Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / CÔNG CHÚA HUYỀN TRÂN XƯA VÀ NAY / Huệ Khải


Ám chỉ cuộc hôn nhân chánh trị giữa Công Chúa Huyền Trân nước Việt đời Trần và vua Chế Mân nước Chiêm Thành (Champa), ca dao Việt Nam có câu: Tiếc thay cây quế giữa rừng / Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.
Sử gia Trần Trọng Kim (1883-1953) chép khá ngắn gọn về Công Chúa Huyền Trân.([1]) Tuy nhiên, tổng hợp nhiều tài liệu trên Internet, có thể trình bày sự kiện với những mốc thời gian chánh yếu như sau:
Thái Tử Trần Khâm sinh năm Mậu Ngọ (1258), nối ngôi làm vua, tức là Trần Nhân Tông. Ngài trị vì mười lăm năm (1278-1293), rồi truyền ngôi cho Thái Tử Trần Thuyên (tức vua Trần Anh Tông, là anh Công Chúa Huyền Trân). Trần Nhân Tông làm Thái Thượng Hoàng mười lăm năm (1293-1308).
Năm Tân Sửu (1301), bảy năm trước khi quy thiên, Thái Thượng Hoàng Nhân Tông du hành phương nam, vào tận nước Chiêm Thành xem phong cảnh, được vua Chiêm là Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) tiếp đãi nồng hậu trong gần chín tháng. Vì tình cảm ấy, Thái Thượng Hoàng hứa gả Công Chúa Huyền Trân (sinh năm 1287) cho vua Chiêm.
Vì có lời hứa đó, vua Chế Mân (lên ngôi năm 1288) sai sứ thần đưa vàng bạc cùng nhiều sản vật quý đến kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) xin cưới Công Chúa, nhưng nhiều người trong triều không tán thành.
Năm Bính Ngọ (1306), để làm sính lễ xin cưới Huyền Trân, Chế Mân cắt châu Ô và châu Rí (cũng gọi Lý) dâng cho vua Trần. Hai châu này trải dài từ đèo Hải Vân (Thừa Thiên) đến phía bắc Quảng Trị ngày nay. Ngọn đèo vì thế trở thành biên giới giữa hai nước Việt và Chiêm.
Bấy giờ vua Trần Anh Tông mới thuận gả em gái cho vua Chiêm. Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) Công Chúa Huyền Trân trở thành vợ Chế Mân, và bà có tên mới là Paramecvari. Có tài liệu cho biết trước đó vua Chế Mân đã có chánh thất là Hoàng Hậu Tapasi, người Java (Nam Dương, tức Indonesia ngày nay).
Năm Đinh Mùi (1307) vua Trần Anh Tông tiếp nhận châu Ô và châu Rí, đổi tên là châu Thuận và châu Hóa, rồi bổ quan vào quan cai trị.
Công Chúa Huyền Trân làm vợ Chế Mân, sinh được một con trai. Vua Chế Mân băng vào năm 1307.
Vừa biết tin vua Chiêm qua đời, vua Trần Anh Tông liền sai Trần Khắc Chung (?-1330) vào nước Chiêm viếng tang, rồi lập mưu đưa bà Huyền Trân trở về nước bằng đường biển. Mãi đến tháng 8 năm Mậu Thân (1308), bà Huyền Trân mới về tới Thăng Long.
Năm Kỷ Dậu (1309), tuân theo di mệnh của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, bà Huyền Trân quy y ở ngôi chùa trên núi Trâu (nay thuộc Bắc Ninh), pháp danh là Hương Tràng. Một thị nữ cũng quy y để ở cạnh bà.
Cuối năm Tân Hợi (1311), cùng với thị nữ đã quy y, bà Hương Tràng đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (nay thuộc Nam Định), lập am tu dưới chân núi Hổ. Về sau, am này trở thành chùa Nộm Sơn, còn gọi Quảng Nghiêm Tự.
Năm Canh Thìn (1340), bà Hương Tràng trở về cõi Phật vào ngày Vía Trời (mùng 9 tháng Giêng), được dân chúng địa phương lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn.
Ngày bà quy thiên trở thành lễ hội hàng năm tại đền thờ Công Chúa Huyền Trân (số 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, thành phố Huế). Đền này cất trên khu đất rộng hơn 28 hecta, rợp bóng cây xanh, dưới chân núi Ngũ Phong, cách thành phố Huế chừng bảy cây số về hướng Tây. Trong đền có pho tượng Công Chúa Huyền Trân ngồi trên ngai. Tượng đồng cao 2,37m, là tác phẩm của các nghệ nhân ở phường Đúc, thành phố Huế.
Tương truyền, dọc đường thiên lý từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) xuôi về phương nam để vào nước Chiêm, Công Chúa Huyền Trân đã chạnh lòng mà sáng tác bài hát Nước Non Ngàn Dặm theo điệu Nam Bình:
Nước non ngàn dặm ra đi.
Mối tình chi!
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly.([2])
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì.
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết,
Cũng liều như hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn theo chì.
Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì.
Thấy chim hồng nhạn bay đi.
Tình lai láng,
Hướng dương hoa quỳ.
Dặn một lời Mân Quân:([3])
Như chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay muôn phần.
Ngót sáu trăm năm mươi năm sau, câu mở đầu bài hát nói trên (Nước non ngàn dặm ra đi) đã được nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) nhắc lại trong trường ca Con Đường Cái Quan gồm mười chín đoản khúc, với phần đầu được sáng tác ở Paris năm 1954 rồi bỏ dở. Về sau, ông soạn tiếp ở Sài Gòn và hoàn tất năm 1960.
Ứng với ba miền đất nước, trường ca ấy chia làm ba phần, nói về cuộc lữ hành của một viễn khách, bắt đầu từ ải Nam Quan xuôi về phương nam, đi cho tới mũi Cà Mau. Trong phần thứ hai, khi qua miền Trung, trường ca gồm có sáu đoản khúc; riêng đoản khúc thứ tư có nhan đề Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi, với lời hát trữ tình như sau:
Nước non ngàn dặm ra đi
Nước non ngàn dặm ra đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người.
Bước đi vào lòng muôn dân
Bước đi vào lòng muôn dân
Bằng hồn trinh nữ mơ màng
Bằng tình say đắm ơi chàng
Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân.
Nhưng ánh tháp vàng
Cây quế giữa rừng
Chỉ một mùa tang là hương là sắc tàn.
Tàn cả tình yêu
Vì hận còn gieo
Đất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu.
Mới hay tình nhẹ như tơ
Mới hay tình nhẹ như tơ
Mộng ngoài biên giới mơ hồ
Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ
Với đêm mờ hồn về trên tháp ma.
*
Chánh thức ra đời ở miền nam Việt Nam năm Bính Dần (1926), đạo Cao Đài thường được giới tôn giáo học gọi là tôn giáo bản địa (indigenous) hay tôn giáo nội sinh (endogenous). Một trong nhiều đặc điểm của tôn giáo này là thông qua cơ bút trong các đàn cầu cơ (spirits-evoking seances), anh linh nhiều vị anh thư, hào kiệt, danh thần, danh nhân của dân tộc Việt Nam đã trở lại trần gian dạy đạo, chẳng hạn: Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Đức Thánh Petrus Trương Vĩnh Ký, Đức Thánh Hồ Biểu Chánh,([4]) v.v... Và Đức Huyền Trân Công Chúa cũng là một trong những trường hợp như vậy.
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên có giáo sở trung ương là Tòa Thánh Châu Minh ở xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Một trong nhiều thánh sở của Hội Thánh này là thánh tịnh Ngọc Linh đặt tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Trong những năm 50 thế kỷ trước, thánh tịnh Ngọc Linh có lập nhiều đàn cơ. Đặc biệt, vào năm 1959 thánh tịnh này được Đức Mẹ (Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn) phái nhiều Đấng thiêng liêng giáng cơ truyền dạy Minh Thiện Chơn Kinh, gồm hai mươi bốn bài, chủ yếu dạy phụ nữ tu hành theo pháp môn Cao Đài.
Đầu tháng 6-2015, Minh Thiện Chơn Kinh (dày 112 trang) được thánh tịnh Ngọc Linh kết hợp với Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo liên kết cùng nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội) in năm ngàn bản để kính biếu bổn đạo và những vị quan tâm tìm hiểu tôn giáo Cao Đài.
Trong kinh này, bài thứ mười một (tr. 50-53) có nhan đề Kỉnh Phu Tử (Đệ III Hạnh) do Đức Huyền Trân Công Chúa giáng cơ dạy vào giờ Tý, ngày 23-6 Kỷ Hợi (Thứ Ba 28-7-1959).
* Mở đầu, Đức Huyền Trân Công Chúa ban cho bài thơ thất ngôn bát cú như sau :
Thâm thu phong võ dạ thê thê         
Sầu ký thu phong độc tự đề
Kham thán man vương thương hải cuộc
Cánh lân vi diệu thái thương đê
Thao thao cận thủy hoàng lưu thủy
Hạo hạo băng luân khước lạc tây
Nhứt vọng Trường An hoàn dục tiếu
Hà thời nhựt đán khởi văn kê?
Bài thơ có nghĩa (Sđd., tr. 50-51):
Đêm thu sâu thẳm, cơn gió thổi thê lương.
Nỗi sầu gởi theo cơn gió thu, tự mình đề thơ.
Cam chịu và đau xót trước cảnh đời đổi thay mà phải lấy vua mọi [Chế Mân].
Càng thêm đau lòng, cúi đầu đứt ruột.
Con sông gần đấy nước tuôn ồ ạt.
Lãnh đạm chảy cuồn cuộn về hướng tây.
Vọng về Trường An [Thăng Long], ta mong ngày trở lại nở nụ cười.
Ngày nào, sáng sớm nghe tiếng gà gáy?
* Tiếp theo đó, Đức Huyền Trân Công Chúa xưng danh và nhắc phớt qua sự kiện lịch sử khi Ngài còn ở dương trần. Ngài dạy như sau:
HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
Mừng chư hiền đệ muội! Hôm nay Ta thừa lịnh Đức Mẫu Hoàng [Diêu Trì Kim Mẫu] lâm đàn. Than ôi! Có lẽ chư hiền đệ muội cũng có biết qua lịch sử Huyền Trân Công Chúa, một vì thiên kim tiểu thơ nhành vàng lá ngọc, nhưng đã vì quốc gia dân tộc mà phải hy sinh. Phụ vương Ta vì châu Ô, châu Lý mà gả Ta cho vua Hời [Chiêm Thành]. Tuy thế, nhưng mỗi việc Ta đều nghĩ rằng do mạng Trời định đoạt, thành thử có gá nghĩa với một vị quốc vương Hời Mọi chăng nữa, nhưng Ta cũng gìn tròn bổn phận một người vợ sửa túi nâng khăn. Trước hết, Ta vì quốc gia dân tộc Việt Nam, đem thân ngàn vàng đổi châu Ô, châu Lý mà tồn tại đến ngày nay.
* Như nhan đề (Kỉnh Phu Tử) đã nêu, Đức Huyền Trân dạy phụ nữ trau dồi đức hạnh thứ ba là kính trọng chồng. Ngài bảo (Sđd., tr. 52-53):
Hôm nay Ta thừa lịnh Mẹ xuống để tả kinh:
KỈNH PHU TỬ - ĐỆ TAM HẠNH
TRƯỜNG THIÊN
Vu quy kịp buổi đào yêu,([5])
Khuôn trinh là phận phải chìu lang quân [chồng].
Vô vi trong lễ còn răn,
Cang thường sửa túi nâng khăn dám dời [thay đổi].
Nếu chồng lêu lổng ăn chơi,
Nhỏ to ta liệu lấy lời gián can.
Ở ăn vào kỉnh ra nhường,
Nết na nên học Mạnh Quang ([6]) gái hiền.
An phần chớ ngại sang hèn,
Quý hồ hòa thuận, chê khen mặc người.
Lỡ khi chồng có quá lời,
Nín thinh, khuyên chớ đem lời trả treo.
Tiếng cầm tiếng sắt ([7]) dập dìu,
Chồng sang cũng tốt, chồng nghèo cũng cam.
Mẹ cha đã định sắt cầm,
Với người gá nghĩa trăm năm đến già.
Hưng gia chỉ tại ư hòa,([8])
Hòa nhau cơ nghiệp đạo nhà mới nên.
Chớ vì phận bạc đồng tiền,
Hổ ([9]) chồng lại có ai khen chi mình.
Chủ trương nắm giữ gia đình,
Khuyên chung phận gái giữ mình đừng phai.
*
Tôn chỉ của đạo Cao Đài là Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhất. Tôn chỉ này có nghĩa: Ba nền đạo Nho, Lão, Phật trở về nguồn; năm nhánh (Nhân Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, và Phật Đạo) trở về một. Nguồn (nguyên) hay một (nhất) là chỗ từ đó mọi tôn giáo đã phát sinh, tức là Đạo, là Thượng Đế (Chúa Trời). Chính vì từ cùng một chỗ mà sinh ra nên các tôn giáo (vạn giáo) trên thế gian tuy có dị biệt do không gian và thời gian hình thành, phát triển, nhưng chung quy vẫn có những chỗ tương đồng. Bởi vậy đạo Cao Đài chủ trương Vạn giáo nhất lý để loại trừ thói kỳ thị tôn giáo, phân biệt tín ngưỡng.
Trở lại với khía cạnh Thần Đạo trong Ngũ Chi. Việc các danh nhân dân tộc trong lịch sử nước Việt ngày nay được trở lại với con cháu Hồng Lạc qua cơ bút (phương tiện thông công của đạo Cao Đài) có thể xem là khía cạnh Thần Đạo trong tôn giáo Cao Đài. Dĩ nhiên, Thần Đạo trong Cao Đài hoàn toàn không phải là Shinto / Shintoism, tôn giáo cổ truyền hay quốc giáo của dân tộc Phù Tang (Nhật), mà sách vở tiếng Việt quen gọi là Thần Đạo.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 13-6-2015



([1]) Việt Nam Sử Lược. Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu (Bộ Giáo Dục), quyển I, 1971, tr. 167. Về sử gia Trần Trọng Kim, xem bài của Trần Văn Chánh, “Học Giả Trần Trọng Kim”. Đại Đạo Văn Uyển tập Lợi (11) năm Giáp Ngọ (Quý Ba 2014). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014, tr. 126-140.
([2]) Có lẽ do đọc trại từ Lý (Rí).
([3]) Quân: Vua, quân vương. Mân: Chế Mân.
([4]) Có thể tham khảo ba tập sách của Huệ Khải: Vạn Hạnh Thiền Sư Xưa Và Nay; Petrus Ký Xưa Và Nay; Hồ Biểu Chánh Xưa Và Nay. (Đều do Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2014.)
([5]) Buổi đào yêu: Thuở còn thơ ngây.
([6]) Mạnh Quang sống đời Hậu Hán, nết na đoan trang, đến ba mươi vẫn còn kén chồng. Nàng chỉ mong lấy được Lương Hồng, bằng không thì ở vậy suốt đời. Lương Hồng sống cùng địa phương, nhà nghèo nhưng đạo đức, nghe tin đồn mới tìm đến xin cưới Mạnh Quang. Mạnh Quang bằng lòng và ăn mặc lộng lẫy sang trọng lúc vu quy. Lương Hồng phật lòng, nói chỉ muốn lấy vợ áo vải quần gai, cùng chung sống làm ăn, chứ không lấy người đài các. Mạnh Quang bèn thay áo vải quần gai (bố kinh quần thoa), sánh duyên với Lương Hồng, cùng làm thuê làm mướn để mưu sinh. Mạnh Quang kính trọng chồng, khi mời cơm thì nâng mâm cơm ngang mày (cử án tề mi). Do điển tích này, có điển tích bố quần kinh thoa (hay bố kinh) và cử án tề mi. Ca dao: Mạnh Quang khác đấng nữ nhi / Làm thuê ngày tháng nuôi nhau vợ chồng.
([7]) Cầmsắt là hai loại đàn. Cầm do vua Thuấn chế. Sắt do Phục Hy chế. Duyên cầm sắt ám chỉ tình vợ chồng. Kiều: Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm.
([8]) Nhà cửa phát đạt ăn nên làm ra nhờ ở gia đình hòa thuận. Nguyên chữ Hán: Gia hòa vạn sự hưng (Gia đình hòa thuận, mọi việc hưng thịnh.)
([9]) Hổ: xấu hổ. (Năm chú thích từ 5 đến 9 đều trích trong Minh Thiện Chơn Kinh, bản in 2015.)