền đạo Trung Bắc, tiền bối Nguyễn Hồng Phong đã đóng góp nhiều công sức trong việc tìm đất, xin phép và vận động nhân sanh các nơi công quả.
Đàn cơ lại thánh thất Nam Trung Hòa ngày mùng 6 tháng 6 năm Mậu Dần (Chủ Nhật 03-7-1938), Đức Hồng Quân Lão Tổ giảng dạy công việc Hội Thánh và dạy riêng tiền bối Hồng Phong. Trích đàn cơ:
“À, Hồng Phong đệ tử ráng lo tấn hành Học Viện giùm. Một ngày đây có đủ nhân tài sẽ đặng yên nghỉ. Mà thời đại chưa phùng, nhơn duyên chưa gặp, dầu cho bôn Nam tẩu Bắc cũng chẳng ra gì đó đệ tử.”
Ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Mão (Chủ Nhật 05-3-1939), Quyền Hội Thánh Trung Kỳ ra đời, Hội Đồng Hướng Đạo và Ban Cửu Viện được thành lập, tiền bối Nguyễn Hồng Phong được cử giữ chức vụ Học Viện Trưởng quản lý Học Viện cùng với tiền bối Trần Nguyên Chí làm Phó.
Với chức vụ Học Viện Trưởng, tiền bối đã đem hết tài năng tâm trí phục vụ Giáo Hội phát triển dân trí, hô hào vận động mở trường học, thư viện, đào tạo nhân tài... thành lập Thánh Kinh Học Đường ở thánh thất Trung Thành.
Năm Ất Dậu (1945), tiền bối vận động lập nông trại Vân Truyền tại Đông Lai, Khương Mỹ, Hòa Vang, để phát triển dân sinh; tuy nhiên, kết quả không như mong muốn, chỉ khơi lên được tinh thần chấn hưng kinh tế.
Tháng 11 năm 1946, tiền bối Nguyễn Hồng Phong được cử làm đại diện cho Giáo Hội Cao Đài miền Trung tham dự Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc tại Hà Nội.
Tiền bối là người uyên thâm cả quốc văn lẫn Hán văn. Tiền bối viết nhiều thơ văn nhưng đều bị thất lạc trong chiến tranh, chỉ còn tập thơ Tiếng Chuông Chiều được ông Nguyễn Hồng Giao sưu tập. Bài Văn Tế Thập Loại Cô Hồn được một số thánh thất thuộc Hội Thánh Truyền Giáo dùng để cúng trong những dịp chẩn tế cô hồn:
Trông khổ hải, vơi vơi sóng nghiệp
Đòi oan khiên lớp lớp mây tà
Dập dìu thỏ lại ô qua
Sương phong phách quế gió hòa hồn hương...
Và bài Văn Điếu Tang được sử dụng trong lễ điếu tang các chức sắc thuộc Hội Thánh Truyền Giáo:
Đò Tạo hóa xoay vần rước khách
Bóng quang âm thấm thoát đưa thoi...
Cả hai bài Văn Tế Cô HồnVăn Điếu Tang đều được in trong tập thơ Tiếng Chuông Chiều do Song Anh xuất bản năm 1965 tại Huế.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (1946), tiền bối cùng gia đình tạm lánh vào Vân Ly, xã Điện Hồng, Quảng Nam. Sau khi tình hình lắng dịu tiền bối về lại quê nhà và lập Viên Linh Tự (nay là xã đạo Liêm Lạc thuộc thánh thất Trung Thành, thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam).
Lúc 2 giờ chiều ngày mùng 7 tháng 4 năm Đinh Hợi (Thứ hai 26-5-1947), tiền bối Nguyễn Hồng Phong đang ở tại nhà người cậu (ông Đề), tại thôn Phước Vĩnh, xã Hương Lam, huyện Hòa Vang, Quảng Nam, thì có một nhóm người không rõ từ đâu đến đã bắt tiền bối dẫn đi biệt tích. Về sau gia đình và Giáo Hội đều lấy ngày tiền bối bị bắt làm ngày kỷ niệm.
Tại nhà tu Tam Kỳ vào năm Kỷ Hợi (1959), Đức Ngô Đại Tiên giáng cơ cho biết tiền bối Nguyễn Hồng Phong đã xin với Đức Chí Tôn cho ái nữ là Nguyễn Thị Thanh Trúc được vào nhà tu Phước Huệ Đàn để tu học. Ngày mùng 10 tháng 7 năm Giáp Thìn (Thứ Hai 17-8-1964), đàn cơ tại chi hội Phước Thiện ở Cẩm Lệ (thành đạo Đà Nẵng), tiền bối Nguyễn Hồng Phong được Ơn Trên sắc phong quả vị Định Quang Phổ DiệuNgài có giáng cơ dạy về chương trình Phước Thiện:
Định Quang Phổ Diệu Nguyễn Hồng Phong
Công nghiệp ân ban cũng đẹp lòng
Nhìn lại quê xưa người bạn cũ
Tính rằng cảnh ấy khó lường đong.
Sau năm 1975, con cháu tiền bối Liên Hải Nguyễn Hồng Phong ra sức tìm kiếm nơi chôn nhục thân tiền nhân. Năm 1993, cháu nội tiền bối là ông Nguyễn Minh Thái (con ông Nguyễn Hồng Giao) đã tìm được phần mộ. Ngày mùng 6 tháng 11 Quý Dậu (Thứ Bảy 18-12-1993) con cháu làm lễ đưa hài cốt tiền bối về an táng lại quê nội ở Hà Thanh, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trên đây là hành trạng của một trang hướng đạo miền Trung vào giữa thế kỷ trước. Tài liệu căn cứ theo những ghi chép của hậu duệ tiền bối Liên Hải, viết vào tháng 7 năm Giáp Thân (2004). Hiện nay, con cháu của tiền bối với lòng hiếu kính người xưa, đang xúc tiến in lại tập thơ Tiếng Chuông Chiều vì những bản in tại Huế năm 1965 không còn nữa.
Tưởng nhớ đến hình bóng cũ của người thân, một hậu duệ của tiền bối đã xúc cảm những dòng thơ như sau:
BÂNG KHUÂNG
Để tưởng niệm Người
Vang vang theo ngọn gió chiều
Tiếng chuông chùa cổ ngân đều trong sương
Dừng đây du khách đường trường
Mơ về quá khứ sầu thương ngập lòng
Tiếng chuông chiều trầm trầm
Và dìu dặt dư âm
Ru linh hồn cổ Việt
Vào lòng người dân Việt
Đường ruổi mộng xa xăm
Qua bao thời oanh liệt cũ
Gọi tỉnh từ đây
Một niềm thương nhớ những ngày đi
Tiếng chuông trầm vang trong gió chiều về. *
Phố Hội, một chiều lữ thứ (1952)
SONG ANH
* Trích tập thơ Tiếng Chuông Chiều

sẽ in vào đầu xuân Bính Thân (2016)