Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / TRUNG SƠN NGÀY ẤY, BÂY GIỜ / LÃNG NGUYÊN

Thánh thất Trung Sơn. Ảnh: Hư Trúc.
Năm 1972, một lần viếng thăm Ngũ Hành Sơn cùng bạn học phổ thông, tôi đã tìm đến đây - thánh thất Trung Sơn bây giờ - lúc ấy gọi là xã đạo Khái Đông.([1])
Tôi nhớ, nối tiếp nhau là những bãi cát trắng, dài tít tắp; nhà cửa rất thưa thớt, quanh đấy hầu như không có nhà. Từ trên đường lộ, đã thấy ngay thánh xá. Tuy diện tích xây dựng khá khiêm tốn nhưng Hiệp Thiên Đài vẫn vươn cao mạnh mẽ, vững chãi như một khẳng định trên nền đất cát trắng phau. Màu vôi hồng nhạt (là màu khác lạ so với các thánh sở bạn) rất mới, hòa quyện với khung trời xanh hiền hòa trông thật mát mắt, dễ chịu vô cùng.
Việc đầu tiên là chúng tôi vội vã đến bên ảng nước, thích thú cầm chiếc cán dài chiếc gáo dừa (bởi ở nhà không có), thò vào ảng nước đầy ngập, trong vắt, múc từng gáo nước mát rượi tẩm tẩm vào mặt, lại còn hít hít hà hà, vô cùng sảng khoái, giải được ngay nỗi thấm mệt sau thời gian leo núi dưới nắng gắt ban trưa.
Ngày thường nên thánh xá trông thật vắng lặng, cửa nẻo trên điện thờ khép kín, chỉ ở bếp là có người. Một cô trạc năm mươi, vóc người ốm, nhỏ đang làm bếp. Đưa ánh mắt hiền hòa, cô nhìn chúng tôi và ân cần hỏi han, mời nước. Được lời như mở tấm lòng, cả bọn thi nhau chuyền chiếc ca mà uống.
Lúc ấy, đi chơi mà chỉ đem theo dưa gang chấm muối. Chẳng có tiền bố mẹ cho như trẻ bây giờ, lại chẳng bới chi theo mà ăn hết, trừ dưa! Dưa, muối, nước đã giải quyết tạm ổn vấn đề dạ dày, chúng tôi ngồi nghỉ một lúc rồi chào cô “quản chùa” xin phép về kẻo ở nhà ba mẹ trông.
Kỷ niệm chỉ có vậy. Thánh xá hai đài nhỏ xinh với màu vôi hồng nhạt ngày nào vẫn không hề phai trong tâm trí tôi, mấy chục năm rồi tôi vẫn nhớ như in.
Cũng lạ, tuy còn nhỏ và chưa đi sinh hoạt thanh niên Hưng Đạo ([2]) nhưng luôn nhớ mình là dân Cao Đài nên có dịp là tìm đến các cơ sở Đạo và giới thiệu tôn giáo của mình với bạn bè. (Có lẽ chịu ảnh hưởng của ông bố luôn đề cao nền Đại Đạo Kỳ Ba trong lúc đàm đạo với bạn hữu, và mình duyên may nắm bắt được chút ít.)
Do vậy mà đi Non Nước thì đương nhiên phải ghé thánh xá Khái Đông, lại có dịp nói với bạn: “Cao Đài là một tôn giáo mới; tôn chỉ của Đạo là...” Đó là tật của tôi, thường tự hào mình là tín đồ Cao Đài.
Rồi cũng từ dạo đó đến giờ, hôm nay tôi lại về đây. Có dễ đã hơn bốn mươi năm rồi! Người, cảnh vật, chùa tháp có quá nhiều thay đổi:
- Nay mình đã già, chân đã mỏi, không còn sức leo núi như xưa!
- Nhà quanh chùa ở đâu mà lắm thế, chẳng bù với ngày nọ! Giờ đây, nếu Hiệp Thiên Đài không được xây cao thì đứng trên đường lộ rất khó nhìn thấy thánh thất. Phía trước, chung quanh toàn nhà là nhà, khác xa ngày trước, chỉ cát với cát.
Thánh thể hai đài xưa, giờ đây đã được xây dựng lại với ba đài nguy nga, có hội trường sinh hoạt hội họp, đông lang, tây lang, nhà tu, nhà bếp, nhà vệ sinh... khang trang sạch sẽ, khác xa thuở nào.
Sân vườn bao quanh rộng rãi được lót gạch bằng phẳng, trang trí nhiều hoa kiểng, tượng đá Non Nước, một sản phẩm đặc biệt của Đà Nẵng. Đá này cũng dùng xây các bệ thờ với những đường nét chạm trổ thật tinh vi sắc sảo, lần đầu tiên thấy ở thánh thất Trung Sơn.
Bước vào chánh điện, Thánh Tượng uy nghiêm nổi bật giữa không gian trang trọng mà thanh thoát. Với vòm trần màu xanh nhạt lấp lánh những ánh sao ta ngỡ như đang lạc vào Nước Trời! Những ô trược trong tâm như được bốc hơi, nhường lại một sự nhẹ nhàng, thư thái, an bình chiếm ngự tận cõi lòng.
Ngôi tam đài rộng lớn với hai tháp Hiệp Thiên vươn cao, sừng sững trên nền trời thật bắt mắt với màu vôi, ngói mới; nhưng ấn tượng nhất là, khi màn đêm buông xuống, trông thánh thất thật lộng lẫy với ánh đèn néon nhiều màu nổi bật trong đêm tối, dẫu ở xa hàng cây số vẫn có thể nhìn thấy.
Vạn vật như đang chìm đắm trong thinh không vắng lặng; giữa núi Ngũ Hành linh thiêng huyền diệu, tiếng trống Lôi Âm thật đặc biệt - từng hồi từng hồi vang vọng, như đến tận Bạch Ngọc Kinh - nơi hằng ngự của Đấng Cha Lành. Và... những hồi chuông Bạch Ngọc lại vọng thật sâu, sâu thăm thẳm vào lòng đất mẹ trong đêm An Vị vô cùng vô tận.
Một thánh thể hữu hình hết sức trọn vẹn hẳn đã chiếm rất nhiều công sức của chức sắc, đạo hữu nơi đây. Bao ngày đêm lo lắng trong công tác tạo dựng, bao huy động sức người sức của, không quản công lao khó nhọc, âu lo tính toán từng ngày sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất (như báo cáo trong ngày lễ An Vị) mà vẫn thể hiện được nét độc đáo, nổi trội, vì nơi đây, địa phương này là khu du lịch mà thành phố Đà Nẵng có hướng xây dựng thành khu du lịch văn hóa tâm linh.
Với hướng phát triển ấy thì chức sắc và đạo hữu sở tại còn phải vất vả nhiều hơn nữa trong công sức tu học và truyền bá đạo Thầy. Rồi đây, sẽ có nhiều khách thập phương, nhất là người nước ngoài ghé thăm tìm hiểu. Lúc bấy giờ, chức sắc và bổn đạo của thánh sở càng cần phải thể hiện tầm hiểu biết rộng về mọi phương diện để tiếp đãi, mở rộng vòng tay đại đồng chào đón tất cả lương sanh.
Tôi thầm nghĩ, một nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng thật vinh quang đang thách thức quý chức sắc và đạo hữu Trung Sơn. Với những gì đã làm được thì niềm hy vọng vào tương lai, tiền đồ xán lạn của thánh thất là một điều có thể để đặt trọn niềm tin.
Một Chủ Nhật bất chợt ghé đến đây, thấy vị Đầu Họ đầu đội nón lá, mồ hôi nhễ nhại, tay chân lem luốc đang cùng thợ xây đánh vật với công việc; bên trong hội trường thì các em Hưng Đạo tập nhạc lễ. Có em rất bé, đang còn ngồi học cấp một, hăng hái say sưa tập theo từng tiếng trống tiếng nhạc.
Hàng ngũ chức sắc, chức việc và đạo hữu tuổi đời tuổi đạo rất trẻ nhưng luôn luôn thể hiện hạnh đủ, công đầy thì tài sức, thời gian cống hiến chắc chắn sẽ còn nhiều ưu việt hơn nữa.
Thể hiện yêu thương theo lời Thầy Mẹ, bổn đạo thánh thất càng ra sức phát huy tinh thần đoàn kết một lòng, chị ngã em nâng, “từ đây trên dưới một đường...” Với những gì đã có, nhất định thánh thất Trung Sơn sẽ ngày càng phát triển. Những con người nơi đây sẽ ngày càng làm rạng danh Đạo, sáng danh Thầy như chúng ta hằng ao ước.
Xin được gởi đến quý chức sắc, chức việc và đạo hữu thánh thất Trung Sơn tất cả tình cảm, lòng kính mến ngưỡng mộ trong tôi.
LÃNG NGUYÊN
Thánh thất Trung Thành



([1]) Xã đạo Khái Đông thuộc thánh thất Trung Thành được Hội Thánh Truyền Giáo cho phép tách ra để lập thành thánh thất Trung Sơn, đến nay vừa tròn năm năm.
([2]) Tập thể thanh thiếu niên Cao Đài do Hội Thánh Truyền Giáo dìu dắt để đào tạo thế hệ tiếp nối.