Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / GIÓ BỐN PHƯƠNG


Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8

* Hiền tỷ Nguyễn Thị Hương (giáo viên, Ô Môn, Cần Thơ). Thư ngày 27-3-2015:
Thỉnh thoảng dự lễ ở thánh thất hay thánh tịnh, tôi nghe một số đạo huynh, đạo tỷ khi tự xưng với quan khách lại nói là hiền đệ / hiền muội kính chào quý vị”. Cũng vậy, có vị lớn tuổi hỏi tôi: “Em cho hiền tỷ hỏi thăm, em ở thánh thất nào vậy?” Tôi nghĩ rằng xưng hô như vậy là không đúng. Kính mong Văn Uyển vui lòng giải thích rõ.
Ban Ấn Tống: Hiền tỷ kính mến, hiền tỷ nhận xét rất đúng. Khi gọi người đối diện (ngôi thứ hai) thay vì nói đạo huynh, đạo tỷ, đạo đệ, đạo muội, ta có thể gọi người đối diện là hiền huynh, hiền tỷ, hiền đệ, hiền muội. Ta KHÔNG thể tự xưng (gọi chính mình) là hiền huynh, hiền tỷ, hiền đệ, hiền muội.
Khi tự xưng (ngôi thứ nhất), thay vì nói tôi, anh, chị, em, ta có thể tự xưng là đạo huynh, đạo tỷ, đạo đệ, đạo muội; hoặc tự xưng là huynh, tỷ, đệ, muội. Có vị khiêm tốn, khi tự xưng thì nói tệ huynh, tệ tỷ, tệ đệ, tệ muội.
Sau đây là hai lỗi khác thường nghe trong các cuộc lễ:
* Khi cảm tạ quan khách, một số người quen nói thế này: Chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị đã nhín chút thời giờ quý báu đến dự lễ.
Nói như thế không nên. Khách đến dự lễ ngồi vài tiếng đồng hồ; có vị ở xa, đi xe đến và trở về mất thêm vài giờ nữa. Như vậy, thật sự đã mất thời gian nhiều lắm, đâu thể nói là cảm ơn quý vị đã nhín chút thời giờ đến dự lễ”.
Lẽ ra nên nói như sau: Chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị đã dành rất nhiều thời giờ quý báu đến dự lễ.
* Có vị mời khách lại nói thế này: Tôi có nhã ý kính mời đạo huynh (đạo tỷ) đóng góp ý kiến.
Nói như thế là sai, lẽ ra nên nói: Tôi trân trọng kính mời đạo huynh (đạo tỷ) đóng góp ý kiến.
Tuy nhiên, người khách được mời bấy giờ có thể đáp: Tôi xin cảm ơn nhã ý của hiền huynh (hiền tỷ).
*
* Một tu sinh ở Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (quận 1, TpHCM). Hỏi qua tin nhắn ngày 17-4-2015.
Ngày nay em thấy phần đông người ta hay nói, viết là thập kỷ (theo nghĩa mười năm); chỉ riêng sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo luôn luôn dùng chữ thập niên. Xin vui lòng cho em biết tại sao vậy.
Ban Ấn Tống: Hiền muội mến, mặc dù xã hội quen dùng sai từ, chúng ta nên có ý thức dùng cho đúng, không bắt chước cái sai đó rồi lại lan truyền cái sai qua các phương tiện truyền thông. Xin trả lời hiền muội như sau:
Thập niên 十年 là mười năm (a decade). Nói về sự sung sướng ở đời, thơ xưa có câu: Thập niên đại hạn phùng cam lộ. 十年大旱夆甘露. Hạn hán suốt mười năm mà lại gặp cơn mưa nước mát ngọt [thì rất sướng].
Nhất kỷ là mười hai năm. Thập kỷ là mười lần mười hai năm, tức là một trăm hai mươi năm!
Thế kỷ 世紀 là một trăm năm (a century).
*
* Hiền huynh Thanh Vân (CQPTGL). Hỏi 24-5-2015.
Của hoạnh tài là gì? Tại sao thánh giáo dạy rằng chúng ta không thể đem của hoạnh tài vào đạo để làm công quả?
Huệ Khải: Hiền huynh mến, hoạnh là tính từ, có nghĩa là bất ngờ, đột ngột (với nghĩa xấu). Từ Bá 詞霸 (www.iciba.com) dịch sang tiếng Anh là unexpected (bất ngờ), perverse (bất công), unreasonable (không hợp lý).
Hoạnh sự 橫事 là việc bất ngờ. Từ Bá dịch là a bad accident (việc xấu thình lình xảy tới); unlucky happenings (những việc rủi ro xảy ra).
Hoạnh họa 橫禍 là tai họa đột ngột. Từ Bá dịch là unexpected calamity, sudden misfortune.
Hoạnh nạn 橫難 là tai nạn bất ngờ, cũng như hoạnh họa.
Hoạnh tài 橫財 là tiền bất ngờ, nó mang ý nghĩa xấu. Do đó Từ Bá dịch là: ill-gotten wealth / ill gains (của cải kiếm được bằng cách bất chánh); a fortune which one doesn’t deserve (một tài sản mà người ta không xứng đáng có).
Thí dụ, tiền trúng số, tiền thắng các cược hay tiền có được do cờ bạc, tiền tham nhũng, tiền trộm cướp, v.v... đều là của hoạnh tài. Tiền ấy không do mồ hôi lao động kiếm được một cách lương thiện. Tiền đó là tiền phi nghĩa.
Làm đạo, làm công quả phải dùng đồng tiền lương thiện do bản thân mình cực khổ lao động mới có ý nghĩa. Bởi thế, thánh giáo dạy tín đồ không được đem của hoạnh tài vào cửa đạo.
Có một chuyện mà tôi không chép vào quyển Lịch Sử Thánh Thất Cao Đài Thủ Đô Hà Nội.([1]) Trong những ngày tá túc ở thánh thất Hà Nội thu thập sử liệu (1993), có lần tôi hỏi Chị Lớn Hương Bình (Ngô Thị Bình): Thưa cô Hai, ngoài Bắc không có cơ bút, không có đàn cơ, vậy cụ Sáu (Tô Văn Pho) và cô tu ra sao?
Chị Lớn trả lời tôi: Hai nằm mơ, em à. Mà linh lắm! Rồi Chị Lớn kể tôi nghe chuyện này:
Là giáo viên nghỉ hưu, lương hưu hàng tháng lãnh được bao nhiêu Chị Lớn đều đem gởi tiết kiệm để phòng khi thánh thất cần chi tiêu việc gì thì rút ra trang trải.
Năm ấy, thấy thánh thất quá cũ kỹ, liệu rằng tiền tiết kiệm không đủ sửa chữa nên Chị Lớn mua một, hai tờ vé số, dụng ý là xin Ơn Trên phù hộ trúng số thì có đủ tiền lo sửa chữa thánh thất.
Chị Lớn xếp mấy tờ vé số gọn lại rồi nhét vào sau khung ảnh trên bàn thờ. (Tôi không nhớ rõ là trên Thiên Bàn hay bàn thờ ở Báo Ân Từ.) Ngay đêm đó, Chị Lớn nằm mơ, thấy một vị Thần nét mặt rất nghiêm nghị, chỉ ngón tay vào mặt Chị Lớn mà mắng: Chớ có láo!
Giật mình thức giấc, vã mồ hôi sợ hãi, Chị Lớn liền choàng dậy đi rửa mặt, súc miệng, rồi mặc áo dài ra trước bàn thờ thắp hương tạ lỗi. Chị Lớn lấy mấy tờ vé số ra khỏi chỗ đã giấu và bỏ đi. Từ đó về sau không bao giờ Chị Lớn mua vé số nữa.
Một chuyện khác liên quan “của hoạnh tài” xảy ra năm 1964 với các đạo tỷ ở Sài Gòn ra Trung hành đạo. Quý đạo tỷ mua vé số ở chùa Non Nước với thiện ý góp phần trang trải chi phí khứ hồi của đoàn. Về Sài Gòn, trong đàn cơ tổng kết chuyến đi Trung tại Thiên Lý Đàn ngày 16-7-1964, Ơn Trên dạy về việc mua vé số: “Nhưng của hoạnh tài có bao giờ đem vào trong cửa đạo.” ([2])
*
* Hiền huynh Hồ Đạo Hạnh, hiền tỷ Hoàng Cúc (Chu Văn An, P12, Bình Thạnh). E-mail ngày 30-5-2015.
Chúng tôi đã đọc quyển Minh Giáo Thánh Truyền - Thi Văn Diệu Lý (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015; quyển 88-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo). Thật khoan khoái khi thưởng thức đủ thể loại thi phú của Tiên Thánh mà chúng ta hữu hạnh tiếp nhận qua cơ bút Cao Đài; và cũng cảm ơn quý anh biên soạn, chú giải... rất công phu, tỉ mỉ, đúng với “phong cách” bấy lâu của Chương Trình Ấn Tống!
Nhân tiện, chúng tôi đề nghị rằng thay vì dùng chữ chiết quán thủ thì nói chiết khoán thủ (hay khoán tâm, khoán vĩ) có lẽ dễ hiểu hơn. Ban Ấn Tống nghĩ sao?
Ban Ấn Tống: Thưa hiền huynh và hiền tỷ quý mến, rất vui khi thấy quý huynh tỷ đọc kinh sách ấn tống rất kỹ và nhiệt tình góp ý cho chúng tôi. Về hai chữ quán thủ, chúng tôi trình bày như sau:
Quán = khán = nhìn coi, xem xét. Quán thủ 觀首 = khán thủ 看首 = Xem xét chữ đầu câu thơ (to view the first word in each line).
Chúng tôi đoán khoán thủ là do bà con đọc trại từ khán thủ. Vậy, khoán thủ là giao ước lấy chữ đầu câu thơ mà xét.
Tóm lại, nói quán thủ / khán thủ / khoán thủ là theo thói quen hay sở thích của mỗi người.
*
* Hiền tỷ Trương Thị Thà (Bến Tre). Thư ngày 05-6-2015.
Đi dự các lễ tang trong đạo mà có đọc đíếu văn, tôi thường nghe lúc thì nói phụng mệnh, lúc thì nói phục mệnh. Xin hỏi là chúng ta nên nói thế nào mới đúng?
Huệ Khải: Thưa hiền tỷ, hai từ này ý nghĩa khác nhau:
Phụng mệnh 奉命 là vâng lệnh, tuân lệnh (to receive an order; to act under an order).
Phục mệnh 復命 là trở về báo cáo công việc sau khi hoàn thành sứ mạng (to report on completion of one’s mission).
Do đó, khi một vị hướng đạo qua đời, ta nói vị ấy phục mệnh Ngọc Hư Cung tức là ngụ ý bảo rằng vị ấy đã hoàn thành sứ mạng và đã trở về trước Đức Chí Tôn trên Ngọc Hư Cung để báo cáo (phúc trình) kết quả hành đạo của vị ấy tại thế gian.
Tóm lại, thay vì nói từ trần, tạ thế, qua đời, quy thiên, quy liễu, liễu đạo, thoát xác, v.v... chúng ta có thể nói là phục mệnh Đức Chí Tôn.
*
* Hiền huynh Nguyễn Quang Tín (Họ đạo Trung Dương, HT Truyền Giáo). Hỏi qua tin nhắn ngày 09-6-2015.
Hôm nay đọc lại Văn Uyển tập Trinh 2014 (số 12), trang 192, thấy câu “Cam lộ môn khai”, nhưng tôi hay nghe nhiều người nói là cam lồ. Xin hỏi, nói thế nào mới đúng?
Ban Ấn Tống: Thưa hiền huynh, chữ 甘露 đọc đúng là cam lộ. Nhưng dân gian quen đọc trại ra là cam lồ.([3])
Đọc trại âm chữ Hán là hiện tượng thông thường trong tiếng Việt, chẳng hạn như 精舍 tinh xá người Việt quen đọc trại thành tịnh xá. (Tinh là trong sạch, thuần khiết, sáng đẹp...).
Nhân tiện nói về hai chữ cam lồ, xin kể huynh nghe chuyện vui: Chúng tôi có người bạn đạo làm thầy giáo, nên vợ thầy được học trò gọi là . Cô rất khéo tay làm bánh mứt. Học trò đến thăm thầy thường được mời vài món bánh mứt do cô tự tay làm rất đẹp mắt và thơm ngon. Có điều, ông chủ nhà mỗi khi mời khách dùng các món ngọt lại nói: “Nào, xin dùng thử món cam lồ.” Học trò nào mới ghé nhà thầy lần đầu sẽ ngẩn người ra, không hiểu thầy nói gì. Bấy giờ thầy giáo cười, giải thích: “Món cam lồ là món cô làm, không phải hàng mua ngoài chợ.”
Chân thành cảm ơn hiền huynh suốt bảy năm qua đã tích cực phổ biến kinh sách ấn tống tại Lâm Đồng.
Xin cùng nhau cầu nguyện cho mạng lưới phát hành của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống càng ngày càng mở rộng và hiệu quả hơn, nhờ vào những tấm lòng nhiệt thành hoằng pháp như hiền huynh và quý tín hữu đồng tâm đồng chí ở các thành phố, tỉnh, huyện, xã, cao nguyên...
*
* Bác sĩ Trần Mộc Thôn (ấp Xóm Ruộng, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). E-mail ngày 20-6-2015.
Tôi muốn bày tỏ vài dòng cảm nghĩ khi đọc Văn Uyển tập Trinh 2014:
Hiền huynh Võ Văn Pho viết bài “Điều Con Học Từ Mẹ" quá hay! Chỉ có hai câu thơ, huynh đã phô diễn một tuyệt kỹ thi nhân:
Dầm trong dằng dặc mưa xa
Lòng con ướt tận quê nhà mẹ ơi.
Huynh viết thêm vài dòng chữ: “Tôi mắc cạn giữa lòng phố thị, nhớ mẹ chỉ còn biết gởi vào thơ...”
Rõ là thi thố nội lực thượng thừa của một cao thủ. Xin bái phục! Bái phục!
Huệ Khải: Thưa Trần đại phu, đọc văn đọc thơ mà cảm thụ tới cái mức như đại phu thì rõ ra người cũng là “cao thủ” nên mới lường được “ngón nghề” của nhau. Bởi thế nên tệ hữu bèn xin cụ Tố Như đại xá mà cải biên hai câu của cụ như thế ni:
Khá khen con mắt tinh đời
“Khuê tinh” đoán giữa trần ai mới già.
Tóm lại, nhận xét của Trần đại phu khiến tệ hữu rất vui vì thấy Văn Uyển đã tạo được sân chơi cho những người đồng điệu, cùng thanh khí. Đó là mục đích của tệ hữu khi chủ trương và chủ biên Văn Uyển hàng quý, để tạo tiền đề góp phần xây dựng văn học Cao Đài về lâu dài.
Mục Gió Bốn Phương cũng là cầu nối giữa tín hữu chúng ta, những người ham thích đọc kinh sách. Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), một cây bút rất quen thuộc trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, mới đây đã mượn hai câu kết trong bài thơ “Người Đi Đâu...”của Bùi Giáng (1926-1998) để gởi tặng tất cả quý đạo hữu mến mộ mục giao duyên này:
Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ
Bụi thu mờ ai phủi với hai tay.
Văn Uyển rất mong sẽ nhận thêm thơ văn, nhạc họa do Trần đại phu sáng tác. Thân quý.
*
* Hiền tỷ Đại Cơ Bác (Minh Lý Thánh Hội, quận 3, TpHCM). E-mail ngày 29-6-2015.
Đại Cơ Bác rất mừng là Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo vẫn tiếp tục hoạt động và có hướng phát triển. Đại Cơ Bác được mở mang kiến thức rất nhiều nhờ đọc các quyển sách do Chương Trình Chung Tay Ấn Tống phát hành; thích nhất là việc giải nghĩa các từ ngữ, những bài viết nghiên cứu và những bài viết liên quan tới Công Giáo.
Ban Ấn Tống: Thưa hiền tỷ trọng kính, chúng tệ hữu chân thành cảm tạ những tình cảm tốt đẹp mà hiền tỷ luôn luôn dành cho Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo ngay từ khi mới khởi sự hoạt động.
Công việc phổ thông giáo lý trong xu thế đại đồng, hòa hợp các dòng tín ngưỡng khác nhau đang là chiều hướng chung của nhân loại tiến bộ, và điều này đã được Đức Chí Tôn Cao Đài Thượng Đế soi dẫn đạo hữu chúng ta từ những năm 1920 trở đi. Nếu chúng ta không cố gắng xiển minh Đại Đạo thì ngay cả người trong nước vẫn cứ mơ hồ, còn mong chi dân tộc các nước khác có thể lãnh hội! Mà nếu cứ như thế, câu tiên tri “Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc / Ngày sau làm chủ mới là kỳ” Đức Đại Từ Phụ hé lộ năm xưa biết bao giờ mới trở thành hiện thực!?
Sau những giờ công phu tu tập, kính mong hiền tỷ tập trung điển lành, hồi hướng và hộ niệm giúp chúng tệ hữu.
*
* Một vị đạo hữu (Long An). Hỏi qua điện thoại ngày 20-7-2015.
Trong một đàn cơ tại Minh Lý Thánh Hội, giờ Tuất, Thứ Bảy 19-4-1969 (03-3 Kỷ Dậu), do Bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam thông công, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy như sau:
Trăm năm vó ngựa giục đường trần
Ánh mắt xa vời ngọn các lân
Lả tả lá vàng rơi hoạn lộ
Nhấp nhô buồm trắng lướt dòng ngân
Khung trời lấp lánh hàng tinh tú
Cảnh giới chập chùng vạn thế nhân
Tuế nguyệt trường lưu đâu đã hẹn
Vô thường lấm bẩn gót chân quân.
Xin Văn Uyển vui lòng cho biết các lân nghĩa là gì?
Lê Anh Minh: Thưa hiền hữu, Các Lân, chữ Nho là Lân Các 麟閣, rút gọn từ Kỳ Lân Các 麒麟閣, tên gọi một lầu (gác) do Tiêu Hà 蕭何 (?-193 trước Công Nguyên) xây vào đời Hán, để chứa sách quý và thờ các hiền sĩ, công thần. Về sau, các lầu (gác) chứa sách của triều đình thường gọi là các, thí dụ như: Văn Uyên Các 文淵閣, Thiên Lộc Các 天祿閣, Văn Lan Các 文瀾閣. (Ngày nay, ở Trung Quốc, Hương Cảng, v.v... nhiều nơi xây dựng Lân Các, thậm chí nhà hàng, khách sạn cũng lấy tên Kỳ Lân Các!)
Kỳ lân (con đực là kỳ, con cái là lân) được xem là nhân thú 仁獸 (loài thú nhân ái), vì truyền thuyết nói rằng kỳ lân tính tình ôn hòa, không giẫm lên hoa cỏ, không làm hại người và thú vật.
Năm 1813, thi hào Nguyễn Du (1766-1820) làm Chánh Sứ dẫn phái đoàn ngoại giao sang Bắc Kinh (nhà Thanh). Suốt hành trình đi và về (một năm), qua nhiều nơi, thấy nhiều sự vật, nhà thơ sáng tác 132 bài thơ chữ Hán, kết tập thành Bắc Hành Tạp Lục 北行雜錄. Trong tập thơ đó, bài thứ 101 nhan đề Kỳ Lân Mộ 麒麟墓 (mộ chôn kỳ lân) có câu: Hu ta, nhân thú hề, kỳ lân! 吁嗟仁獸兮麒麟 (Than ôi, kỳ lân là loài thú nhân từ!)
Tương truyền lúc Đức Khổng Tử chào đời thì có kỳ lân xuất hiện, miệng ngậm sách ngọc. Học thuyết của Đức Khổng chủ yếu là đức nhân , lòng thương người (nhân ái). Do đó, kỳ lân còn tượng trưng cho Đức Khổng và học thuyết của Ngài.
Suy ra, câu thơ “Ánh mắt xa vời ngọn các lâncủa Đức Thiền Sư Vạn Hạnh có lẽ nhắc tới đạo lý Khổng Mạnh, luân lý nhân bản của Nho Giáo, một nền tảng đạo lý cao quý mà con người dễ đánh mất một khi mê mải bôn ba theo đường danh nẻo lợi trong chốn hồng trần. Cũng vì thế nên câu kết bài thơ nghe rất buồn: “Vô thường lấm bẩn gót chân quân”. Chân quân (gods) từ cõi trời đi xuống thế gian rồi cũng đành phải chịu quẩn quanh trong vòng phàm phu tục tử, sống nay chết mai!
*
* Kim Long (Calgary, Alberto, Canada). Thư 26-7-2015.
Đàn cơ tại Thiên Lý Đàn, ngày 15-12 Giáp Thìn (17-01-1965), do bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam thông công, Đức Đông Phương Chưởng Quản giáng lâm, xưng danh như sau:
ĐÔNG xá tây lân thỉnh vấn cơ,
PHƯƠNG tri thiên địa thị vô tư,
CHƯỞNG trung tự xuất hy phàm thánh,
QUẢN(G) đại khôi khôi cá võng dư!
Kính nhờ Văn Uyển giải thích ý nghĩa bài thi này.
Lê Anh Minh: Thưa hiền hữu, bài thi xưng danh khoán thủ (quán thủ) này cho biết Đấng thiêng liêng giáng cơ là Đức Đông Phương Chưởng Quản 東方掌管. Chưởng quản 掌管 nghĩa là nắm giữ, phụ trách một chức vụ, nhiệm vụ (to administer something, to manage and have responsi-bility for the running of an organisation). Chữ quản này khác với chữ quảng (rộng rãi / wide, broad) dùng trong câu 4. Do đó, chúng ta chép thánh giáo là QUẢN(G) để người đọc dễ phân biệt chánh tả và ý nghĩa.
Câu 1: Đông xá tây lân thỉnh vấn cơ 東舍西鄰請問乩
Lân xá: Nhà hàng xóm láng giềng (neighbouring homes). Đông tây: Bên đông và bên tây (east and west), từ đông sang tây (from east to west). Đông xá tây lân: Hàng xóm bên đông và bên tây (hiểu rộng ra: hàng xóm chung quanh). Đây là lối nói xen kẽ rất thông dụng trong tiếng Hán và tiếng Việt, như: Đông thành tây tựu, nam chinh bắc chiến, nam thanh nữ tú, sáng rượu chiều trà, sống nay chết mai, v.v... Thỉnh vấn: xin phép hỏi han. : cơ bút.
Đại ý câu 1: Bổn đạo sở tại muốn thỉnh Ơn Trên giáng cơ giải đáp giúp những gì đang thắc mắc. (Bởi vậy, liền sau bài thi xưng danh này, Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy ngay lý do giáng cơ: “Đàn bất thường hôm nay, Bần Đạo đến đây giải quyết những vấn đề trọng đại mà các hiền đệ, hiền muội có trọng trách bắt tay vào việc kể từ tân xuân Ất Tỵ. Còn đối với việc thế gian mà một số hiền đệ còn thắc mắc dục vấn [muốn hỏi], đó là việc ngoài phạm vi cửa đạo, nên Bần Đạo đành tạm gác...”
Câu 2: Phương tri thiên địa thị vô tư 方知天地是無私
Phương tri: (Rồi ra) mới biết (just then know). Thiên địa: Trời đất, càn khôn, vũ trụ (heaven and earth, universe). Thị: Là, thì, đúng là, quả là. Vô tư: Không thiên vị, công bằng (unbiased, impartial).
Đại ý câu 2: Mới biết rằng trời đất công bình, chẳng thiên vị riêng ai.
Câu 3: Chưởng trung tự xuất hy phàm thánh 掌中自出希凡聖
Chưởng: Lòng bàn tay (palm). Chưởng trung: Trong lòng bàn tay (in the palm of hand). Tự xuất: Từ chỗ đó mà ra, phát sinh từ đó. Hy phàm thánh: Nói đủ là hy phàm hy thánh (vì theo luật thơ bảy chữ nên phải nói tắt); bắt chước sống theo phàm tục hay bắt chước sống theo thánh hiền.
Đại ý câu 3: Con người có thể trở thành thánh hiền hay cứ làm kẻ phàm tục, và khả năng ấy con người đang nắm trong tay. (Ý nói, làm người hay làm thánh là do chính ta.)
Câu 4: Quảng đại khôi khôi cá võng dư! 廣大恢恢個網歟
Quảng đại: Rộng lớn (great). Khôi khôi: Bao la (vast, immense). Cá võng: Tấm lưới. Hiểu ngầm là lưới trời. Có câu Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu 天網恢 恢疏而不漏 (Lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng không để lọt một chút gì). Ngụ ý luật nhân quả chi phối tất cả, không ai thoát được. : Chữ đặt cuối câu, tỏ ý cảm thán (exclamation).
Đại ý câu 4: Lưới trời lồng lộng lắm thay! (Nghĩa là luật công bình của trời đất chi phối tất cả. Con người hành xử như thánh hiền thì sẽ trở thành hiền thánh; con người sống theo phàm tục, thì cứ mãi là kẻ tục phàm.)
Nói thêm: Vào thời gian trước khi có đàn cơ này (tháng 01-1965), một số đạo hữu địa phương băn khoăn về thời cuộc, muốn Ơn Trên hé lộ Thiên cơ. Đức Đông Phương Chưởng Quản khuyên rằng luật nhân quả rất công bình, mình thành tâm tu hành đạo đức thì đạo đức bảo vệ cho mình, chớ nên bận lòng lo lắng trước thế sự đảo điên.
*
* Nguyễn Bảo Long (Bình Định). E-mail ngày 30-8-2015.
Đàn khai xuân tại Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long) vào giờ Ngọ, mùng 2 Tết Bính Ngọ (22-01-1966), do bộ phận Hiệp Thiên Đài Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam phụ trách thông công, có bốn câu mở đầu như sau, kính nhờ Văn Uyển vui lòng giải thích giúp:
HỘ đàn Thiền Điện lễ khai xuân
PHÁP nhiệm truyền ban độ thế trần
GIÀ giả chơn tâm thâu vọng niệm
LAM giang mặc mặc đắc Tiên chân.
Lê Anh Minh: Thưa hiền hữu, bài thơ quán thủ (khoán thủ) là Hộ Pháp Già Lam, nghĩa là một đấng thiêng liêng bảo hộ chánh pháp chốn già lam. (Già lam: Cảnh chùa, chốn đạo trường, chỗ tu hành… Tiếng Phạn là “samgharama”).
Câu 1: Ngài đến giữ gìn, che chở (hộ: to protect) Trúc Lâm Thiền Điện (Vĩnh Long) nhân dịp nơi đây lập đàn cơ khai xuân Bính Ngọ (1966).
Câu 2: Ơn Trên sẽ ban truyền đạo pháp nhiệm mầu cứu độ người trần thế.
Câu 3: Già: Ngồi kiết già, hiểu rộng ra là ngồi thiền (vì Cao Đài ngồi bán già theo tân pháp). Giả: Người. Thí dụ: Học giả, thức giả, trí giả, tác giả, dịch giả… Già giả: Người ngồi thiền, hành giả (meditator). Câu 3 có nghĩa: Người ngồi thiền thâu được vọng niệm thì sẽ đạt được chơn tâm.
Câu 4: Lam là tham lam (avaricious). Lam giang: Tham lam nổi lên làm con người chìm đắm trong tội lỗi, nên ví lòng tham như sông nước, vậy lam giang là sông tham (giống như khổ hải, biển khổ; ái hà, sông tình ái). Mặc mặc: Lặng yên. Lòng tham dục lặng yên, như sông lặng sóng, thì người tu sẽ đắc đạo (Tiên chân: Bậc chân nhân trong cõi Tiên).
*
* Minh Nga (Cần Thơ). E-mail ngày 22-11-2015.
Trong bài Dự Bị Huyền Công, Đức Hà Tiên Cô dạy:
Phương tựu chánh hằng toan nghiềm ngẫm
Phép tồn tâm cũng lắm công phu...
Xin Văn Uyển vui lòng giải thích giúp chúng tôi phương tựu chánh nghĩa là gì? Cảm ơn Ban Ấn Tống.
Lê Anh Minh: Phương : Cách thức, biện pháp. Tựu : gần gũi, thân cận. Chánh (chính) : (a) thỉnh giáo, (b) sửa chữa lỗi. Phương tựu chánh (chính) là phương cách thân cận người đạo đức để thỉnh giáo và trau sửa mình. Hai chữ “tựu chánh (chính)” có chép trong Luận Ngữ (1-14).  :      ,    ,      於言,      .      .
Tử viết: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên. Khả vị hiếu học dã dĩ.”
Đức Khổng Tử nói: “Quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an nhàn, làm việc mau mắn siêng năng, thận trọng lời nói, thân cận người đạo đức để trau sửa mình. Người như vậy có thể gọi là hiếu học vậy.” 
“(T)hân cận người đạo đức để trau sửa mình” được James Legge (1815-1897) dịch là: “(H)e frequents the company of men of principle that he may be rectified”. Vậy, phương tựu chánh có thể dịch sang tiếng Anh như sau: the way of self-rectification by frequently companying with virtuous people.
Kính chúc hiền tỷ thân tâm thường lạc.



([1]) Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2015. Quyển 91-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([2]) Diệu Nguyên, Câu Chuyện Đức Tin. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 60-62. Quyển 25-3 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
([3]) Kỳ này, Văn Uyển tập Lợi-Trinh 2015 (số 15-16) đăng bài Về Những Chữ Hán Có Âm Đọc Không Ổn Định Hoặc Đáng Ngờ của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh. Mong rằng sẽ giúp quý tín hữu tham khảo khi liên hệ tới vấn đề âm Hán-Việt trong kinh kệ Cao Đài đôi lúc có vài cách đọc khác nhau.