Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / NHỚ NGUYỄN HỮU VĂN / Phạm Văn Liêm


Ông Nguyễn Hữu Văn sinh năm 1928, quy thiên Thứ Ba 19-9-2000. Trước đó năm tháng, ông được Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài phong phẩm Lễ Sanh do quyết định số 27/QĐ/HT/HC ngày 18-3 Canh Thìn (Thứ Bảy 22-4-2000).
Có thể xem Lễ Sanh Nguyễn Hữu Văn là “tiền khai” của cơ sở đạo Thanh Hóa. Thượng Giáo Sư PHẠM VĂN LIÊM đã chép về ông trong tập truyện ĐẠO ÁO TRẮNG (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2010, tr. 5-12), quyển 14-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Văn Uyển trích lại đây câu chuyện tìm Thầy, tìm Đạo của người sĩ quan phục viên họ Nguyễn.
Sau nhiều năm chiến tranh khốc liệt, ngày quê hương thanh bình, mọi miền đất nước đang được hồi sinh, anh Nguyễn Hữu Văn − một người lính mang quân hàm trung úy từ giã chiến trường về lại gia đình, làng xóm, làm nghề cũ thợ rèn để mưu sinh. Một hôm, trong giấc mơ anh thấy có người áo trắng mách rằng hãy đi về hướng tây nam, xa mãi xa mãi, đến một ngôi chùa nhỏ sẽ thấy biểu tượng Con Mắt mở sáng ngời trên khung gỗ vuông. Đó là nguồn sáng tâm linh cần nương tựa. Sau này có cơ hội gặp lại biểu tượng ấy ở một đền thờ trên quả cầu tròn, đó là lúc cần phát triển chung.
Giấc mơ quá lạ, thực hư thế nào không biết nhưng hình ảnh người áo trắng như một cô tiên cứ ám ảnh chàng sĩ quan phục viên từng ngày. Bụng bảo rằng hãy thử đi xa một chuyến xem sao, và anh đã lo để dành tiền. Những đồng tiền kiếm ra thật khó nên phải mất trót một năm trời mới thực hiện được cuộc phiêu lưu.
Nhiều phương tiện giao thông đã đưa Nguyễn Hữu Văn đến ngôi thất nhỏ phía tây nam Quảng Nam. Đó là thánh thất Trung Kiên. Tại đây, anh thấy thánh tượng Thiên Nhãn trên Thiên Bàn và được Đầu Họ thánh thất trả lời những câu hỏi cần thiết. Sau đó anh thỉnh một quyển Kinh Tận Độ của Hội Thánh Truyền Giáo về quê. Từ đó, gia đình anh và bà con thân thuộc tập ăn chay, cúng chay, tụng những bài kinh tân pháp cho giỗ kỵ, tang ma. Mặc dù nghi thức chưa đâu vào đâu nhưng họ đã có đức tin và lòng hồi hướng về mối Đạo Trời.
Đến mùa xuân năm sau, cả một nhóm người rủ vào lại Trung Kiên. Nhân trong mùa Tết có nhiều thời gian, lại gần ngày lễ vía Trời mồng Chín tháng Giêng nên họ được hướng dẫn về Đền Thánh Trung Hưng tại Đà Nẵng để mở rộng tầm nhìn, khai sáng tâm linh, củng cố lòng tín ngưỡng.
Về Trung Hưng Bửu Tòa, quả thực như cánh én gặp mùa xuân, họ hân hoan đến khôn cùng. Nhất là anh Nguyễn Hữu Văn, lòng như nở ra đóa hoa vạn cánh. Ấy không phải vì cảnh trí tôn nghiêm, kiến trúc mới lạ mà chính là hình ảnh thánh tượng Thiên Nhãn sáng rực trên quả Càn Khôn trong Bát Quái Đài phù hợp với giấc mơ ngày ấy.
(…)
Riêng nhóm người của anh Nguyễn Hữu Văn như tiếp nhận được ân phước đặc biệt, họ loan truyền cho nhau, mỗi ngày quy tụ thêm đông. Hằng năm vào các ngày mồng Chín tháng Giêng, Rằm tháng Tám, hoặc mồng Một tháng Sáu, tại Trung Hưng Bửu Tòa đều có thiện nam tín nữ từ Thanh Hóa vào chầu lễ và nhập môn. Họ đến với Hội Thánh như về trong vòng tay huynh đệ thân thương, trong tình thiêng liêng Từ Phụ, Từ Mẫu ban cho mỗi chơn linh con người trên dặm dài tiến hóa của càn khôn. Mỗi đợt người vào đều được trao truyền, đều được hướng dẫn, đều được cưu mang.
PHẠM VĂN LIÊM
ĐÔI NÉT…
Thanh Hóa nằm ở cực bắc miền Trung, cách Hà Nội 150km về phía nam, cách TP Hồ Chí Minh 1.560km. Phía bắc giáp ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình; phía nam giáp tỉnh Nghệ An; phía tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Lào); phía đông là Vịnh Bắc Bộ.
Thanh Hóa ở vào vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi thuận tiện lưu thông Bắc Nam, với các vùng trong tỉnh, và đi quốc tế. Nguồn: http://thanhhoa.gov.vn. Truy cập 25-5-2015.