Lễ Sanh Nguyễn Hữu Văn (1927-2000)
Việc gì đến sẽ đến. Câu nói xác quyết này luôn không sai. Việc tiếp nhận
nguồn tâm linh tại đất Thanh Hóa là việc đã đến. Đây là một thành tựu do kết
hợp cảm ứng giữa ân phước thiêng liêng và hoài mong của những tấm lòng chí
thành trên đường hướng vọng tâm linh, đồng thời được trợ duyên un đúc bằng
những tấm lòng kiên trì vượt khổ, vượt khó của tín chúng.
Trong suốt một thời gian dài, những tín tâm được ơn gọi đầu tiên ở Thanh
Hóa đã âm thầm sẻ chia, phát triển, gầy dựng thành một tập thể tín hữu Cao Đài
thuộc Hội Thánh Truyền Giáo. Các tín hữu đã quây quần với nhau trong điển quang
của nền tân pháp, đã truyền cho nhau về ơn cứu độ Kỳ Ba, đã chan hòa tình đồng
môn, đồng đạo trong tình thương yêu và cùng đồng hành trên đường hằng sống… Mong
ước thiết tha của các tín hữu Thanh Hóa là được Nhà Nước công nhận pháp nhân về
mặt tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo Cao Đài trong hệ thống Hội Thánh
Truyền Giáo Cao Đài. Đến năm 2014 mong ước chính đáng đó đã được thành tựu sau
bao năm tháng đợi chờ, bao nhiêu công sức nhẫn nại giải trình…
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (hay đạo Cao Đài nói tắt) là một nguồn tâm linh
được Đức Thượng Đế Chí Tôn khai mở trên quê hương Việt Nam . Trong buổi
đầu năm 1926 tại miền Nam ,
Đức Thượng Đế dạy:
Hảo Nam bang, hảo Nam bang
Tiểu quốc tảo khai hội Niết Bàn
Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo
Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian
Thi ân tế chúng thiên tai tận
Nhược thiệt nhược hư vạn đại an
Chí bửu nhân sanh vô giá định
Năng tri giác thế sắc Cao ban.
Đạo Cao Đài được thiết lập ở cõi người qua phương tiện điển quang cơ bút.
Dù chúng nhân đã cảm nhận hay chưa cảm nhận thì đây vẫn là một thực thể sống
động.
Năm 1933, khi chuẩn bị đưa Đạo về Trung Kỳ, Đức Giáo Chủ Cao Đài Thượng
Đế lâm cơ dạy như sau:
Thầy lần nầy lại đến cõi trần mà dắt
các con lên địa vị cao trọng nhất trong hoàn cầu, để cho thế giới biết luật
công bình. Đời bỏ ra thì Trời nhận lấy, còn thiệt thòi vật chất thì vinh hạnh ở
tinh thần. Các con thấy lòng Thầy thương yêu đến mức nào. Thế mà các con khờ
dại quá! Thầy đã đem trao chánh pháp cho các con dựng nên Đạo cả. Đạo là hồn
của nhân loại, mà các con nào thấy đó là của quý xứng đáng bởi Trời mà đến. Các
con chưa để tâm gìn giữ tô bồi. Các con lo chạy quẩn đi quanh theo bả đời danh
lợi, cầu cạnh lấy chút thừa thải hôi tanh mà cho là thú vị, rồi đem thân lòn
cúi, quơ quét chút vỏ văn minh vật chất, nào thấy nhục hổ cho nòi giống nước
nhà. Các con muốn yêu dân quý nước, sao không lo tu học lấy Đạo Trời, để được quyền
pháp trọn trao làm cho rực rỡ tuổi tên, rạng danh đất nước? Nếu các con cầu lợi
cũng vị tất hơn người, nếu cầu danh may ra cũng được cái danh tôi tớ, thì đua
chen sao kịp với đời!
Lời dạy của Đức Cao Đài Giáo Chủ vào năm 1933, giai đoạn dân Việt Nam
đang chịu dưới ách thống trị của thực dân Pháp – kẻ sĩ phu yêu nước thì chưa có
phương thế cứu dân, người muốn an phận thì chịu cảnh cúi lòn ô nhục. Đức Chí
Tôn đã xuống phước cho dân tộc nầy, cho non sông đất Việt nầy bằng mối đạo Cao
Đài, làm cho dân tộc nầy sánh cùng nhân loại, đất nước này được thái hòa thánh
đức. Chánh pháp được phục hưng để nhân loại trông vào đây mà được cứu, tin vào
đây để được sống an lành.
Có một điều hầu như hiển nhiên từ cổ lai đến bây giờ: Mọi tôn giáo ra đời
đều không được con người đón nhận cách dễ dàng mà luôn bị thiên ma bách chiết.([1]) Đạo Cao Đài ra đời vào đầu thế kỷ 20
trên mảnh đất nhỏ bé lại bị chia để trị, đồng thời có nhiều lực lượng vùng lên
chống ngoại bang. Cho nên một tôn giáo vừa lạ lẫm về tên gọi, vừa khác thường
về giáo thuyết đã khiến cho nhiều giới ngại ngùng lo sợ. Giới cầm quyền sợ Cao
Đài là hội kín, giới chính trị cho là tôn giáo trá hình, giới trí thức e rằng
Cao Đài là tà giáo mê tín dị đoan, giới tôn giáo sợ rằng Cao Đài sẽ lấn giáo
sở, quyến dụ tín đồ, và chính trong nội bộ Cao Đài cũng chia rẽ phân hóa thành
chi nầy phái nọ. Tuy nhiên:
Cao Đài là cái đài cao
Vượt trên tất cả đón rào ngăn che.
(Quảng Đức Chơn Tiên)
Không những Cao Đài tiếp tục duy trì và phát triển trong mọi điều kiện
khắc nghiệt qua mọi giai đoạn, mọi chính thể trong nước mà còn xiển dương ra
năm châu bốn bể, để đáp ứng đúng thời kỳ và vận hội tâm linh toàn cầu bằng
chánh pháp dựa trên sự sống và tình thương.
Đức Thượng Đế Chí Tôn mở đạo Cao Đài với hai đạo mạch: một là tâm pháp vô
vi nội giáo tâm truyền, hai là tướng pháp hữu vi ngoại giáo công truyền. Hai
đạo mạch nầy đã “ứng hóa theo lòng chúng sanh” tuôn chảy vào dân tộc ngay từ
năm 1926. Đến ba mươi năm sau Đức Chí Tôn lại mở cơ Đạo quy nhứt tại trung tâm
nước Việt, hiệp hai đạo mạch lại một dòng bằng phương thức chỉnh cơ, chỉnh pháp
gọi là Trung Hưng Chánh Pháp đặt sứ mạng cho Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Hơn năm mươi năm, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã vượt mọi gian nan thử
thách trên đường phụng hành sứ mạng, luôn luôn hướng theo lập trường thuần chân
vô ngã, thuần túy đạo đức. Những ai hữu duyên thì Hội Thánh sẵn sàng trợ duyên,
tạo sự thuận duyên để cùng nhau đồng hội đồng thuyền trên dòng sông tận độ.
Năm 1996 Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài nhận được tư cách pháp nhân; sau
đó một thời gian, một số thiện nam tín nữ của sông Mã, sông Chu, Phố Cát, đã
vào Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng) để tìm hiểu, học đạo và cầu đạo. Tuần tự, từng
tháng từng năm, nhiều người nầy đến nhiều người khác đã vào nhập môn Cao Đài.
Từ đó hình thành nhóm tín hữu Cao Đài tại Thanh Hóa (tiếp theo là Nghệ An). Đến
năm 2014 tập thể tín hữu Cao Đài Thanh Hóa được tu học, lập nơi thờ phượng lễ
bái, xây dựng nếp sống tâm linh trong cộng đồng dân tộc, phát huy nền văn hóa
Cao Đài, hòa đồng vào mục tiêu cải thiện thế gian thành cảnh đại đồng yêu
thương, đùm bọc trong điển quang cứu độ của thời pháp Cao Đài.
Hướng lòng về cộng đồng tín hữu Cao Đài Thanh Hóa, xin chí thành ngưỡng
vọng Đức Đại Từ Phụ đã vận chuyển nguồn ân về cho Thanh Hóa, xin tưởng niệm đến
chân linh cố Lễ Sanh Nguyễn Hữu Văn (1927-2000) là người đầu tiên đã tiếp được
nguồn chân phúc Cao Đài.
Có gan góc mới tìm được Đạo
Có từ bi mới tạo nên Tiên
Có sông mới đóng ra thuyền
Có người tội lỗi mới truyền pháp tu.
(Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch)
Quý đạo hữu Thanh Hóa đã có gan góc, đã tìm được Đạo, bây giờ quý đạo hữu
tiếp tục dõng mãnh trau giồi tâm hạnh, kiên định đức tin, chăm lo lập công bồi
đức, tu cho mình và giúp cho người nên đạo. Những tâm trường Cao Đài khắp nơi luôn
hướng lòng về Cao Đài Thanh Hóa với tinh thần hỗ tương đồng tiến, với giáo huấn
anh trước em sau, dìu dắt nhau đến nơi Bồng Đảo.
Theo tài liệu của Hội
Thánh Truyền Giáo Cao Đài