Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / “VĂN HÓA TÔN GIÁO VỚI SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM” / Thượng Phẩm NGUYỄN VĂN LÃNH


Sáng 13-5-2015 tại Hà Nội, Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Văn hóa tôn giáo với sự phát triển bền vững ở Việt Nam”. Đại diện nhiều tổ chức tôn giáo Việt Nam cùng đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo. Tại hội thảo này, Anh Lớn Thượng Phẩm NGUYỄN VĂN LÃNH (Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo) đã có bài tham luận. Văn Uyển chân thành cảm ơn Anh Lớn Thượng Phẩm đã cho phép trích đăng như dưới đây.
Khi con người xuất hiện trên quả địa cầu này thì lòng tín ngưỡng cũng nảy sinh và sau đó tôn giáo ra đời. Tôn giáo có từ thời cổ đại cùng song hành và phát triển với lịch sử loài người. Nước Việt Nam là nước có truyền thống văn hóa lâu đời và cũng là một quốc gia đa tôn giáo, đa sắc tộc. Các tôn giáo ở Việt Nam nhìn chung đều gắn bó với dân tộc, đồng thời là một nhân tố xã hội và văn hóa tích cực góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Yêu nước là một truyền thống quý báu của các tín đồ và tuyệt đại đa số chức sắc tôn giáo ở Việt Nam. Hơn ai hết, đồng bào các tôn giáo hiểu rốt ráo rằng Tổ Quốc có độc lập, tôn giáo mới tự do.
Đạo Cao Đài là một tôn giáo do chính Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, tá danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát làm Giáo Chủ khai mở tại Việt Nam vào đầu thế kỷ Hai Mươi.([1]) Tôn chỉ của đạo Cao Đài là đưa Tam Giáo trở về nguồn cội, đưa Ngũ Chi trở về với một gốc ban đầu. Như vậy, giáo lý Cao Đài đã chỉ rõ: “Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt” là con đường kế thừa tinh túy của Tam Giáo, kết hợp với tân pháp Cao Đài sẽ hóa giải thực trạng kỳ thị sắc tộc, tôn giáo.
Các tôn giáo có khác nhau là bởi thời đại và hoàn cảnh lập giáo khác nhau. Tôn giáo khai sáng ở thời nào, ở dân tộc nào thì chịu ánh hưởng của xã hội, tập quán, phong hóa của riêng địa phương đó. Còn ngày nay, năm châu chung chợ, bốn biển chung nhà, mọi rào cản không gian và thời gian hầu như bị vô hiệu, thì cần có một tôn giáo mới có giáo lý mới mẻ, phù hợp với thời đại, chỉ rõ nguồn cội để con người nhận ra chân lý chỉ có một, các đấng Giáo Chủ đều do Đức Thượng Đế phân thân giáng trần lập Đạo để soi dẫn lương sanh. Hiểu được điều nầy, toàn linh sẽ chung tay xây dựng một thế giới đại đồng. Khi hiểu rằng nhân loại và các tôn giáo đều có chung một nguồn gốc sanh ra, thì con người sẽ không còn phân biệt giữa các dân tộc, màu da, sắc tóc, tôn giáo, v.v…
Đạo Cao Đài mở ra với mục đích cứu rỗi nhơn sanh để xây dựng đời thượng nguơn thánh đức với tiêu chí là công bình, bác ái, từ bi; kiến tạo một xã hội văn minh đạo đức, không còn kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc, mà biết sống theo ý hướng quên mình để làm nên cho người. Mục đích Đạo Cao Đài hướng đến hai phương diện:
* Về mặt đời sống vật chất: Hướng tới một xã hội lý tưởng, không phân biệt giai cấp, dân tộc, quốc gia, mọi người đều được sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc.
* Về mặt đời sống tinh thần: Nhằm giải thoát khỏi khổ đau ràng buộc của cuộc đời, thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Phương pháp thực hành của đạo Cao Đài là thực hiện theo “Bài Thương Yêu” của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (in trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển). “Bài Thương Yêu” cốt yếu chỉ rõ Đức Chí Tôn là Đấng sản sinh ra sự thương yêu. Chỉ có sự thương yêu mới bảo tồn được càn khôn thế giới, mới bền cơ sanh hóa và phát triển. Trái ngược với thương yêu là sự ghét. Ghét nhau là đưa đến cơ tiêu diệt.
Sự thương yêu sẽ đưa nhân loại từ chỗ chia rẽ nghịch thù, tương tàn tương sát, đến cuộc sống tuyệt khổ đại đồng yêu thương, không còn kỳ thị tôn giáo, phân biệt sắc tộc, mà biết giúp đỡ dìu dắt nhau cùng tiến bộ để xây dựng cuộc đời hạnh phúc. Con người biết thương yêu, đoàn kết thì xã hội sẽ phát triển bền vững.
Người đạo Cao Đài thực hành Ngũ Giới CấmTứ Đại Điều Quy là xây dựng xã hội an ninh và giữ gìn môi trường xanh cho cuộc sống. Ngũ Giới Cấm là để bảo đảm cho xã hội trật tự bình yên, tuân thủ theo pháp luật, con người sống hòa ái, biết giúp đỡ nhau, sống vì cộng đồng, không ích kỷ vụ lợi, mọi mâu thuẫn đều giải quyết bằng hòa giải, không cậy quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân, v.v…
Tân Luật Cao Đài cũng quy định từ hàng tín đồ thực hiện ăn chay kỳ đến ăn chay trường. Ãn chay để bảo vệ sức khỏe, để bảo vệ môi trường. Như vậy giới luật tôn giáo Cao Đài quy định ăn chay cũng là góp phần bảo vệ sức khỏe con người, là nguồn lực quan trọng để xây dựng đất nước và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường thiên nhiên, ngôi nhà chung của nhân loại.
Văn hóa Cao Đài góp phần bảo vệ hòa bình thế giới, đoàn kết yêu thương toàn nhân loại; đó là các nhân tố để đất nước ta phát triển bền vững.([2])
Thượng Phẩm NGUYỄN VĂN LÃNH
Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo



([1]) Với chủ đề “Tôn giáo với tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh” do Ban Tôn Giáo Chính Phủ tổ chức, ngày 27-4-2015, tại 145 Lý Chính Thắng, Quận 3, TpHCM, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đã có buổi gặp mt thân mật giữa với lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam hiện nay. Tại buổi gặp mặt này, Anh Lớn Thượng Phẩm Nguyễn Văn Lãnh cho biết: “Hiện nay đạo Cao Đài trong cả nước có 1.284 thánh thất, thánh tịnh với hơn 11.278 chức sắc, 23.636 chức việc, 2.270.418 tín đồ…” (Anh Lớn Thượng Phẩm sinh năm 1943, người xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.)
[Văn Uyển chú]
([2]) Phát triển bền vững (sustainable development) là một khái niệm ra đời ở phương Tây vào năm 1980.
[Văn Uyển chú]