Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 18 / TẢN MẠN VỀ ĐẠO LÝ ẨN ÁC DƯƠNG THIỆN / Diệu Nguyên


1. Trong kinh sách người xưa truyền lại có thành ngữ ẩn ác dương thiện. Ẩn là che giấu, hiểu cho thoáng là không phơi bày ra. Ẩn sĩ là người có học vấn và danh tiếng, nhưng lui vào chốn hẻo lánh để sống, hoặc chủ tâm giấu kín thân phận mình giữa chốn thành thị đông người. Dương là khen ngợi, làm cho lan rộng ra. Biểu dương ai tức là công khai khen ngợi người ấy. Ác là tội lỗi, lỗi lầm, hành vi sai trái, những gì xấu xa... Trái nghĩa với ác là thiện. Như thế, ẩn ác dương thiện nghĩa là không phơi bày, không rêu rao điều xấu của người mà nêu cao điều tốt của người. Đấy là lòng dạ quảng đại của bậc quân tử. Theo sách Trung Dung (chương 6), Đức Khổng Tử có lần khen vua Thuấn là người ẩn ác nhi dương thiện (không phơi bày cái xấu ác mà tán dương cái tốt đẹp của người khác).
Tuy nhiên, có người hiểu ẩn ác” là bao che cho cái xấu, như thế đồng nghĩa dung túng lầm lỗi, tức là không có tác dụng tích cực. Hiểu như vậy nên họ chuộng cách nói thứ hai là át ác dương thiện. Át tức là đè nén, chế ngự, ngăn chận (thí dụ, át chế). Vậy át ác dương thiện tức là đè nén không cho cái xấu ác phát triển đồng thời khen ngợi, tán dương điều tốt lành.


Thành ngữ át ác dương thiện có thể tìm thấy trong Kinh Dịch. Quẻ thứ mười bốn tên gọi là Hỏa Thiên Đại Hữu, gồm quẻ Ly (lửa, hỏa) ở trên (thượng quái, cũng gọi ngoại quái) và quẻ Càn (trời, thiên) ở dưới (hạ quái, cũng gọi nội quái). Do đó, giải về hình tượng quẻ này có câu: Hỏa tại thiên thượng, Đại Hữu. Quân tử dĩ át ác dương thiện, thuận Thiên hưu mệnh.”
Ngô Tất Tố dịch: Lửa ở trên trời, là quẻ Đại Hữu. Đấng quân tử coi đó mà ngăn kẻ ác, biểu dương người thiện, thuận theo mệnh tốt của Trời.
Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ dịch:
Đại Hữu là lửa trên trời
Hiền nhân xấu giấu, lành thời tán dương.
(Cho đời thêm đẹp, thêm hương)
Đúng theo đường lối, chủ trương của Trời.
2. Đạo Giáo Trung Quốc có nhiều thiện thư (sách khuyên mọi người làm lành, tạo phúc đức); trong đó, một thiện thư danh tiếng là Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn. Đoạn 13 sách này có lời khuyên dân chúng “thường tu ẩn ác dương thiện”, nghĩa là hãy nên luôn luôn nên che giấu điều xấu xa của người mà nêu cao điều tốt lành của người. (Tu trong câu dẫn trên nghĩa là hãy nên, cần phải; không có nghĩa là tu hành.)
Lại có một giải thích tỉ mỉ như sau: “Ẩn ác dương thiện tức là thấy người ta dở, có lỗi lầm thì gặp riêng khuyên bảo, đừng ra ngoài nói xấu làm người ta mất hết danh dự; gặp được việc làm tốt của ai thì nên ghi nhớ mà học theo, đồng thời hết sức ca ngợi để mọi người cùng được biết.”
Tương truyền đây là lời của danh nho Viên Liễu Phàm (1535-1609), tên thật là Viên Hoàng, người đời Minh (Trung Quốc), thi đậu tiến sĩ, tinh thông Tam Giáo. Trong các sách của ông, về mặt khuyến tu, rất nổi tiếng là quyển Liễu Phàm Tứ Huấn (bốn bài khuyên dạy hãy làm lành tích đức), từ lâu đã có bản dịch tiếng Việt.
3. Người Việt nói tốt khoe, xấu che. Tục ngữ này được giảng như sau: “Cái gì tốt thì đem ra khoe, cái gì xấu thì che giấu mất. Đó là tánh tự nhiên của người đời.” (Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Tự Điển Việt Nam. Sài Gòn: Khai Trí 1970. Quyển Hạ, Phần II, tr. 321.) Nếu hiểu như vậy thì tục ngữ này không mang ý nghĩa tích cực như thành ngữ ẩn ác dương thiện.
Tại sao ẩn ác dương thiện lại có ý nghĩa tích cực? Vì đây là một cách tu trì, rèn luyện nhân cách, trau dồi đức hạnh.
Luận Ngữ (12:1) chép lời dạy của Đức Khổng Tử: Phi lễ vật ngôn. (Không nói điều trái lễ.) Như thế, người tu hành hay bậc quân tử không đem điều tệ, việc chẳng lành của người khác mà bàn tán, loan truyền, rêu rao, v.v...
Ẩn ác dương thiện cũng là cách giữ giới bất vọng ngữ, để tránh khẩu nghiệp (quả báo xấu do lời ăn tiếng nói). Trong kinh của Minh Lý Đạo có bài Tịnh Khẩu Chú do Đức Tây Phương Phật Tổ ban cho môn đồ, gồm bốn câu như sau:
Lời ăn nói là nơi lỗ miệng
Tiếng luận đàm liệu biện đề phòng
Giữ gìn miệng đặng sạch trong
Thốt lời minh chánh, rèn lòng tụng kinh.
Hàm ý bốn câu này khuyên người tín đồ phải biết gìn giữ miệng mồm cho tinh sạch để tụng đọc kinh. Giữ sạch mồm miệng không có nghĩa là đánh răng súc miệng, mà là đừng thốt ra những điều trái lễ; đừng nói ra, đừng kể lại những việc trái đạo đức.
4. Ẩn ác dương thiện cũng là thực hành đức công bằng. Luận Ngữ (15:24) chép lời Đức Khổng Tử: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho kẻ khác.) Bản thân ta không muốn bị chê bai thì ta đừng chê bai kẻ khác, hãy “ẩn ác” giùm cho họ. Cũng thế, chính ta vui thích khi được khen ngợi thì tại sao không biết khen ngợi kẻ khác? Vậy hãy “dương thiện” giùm cho họ. (Tuy nhiên, phải khen đúng chỗ, hợp lý, chân thành; chứ không phải khen bừa, khen xã giao rồi trở thành kẻ nịnh nọt, khiến cho việc “dương thiện” không có tác dụng tích cực.)
Nhân nói tới tiếng khen, cũng nên nhắc lại rằng theo các nhà giáo dục, nếu một đứa trẻ được khen đúng cách, đúng lúc thì cuộc đời em ấy sẽ thay đổi rất tốt đẹp. Trong một hồi ức cảm động, tiến sĩ Joel Bawilley kể rằng ông xuất thân là một đứa trẻ da màu con nhà nghèo, quê mùa. Năm chín tuổi, chú bé chuyển tới học ở một trường tại thành phố New York, và luôn bị bạn học phân biệt đối xử, lạnh nhạt. Do đó, chú học hành kém sút vì mặc cảm tâm lý chứ không phải vì tối dạ, lười biếng... Thế rồi thầy giáo phụ trách lớp chú bệnh nhiều phải tạm nghỉ; giáo viên dạy thay là thầy Sean, một người da màu. Một hôm, khi thông báo cho cả lớp biết kết quả bài thi giữa học kỳ, thầy Sean đã đặc biệt khen ngợi Joel, rồi yêu cầu chú cuối buổi học hãy đến gặp riêng thầy. Thầy lại vui vẻ khen ngợi chú lần nữa, khuyên chú hãy tiếp tục cố gắng không ngừng... Từ đó trở đi, việc học hành của bé Joel hoàn toàn thay đổi, chú dần dần trở thành học sinh xuất sắc. Thời gian trôi qua, chú vào đại học, rồi trở thành tiến sĩ, rồi làm giáo sư tại viện đại học bang Michigan danh tiếng. Sau bốn mươi năm không gặp lại thầy Sean, đến khi may mắn biết được chỗ ở của thầy giáo cũ, chẳng ngại đường xa, tiến sĩ Joel Bawilley lập tức lái xe vượt ba trăm cây số để thăm thầy. Cuộc tái ngộ thật cảm động và thầy Sean tiết lộ rằng năm xưa bài thi của bé Joel thật ra chỉ đáng vào loại khá, nhưng thầy vẫn hết lời khen ngợi vì biết em đã rất cố gắng. Thầy tâm sự, thuở bé chính thầy cũng không mấy khác hoàn cảnh Joel, nhưng nhờ được một giáo viên khích lệ mà rốt cuộc thầy vượt qua hết mọi trở lực. Đó là lý do thầy Sean đã không tiếc lời khen Joel, một hình ảnh thơ ấu của thầy.
5. Đạo Nho có Luận Ngữ ghi chép lời nói của Đức Khổng Tử. Tương tự, đạo Islam có Hadith ghi chép lời nói của Thiên sứ Muhammad, đạo Phật có Kinh Pháp Cú chép những lời dạy của Đức Phật. Về đạo lý ẩn ác dương thiện, tín đồ Islam (người Muslim) và Phật tử được khuyên dạy thế nào?
- Với người Muslim, Hadith đoạn 36 chép: Bất kỳ ai che giấu [lỗi lầm của] một tín đồ Islam, Allah sẽ che giấu [những lầm lỗi của kẻ ấy] trong đời này và trong kiếp sau. / Whoever conceals [the faults of] a Muslim, Allah will conceal [his faults] in this life and the Hereafter.
Ngoài ra, Hadith đoạn 15 chép: Bất kỳ ai tin tưởng Allah và Ngày Phán Xét Cuối Cùng hãy nên nói những điều tốt đẹp hoặc là làm thinh, im lặng. / Whoever believes in Allah and the Last Day should speak good things or keep silent.”
- Với tín đồ đạo Phật, đoạn 232 trong Kinh Pháp Cú khuyên:
Lời đừng nói ác hại ai
Nói lành, nói thiện miệt mài tu thân.
6. Đạo Cao Đài có bản Kinh Cảm Ứng viết theo thể thơ lục bát. Điều thứ Tư trong Kinh Cảm Ứng dạy:
Rủi may dạ chẳng kiêng dè
Những điều xấu bạn, đem khoe ngạo cười
Gổ ganh lòng chẳng hổ ngươi
Trông mong xoi bói của người việc riêng.
7. Các trích dẫn kinh điển trong nhiều tôn giáo khác nhau như trên đây cho thấy dường như phần đông chúng ta dễ có xu hướng thích thú rêu rao, lan truyền khuyết điểm, lỗi lầm người khác mà quên rằng chính bản thân chúng ta vẫn chưa hoàn thiện; chúng ta cũng mắc phải những lỗi lầm tương tự mà lắm khi còn nghiêm trọng hơn lầm lỗi của người khác nữa!
Bởi thế phương Tây có lời khuyên rằng đừng than phiền về tuyết phủ trên nóc nhà hàng xóm trong khi ngưỡng cửa nhà mình chưa sạch. (Don’t complain about the snow on your neighbor’s roof when your own doorstep is unclean.)
Kinh Thánh (Luca 6:41) chép lời Đức Giêsu dạy: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”
Người biết ẩn ác dương thiện chẳng những sẽ không phí thời gian “phát tán” chuyện xấu của thiên hạ, mà còn không thèm lắng nghe thiên hạ huyên truyền những chuyện chẳng hay ho được nhặt nhạnh đầu đường cuối phố, tức là không để cho người khác có dịp nói xấu, đàm tiếu.
Trong Bắc Cầu Tâm Linh (Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 13-14), tác giả Huệ Khải kể chuyện ba bình lọc của nhà đại hiền triết Socrates. Khi có người hăm hở toan kể cho Socrates nghe những lời ong tiếng ve liên quan tới bạn của Socrates, thì nhà đại hiền triết liền chặn lại và bảo: “Bản thân ông không dám chắc những gì thiên hạ đơm đặt về bạn tôi là đúng sự thật. Hơn nữa, ông chỉ thấy chúng chẳng những vô ích mà còn xấu xa. Vậy thì cớ sao ông lại muốn đem những thứ rác rưởi ấy nhét vào tai tôi chứ?!”
8. Thời nay, từ khi có mạng quốc tế (Internet), rồi thêm Facebook, v.v... thì trong xã hội mau chóng hình thành một khối quần chúng rất đông đảo được gọi là “cộng đồng mạng” hay là “cư dân mạng”. Thế nhưng, bên cạnh những lợi ích rất to tát của Internet và Facebook, lại đồng thời song hành một mặt trái nguy hại không kém.
Phần đông con người vốn có xu hướng hay rêu rao, bàn tán, thêu dệt, phẩm bình chuyện thiên hạ, cho dù bản thân không tận mắt chứng kiến. Thế nên, hễ có một vụ tai tiếng, một lùm xùm” nào đó kèm theo hình ảnh giựt gân được tung lên mạng, thì đám đông lập tức giống như một bầy sói xúm vào xâu xé, đả kích, và nối tiếp nhau sao chép, lan truyền cái chuyện không hay ho đó ra rộng thêm một cách dễ dàng sau vài ngón tay gõ trên bàn phím và một cái nhấp chuột đơn giản. Đám đông xa lạ bất cần đếm xỉa tác hại rất lớn ảnh hưởng đời sống và tinh thần của nạn nhân. Một số nạn nhân vì thế hoặc hoảng loạn, thậm chí có người đã phải tự tử vì quá sức chịu đựng trước dư luận!
Những cư dân mạng đó chỉ biết hả hê, hào hứng với việc tung tin và lan truyền tin xấu, không biết mình đã vô tình gây tạo ra nghiệp ác. Phải chăng vì họ hoàn toàn không được dạy cho biết về đạo lý ẩn ác dương thiện? Vào Youtube, nhan nhản những đoạn video về các nhân vật nữ có tên tuổi bị bêu riếu là “lộ hàng”! Bản thân Internet, Facebook, v.v... không có lỗi, mà chính là con người hoặc vô tình hay hữu ý đã lạm dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thỏa mãn cho tánh xấu cố hữu của mình.
Ngày 22-02-2012 tại Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn (Hà Nội) có tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Văn Hóa Truyền Thông Trong Thời Kỳ Hội Nhập”. Hôm ấy, tham luận của một nhà báo nhìn nhận rằng một số tờ báo đang cố tình khai thác, cố tình đăng tải tin tức theo kiểu càng giật gân càng hay. Để câu người đọc, báo chí đua nhau đưa tin và bình luận về sự kiện, hiện tượng bất thường, do đó đã đưa tới tình trạng chụp giật, lùng sục khai thác thông tin đời tư nạn nhân của các vụ việc rồi đưa từng chi tiết lên mặt báo một cách tỉ mỉ, nếu không nói là xúc phạm người trong cuộc thì cũng hết sức phản cảm, rất cần phê phán (http://www.chungta.com, ngày 24-3-2016).
Muốn giải quyết vấn nạn nói trên một cách căn cơ và lâu dài, có lẽ trong nhà trường và trong từng gia đình, con trẻ cần được sớm dạy kỹ về đạo lý ẩn ác dương thiện, và chính người lớn cần làm gương cho trẻ. Mặt khác, những người có trách nhiệm thực hiện và tham gia các loại hình truyền thông đại chúng cần phải có cái tâm lành, có tấm lòng đạo đức, có lương tri. Xã hội chúng ta hiện nay đừng quên học lại những gì người xưa từng khuyên bảo, trong đó có đạo lý ẩn ác dương thiện, tuy xa xưa mà không hề cổ hủ.
DIỆU NGUYÊN

23-3-2016