Tôi nhớ lại, Thứ Tư 27-8-2014 (03-7 Giáp Ngọ), là ngày
hội ngộ các huynh tỷ trong Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo. Hôm ấy các vị về Long An, dừng chân ở
huyện Bến Lức vào dịp ngày giỗ ba tôi.([1])
Hoan hỷ gặp nhau, tâm tình đạo sự, tôi kể cho các huynh tỷ nghe về thánh thất
Nhựt Chánh (thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo), nơi đang đặt tủ kinh sách của đạo Cao Đài do
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội) ấn hành từ tháng 6-2008. Ngay buổi trưa
hôm ấy, chúng tôi mời Ban Ấn Tống đến viếng thánh thất Nhựt Chánh. Kể từ đó thánh thất chúng tôi thường được nhắc đến trên
Đại Đạo Văn Uyển, được khá
đông tín hữu áo trắng trong huyện Bến Lức và lân cận biết tiếng và ghé thăm. Nhiều
đạo hữu đã trở thành “thân chủ” của tủ sách, rất siêng đến thỉnh kinh sách mang
về nhà mình, địa phương mình.
Từ Hội Thánh (Bến Tre), mỗi khi về các địa phương hành đạo, Anh Lớn Thượng
Phẩm vẫn hay ghé thánh thất Nhựt Chánh để chở theo kinh sách, kết hợp phổ thông
giáo lý, giúp bổn đạo Ban Chỉnh Đạo tuy ở xa vẫn có thể tiếp nhận được kinh
sách đều đặn… Tấm gương của Anh Lớn khiến chúng tôi cảm phục và cố gắng noi
theo. Do đó, chúng tôi thường xuyên liên lạc Chương Trình Ấn Tống để nhận sách
mới in và bổ sung sách cũ đã hết. Đây cũng là cơ hội giúp con cháu trong nhà
tập làm công quả giữa tuổi thanh xuân, bởi vì các cháu đang học ở Sài Gòn, hàng
tuần về Bến Lức thăm nhà thì kết hợp chở theo kinh sách.
Trở lại với tủ sách ở Nhựt Chánh: Tủ sách này đã được chánh quyền địa
phương đánh giá tốt. Nguyên do, chánh quyền huyện Bến Lức (tỉnh Long An) có ra
quyết định số 6391/QĐ-UBND ngày 13-11-2012, do bà Phó Chủ Tịch huyện Võ Thị Thu
ký tên và đóng dấu; kèm theo đó là quy chế công nhận “cơ sở thờ tự văn hóa” và
thang điểm chi tiết xét công nhận danh hiệu “cơ sở thờ tự văn hóa”.
Theo quy chế nói trên, một trong các tiêu chí đối với cơ sở thờ tự là có “tủ sách kinh, phòng đọc sách” (Chương
II, Điều 4, Mục 2, Tiểu mục 2.1). Nếu đạt tiêu chí này, số điểm tối đa là 5.
Khi hội đủ “tổng số điểm từ 90 điểm trở lên” thì đủ điều kiện để “xét công nhận hoặc công nhận lại danh hiệu
cơ sở thờ tự văn hóa” (trích quy chế đã dẫn).
Chánh quyền huyện đã hoan nghênh việc đặt tủ kinh sách ấn tống, nhưng góp ý
Ban Cai Quản thánh thất Nhựt Chánh nên lập thêm phòng đọc sách… Sau cùng, thánh thất chúng tôi được cũng hội đủ các
tiêu chí do huyện Bến Lức đề ra và được chánh quyền huyện công nhận (qua văn
bản ngày 21-12-2015) là một cơ sở thờ tự
văn hóa trong buổi lễ long trọng tổ chức vào tháng 01-2016.
*
Ngày 30-8 Ất Mùi (12-10-2015), thánh thất Nhựt Chánh lại ghi thêm một nét
đẹp trong đời sống văn hóa họ đạo. Đó là chương
trình nuôi heo đất làm từ thiện lần II (2015).
Để báo cáo Hội
Thánh Ban Chỉnh Đạo tiến trình và kết quả thực hiện chương trình nuôi heo đất
làm từ thiện lần II (2015), trong phúc trình số 09/HĐ-PT, ngày 02-9 Ất Mùi (14-10-2015), các chức
sắc và chức việc đại diện thánh thất
Nhựt Chánh ([2]) cho
biết rằng Ban Hành Thiện kết hợp Chi Hội Khuyến Học, Chi Hội Chữ
Thập Đỏ thuộc họ đạo Nhựt Chánh đã vận động các hội viên cũng như bổn đạo tham
gia chương trình này.
Ban Tổ Chức phát ra 77 con heo đất. Qua một năm thực hiện, từ tháng 9
Giáp Ngọ (2014) đến cuối tháng 8 Ất Mùi (2015), thu lại được 75 con, đạt tỷ lệ 97,40%.
Năm 2014 phát ra 50 con, thu lại 49 con, đạt 98%. Như vậy, năm 2015 cao hơn năm
trước 27 con, tăng 35%. So với tổng số tín đồ thường xuyên hành đạo thì bổn đạo
tham gia hưởng ứng trên 70%. Số tiền tiết kiệm năm 2015 là 33.341.000đ. Năm
2014 tiết kiệm được 18.249.000đ. Năm 2015 tăng hơn năm trước 15.092.000đ.
Phúc trình họ đạo Nhựt Chánh nêu bảy trường hợp nuôi heo đất điển hình như
sau:
1. Hiền huynh Đầu Họ Đạo, Giáo Hữu Thái Cheo Thanh, tiết kiệm được
321.000đ.
2. Hiền muội Thi Thị Bé bán vé số, chồng khuyết tật bẩm sinh phải đi xe
lăn, để dành mỗi ngày từ l.000đ đến 5.000đ (tùy theo số lượng vé số bán được
trong ngày). Kết quả tiết kiệm được 332.500đ.
3. Lễ Sanh Hương Hai (Phạm Thị Hai) hơn 80 tuổi, đan từng cái giỏ tre bán lấy
tiền bỏ heo đất. Kết quả
tiết kiệm được 429.000đ.
4. Lễ Sanh Hương Hường (Trần Thị Hường), giáo nhi, bị thương tật yếu sức,
cùng con mở quán nhỏ ven đường bán nước giải khát, hàng ngày để dành từ 1.000
đến 3.000đ. Kết quả tiết kiệm được 847.000đ.
5. Lễ Sanh Hương Nhanh (Phó Trị Sự), đi cấy, nhổ cỏ mướn theo vụ lúa, tiết
kiệm được 1.324.000đ.
6. Hiền muội Nguyễn Thị Minh Giang (Giúp Giáo nhi) tổ chức nuôi heo đất
trong gia đình, có mẹ chồng, chồng, con cháu, và người giúp việc cùng tham gia
tích góp. Hiền muội ăn chay trường, hiến máu nhân đạo hàng tháng ở bệnh viện đa
khoa Bến Lức nhưng không sử dụng số tiền bồi dưỡng người hiến máu mà để dành nuôi
heo đất. Kết quả tiết kiệm được 2.649.500đ.
7. Hiền tỷ Lê Thị Nghiêm (Giúp quản lý Phòng Lương), bác sĩ nghỉ hưu,
cũng tổ chức nuôi heo đất trong gia đình, có con, rể, cháu và người giúp việc
tham gia. Kết quả tiết kiệm được 2.951.500đ.
Ban Tổ Chức cử ra Ban Giám Sát gồm 12 vị chia làm 3 tổ để giám sát việc khui
heo đất tại thánh thất Nhựt Chánh, có người chủ heo đất hiện diện, có thư ký từng
tổ ghi nhận kết quả từng trường hợp. Tổng số tiền tiết kiệm gồm 9.767 tờ giấy bạc,
mệnh giá từ 500đ đến 200.000đ.
Đêm 30-8 Ất Mùi (2015) họ đạo Nhựt Chánh tổ chức lễ tổng kết trang trọng nơi
Thiên Phong Đường, mời đại
diện chính quyền, đoàn thể xã, ấp cùng tham dự. Bảy trường hợp điển hình nói trên
được mời phát biểu cảm tưởng.
Hiền huynh Đầu Họ Đạo (Giáo Hữu Thái Cheo Thanh) chia sẻ: “Tôi tu tại thánh thất thì làm gì có tiền. Chẳng
qua con cháu đến thăm và cho tiền, tôi tích góp lại và bỏ vào heo đất…”
Một hiền tỷ nói: “Tôi và con gái đi làm thuê
làm mướn. Bản thân tôi bệnh hoạn liên miên, nhưng hiểu được câu
một miếng khi đói bằng gói khi no, dù số tiền ít ỏi nhưng tôi rất vui vì
mình đã làm được một việc có ích cho Đạo, cho xã hộị.”
Hiền tỷ Lê Thị Nghiêm cho biết: “Số
tiền bỏ ống đa phần là của các con tôi và cháu ngoại tôi. Khi được người lớn cho
tiền tết, tiền bỏ túi đi học thì cháu tôi cứ bỏ vào heo đất. Cháu còn nhỏ, có
lẽ chưa hiểu hết ý nghĩa hai chữ từ thiện. Nhưng cháu làm bấy nhiêu đó cũng làm
tôi rất vui, vì thấy tánh thiện đã sớm thể hiện ở cháu mình. Ngay cả người giúp
việc của tôi cũng chắt chiu từ đồng lương ít ỏi của mình để tích góp, nên tổng số
tiền mới kha khá.”
Ban Tổ Chức sau đó cho rút thăm trúng
thưởng. Tổng cộng 13 giải (3 giải đặc biệt,10 giải khuyến khích). Mỗi giải là
một đồng hồ báo thức. Ban Tổ Chức nói vui: “Có đồng hồ báo thức, bà con tín hữu
sẽ tiện canh giờ cúng Tứ Thời, nhất là giờ Mẹo và giờ Tý.”
Tham dự lễ tổng kết, ông Bùi Ngọc Trạng, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ
Quốc Việt Nam xã Nhựt Chánh, nói rằng việc nuôi heo đất làm từ thiện rất có ý
nghĩa, cần duy trì trong nhiều năm tiếp theo. Ông còn đề nghị Chi Hội Khuyến
Học của họ đạo Nhựt Chánh nên chuẩn bị bài tham luận để phát biểu nhân dịp tổng
kết thi đua cấp xã, huyện Bến Lức năm 2015.
Hiền huynh Lễ Sanh Thượng Lộc Thanh cho biết Hội Thánh Ban Chỉnh Đạo quan
tâm cách nuôi heo đất của họ đạo Nhựt Chánh, vì cách làm này phù hợp các họ đạo
Cao Đài, có thể áp dụng ở những họ đạo khác. Tiết kiệm để làm từ thiện là thực
hành tình thương đồng bào, theo lời Thầy dạy (Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I, bài 55): Con ôi! cuộc thế khổ đau / Ráng mà dìu dắt đồng bào nhứt tâm.
PHẠM TRUNG QUỐC
([1]) Thế danh Phạm
Văn Ky (1934-2010), là Phó Hội Trưởng thánh thất Phước Đông, Cần Đước, Long An
(thuộc Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo). Hôm ấy Ban Ấn Tống gồm có: Giáo Sư Thượng
Liêm Thanh (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), các hiền huynh Đạt Truyền (vừa quy
thiên), Đạt Tịnh, Trần Văn Quang, Huệ Khải, và hiền tỷ Diệu Nguyên. Tin và ảnh
về cuộc hội ngộ này đã in trong Đại Đạo Văn
Uyển tập Lợi (số 11), quý Ba năm 2014.