Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / BAO QUÃNG GẬP GHỀNH / Đỗ Thị Kết


Trời lạnh như cắt da. Đường qua núi Cổ Am trong mưa mờ. Xóm 4, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu,([1]) cờ Phật Giáo rực rỡ trước từng cổng nhà, từng nẻo đường, dọc theo chân núi… Đường qua bao quãng gập ghềnh khúc khuỷu. Đường không phẳng, xe chạy không êm, quanh co mà đẹp, mà thú vị. Hình ảnh ngọn núi, ngôi chùa với những nét cổ kính; màu xanh đồng lúa tít tắp, mênh mông.
Trông đó, nghĩ đây. Trông người lại nghĩ đến ta. Giá như dưới chân núi ấy, giữa xóm làng, cảnh quan thơ mộng ấy cũng có một thánh sở Cao Đài.
Xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, cách thành phố Vinh chừng 50 cây số. Đức tin Cao Đài được nhen nhóm ở đây từ năm 2007. Nhờ sự liên lạc, kết nối tình thân của một số chị em ở Thanh Hóa, bà con ở Diễn Châu đã được bồi dưỡng, củng cố đức tin.
Được sự chỉ đạo của Hội Thánh Truyền Giáo, có bốn vị (một nam, ba nữ) được đưa về Đà Nẵng nhập môn tại Trung Hưng Bửu Tòa. Sau đó Hội Thánh cho một chuyến xe chở tám chị em về nhập môn tại Thanh Hóa vào dịp lễ ra mắt cơ sở đạo Thanh Hóa ngày 15-3 Kỷ Sửu (Thứ Năm 09-4-2009). Lần lượt một số vị khác cũng về Hội Thánh Truyền Giáo nhập môn. Đến nay ở Diễn Châu đã có mười tám tín đồ Cao Đài thuộc Hội Thánh Truyền Giáo.
Trong số bổn đạo nơi đây, bà Mai là người cao tuổi nhất (chín mươi tuổi) và cũng là “lão làng”. Nhà bà có ngôi thờ đặc biệt: giữa thờ Thiên Nhãn, hai bên thờ Đức Di Lạc, Đức Quan Âm; phía trước là một chiếc bàn nhỏ, thấp để đặt chuông, mõ. Bà Mai hơi nặng tai nhưng còn sáng mắt; đọc tốt, viết được, yêu thơ, thích ngâm thánh giáo.
Tín hữu nơi đây hầu hết là phụ nữ, lao động nông nghiệp vất vả, đời sống còn nhiều khó khăn. Khó khăn hơn nữa là vấn đề sinh hoạt đạo. Nhà bà Mai có Thiên Bàn, bổn đạo lui tới lễ bái thuận tiện hơn những gia đình khác nhưng điều không thuận lợi là bà đã cao tuổi, tai điếc, không còn nhanh nhẹn. Bà cũng không muốn chuyển địa điểm sinh hoạt chung đến nơi khác. Vấn đề tổ chức, hướng dẫn trở nên thiếu thuận lợi.
Các chị em ở Thanh Hóa vẫn đến thăm từng gia đình. Đến để nhắc nhở, củng cố, động viên.
Cơ sở đạo Nghệ An có từ năm 1990, trước Thanh Hóa bốn năm, tại thôn Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, huyện Nghi Sơn, tỉnh Nghệ An. Thiên Bàn đầu tiên tại nhà chị Lê Thị Lâm. Thời gian đầu chị em tập trung đông vui để học tu, lễ bái. Số bổn đạo đã nhập môn có chừng năm mươi người. Khoảng năm năm sau (sau khi chồng chị Lâm là anh Trung quy vị), tình hình sinh hoạt tu học ngày càng thưa thớt, rời rạc. Có không ít lý do. Chị Lâm trong hoàn cảnh đó đã trở lại sinh hoạt tại giáo xứ Vinh (Công Giáo). Thiên Bàn không còn, người trụ cột không có. Trước nhiều thử thách, khó khăn, tinh thần bổn đạo không còn như thuở đầu.
Ôi, giá như ngày ấy, ngày anh Trung quy vị… Giá như, giá như có một cơ duyên, đám tang anh Trung được tiến hành theo nghi lễ Cao Đài.
Chị Lâm đang đảm nhiệm nhiều việc tại giáo xứ Vinh nhưng chị vẫn hứa dành thời gian dẫn mọi người đi tìm lại con cái của Thầy lâu nay tản lạc. Chị vẫn nhớ từng tên người đã nhập môn với sự giúp đỡ của chị từ những ngày đầu những năm 1990. Chị nêu rõ tên từng người, từng gia đình trước đây đã từng trong Ban Trị Sự hay là tín hữu.
Bà Nguyên ở xóm Vị Thượng, đội 6, xã Hưng Lộc. Bao nhiêu năm với bao biến cố nhưng sự hồi hướng tâm linh vẫn là điều đau đáu trong lòng. Bà luôn nghĩ về các Đấng thiêng liêng, muốn có nơi chiêm ngưỡng, thờ cúng nhưng đó chỉ là ước muốn. Cơ sở thờ tự chẳng có, người dìu dắt cũng không; một tháng bà giữ được bốn ngày chay; bà đến chùa Phật tại địa phương để mỗi tháng đôi lần có nơi lễ bái, nguyện cầu. Đấy cũng là điều cần thiết. Bà cũng nói lên niềm mơ ước một ngày không xa tại vùng đất bà đang sống, một thánh sở Cao Đài sẽ mọc lên…
Mênh mang đất trời Nghệ An. Cơn rét đậm càng thêm đậm. Man mác nghĩ suy về những con cái của Thầy chưa có điều kiện hội ngộ: Các chị Phạm Thị Phương, Võ Thị Thảo, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Liên, bà Sáu… (ở Hưng Lộc); anh Bình, chị Hoàng (ở Cửa Lò); chị Nguyễn Thị Quý, chị Nguyễn Thị Lý (ở Đô Lương, đang làm việc tại bệnh viện) và bao nhiêu người nữa… Nếu không tìm thì sao được gặp. Một ngày trở lại đất Nghệ, xứ Thanh sẽ gặp, sẽ tìm lại mối thâm giao trong tình tỷ muội đệ huynh. Một chút ấm lòng trong dòng suy tưởng.
Nghỉ ngơi và nghĩ ngợi tiếp về một hành trình. Không khất hẹn, không hững hờ. Thời gian không đợi chờ một ai. Chẳng thể có một ngày mai xán lạn khi ngày hôm nay cứ để trôi đi, trôi đi hờ hững…
Không chỉ là ước muốn của bổn đạo Nghệ An, của cơ sở đạo Thanh Hóa, niềm ưu tư, trăn trở cũng là của Hội Thánh Truyền Giáo, của tất cả chúng ta, con cái của Thầy. Bổn đạo Nghệ An sẽ có một ngày, dẫu có đi trước về sau thì cũng phải về đến đích .
Đường còn xa, nhưng lòng không quản ngại. Xin hãy cùng nguyện cầu, nhờ ơn soi dẫn hộ trì của Thầy Mẹ, của các Đấng thiêng liêng, để những con cái của Thầy Mẹ sẽ không còn bơ vơ, lạc lõng.
ĐỖ THỊ KẾT


([1]) Cách Hà Nội 270km, cách thành phố Vinh 40km, Diễn Châu là huyện ven biển tỉnh Nghệ An. Phía nam giáp huyện Nghi Lộc, bắc giáp huyện Quỳnh Lưu, tây giáp huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), đông giáp biển Đông. Huyện Diễn Châu có thị trấn Diễn Châu và ba mươi tám xã: Diễn An, Diễn Bích, Diễn Bình, Diễn Cát, Diễn Đoài, Diễn Đồng, Diễn Hải, Diễn Hạnh, Diễn Hoa, Diễn Hoàng, Diễn Hồng, Diễn Hùng, Diễn Kim, Diễn Kỷ, Diễn Lâm, Diễn Liên, Diễn Lộc, Diễn Lợi, Diễn Minh, Diễn Mỹ, Diễn Ngọc, Diễn Nguyên, Diễn Phong, Diễn Phú, Diễn Phúc, Diễn Quảng, Diễn Tân, Diễn Thái, Diễn Thắng, Diễn Thành, Diễn Tháp, Diễn Thịnh, Diễn Thọ, Diễn Trung, Diễn Trường, Diễn Vạn, Diễn Xuân, và Diễn Yên.