Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 18 / VÌ SAO TÔI VÀO ĐẠO CAO ĐÀI / Nguyễn Văn Nghĩa


Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo, cha mẹ đều là tín hữu Cao Đài. Khi tôi mới lên ba tuổi thì mẹ mất sớm, cha vẫn ở vậy chăm sóc con cái. Thời buổi chiến tranh loạn lạc nên Đạo luôn di dời đến nơi an toàn; cha tôi vẫn luôn trung kiên và nương sống gần Đạo, nhờ vậy từ thuở nhỏ tôi được theo học Đạo Đức Học Đường ở Tòa Thánh Tây Ninh.([1]) Mỗi khi vào lớp, tất cả học trò đều đứng nghiêm trang đọc bài Kinh Vào Học:
Đại Từ Phụ xin thương khai khiếu
Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ
Gần điều nên, lánh lẽ hư
Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn
Chúng tôi luôn luôn được thầy cô dạy bảo cặn kẽ trong việc ứng xử, ráng tập cho thành thói quen hằng ngày: Phải biết kính trọng người lớn, vâng lời thầy cô, yêu thương cha mẹ, hòa thuận với anh chị em và bạn học...
Có buổi dọc đường đến trường, tôi rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên gặp một ông cụ có lẽ đã trên bảy mươi tuổi đang đi ngược chiều với ông mặc đạo phục trắng khoảng chừng năm mươi tuổi. Khi đến gần nhau, ông cụ dừng chân đứng nghiêm trang chắp tay cúi đầu chào; ông mặc đạo phục trắng cũng chắp tay xá đáp lễ. Sau đó hai người tiếp tục đường ai nấy đi. Nhưng hình ảnh này tạo cho tôi một ấn tượng rất tốt đẹp cùng với lòng thắc mắc.
Về nhà tôi kể lại chuyện ấy cho cha tôi nghe và hỏi vì sao ông cụ làm như thế. Cha tôi cho biết ông trẻ tuổi hơn là một vị chức sắc nên tín đồ dù lớn tuổi hơn cũng phải kính cẩn thủ lễ.
Trong những ngày cúng đàn dịp sóc vọng hay lễ vía các Đấng, tôi thường theo cha đến thánh thất, điện thờ Phật Mẫu. Tôi cũng thích nghe hàng giáo phẩm giảng đạo vào cuối buổi cúng đàn.
Năm tôi mười tám tuổi, cha tôi bảo hãy nhập môn vào Đạo nhưng tôi vẫn chần chừ, do dự. Tôi nghĩ mình đã sống trong vùng Đạo, lâu nay cũng được nghe giáo lý, cũng ăn chay với cha mười ngày một tháng, chỉ cần sống tốt với mọi người là được rồi, cần chi phải nhập môn.
Tuy vậy, khi lớn lên sống ở nhiều địa phương, gặp nơi nào có thánh thất Cao Đài, kể cả chùa Phật hay nhà thờ Thiên Chúa, thì tôi đều tìm đến để nghe giảng đạo, không có ý tưởng phân biệt tôn giáo vì nghĩ rằng tôn giáo nào cũng đều dạy con người hướng thiện.
Khi lập gia đình, bước vào trường đời bon chen trong cuộc sống đủ trò danh lợi tài sắc vây quanh, tôi mới cảm nhận rõ những tình cảm thường trỗi dậy như giận hờn, thương ghét, buồn vui, ham muốn, v.v… Trong đó vui ít mà buồn nhiều. Có những lúc khổ cực, thiếu thốn, càng lo lắng càng thêm chán nản, tôi chợt nhớ đến lời chức sắc giảng câu “Tri túc thường túc, chung thân bất nhục” (Biết đủ thì thường đủ và cả đời không phải chịu nhục), nhờ vậy mà vơi bớt lo toan.
Có lúc được thuận lợi cuộc sống đầy đủ hơn, ai cũng nghĩ rằng có vật chất đầy đủ thì tinh thần thoải mái. Nhưng qua thực tế, tôi lại cảm nhận rằng giữa vật chất và tinh thần luôn tác động lẫn nhau: Muốn đạt được vật chất thì lao tâm khổ trí; tính toán càng nhiều thì phải lao lực, khổ thân. Suốt thời gian dài phấn đấu để tạo nên sự nghiệp, tham vọng đó không phải chỉ lo cho bản thân mà còn lo cho tương lai con cháu… Thế rồi, một hôm tất cả những gì nhọc nhằn bòn mót, tích lũy phút chốc tiêu tan. Nhờ vậy, tôi nhận rõ thế nào là giấc mộng phù du. Cuộc đời này luôn biến đổi, vô thường, không bền chắc, không tồn tại, ngay cả thân xác mình cũng không giữ được. Từ đó tôi mới nhận thức rõ Đạo không chỉ chú trọng giúp con người hướng thiện, cách đối nhân xử thế, mà còn giúp con người biết kềm chế lục dục thất tình trước bao nghịch cảnh của dòng đời. Tôi càng thấm thía lời các Đấng dạy bảo:
- Mê luyến hồng trần mang ách khổ
Cơn vui qua khỏi lệ sầu tuôn.
- Giựt giành rốt cuộc cũng tay không
Nhân quả đeo mang tội chất chồng
Ví biết phép công cơ thưởng phạt
Đường tu sớm bước, chí thong dong.
- Cần lo học đạo chí đừng lơi
Phú quý sương tan lộ bóng Trời
Lợi lộc xôn xao rồi một kiếp
Nghĩa nhơn tích trữ để muôn đời.([2])
Có lần đến nhà người bạn chơi, tôi thấy bé gái khoảng sáu tuổi, tròn trịa dễ thương, đang chạy chơi trước sân nhà; thỉnh thoảng cháu chạy ù đến bên cái bàn có để sẵn chén cơm, lấy miếng dưa leo chấm vào muối, nhai rồi đưa muỗng cơm vào miệng. Tôi hỏi thì bạn tôi nói là cháu thích ăn vậy, không thích ăn thịt cá.
Có lần khác, tôi thấy một cháu trai khoảng năm tuổi ở gần nhà đưa cục đường vào miệng chép rồi nhả ra chén, xong đưa muỗng cơm vào miệng ăn một cách ngon lành. Tôi tự thấy hổ thẹn vì không bằng chúng nó, muốn ăn chay mười ngày như trước đây cũng không giữ được! Tôi nghĩ chắc kiếp trước các cháu biết tu rồi; còn mình nặng nghiệp, cứ mãi mê đời!
Mỗi khi chứng kiến điều gì cũng làm cho tôi luôn suy nghĩ: Tại sao có kẻ giàu người nghèo? Tại sao có người rất xinh đẹp và người tật nguyền? Sau mới hiểu rằng là do nhân quả tạo gây, gieo nhân gì thì hưởng quả đó. Đến ba mươi tuổi tôi mới bắt đầu tỉnh thức.
Từ đó tôi cố tìm đọc thánh ngôn, thánh giáo kể cả kinh sách nhà Phật. Tuy lời giáo hóa của các Đấng khác nhau nhưng cùng một chân lý, mục đích cuối cùng đều dẫn dắt con người tìm con đường giải thoát.
Tôi bắt đầu thực nghiệm dần lời dạy của các Đấng, áp dụng trong cuộc sống, thấy lòng mình ngày càng thanh thản hơn, trút bớt những ưu tư phiền muộn. Tôi mới ngộ được rằng con đường giải thoát không chỉ ở phần linh hồn sau khi thoát xác mà có thể giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại.
Tôi thấy cần nương tựa vào tôn giáo để lập công lập vị cho chính mình, nhưng lại không khỏi suy tư chọn lựa. Tôi rất kính trọng Đức Phật Thích Ca là bậc đại giác ngộ, từ bỏ cung vàng điện ngọc tìm chân lý; Đức Chúa hy sinh thân mạng chuộc tội cho loài người. Tôi lại càng thích thú khi thấy trong thánh ngôn, thánh giáo đạo Cao Đài đều có lời dạy của Đức Phật, Đức Chúa và các Đấng thiêng liêng khác dạy rất đầy đủ từ Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo, để mỗi người tùy theo căn cơ mà lập vị. Bởi vậy tôi quyết định nhập môn vào đạo Cao Đài, là do bản thân suy tư chọn lựa, chứ hoàn toàn không do sự ràng buộc truyền thống của gia đình.
Sau khi nhập môn vào Đạo, được thượng Thánh tượng, lập Thiên Bàn tại gia, lúc rảnh rỗi tôi vẫn xem kinh sách để tìm hiểu giáo lý Cao Đài. Khi nhìn thấy chân dung các Đấng qua hình tượng Ngũ Chi, tôi nghĩ điều quan trọng là cần học đức hạnh của mỗi Đấng và ứng dụng hàng ngày. Đại khái, khi nhìn thấy Đức Khổng Phu Tử là nhớ đến đạo làm người (nhân nghĩa lễ trí tín, tam cang ngũ thường, công dung ngôn hạnh); nhìn thấy Đức Quan Thánh thì học lấy đức trung cang nghĩa khí, không thay dạ đổi lòng; nhìn thấy Đức Lý Thái Bạch là phải luôn trau dồi trí tuệ sáng suốt, khai tâm mở trí; nhìn thấy Đức Phật Thích Ca và Đức Quan Âm là học được tâm từ bi bác ái, v.v...
Khi tò mò tìm hiểu, tôi tự hỏi: Đức Chí Tôn giao trách nhiệm Tam Trấn Oai Nghiêm cho ba Đấng là có ý nghĩa sâu xa gì? Tôi suy nghĩ rất hồn nhiên như sau: Đức Quan Âm vốn có lời nguyện tận độ chúng sanh nên Thầy giao Đức Bồ Tát nhiệm vụ tiếp dẫn nhơn sanh trở về đường đạo; Đức Lý Thái Bạch có nhiệm vụ tiếp nhận và dạy đạo; Đức Quan Thánh tiếp sức trợ duyên cho người tu học.
Tôi vẫn chưa bằng lòng, cố tìm hiểu thêm: Có lẽ Đức Chí Tôn chọn Tam Trấn để tượng trưng ba đức Bi Trí Dũng.
- Đức Quan Âm tiêu biểu cho lòng từ bi. Do đó người theo đạo phải mở rộng lòng từ, thương người mến vật. Không có tình thương thì không phải là người biết tu.
- Đức Lý Thái Bạch tiêu biểu cho sự sáng suốt. Nên người tu cần có trí để phân biện được thiện ác, tội phước, đúng sai, tốt xấu, siêu đọa... Người tu nhờ có trí mới vượt bến mê tầm đường giác.
- Đức Quan Thánh tiêu biểu dũng mãnh oai lực, trung cang nghĩa khí. Người tu cần có lập trường vững vàng, kiên tâm để có nghị lực, khỏi bị lệch lạc, thối chí, sa ngã và nản lòng.
Trên bước đường học đạo và hành đạo, người tu luôn bị lợi danh tài sắc cám dỗ, thử thách; bởi vậy mới gọi là trường thi. Nếu không hội đủ ba yếu tố Bi Trí Dũng, người tu khó mà thành chánh quả.
Tôi nghĩ, mình nhập môn vào Đạo nhằm học tập các đức tính, đức hạnh nêu trên. Để giữ trọn lời minh thệ khi nhập môn và xứng đáng là người tín hữu chân chánh, điều quan trọng là phải giữ giới và luật mới thể hiện được tác phong đạo hạnh người tu. Giới là Ngũ Giới Cấm trong Đạo, tương quan với năm đức tính Đức Khổng Tử dạy (Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín). Luật là Tứ Đại Điều Quy gồm bốn nguyên tắc ứng xử với nhau theo lẽ Đạo. Luật là cũng luật công bình bác ái, lấy thương yêu làm nền tảng. Tôi cũng luôn nghĩ nhớ câu “Làm việc gì trước phải xét hậu quả của nó”, bởi vì luật nhân quả là luật công bằng và không ai thoát khỏi sự chi phối của nó.
Hiểu như vậy, nên từ đó tôi ăn chay trường luôn, bởi trước hết phải có lòng nhân đối với loài động vật. Khi vào Đạo còn phải năng học hỏi giáo lý để trau dồi đạo hạnh. Muốn lập vị phải thực hành Tam Lập (lập công, lập đức, lập ngôn). Trong lập công có công phu, công quả, công trình. Tam Lập và Tam Công đều tác động lẫn nhau: Tự độ cho mình, trau tâm sửa tánh dần đến được minh tâm kiến tánh; còn phải biết độ tha để tạo phước đức (thương giúp người nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn, thiên tai dịch họa). Đó là phước huệ song tu.
Tín hữu NGUYỄN VĂN NGHĨA
Ninh Thuận (Bàu Năng) ngày 29-12-2015
*
CẢM NGHĨ CỦA BAN ẤN TỐNG
Quý bạn đọc hẳn vẫn nhớ, khi in hồi ức của tiền bối Kha Chơn Tâm (1908-1995) trên Văn Uyển tập Hanh năm Ất Mùi (số 14, quý Hai 2015, tr. 100-108), Ban Ấn Tống đã bày tỏ ước mong sẽ còn nhiều dịp đăng thêm hồi ức của quý tín hữu trong nhà Đạo, kể lại nguyên nhân hay cơ duyên đã đưa quý vị bước vào ngưỡng cửa Cao Đài. Bởi vậy, phải nói thật là chúng tôi rất vui khi nhận được bài viết trên đây của hiền huynh Nguyễn Văn Nghĩa - người bạn mà chúng ta vừa quen biết qua tập Văn Uyển Xuân Bính Thân (số 17, quý Một 2016, tr. 133-137).
Qua bài viết này của hiền huynh, chúng ta biết huynh Nghĩa là con nhà “đạo dòng”, sớm gần gũi môi trường nhà đạo từ tấm bé nhưng lại nhập môn khá muộn. Rõ ràng hiền huynh không vào đạo Cao Đài chỉ vì đơn giản noi theo truyền thống sẵn có của gia đình. Hiền huynh nhập môn bằng ý chí tự do chọn lựa của mình, chỉ sau khi bản thân tỉnh thức trước những trải nghiệm (hay những va chạm) trên đường đời.
Có người đến với Đạo bằng tâm, bằng cơ bút, bằng mạc khải... Còn huynh Nghĩa thì sao? Huynh đến với Đạo phải chăng bằng trí? Chúng ta thấy huynh hay quan sát, suy tư, rồi tự tìm cách lý giải. Cũng do cái tánh “hay thắc mắc” đó nên nhập môn rồi thì huynh vẫn siêng tìm tòi, truy vấn để áp dụng đạo lý vào đời sống. Chẳng hạn, hiền huynh chỉ ăn chay trường sau khi đã tỏ ngộ cái lý lẽ sâu xa là tập thực hành đức nhân ái qua việc trường trai giới sát.
Tóm lại, huynh tu theo Cao Đài bằng chánh tín chứ không phải mê tín, hoặc a dua theo một ai. Để củng cố chánh tín của mình, huynh còn siêng năng tìm hiểu giáo lý qua kinh sách nhà đạo chứ không “an phận” giữ lệ cúng đủ tứ thời, ăn chay kỳ (hay chay trường) mà cho là đầy đủ bổn phận của một tín đồ.
Thấy một người tu theo Cao Đài với trọn vẹn chánh tín như thế, thì chúng ta tin chắc rằng dẫu gặp hoàn cảnh trở ngại đến mức nào chăng nữa, người tín hữu ấy nhất quyết vẫn không nhạt đạo, không cải đạo, không bỏ đạo... Xin nguyện cầu anh chị em chúng ta đều được nên như vậy.
BAN ẤN TỐNG



([1]) Tháng 9-1928 Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh thành lập Đạo Đức Học Đường (bậc tiểu học) và khai giảng năm học đầu tiên, có tất cả hai trăm mười học sinh. Năm 1931, Đạo Đức Học Đường mở được tám lớp. Năm 1932 mở được mười một lớp, với bốn trăm mười bảy trẻ (gồm ba trăm mười hai nam và một trăm lẻ năm nữ). Năm 1941 quân đội Pháp chiếm giữ Tòa Thánh Tây Ninh, đóng cửa Đạo Đức Học Đường. Khoảng tháng 9-1946, Hội Thánh tái lập Đạo Đức Học Đường trên khu đất mới vì trường cũ đã hư hoại. Các lớp mái tranh vách đất được gấp rút xây dựng cho kịp khai giảng niên khóa 1946-1947. Năm 1952 Đạo Đức Học Đường có sáu mươi lớp với mái lợp tranh, tường xây gạch đất không nung; chỉ có một dãy lớp mái ngói dành cho các lớp năm thứ nhất, thứ nhì (1ère année, 2ème année). Trường có mười lớp cao đẳng (cours supérieur). Khi lên bậc trung học thì các trẻ được chuyển ra trường Lê Văn Trung (về sau trở thành trường trung tiểu học Lê Văn Trung). Để biết thêm chi tiết, có thể đọc: Huệ Khải, Gia Đình Trong Tân Luật Cao Đài. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014, tr. 37-40. (Văn Uyển chú)
([2]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, phần Thi Văn Dạy Đạo