Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 18 / TRẦN TRỌNG KIM VÀ VIỆT NAM SỬ LƯỢC * / Trần Văn Chánh


Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim xuất bản lần đầu năm 1920 (lời Tựa của tác giả đề tại Hà Nội, tháng 10-1919) là bộ thông sử đầu tiên của Việt Nam soạn theo phương pháp mới và viết bằng chữ quốc ngữ, nhưng lại tương đối đầy đủ và có thể được coi là một bộ tín sử có phong cách trình bày ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu dễ nhớ, sinh động và hấp dẫn nhất từ trước đến nay.
Với khối lượng dày gần 600 trang, nội dung sách trình bày một cách sơ lược và có tính hệ thống, nhưng không bỏ sót những chi tiết chủ yếu, toàn bộ lịch sử nước Việt từ thời thượng cổ, kể từ họ Hồng Bàng huyền sử (2879-258 trước Công Nguyên), cho đến thời Pháp thuộc, dừng lại ở những năm đầu thế kỷ Hai Mươi (1902), với một đoạn ngắn chừng hơn một trang gần cuối sách được “tạm” viết thêm vào khi tác giả sửa chữa bổ sung cho ấn bản lần thứ ba (1949), trong đó chỉ nhắc lướt qua một số sự kiện lịch sử nổi bật liên quan các phong trào kháng Pháp của người Việt cho đến khi vua Bảo Đại thoái vị (1945) trao quyền lại cho chính phủ Việt Minh ([1]).
Thật ra, đây chỉ là một công trình có tính tập đại thành đã được Trần Trọng Kim gom góp, phát triển lên từ những công trình nhỏ hơn của chính ông trước đó, tức những bài Nam sử bậc tiểu học do ông phụ trách biên soạn cho mục Học Khoa đăng trên Đông Dương Tạp Chí (từ số 43, tháng 3-1914), và quyển Sơ Học An Nam Sử Lược ([2]) xuất bản năm 1917.
Trước nữa, Việt Nam cũng đã từng có mấy bộ sử chép theo lối cũ biên niên bằng chữ Hán của các triều Lê, Nguyễn, cũng như vài sách tiếng Pháp của Trương Vĩnh Ký (Cours d’Histoire Annamite, Sài Gòn, 1875), của Schreiner (Abrégé de l’Histoire d’Annam, Sài Gòn, 1906)([3]) … mà Trần Trọng Kim có dẫn dụng tham khảo, nhưng tất cả đều không còn thích dụng hợp thời, nên ngay từ khi ra đời, Việt Nam Sử Lược đã được quần chúng đón nhận nhiệt liệt, và hầu như chưa bị búa rìu gì dữ dội từ phía những học giả khó tính nhất (như Phan Khôi, Nguyễn Văn Tố…), tuy rằng lẽ tất nhiên nó chưa phải là một bộ sử hoàn hảo.
Cái mới không chỉ ở chỗ lần đầu tiên có bộ thông sử khá đầy đủ viết bằng tiếng Việt ([4]), mà điều quan trọng hơn nữa là lần đầu tiên tác giả đã tham khảo lối viết sử tiến bộ có tính khoa học hơn của phương Tây, thoát ly ra khỏi lối chép biên niên truyền thống của Trung Quốc vốn chỉ nêu lên từng sự kiện riêng lẻ, rời rạc, từ đó biết chia lịch sử Việt Nam ra làm năm thời kỳ theo từng đặc điểm tương đối chung nhất của mỗi thời kỳ để trình bày các diễn biến lịch sử thành một câu chuyện liên tục và hấp dẫn, cho thấy được mối liên lạc nhân quả, biện chứng giữa các sự kiện xảy ra theo dòng thời gian. Ngoài ra, khác với lối chép sử của các sử thần thời phong kiến, thường chỉ chú ý ghi chép hành vi, hoạt động của vua chúa, hoàng hậu và giới quan lại, gắn với những hoạt động tranh bá đồ vương, coi sử của quốc gia đồng nghĩa với sử của tầng lớp vua chúa quý tộc, mà vắng bóng hẳn bộ mặt sinh hoạt của người dân, Việt Nam Sử Lược trái lại đã bắt đầu chú ý đưa vào thật nhiều những sự kiện liên quan đời sống thực tế người dân, như việc học hành thi cử, tiền tệ, đo lường, thuế má, luật pháp, xã hội, phong tục, tín ngưỡng…
Trước khi đi vào cụ thể từng thời kỳ lịch sử, tác giả đã có một phần riêng ở đầu sách trình bày tổng quát về NƯỚC VIỆT NAM (Quốc hiệu, Vị trí và diện tích, Địa thế, Chủng loại, Gốc tích, Người Việt Nam, Sự mở mang bờ cõi, Lịch sử Việt Nam), tương đương với một bài dẫn nhập ngắn gọn, giúp người đọc nắm bắt nhanh những kiến thức căn bản để từ đó thông tỏ mối giềng lịch sử của dân tộc một cách dễ dàng hơn.
Trong quá trình mô tả lịch sử, ở những chỗ xét thấy cần thiết, tác giả còn chen vào cung cấp những kiến thức cần biết để giúp hiểu rõ mối liên lạc nhân quả giữa các sự kiện lịch sử đã diễn ra, như khi cần trình bày bối cảnh chính trị - văn hóa - xã hội như thế nào của nước Tàu, nước Chiêm Thành, nước Tiêm La, nước Cao Miên, nước Pháp… mà có quan hệ với nước ta (chẳng hạn, ở quyển I, chương III: “Xã hội nước Tàu về đời Tam Đại và đời nhà Tần”, và chương VI: Sự kết quả của thời đại Bắc thuộc; ở quyển III, chương IV, đoạn nói về việc đánh nhà Tống, trước hết cũng nói qua việc cải tổ chính trị nước Tàu của Vương An Thạch…). Đặc biệt ở quyển V (Cận kim thời đại), chương VI là một chương quan trọng, cho biết “Chế độ và tình thế nước Việt Nam đến cuối đời Tự Đức”, giúp giải thích được nguyên nhân của thảm trạng mất nước vào tay người Pháp.
Cuối mỗi triều đại vua chúa hay kết thúc một chương sách, tác giả hầu như luôn không quên đưa vào một đoạn văn tóm tắt ý chính, đồng thời xen vào những lời nhận xét đánh giá, bình luận riêng, để giải thích nguyên nhân gốc rễ các hiện tượng, trên cơ sở phân tích hợp tình lý những yếu tố ảnh hưởng thuộc về chính trị, nhân tâm, lực lượng của nhiều biến cố quan trọng, như cuộc đại thắng quân Nguyên của nhà Trần, cuộc thất bại của nhà Hồ, việc nhà Hậu Lê mất ngôi vua...
Về phương pháp ghi niên đại, có thể nói Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim là một mẫu mực đầu tiên ở nước ta trong việc thể hiện ngày, tháng, năm một cách khoa học, rõ ràng nhất, bằng cách ghi kết hợp cả ba yếu tố năm âm lịch, năm dương lịch với niên hiệu các vua. Việc chua thêm nguyên văn chữ Hán sau những từ Hán Việt về tên người, tên đất, tên chức quan… cũng cần thiết, vừa đảm bảo tính chính xác, vừa giúp các nhà khảo cứu dễ dàng kiểm chứng, so sánh mỗi khi cần sử dụng đến những tài liệu cũ chữ Hán.
Đầu quyển IV (Tự chủ thời đại), khi chuẩn bị mô tả thời kỳ Nam Bắc phân tranh (1533-1788) trong đó trên có vua Hậu Lê dưới có chúa Trịnh ngoài Bắc và chúa Nguyễn trong Nam, cục diện diễn ra đan xen nhau cực kỳ phức tạp, nếu tác giả không giúp bằng cách dành riêng cả chương I gọi là “Lịch triều lược kỷ” (Ghi sơ lược qua các triều vua, chúa) dưới hình thức một bảng liệt kê so sánh rất rõ ràng mạch lạc mối tương quan giữa các vua và các chúa, thì người đọc thật không tài nào nắm bắt được diễn biến các sự kiện lịch sử. Các bảng Thế Phổ chen vào rải rác theo từng triều đại vua chúa, sáu tờ bản đồ, cũng như bảng Niên Biểu lập ở cuối sách, đều như những bài “toát yếu” giúp người sử dụng sách có thể thu tóm và ôn tập kiến thức để nhớ được một cách dễ dàng hơn những sự kiện hoặc nhân vật lịch sử quan trọng… Cho nên có thể nói, về phương diện mô tả lịch sử một cách vừa khoa học vừa tài tình và hấp dẫn, cho đến nay vẫn chưa thấy có công trình mới nào tương tự mà có thể so sánh được với Việt Nam Sử Lược.
Về quan điểm chép sử và bình sử, Trần Trọng Kim đã giữ được thái độ gần như hoàn toàn khách quan trung thực, như ông đã bày tỏ trong lời Tựa ở đầu sách. Ông không đứng hẳn về phe nào, thậm chí không phân biệt địch-ta, nhờ vậy luôn khen-chê đúng mực, nói lên được tiếng nói của lương tri nhà sử học, và có can đảm xét lại một số vấn đề “nhạy cảm” vào lúc tác phẩm ra đời (năm 1920), như khi xét lại để thừa nhận tính chính đáng (chính thống) của nhà Tây Sơn vốn xưa nay vẫn bị các sử gia triều Nguyễn coi là “ngụy Tây”. Chỗ này, ông phải tìm cách khéo léo giảng rõ để biện bạch: “Thời đại nào nhân vật ấy và tư tưởng ấy, soạn giả cứ bình tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh thoảng có một đôi nơi soạn giả có đem ý kiến riêng của mình mà bàn với độc giả, thí dụ như chỗ bàn về danh hiệu nhà Tây Sơn thì thiết tưởng rằng sử là của chung cả quốc dân, chứ không phải riêng cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý mà xét đoán mọi việc và không vị tình riêng mà để phạm đến lẽ công bằng vậy.” (Trích lời Tựa.)
Mỗi khi có dịp, ông còn nói rõ hơn: “Cái nghĩa vụ làm sử, tưởng nên kê cứu cho tường tận, rồi cứ sự thực mà nói, chứ không nên lấy lòng yêu ghét của mình mà xét đoán. Dẫu người mình ghét mà có làm điều phải, mình cũng phải khen; người mình yêu mà có làm điều trái, mình cũng phải chê.” (Ấn bản lần 5, tr. 427.)
Ở đoạn mở đầu sách, khi mô tả đặc điểm người Việt Nam, Trần Trọng Kim đã không ngần ngại nêu lên cả những tính tốt lẫn nết xấu. Đối với vài triều đại làm việc gian ác, thoán nghịch, nếu nhân vật có khía cạnh gì hay thì ông vẫn khen, như công nhận Trần Thủ Độ là người tài năng, Hồ Quý Ly không phải hạng người tầm thường; khen Mạc Ngọc Liễn đã trối lại một lời nói thật trung hậu; nhận định về tính cách bạc nhược của tập thể triều đình Lê Chiêu Thống; nêu cả mặt tốt lẫn mặt rất xấu của vua Minh Mạng, bình phẩm thẳng thắn cách xử tội tàn ác của vua đối với một đứa trẻ và hai người ngoại quốc; chê Tôn Thất Thuyết gian độc hèn nhát nhưng lại khen hai người con trai của ông Thuyết (Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm) “thật là bậc thiếu niên anh hùng, có thể che được cái xấu cho cha”…
Đối với vài ông vua có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử và có mệnh hệ đến tiền đồ dân tộc, tác giả luôn có thêm một tiểu mục mở đầu chương sách để xét về đức độ của họ (như các vua Trần Anh Tông, Quang Trung, Thánh Tổ [Minh Mạng], Hiến Tổ [Thiệu Trị], Dực Tông [Tự Đức]), hẳn vì ông đã có sẵn một quan niệm hết sức rõ ràng dứt khoát: Làm vua hay làm nguyên thủ quốc gia mà kém đức thì chỉ có hại dân hại nước!
Thái độ chép sử khách quan như trên đã thể hiện phần nào qua việc sử dụng ngôn từ lịch sự, nhã nhặn của Trần Trọng Kim, trong mọi tình huống, và dường như lúc nào ông cũng nói năng một cách ôn tồn, trầm tĩnh, thậm chí vô cảm như một kẻ hoàn toàn ngoài cuộc. Chẳng hạn, đối với các nhà vua, thì ông luôn gọi kính trọng bằng “ngài”, cho dù vua đó là một kẻ rất hoang dâm vô độ như Lê Tương Dực (tuy nhiên đối với kẻ quá bạo ngược như Lê Long Đĩnh / Ngọa Triều thì ông đã cố tránh chữ “ngài” và chỉ gọi bằng tên Long Đĩnh). Tương tự như vậy, khi kể đến những trận giao chiến giữa lực lượng thực dân Pháp với quan quân kháng chiến người Việt, dường như ông cũng đứng ở vị trí bàng quan mà kể, gọi các sĩ quan Pháp bằng tên chức vụ (như Đại Tá X, Trung Tướng Y…), chứ không bao giờ dùng những từ ngữ nặng nề (như “tên” đại tá, “bọn” thực dân Pháp [[5]]…). Có lẽ chính thái độ “trung dung” kiểu đứng kẽ giữa này là một trong những nguyên nhân gây ngộ nhận khiến có một số người đã lên án Trần Trọng Kim là một học giả tài giỏi nhưng bạc nhược và phản động, dẫn đến sách của ông có thời gian bị cấm tuyệt lưu hành ở miền Bắc. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ Việt Nam Sử Lược với một chút tinh tế, ai ai cũng sẽ nhận ra ông đã luôn biểu lộ tình cảm một cách kín đáo tế nhị, và đôi lúc nồng nhiệt, thiết tha, mỗi khi ngợi khen hoặc tỏ ý cảm khái, khâm phục đối với một vị quan thanh liêm biết thương dân (như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản…), những con người trung dũng kháng Pháp (như Lê Trực, Phan Đình Phùng…), hay trước cái chết của một chiến sĩ hết lòng vì nước. Như đoạn tả Tôn Thất Thiệp hy sinh vì hết lòng bảo vệ vua Hàm Nghi đang chống Pháp, Tôn Thất Đạm thắt cổ tự tử vì không bảo vệ được vua, để cho vua bị bắt, thật hết sức cảm động.
Xét cho cùng, thái độ “trung dung”, “trung lập” nhưng cận nhân tình kiểu Trần Trọng Kim cũng là một loại thái độ khách quan trong việc mô tả lịch sử bằng ngôn ngữ khoa học trung tính, ở đó không có sự thiên lệch bên nào ngoài sự thật lịch sử khách quan, nên không cần dùng tới những lời lẽ mạt sát nặng nề hay tâng bốc quá đáng đối với bất kỳ ai đã trở thành nhân vật của quá khứ, dù người đó thuộc phe nào chăng nữa.
Ở một mặt khác, người ta còn có thể thấy Trần Trọng Kim viết Việt Nam Sử Lược với một tâm ý và chủ đích không tầm thường, mà đã trút hết tâm huyết vào trong công trình biên khảo của mình. Điều này không chỉ đã được nêu rõ một phần khi mở đầu bài Tựa, mà còn được phát biểu rải rác trong suốt tác phẩm, bằng cách luôn tìm cách kích động lòng ái quốc và cổ vũ chí độc lập, tự cường của dân tộc, nhưng với tinh thần xây dựng hòa bình, chủ hòa nhiều hơn chủ chiến. Như trong mấy trang mở đầu, ở tiểu mục số 8 “Lịch sử Việt Nam”: “Từ khi người Việt Nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai trị mấy lần, chịu khổ sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự chủ, và vẫn giữ được cái tính đặc biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí lực của người mình không đến nỗi kém hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường thịnh.
Vậy ghi chép những cơ hội gian truân, những sự biến cố của nước mình đã trải qua, và kể những công việc của người mình làm từ đời nọ qua đời kia, để cho mọi người trong nước đều biết…”
Ở tiểu mục số 9, “Lòng yêu nước của người Việt Nam” (thuộc quyển 5, chương XV), tác giả lại ca ngợi lòng ái quốc, chí quật cường của dân tộc sau khi dẫn chứng một số cuộc khởi nghĩa, vận động cách mạng trong nước. Đặc biệt, ở bài TỔNG KẾT cuối sách, tâm huyết và sự lo lắng của ông đối với tiền đồ dân tộc lại càng thêm rõ nét: “Vận mệnh nước Việt Nam hiện nay còn ở trong tay người Pháp, sự hay dở tương lai chưa biết ra thế nào. Song người bản quốc phải biết rằng phàm sự sinh tồn tiến hóa của một nước, là ở cái chí nguyện, sự nhẫn nại và sự cố gắng của người trong nước. Vậy ta phải hết sức mà học tập, mà giữ cái tâm trí cho bền vững, thì chắc tương lai còn có nhiều hy vọng. Nước Việt Nam ta đã có cái văn hóa chẳng thua kém gì ai, và lại có một lịch sử vẻ vang, nhưng chỉ vì sự lầm lỗi một lúc mà phải chịu cái cảnh suy hèn. Nếu ta biết lợi dụng cái tiềm lực cố hữu và cái tính thông minh hiếu học của ta để theo thời mà tiến hóa, thì sao ta lại không có ngày nối được cái chí của ông cha mà dệt thêm một đoạn lịch sử mỹ lệ hơn trước?
“Có một điều thiết tưởng nên nhắc lại là ta nên giữ lấy những điều hay của ta vẫn có, bỏ những điều hủ bại đi, và bắt chước lấy những điều hay của người, để gây lấy cái nhân cách đặc biệt của dân tộc ta và cùng tiến với người mà không lẫn với người. Muốn được như thế, ta phải biết phân biệt cái hay cái dở, không ham muốn những cái huyền hão bề ngoài, rồi đồng tâm hiệp lực với nhau mà làm mọi việc cho thành cái hiệu quả mỹ mãn.
“Nước nào cũng có lúc bĩ lúc thái, đó là cái công lệ tuần hoàn của Tạo Hóa trong thế gian. Tự xưa chưa thấy có nước nào cứ thịnh mãi hay cứ suy mãi. Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị lực để sinh tồn và tiến hóa, thì rồi thế nào cũng có ngày chấn khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng dõi nhà Hồng Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì há lại không có một ngày ta có cái địa vị vẻ vang với thiên hạ hay sao? Sự ước ao mong mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng loại Việt Nam ta vậy.”
Về mặt nhược điểm của Việt Nam Sử Lược thì trước nay một số nhà nghiên cứu - phê bình ([6]) cũng đã vạch ra khá rõ rồi. Đại khái: Cách phân kỳ lịch sử vài chỗ còn nhập nhằng chưa hợp lý (như Triều Nguyễn xếp vào Cận kim thời đại, trong khi vẫn có thể xếp vào Tự chủ thời đại trước đó…). Tài liệu tham khảo để biên soạn chưa được dồi dào lắm, chủ yếu chỉ sử dụng khoảng trên hai mươi cuốn sách cũ viết bằng chữ Hán và chữ Pháp, mà thiếu sự khảo sát thực địa các di tích, hiện vật lịch sử, cũng như chưa có sự phối hợp liên ngành bằng cách chú ý đến những công trình nghiên cứu về khảo cổ học, cổ tiền học, cổ sinh vật học… Viết về giai đoạn Hậu Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh và Pháp thuộc, tác giả còn ít sử dụng loại tài liệu báo chí và chưa khai thác đến những tập du ký, hồi ký, tài liệu ghi chép… vốn khá xác thực, sinh động của một số giáo sĩ thừa sai, doanh nhân, quân nhân… người châu Âu đã từng có mặt ở Việt Nam vào những năm đầu và giữa thế kỷ 17.
Về lập trường tư tưởng, có người chê Trần Trọng Kim vẫn chưa thoát ra khỏi những thành kiến triết lý, luân lý Nho Gia về mệnh Trời cũng như những quan niệm cũ kỹ về sự phân biệt trung nghịch chánh ngụy, và qua ngôn từ diễn đạt, dường như ông có vẻ hơi vị nể triều Nguyễn và có chút khép nép đối với người Pháp… Tuy nhiên, mấy lỗi này đều có lý do chính đáng để thông cảm. Về mệnh Trời, thật khó đưa ra sự phán đoán dứt khoát một quốc gia thịnh hay suy, còn hay mất… là có tùy thuộc mệnh Trời thật hay không. Còn về thái độ vị nể, khép nép…, chúng ta ai cũng biết Trần Trọng Kim vốn là công chức ngành giáo dục ăn lương của Pháp, viết Việt Nam Sử Lược trong lúc đất nước còn nô lệ với sự tồn tại của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, mà theo quan niệm xưa, cách nay gần trăm năm, dù quyền uy của triều đình Nguyễn đã sút giảm đi nhiều, ông cũng thuộc thân phận / địa vị thần tử. Sang đến bản in lần thứ 5 (in xong tháng 3-1954), khi tình thế mới cho phép, Trần Trọng Kim đã cho sửa một chỗ “Đại Pháp” (tr. 17) thành “Pháp” (bỏ chữ “Đại”); còn những chỗ khác như “quan Trung Tướng”, “quan Tổng Đốc Toàn Quyền”… thì bỏ hẳn chữ “quan”, hoặc thay bằng chữ “viên”…, cho thấy cái sự khép nép trước đây cũng chỉ vì lý do khôn khéo cần thiết, như viết thì phải lách, “một bước tiến hai bước lùi”, nếu không muốn nói vạn bất đắc dĩ!
Dù sao, một số mặt hạn chế này khác như chúng ta vừa nêu, cũng đã được tác giả khiêm tốn dự liệu và tự nhận trước trong lời Tựa: “Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử này là bộ Sử Lược chỉ cốt ghi chép những chuyện yếu trọng để hãy tạm giúp cho những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử. Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể làm cho ta đỡ rét.”
Và có lẽ cũng nên nói như nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ, “Song phải thành thật mà nhận rằng về phía chúng ta là người phê bình tác giả, cái áo lụa mà ông cầu chúc cho chúng ta ấy, cho đến bây giờ ta vẫn chưa có mà mặc.” ([7])
Trong Phê Bình Và Cảo Luận (Hà Nội: Nxb Nam Ký 1933), nhà phê bình văn học Thiếu Sơn đã nêu lên một số nhận xét xác đáng cho thấy khái quát cả mặt ưu điểm lẫn khuyết điểm của Việt Nam Sử Lược: “Sử học nước ta vốn còn khuyết điểm nhiều lắm; cái phương pháp khoa học dùng để tìm kiếm tài liệu đã chưa có, mà cả đến luật lệ nhất định cho sử gia, cùng cái triết học của lịch sử cũng thiếu nữa. Vậy có phê bình Việt Nam Sử Lược của ông Trần, ta cũng không nên quá nghiêm mà trách bị cầu toàn([8]) mới phải. Cái văn cổ kính điềm đạm, lời thuật sáng sủa dồi dào, cách xếp đặt có trật tự phân minh, ý cai quát được rõ ràng khúc chiết, ấy là những cái đặc sắc của bộ Việt Nam Sử Lược… Tôi quyết đoán rằng sau ông Trần, sẽ còn có nhiều sử gia hoàn toàn hơn ông. Song hiện nay tôi mới thấy bộ Việt Nam Sử Lược là hơn hết. Chẳng những là một bộ sách giáo khoa về lịch sử có giá trị, mà còn là một bộ sử ký của khắp cả những ai muốn rõ lịch sử nước nhà.” (tr. 34-35).
Trong Nhà Văn Hiện Đại (Hà Nội, 1942), Vũ Ngọc Phan khi đánh giá Việt Nam Sử Lược cũng có những ý kiến tương tự như trên và cho rằng “tuy gọi là ‘lược’ nhưng cũng đủ được mọi việc trong thời kỳ đã qua của nước nhà và đáng coi là một bộ sách giá trị… Như vậy, bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim là một bộ sử ký đầu tiên của nước ta viết bằng quốc văn có thể tạm gọi là đầy đủ.” (Sài Gòn: Nxb Thăng Long, 1960, tr. 209-211.)
*
Sách đạt được tin cậy của hầu hết học giả và quần chúng trong nước, được tái bản rất nhiều lần, nhưng số phận cũng có lúc long đong, vì sau Hiệp Định Genève 1954, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17, do một số vấn đề khác biệt về quan điểm đánh giá, Việt Nam Sử Lược cùng tác giả của nó đã bị phê phán rất nặng, coi là sách phản động, đồng thời cấm lưu hành ở miền Bắc, và chỉ còn một vài người cất giấu được để đọc lén. Trong khi đó tại miền Nam giai đoạn 1954-1975, sách được lưu hành thoải mái và được dùng làm căn cứ chủ yếu để biên soạn sách giáo khoa lịch sử cho học sinh các cấp. Sau năm 1975, tuy dần dần được nhìn nhận lại một cách khách quan hơn nhưng mãi đến năm 1999, tức hai mươi bốn năm sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam Sử Lược mới được tái bản, nhưng cũng lại do vấn đề quan điểm chính trị này khác, có lúc nó đã bị biên tập cắt bỏ vài chương và vài đoạn rải rác ([9]).
Được biết, Việt Nam Sử Lược cũng đã từng có bản dịch tiếng Trung Quốc của dịch giả Ðái Khả Lai (Dai Kelai), với tên sách Yuenan Tong shi (Việt Nam Thông Sử, Bắc Kinh, Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1992).
Dưới đây xin liệt kê tất cả những ấn bản tiếng Việt trong những lần in khác nhau của Việt Nam Sử Lược, trước và sau mốc lịch sử 1975, kèm theo ghi chú vắn tắt về những chỗ khác biệt do có sự sửa chữa bổ sung của chính tác giả trước khi qua đời (tháng 12-1953), hoặc của nhà xuất bản sau khi tác giả qua đời ([10]). Đối chiếu tiểu sử và năm mất của Trần Trọng Kim với ngày in xong của các lần xuất bản, chúng ta ngày nay có thể khẳng định, tác giả chỉ tham gia sửa chữa, bổ sung sách từ bản in lần thứ ba, thứ tư và thứ năm. Một vài đoạn sửa chữa hoặc chú thích nhỏ từ lần in thứ sáu (1958) đều do Nxb Tân Việt thêm vào, sau khi tác giả đã qua đời trước đó năm năm tại Đà Lạt.
Lần
xb
Nhà xuất bản
Nơi, năm xb
Đặc điểm / Sự khác biệt
1
Trung Bắc Tân Văn,
Hà Nội 1920
Chia làm hai tập (Tập I: 225 trang; Tập II: 324 trang). Có lời tác giả đề tặng quan Tổng đốc Thân Trọng Huề ([11]).
2
Imprimerie Vĩnh&Thành,
Hà Nội 1926
In cùng bản kẽm của lần 1. Có lời tác giả đề tặng quan Tổng Đốc Thân Trọng Huề, như ấn bản lần 1.
3
Tân Việt, Hà Nội. In và phát hành tại Sài Gòn 7-1949
In gộp thành một quyển, 588 trang, với khá nhiều đoạn sửa chữa, bổ sung. Chữ Hán có nhiều lỗi in.
4
Tân Việt, Hà Nội. In và phát hành tại Sài Gòn 2-1951
In gộp thành một quyển, 588 trang. Hai chữ “Đại Pháp” ở tr. 17 sửa thành “Pháp”. Quan Tổng Đốc Toàn Quyền sửa thành “Viên” Tổng Đốc… Bắc Kỳ, Trung Kỳ sửa thành Bắc Việt, Trung Việt. Vài chỗ “An Nam” sửa thành “Việt Nam”. Các tên vua như Thánh Tôn… sửa thành Thánh Tông.
5
Tân Việt,
Sài Gòn 3-1954
In cùng bản kẽm với lần 4, gồm 588 trang + 4 trang giới thiệu sách. Vài chỗ sửa đổi rất nhỏ ([12]).
6
Tân Việt,
Sài Gòn 4-1958
588 trang. Ở trang 52, tiểu mục TRIỆU ẨU được Nxb sửa thành BÀ TRIỆU (TRIỆU THỊ TRINH), với dòng chữ giải thích lý do ở cuối trang. Trang 352, Nxb có thêm hai chú thích nhỏ về địa danh Thất Kỳ Giang và Tam Phụ. Ở bài TỔNG KẾT (tr. 573), câu “Vận mệnh nước Việt Nam hiện nay còn ở trong tay người Pháp, sự, đã được Nxb sửa thành: “Mặc dù nước Việt Nam hiện nay được hoàn toàn độc lập, nhưng
7
Tân Việt,
Sài Gòn 6-1964
In cùng bản kẽm lần 6, gồm 588 trang.
8
Trung Tâm Học Liệu,
Sài Gòn 1971
Chia làm hai quyển, tổng cộng 682 trang. Không gọi “ 5 quyển” mà gọi “5 phần”: Phần 1; Phần 2… Chiếu theo bản in lần 7 của Tân Việt, thêm Phụ Lục và Sách Dẫn. Số bản in: 80.000 cuốn.
9
Văn Hóa Thông Tin,
Hà Nội 1999
620 trang. Cắt bỏ một số đoạn. Lời Nxb có ghi: “Những chỗ sai sót so với chính sử hiện nay, chúng tôi xin phép lược bỏ hoặc có chú thích ở dưới để bạn đọc tiện theo dõi, so sánh.([13])
10
Tổng Hợp TpHCM, TpHCM 2000
Chia làm hai quyển, 576 trang.
11
Đà Nẵng,
Đà Nẵng 2003
Bỏ phần in kèm chữ Hán ([14]).
12
Tổng Hợp TpHCM, TpHCM 2005
576 trang.
13
Thanh Hóa,
Thanh Hóa 2006
603 trang ([15]).
14
Văn Hóa Thông Tin,
Hà Nội 2006
625 trang.
15
Văn Hóa Thông Tin,
Hà Nội 2008
625 trang.
16
Thời Đại,
Hà Nội 2010
Không gọi “năm quyển” mà gọi “năm phần”: Phần 1; Phần 2…, tương tự bản của Trung Tâm Học Liệu.
17
Khoa Học Xã Hội,
Hà Nội 2011
531 trang.
18
Văn Học,
Hà Nội 2012
648 trang.
19
Thanh Niên,
Hà Nội 2013
Chia làm hai quyển.
20
Văn Học,
Hà Nội 2015
Gộp thành một quyển, dựa đúng theo ấn bản thứ 5 (tháng 3-1954).
*
Trần Trọng Kim là người tiên phong cho một số công trình biên khảo có giá trị lâu dài thuộc nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau. Khởi đầu sự nghiệp trứ tác từ năm 1914 khi phụ trách mục “Học Khoa” trên Đông Dương Tạp Chí, với loạt bài viết có tính giáo khoa về Nam sử, luân lý và về khoa sư phạm học, nếu tính đúng và đủ, ngoài Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim còn là tác giả của tất cả những công trình đã in thành sách, liệt kê theo thứ tự thời gian như sau: Sơ Học Luân Lý (Hà Nội: Nhà in Trung Bắc Tân Văn, 1914), Sư Phạm Khoa Yếu Lược (Trung Bắc Tân Văn, 1916), Truyện Thúy Kiều Chú Giải (1925, soạn chung với Bùi Kỷ), Quốc Văn Giáo Khoa Thư (ba tập: lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, và lớp Sơ đẳng), Luân Lý Giáo Khoa Thư, Sử Ký Giáo Khoa Thư (cả ba loại giáo khoa thư này xuất bản năm 1926, và đều soạn chung với Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, do Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ minh họa), 47 Điều Giáo Hóa Của Nhà Lê (Trung Bắc Tân Văn, 1928, dịch “Lê Triều Giáo Hóa Điều Luật Tứ Thập Thất Điều” ra tiếng Pháp: Les 47 Articles du Catéchisme Moral de l’Annam d’Autrefois), Nho Giáo (Trung Bắc Tân Văn, 1930, ba quyển; sau in gộp lại thành hai quyển, 1932-1933), Việt Thi (sao lục và chú giải), Phật Lục (Hà Nội: Nxb Lê Thăng, 1940), Phật Giáo (Tân Việt xuất bản), Vương Dương Minh (1940), Việt Nam Văn Phạm (Hà Nội: Nxb Lê Thăng, 1941, soạn chung với Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ), Tiểu Học Việt Nam Văn Phạm (Tân Việt xuất bản), Phật Giáo Thủa Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay (Tân Việt, 1953; “Lời mở đầu” của tác giả đề tháng 10-1952), Hạnh Thục Ca (Tân Việt xuất bản), Đường Thi (Tân Việt xuất bản), Lăng Ca Kinh (Tân Việt, 1964), Một Cơn Gió Bụi (Hồi ký, viết từ xong 1949; Sài Gòn: Nxb Vĩnh Sơn, 1969).
Ngoài những sách đã in chính thức trên đây, Trần Trọng Kim còn có loạt bài biên khảo dài về Đạo Giáo (Đạo Lão Tử) đăng nhiều kỳ trên Nam Phong Tạp Chí (từ số 67 năm 1923), chưa xuất bản thành sách. Vũ Trụ Đại QuanThiên Văn Học là hai công trình biên khảo khác nữa nhưng dường như đang soạn dang dở hoặc chỉ ở dạng bản thảo đã bị thất lạc trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954).
Trần Trọng Kim, còn có bút hiệu Lệ Thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ (nay là Xuân Phổ, trước thuộc tổng Đan Hải), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Họ Trần của ông là một họ lớn ở Đan Phổ (lúc đầu gọi Đan Phố, sau theo cách phát âm mới đọc Phổ), cụ thân sinh ra ông là Trần Bá Huân, có tham gia phong trào Cần Vương. Em gái ông tên Trần Thị Liên là một cán bộ Xô Viết, hoạt động năm 1930 (mất năm 1964). Ngoài ra, ông còn có người con gái duy nhất là Trần Thị Diệu Chương, hiện đang ở Pháp (xem “Bàn thêm về Trần Trọng Kim”, Tạp chí Văn Hóa Nghệ An, 26-11-2009). Riêng vợ ông là em gái nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ.
Xuất thân trong một gia đình Nho Giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ. Năm 1897, học chương trình Pháp ở trường Pháp-Việt Nam Định. Năm 1900, thi đỗ vào trường Thông Ngôn, tốt nghiệp năm 1903. Năm 1904, làm Thông Sự ở Ninh Bình.
Ít ai biết rõ thuở hàn vi của Trần Trọng Kim ra sao, vì ngay trong tập hồi ký viết cuối đời, cuốn Một Cơn Gió Bụi (tên phụ “Kiến Văn Lục”, Sài Gòn: Nxb Vĩnh Sơn, 1969), cũng không thấy kể. Chỉ biết ông nhà nghèo, nên năm 1906 mới nhờ bạn học cũ là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) giúp, khi ông Vĩnh được nhà nước bảo hộ Pháp giao trách nhiệm tổ chức đi dự cuộc Hội Chợ Marseille ở Pháp (hồi đó gọi là “đấu xảo”), sắp xếp cho ông đi theo với tư cách thợ khảm, mà thật ra mục đích chính chỉ để tranh thủ ở lại Pháp học thêm. Từ đó ông trải qua học trường Thương Mại ở Lyon, rồi được học bổng vào trường Thuộc Địa Pháp. Năm 1909, vào học trường Sư Phạm Melun, tốt nghiệp ngày 31-7-1911 rồi về nước, do học bổng của mọi sinh viên lúc đó đột nhiên bị bãi. Sau đó, lần lượt dạy ở trường trung học Bảo Hộ (trường Bưởi), trường Hậu Bổ và trường Nam Sư Phạm.
Ông là nhà giáo mẫu mực, có uy tín trong xã hội, từng giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: Thanh Tra các trường tiểu học Pháp-Việt (1921), Trưởng Ban soạn thảo sách giáo khoa tiểu học (1924), giáo viên trường Sư Phạm Thực Hành (1931), Giám Đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1933). Ngoài ra ông còn là Phó Trưởng Ban Ban Văn Học của Hội Khai Trí Tiến Đức và Nghị Viên Viện Dân Biểu Bắc Kỳ. Bắt đầu về hưu năm 1942 khi vừa tròn sáu mươi tuổi.
Chỉ một năm sau khi về hưu (1943), thời cuộc bắt đầu đưa đẩy chuyển ông sang một hướng rẽ đầy phong ba bão táp mà bình sinh có lẽ ông chưa bao giờ kịp nghĩ tới. Người Nhật, kéo vào Đông Dương từ những năm 1940, với nhiều ý đồ có sẵn trong mối quan hệ tranh quyền với Pháp, đã bắt đầu cho người ve vãn, tìm cách lui tới làm quen, lấy cớ để hỏi han ông những kiến thức liên quan các vấn đề văn hóa, lịch sử. Họ dàn cảnh bắt Trần Trọng Kim và cụ Dương Bá Trạc (1884-1944) đưa đi giấu sẵn ở Chiêu Nam Đảo (tức Singapour do Nhật chiếm đóng) để chuẩn bị cho một mưu đồ tương lai, lấy cớ là để bảo vệ các ông thoát khỏi sự rình rập bắt bớ của mật thám Pháp. Chuyến đi định mệnh đó vào ngày 01-01-1944, nằm trong dự mưu của người Nhật, đã hướng cuộc đời ông vào một ngả rẽ hoàn toàn không chủ động, nếu không muốn nói gần như trái hẳn với lập trường chính trị ban đầu của ông ([16]).
Ngày 09-3-1945, Nhật bất ngờ đảo chánh Pháp trên toàn cõi Đông Dương, tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam để cùng nhau xây dựng khối Đại Đông Á thịnh vượng”, đề nghị vua Bảo Đại ra tuyên bố độc lập và chuẩn bị thành lập chính phủ mới trên cơ sở hợp tác dưới sự bảo trợ của Nhật.
Ngày 30-3-1945, Nhật cho người bố trí đưa Trần Trọng Kim về Sài Gòn, cho hay vua Bảo Đại muốn mời ông ra giữ chức Thủ Tướng, thành lập Nội Các mới.
Ngày 07-4-01945, Trần Trọng Kim vào yết kiến Bảo Đại ở Huế. Theo như lời kể của ông trong tập hồi ký riêng thì ông tìm cớ thoái thác mãi, lấy lý do già yếu, không có đảng phái và không hoạt động chính trị, nhưng cuối cùng đã phải xiêu lòng nhận, vì nghe vua Bảo Đại trình bày vấn đề đất nước một cách rất hợp tình lý, chứng tỏ vua cũng là một người thông minh và am hiểu tình thế (xem Một Cơn Gió Bụi, sđd., tr. 49).
Về mặt lịch sử, dù sao vẫn phải công nhận Nội Các do Trần Trọng Kim đứng ra thành lập ngày 17-4-1945 chính phủ đầu tiên của Việt Nam theo nghĩa hiện đại, và Trần Trọng Kim đã trở thành vị Thủ Tướng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, dù chỉ mới độc lập trên danh nghĩa. Tham gia Nội Các của ông đều là các nhà trí thức tên tuổi, có trình độ học vấn cao, nhiệt tâm, trong sạch và yêu nước, nhưng tất cả đều thiếu hẳn kinh nghiệm quản lý và nhất là sự lọc lõi chính trị trong thời loạn.
Ngày 08-5-1945, Nội Các Trần Trọng Kim mới chính thức tổ chức lễ ra mắt quốc dân, đưa ra bản tuyên cáo khẳng định nền độc lập mới có được sau tám mươi năm bị Pháp cai trị, kêu gọi quốc dân ra sức đoàn kết, gây mạnh tinh thần yêu nước trong mọi giai tầng xã hội…
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn về nhiều mặt và trong khi đang tập trung nỗ lực làm được một số việc ích quốc lợi dân thì thời cuộc biến chuyển dồn dập khắp nơi, Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai kết thúc, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện vì bị hai quả bom nguyên tử của Mỹ, Nội Các Trần Trọng Kim vì thế phải từ chức (05-8-1945), tiếp theo vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị (30-8-1945)...
Nhìn chung, xét trên những điều kiện lịch sử cụ thể, trong vô vàn khó khăn các mặt, Nội Các Trần Trọng Kim dưới sự lãnh đạo đầy thiện chí của vua Bảo Đại đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng tất cả đều dang dở. Một số việc quan trọng về nội trị, ngoại giao đều rất sáng suốt nhưng chỉ vừa kịp đưa ra chủ trương thì thời cuộc đã chuyển sang hướng khác. Trong số những thành tích, đáng kể nhất và tiếp tục ảnh hưởng tốt đến các giai đoạn về sau có lẽ là chương trình cải cách giáo dục tiếng Việt do Bộ Trưởng Giáo Dục Và Mỹ Thuật Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) chủ trì biên soạn (quen gọi tắt Chương Trình Hoàng Xuân Hãn), hoàn thành chỉ trong khoảng mười ngày, và được đem ra áp dụng ngay trong năm đó ở miền Trung và miền Bắc (miền Nam vì có sự trở lại của Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục cho đến giữa thập niên 1950).
Về phần Trần Trọng Kim, sau khi hoàn toàn rời khỏi chức vụ cùng với vua Bảo Đại (23-8-1945), ông tạm ở lại Huế khoảng hơn ba tháng trong cảnh sinh hoạt buồn tẻ chờ thu xếp điều kiện trở ra Hà Nội cuối tháng 11-1945. Trong lương tâm thanh thản vì tự cho mình đã làm hết trách nhiệm, ông luôn tỏ ra ngậm ngùi thân thế, chán bỏ công danh, và như lời ông nói, “thế là xong một giấc mộng Nam Kha” (Một Cơn Gió Bụi, sđd., tr. 98).
Thế rồi, lấy lý do “để tránh cái họa binh lửa sắp đến” (Một Cơn Gió Bụi, sđd., tr. 132), cuối tháng 5-1946, từ Hà Nội ông đã tìm đường lưu vong sang Trung Quốc, theo đường bộ Lạng Sơn, có ý muốn liên lạc lại với Bảo Đại và các nhóm “tòng vong” vì Bảo Đại đã được cử sang đó từ trước hồi tháng 3-1946 dưới danh nghĩa cố vấn cho Chính Phủ Lâm Thời giao hảo với chính quyền Tưởng Giới Thạch, nhưng sau đó Bảo Đại đi Hồng Kông rồi không về nước.
Sau nhiều năm tháng sống thiếu thốn ở Quảng ChâuHồng Kông, ngày 06-02-1947, ông trở về Sài Gòn ở tạm nhà luật sư Trịnh Đình Thảo. Người Pháp cùng cựu hoàng Bảo Đại thu xếp cho ông trở về Sài Gòn lần này là để thăm dò, vận động thành lập chính phủ mới, nhưng khi về đến, ông nhận ra những lời hứa hẹn của Pháp đều giả dối nên quyết định không làm gì.
Đầu tháng 3-1948, ở tuổi 65, vừa túng thiếu vừa mệt mỏi và bất lực trước thời cuộc, ông quyết định bỏ Sài Gòn qua Nam Vang (Cam Bốt) sống với người con gái, cũng trong cảnh nghèo túng. Trong thời gian này, ông đã tập hợp các bản thảo nhật ký của mình viết thành cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi, mà phần kết thúc là nêu lên một số nhận xét về những chỗ hay dở của phong trào Việt Minh và khẳng định tấm lòng chân thành của ông đối với dân tộc. Đây là quyển sách chứa đựng nhiều sử liệu quý hiếm liên quan giai đoạn lịch sử 1945-1949, có lẽ cũng bù đắp được phần nào cho cái mộng không thành của Trần Trọng Kim khi muốn viết tiếp bộ Việt Nam Sử Lược.
Ít lâu sau ông trở về Việt Nam, rồi thuê nhà định cư tại Hà Nội.
Ngày 06-9-1953, trong khuôn khổ Quốc Gia Việt Nam thuộc Liên Hiệp Pháp, Trần Trọng Kim được Quốc Trưởng Bảo Đại mời về Sài Gòn dự Đại Hội Đồng Quốc Gia (còn gọi “Quốc Dân Đại Hội”), và được bầu làm Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn nhưng chỉ hư vị và không thực tế làm gì. Sau đó ông lên Đà Lạt định sống an dưỡng cùng với gia đình nhưng chưa được bao lâu thì mất đột ngột tại đây vì bị đứt mạch máu ngày 02-12-1953, thọ 71 tuổi, thi thể được đưa máy bay về an táng cạnh chùa Láng, Hà Nội.
Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học lẫn cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục và cho nền văn hóa Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, ông là người có tư tưởng bảo thủ và dân tộc - bảo hoàng. Chính Phan Anh, Bộ Trưởng Thanh Niên trong Nội Các trước đây của ông đã từng nhận xét: “Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị.” Điều này không chỉ đúng với ông mà còn đúng cả với bộ sậu của ông và với vua Bảo Đại nữa.
Do cái ngả rẽ bất đắc dĩ sang con đường chính trị mà không thành công của một học giả hoàn toàn không thủ đoạn chính trị, sau Cách Mạng Tháng 8-1945, và nhất là sau năm 1954 (đất nước tạm thời chia đôi), cũng vì cái lý lịch chính trị đó, nên tương tự như không ít người khác (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tường Tam [nhà văn Nhất Linh, Văn Uyển chú]…), ở miền Bắc người ta không nhắc gì đến ông nữa, cả về phương diện thành tích học thuật chân chính. Cá nhân Trần Trọng Kim cùng với quyển Việt Nam Sử Lược nổi tiếng một thời đã bị một số nhà sử học mácxít đầu đàn như Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu... phê phán nặng nề (…) cho dù lịch sử đã sang trang. Các sách giáo khoa môn sử cũng theo đó mà đưa ra các nhận định, hoặc mạt sát nặng nề, hoặc chỉ nhắc lướt qua như một chi tiết phụ không đáng kể... khiến cho học sinh và thậm chí một số trí thức tương đối trẻ ngày nay không còn biết Trần Trọng Kim là ai và Nội Các do ông lãnh đạo có vai trò lịch sử như thế nào nữa.
Riêng cuốn Việt Nam Sử Lược đã từng bị coi là sách cấm, khiến cả những giáo sư dạy sử trong trường đại học (như Giáo Sư Trần Quốc Vượng…) cũng chỉ dám cất giấu đọc lén (…).
Khoảng hơn chục năm gần đây, qua lớp bụi thời gian, “tội lỗi” của Trần Trọng Kim đã dịu bớt, người ta bắt đầu biết đến rồi nhận ra giá trị đích thực các tác phẩm của ông, cho in đi in lại nhiều lần Việt Nam Sử Lược, rồi Nho Giáo, Phật Giáo, Phật Lục… nhất là bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa ThưLuân Lý Giáo Khoa Thư do ông chủ trì nhóm biên soạn. Từ năm 2000, tức bốn mươi bảy năm sau khi Trần Trọng Kim qua đời, mới thấy mục từ TRẦN TRỌNG KIM bắt đầu xuất hiện trong cuốn Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam do Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh chủ biên (Nxb Giáo Dục). Năm 2004, khi bộ sách quy mô Từ Điển Văn Học bộ mới ra đời (Nxb Thế Giới), mục từ TRẦN TRỌNG KIM lại được đưa vào một cách trân trọng hơn, do nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi trình bày, với gần đầy ba trang giấy khổ lớn, bỏ hết mọi lời công kích.
Trong bài viết “Trần Trọng Kim với Việt Nam Sử Lược” (Tạp chí Xưa & Nay, số 346, tháng 12-2009), tác giả Mai Khắc Ứng trong khi tập trung phê phán tệ nạn viết sử giáo điều thiếu tôn trọng sự thật, đã đưa ra rất nhiều lý do để biện hộ cho Trần Trọng Kim về các mặt, rồi đi đến kết luận dứt khoát:
“Với tôi, Trần Trọng Kim qua Việt Nam Sử Lược là một người yêu nước thành tâm, một nhà sử học chân chính, trung thực, một người cầm bút có nhân cách, một học giả xuất sắc đã cống hiến phần trí tuệ, chí ít cho các thế hệ nửa đầu thế kỷ XX (…)”
TRẦN VĂN CHÁNH



* Trích lại bài viết “Trần Trọng Kim Và Việt Nam Sử Lược” in ở đầu sách Việt Nam Sử Lược do Nxb Văn Học hợp tác với Công Ty Văn Hóa & Truyền Thông Nhã Nam xuất bản tháng 12-2015. [Văn Uyển chú]
([1]) Nói “tạm” viết thêm vào vì Trần Trọng Kim đã có dự định viết tiếp quyển sử cho những giai đoạn tiếp sau, nhưng không thành, như ông đã trình bày ở một dòng chú thích dưới phần TỔNG KẾT sách Việt Nam Sử Lược: “Trước tôi đã dự bị viết một quyển sử nối theo sách này. Tôi đã thu nhặt được rất nhiều tài liệu. Chẳng may đến cuối năm Bính Tuất (1946) có cuộc chiến tranh ở Hà Nội, nhà tôi bị đốt cháy, sách vở mất sạch, thành ra đành phải bỏ quyển sử ấy không làm được nữa.” (Ấn bản lần ba, tr. 573).
([2]) Hồi đó, do tác giả xuất bản; “bán tại nhà người làm sách và các hàng sách” (theo một chú thích cuối trang của Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Quyển II, Sài Gòn: Nxb Thăng Long, 1960, tr. 208).
([3]) Sách này có một bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Nhàn, dưới nhan đề Đại Nam Quốc Lược Sử, do Alfred Schreiner, chủ bán sách, xuất bản tại Sài Gòn. Bài Tựa bản dịch tiếng Việt ghi: Saigon, ngày 25 tháng Avril 1905, nhưng ngoài trang bìa giả có ghi: “Diễn ra quốc âm theo kỳ in tiếng Langsa lần thứ hai, có chủ bút quản sóc”. Trong khi đó, sách gốc tiếng Pháp Abrégé de l’Histoire d’Annam, bản in lần thứ hai (deuxième édition), ngoài bìa lại ghi Saigon, 1906. Vậy chắc tác giả giao cho ông Nhàn dịch từ khi có bản in tiếng Pháp lần thứ nhất (trước 1906), nhưng vì lý do thương mại, họ đề “theo kỳ in tiếng Langsa lần thứ hai” cho sách có tính cập nhật và dễ bán?
([4]) Năm 1913, đã có Việt Nam Sử Yếu của Hoàng Cao Khải đăng dần trên Đông Dương Tạp Chí, từ số 2 đến số 21, tổng cộng 159 trang, nhưng nội dung còn rất sơ sài và thiếu tính hệ thống.
([5]) Riêng về từ “bọn”, Việt Nam Sử Lược rất hay dùng, như khi nói “bọn ông Mạc Đĩnh Chi”, “bọn cựu thần như ông Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn…”, thì hoàn toàn không có ý khinh thường, mà chỉ vì quen dùng theo câu văn chữ Hán cổ có chữ “bối” đặt sau tên người, để chỉ số nhiều người. Nếu muốn tỏ ý xưng hô khinh thường, Trần Trọng Kim dùng từ “nó”, hoặc “tên”, như khi kể chuyện kẻ phản bội Trương Quang Ngọc nhận hối lộ của thực dân Pháp đi tìm bắt vua Hàm Nghi.
([6]) Có thể xem: Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại (quyển II, Sài Gòn: Nxb Thăng Long, 1960, tr. 209-215), Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên (tập III, Sài Gòn: Nxb Quốc Học Tùng Thư, 1965, tr. 288-293).
([7]) Phạm Thế Ngũ, sách đã dẫn (sđd), tr. 293.
([8]) Chữ Hán là cầu toàn trách bị 求全責備: Đòi hỏi người khác hoặc việc làm của người đó phải được hoàn mỹ, không có khuyết điểm (to demand perfection). [Văn Uyển chú]
([9]) Xem Việt Nam Sử Lược, Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1999.
([10]) Tác giả mất đột ngột tháng 12-1953, trước đó còn kịp sửa chữa cho bản in lần thứ 5 của Nxb Tân Việt (3-1954). Vậy có thể nói, bản in lần 5 là đáng tin cậy nhất, vì tất cả những gì thêm bớt ít nhiều trong Việt Nam Sử Lược từ ấn bản thứ 6 trở đi, đều không có sự can thiệp sửa chữa trực tiếp của Trần Trọng Kim. Đoạn hồi ký sau đây cho biết sau khi thôi làm Thủ Tướng và ở Sài Gòn vào năm 1947, Trần Trọng Kim mới có một dịp cho tái bản một số sách cũ của mình: “Tôi ở Sài Gòn, có góp nhặt những sách của tôi, định tìm nhà xuất bản cho in lại. Lúc ấy tôi gặp ông Trần Văn Văn đến thăm tôi. Khi tôi ở Huế, ông có ra làm việc ở Bộ Kinh Tế với ông Hồ Tá Khanh, cho nên đã quen từ trước, ông thấy tôi ở trong cái hoàn cảnh rất eo hẹp, ông liền cho tôi vay một món tiền khá lớn và ông nhận việc tìm nhà xuất bản để in những sách của tôi.” (Một Cơn Gió Bụi, Sài Gòn: Nxb Vĩnh Sơn, 1969, tr. 181.)
([11]) Lời đề tặng đặt ngay sau trang bìa giả và trước trang lời Tựa, nội dung như sau: “Có nhiều khi được ngồi tiếp chuyện quan lớn, thường hay nghị luận đến lịch sử nước nhà, tôi cũng nhân đó mà sửa đổi được nhiều điều rất chính đáng. Vậy nay bộ Việt Nam Sử Lược đã thành, xin kính tặng ngài để ngài thưởng giám cho. Nay kính / TRẦN TRỌNG KIM”
([12]) Như câu cuối trang 572, ấn bản 4 viết: “Ấy là những công việc ngày nay còn đang tiến hành, mà ta hết lòng trông mong cho mỗi ngày một tiến thêm.” Sang ấn bản 5 đã được cắt gọn còn: “Ấy là những công việc làm của chính phủ bảo hộ vậy.” Ngoài ra ở trang 568, còn có thêm bốn dòng chữ chú thích cuối trang về tổ chức Việt Minh.
([13]) Theo Nguyễn Văn Nghệ trong bài “Tác phẩm Việt Nam Sử Lược thăng trầm theo dòng thời gian” (khoahocnet.com), thì các từ ngữ mà cụ Trần Trọng Kim dùng khi viết Việt Nam Sử Lược như: giặc cướp; khởi loạn; biến loạn; giặc giã; quấy nhiễu; loạn; phiến động; đánh dẹp; bảo hộ… đều được Nxb Văn Hóa Thông Tin chú thích lại. Riêng trong Quyển 4 (“Tự chủ thời đại”) ở Chương 6 (“Công việc họ Nguyễn làm ở xứ Nam” theo nguyên bản có tất cả chín mục nhưng khi Nxb Văn Hóa Thông Tin cho xuất bản đã bỏ bớt mục số 6: (“Lấy đất Chiêm Thành”) và mục số 7 (“ Mở đất Nam Việt và sự giao thiệp với Chân Lạp”). Nhà xuất bản chỉ ghi ở cuối trang dòng chữ “Lược bỏ năm trang (BT)”.
([14]) Với Nxb Đà Nẵng thì Lời Nxb ghi như sau: “Do sách xuất đã lâu nên ngôn ngữ cũ và số liệu có vài chỗ chỉ phù hợp với tình hình xã hội thời bấy giờ. Tuy vậy, lần tái bản này, chúng tôi vẫn giữ nguyên bản đã được xuất bản lần đầu, chỉ bỏ phần chú thích bằng Hán Nôm là loại chữ mà bạn đọc Việt Nam ngày nay ít dùng” (Nguyễn Văn Nghệ, tài liệu đã dẫn).
([15]) Nxb Thanh Hóa đã cho in giống như Việt Nam Sử Lược của Nxb Văn Hóa Thông Tin từ chú thích (BT) cho đến số trang, chỉ trừ không có Lời Nxb mà thôi (Nguyễn Văn Nghệ, tài liệu đã dẫn).
([16]) Về chi tiết cuộc đời chính trị của Trần Trọng Kim, có thể xem Trần Văn Chánh, “Tản mạn nhân vật lịch sử Trần Trọng Kim qua những trang hồi ký”, Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, số 6-7 (104-105). 2013, in ở Huế.
____________
* PEARL BUCK (1892-1973), nữ sĩ Mỹ, giải Nobel Văn Chương 1938, nói về sử:
“Nếu các bạn muốn hiểu biết hôm nay, các bạn phải sục sạo hôm qua. / If you want to understand today, you have to search yesterday.
* Bác sĩ JOHN MICHAEL CRICHTON (1942-2008), tác gia Mỹ, nói về sử:
“Giáo Sư Johnston thường bảo rằng nếu bạn không biết sử, bạn chẳng biết gì cả. Bạn ví như một chiếc lá không biết mình là một phần của một thân cây. / Professor Johnston often said that if you didn’t know history, you didn’t know anything. You were a leaf that didn’t know it was part of a tree.