Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 18 / ĐẾN VỚI NGÀY VUI THÁNH THẤT TÂN PHÚ 1 / Lê Thị Nô


Trời mờ sáng, chiếc xe mười sáu chỗ bắt đầu lăn bánh. Chúng tôi khởi hành từ thánh thất Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) trực chỉ phà Đình Khao thuộc tỉnh Vĩnh Long để sang tỉnh Bến Tre dự lễ khánh thành thánh thất Tân Phú 1. Mọi thứ lo toan về cuộc sống đời thường bỏ lại phía sau, trước mắt thênh thang con đường tu học, hành đạo.
Đạo hữu Thanh Tùng trẻ tuổi nhất trong đoàn, bao giờ cũng chu đáo và nhiệt tình. Tuy rất bận bịu trong công việc của một doanh nhân, nhưng khi có đạo sự Thanh Tùng lại thu xếp việc đời, sốt sắng lấy xe đưa họ đạo đi giao lưu, học hỏi và hành đạo.
Mọi người đều hoan hỷ, vì chuyến đi được trang bị đủ thứ: nước uống, bánh bao chay ăn sáng, thùng kinh sách nhỏ (chọn từ chương trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo để chia sẻ lại họ đạo ở xa), và có cả những lương khô cần thiết chuyển về Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo.
Tuy sinh trưởng ở miền Tây, nhưng khi đối cảnh thiên nhiên sông nước hữu tình của vùng đất nổi tiếng về cây ăn quả, vào buổi sáng tinh mơ, không khí trong lành, không gian tĩnh lặng, thánh khiết, chúng tôi có cảm giác lâng lâng sảng khoái.
Tới phà Tân Phú, mới 6 giờ rưỡi sáng. Bến phà vắng khách, chúng tôi có dịp xuống xe, nhìn chung quanh, và không ngớt trầm trồ vườn sa kê bát ngát trước mắt. Sự ưu đãi quá lớn của Hóa Công ban cho vùng đất phù sa màu mỡ này, cùng với sự cần cù lao động của con người đã làm nên sức sống tươi mát yên bình cho Bến Tre, thánh địa của Cao Đài Ban Chỉnh Đạo.
Qua phà Tân Phú, theo bản đồ hướng dẫn lộ trình, chúng tôi dễ dàng nhận ra đường vào thánh thất. Gởi xe ngoài ngã tư Tân Bắc, theo dòng người áo trắng, chúng tôi cảm nhận được sự an bài, soi dẫn của Thầy Mẹ. Mấy năm gần đây, những thánh tịnh, thánh thất vẫn liên tục xây dựng, khánh thành; kinh sách có điều kiện in ấn phổ biến, và những người con áo trắng có cơ hội chiêm ngưỡng, sẻ chia, mở rộng đời sống tâm linh, tinh tấn trên con đường tu học trong thời tận độ.
Trước kia thánh thất Tân Phú 1 nguyên là một nhà tu cất trên diện tích 3.291,5 mét vuông, do ông Hà Văn Khoan phụng hiến. Nhà tu tọa lạc ở đầu cù lao Bảo, thuộc ấp Tân Nam, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, nằm gần tỉnh lộ 884 về phía nam khoảng 300 mét, trực thuộc họ đạo Tiên Thủy. Những vị hướng đạo đầu tiên khai lập nhà tu là quý ông Hà Văn Khoan, Văn Ngọc, Văn Hượt và quý bà Hương Lợi, Hương Huờn. Số tín đồ bấy giờ là 113 vị (gồm 51 nam, 62 nữ).
Sau khi nhà tu Tân Phú hoàn thành, Ban Quản Lý cùng toàn đạo tu hành theo đường lối hành đạo của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương. Cơ sở phước điền có diện tích 4.363 mét vuông đất vườn do ông Văn Ngọc phụng hiến để toàn đạo có nơi làm công quả, tạo huê lợi cho nhà tu.
Lần hồi người nhập môn vào đạo ngày càng đông, cơ sở nhà tu không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhơn sanh đang gia tăng.
Năm 1945, Hội Thánh cho phép lập họ đạo Tân Phú và xây dựng thánh thất theo Đạo lịnh số 01/ĐLTT ngày 26-10 Ất Dậu (Thứ Sáu 30-11-1945).
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, họ đạo Tân Phú vẫn vững vàng phát triển, góp phần làm cho danh Đạo tỏa sáng. Thánh thất đã được chính quyền công nhận là cơ sở thờ tự văn hóa.
* Từ 1945 đến 1974, quý vị Đầu Họ Đạo gồm có:
1945-1949: Giáo Hữu Ngọc Trượng Thanh.
1950-1954: Giáo Hữu Thái Bí Thanh.
1954-1958: Giáo Hữu Thái Chức Thanh.
1958-1962: Giáo Hữu Thượng Minh Thanh.
1962-1968: Giáo Hữu Thái Năng Thanh.
1969-1974: Giáo Hữu Thái Khoan Thanh.
* Từ 1975 đến nay, quý vị Quyền Đầu Họ Đạo gồm có:
1975-1982: Lễ Sanh Ngọc Quế Thanh.
1983-2008: Lễ Sanh Ngọc Bân Thanh.
2009 đến nay: Lễ Sanh Thái Nhịn Thanh.
Được Hội Thánh chấp thuận, vào ngày 06-12 Giáp Ngọ (Chủ Nhật 25-01-2015) họ đạo tổ chức lễ khởi công xây dựng lại thánh thất Tân Phú 1 theo mẫu Hội Thánh quy định. Công trình hoàn tất và lễ khánh thành được tổ chức vào ngày 12-02 Bính Thân (Chủ Nhật 20-3-2016).
Buổi lễ được tổ chức rất long trọng và trang nghiêm với sự giúp đỡ của Hội Thánh và chính quyền. Trong hoàn cảnh chung của Bến Tre và nhiều tỉnh miền Tây là nước sinh hoạt đang bị nhiễm mặn, ban tổ chức vẫn vượt qua những khó khăn để tiếp đãi quan khách gần xa vô cùng niềm nở, ân cần và chu đáo.
Theo bản báo cáo kết quả xây dựng, chúng tôi biết rằng ngoài số tổng thâu (986.210.000 đồng) và tổng xuất (1.459.200.000 đồng), còn có sự đóng góp tích cực của quý đạo tâm về vật tư (670 bao xi măng), và công quả lao động (768 ngày), đồng thời còn có rất nhiều nhu yếu phẩm phục vụ trong suốt quá trình xây dựng. Hèn chi, trên gương mặt rạng rỡ của các tín hữu sở tại vẫn đang ánh lên niềm tự hào về sự đóng góp của mỗi người vào ngôi nhà chung này.
Chúng tôi thầm tạ ơn các Đấng Cao Dày đã tạo duyên lành cho các tín đồ, đạo tâm cùng góp phần công quả, để mọi người có ý thức làm chủ trong xây dựng và bảo tồn cơ sở vật chất, làm nền cho mọi sinh hoạt tu học tâm linh.
Giã từ thánh thất Tân Phú I, hướng về thành phố Bến Tre, lòng chúng tôi mãi ngân nga hai câu lục bát treo trước Hiệp Thiên Đài:
Cầu xin trăm họ bình an
Nước giàu dân mạnh thanh nhàn muôn năm.
Đây không chỉ là hai câu kết thúc Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối mà Đức Đông Phương Lão Tổ ban cho tín hữu chúng ta; đây cũng là nguyện ước chung của người tín hữu Cao Đài về mặt nhân sinh thế đạo.
LÊ THỊ NÔ
Văn Uyển rất vui khi được quý đạo hữu các nơi gởi bài và hình ảnh tường thuật sinh hoạt tu học tại địa phương mình.
Những thông tin bổ ích này giúp cộng đồng áo trắng chúng ta thêm gần gũi nhau, vì có dịp hiểu biết nhau.
Những tin vui từ các họ đạo luôn luôn mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp đồng đạo chúng ta thêm lạc quan, phấn khởi, thấy rằng sự thành tựu của họ đạo bạn cũng là của họ đạo mình, vì tất cả đều là anh chị em linh sơn cốt nhục có chung một Ngọc Đế Trời Cha.
Bằng những tình cảm mỹ miều như vậy, đàn con áo trắng chúng ta đang thật sự xích lại với nhau, cùng thổi bùng lên ước vọng về một Hội Thánh Cao Đài thống nhất cho đúng lời Thầy dạy (20-02-1926): “Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.”