Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / MỘT KHÚC THƠ KIỀU RŨ XUỐNG CÕI NHÂN VĂN / Trần Bửu Long


Đoạn trích của khúc thơ, nằm trong giai đoạn thứ hai trong cuộc đời Thúy Kiều, tạm gọi là giai đoạn gia biến và lưu lạc.
Sau khi biết bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều tuyệt vọng toan tự sát. Tú Bà hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả vào nơi tử tế, và giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích. Khúc thơ này rất hay, dù đọc bao nhiêu lần cũng chưa thấy đủ:
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Có người tiếc cho Truyện Kiều, không phải thực là một sáng tác của Nguyễn Du (1765-1820), mà tác phẩm này dựa vào Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một nhà thơ Trung Quốc.
Thật ra, đó không hề là điều đáng tiếc. Cốt truyện, chỉ là dòng sông, hình núi. Khi con thuyền tài tử Nguyễn Du uốn lượn ngao du theo dòng lục bát dài 3254 câu thơ chói lọi hào hoa, thì tấm tranh sơn thủy của Thanh Tâm thi sĩ như phác thảo chì đơn sơ ban đầu, đã hóa thân theo “nét cọ” thiên tài Thanh Hiên, trở thành một bức tranh vĩ đại, sừng sững trên thi đàn Việt Nam. Đó là ngọn Thái Sơn thành tựu của thơ Nôm, mãi mãi khoác áo nguy nga cho thi đàn Việt Nam dù hai trăm năm đã qua hay khi thời gian còn trôi về bất tận…
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du chọn cái tên Ngưng Bích làm nơi để giam lỏng Thúy Kiều, nơi bắt đầu cuộc vùi hoa dập liễu, mặc cho mai cốt cách, tuyết tinh thần; cuộc chia tay với ban mai tươi thắm cuộc đời với hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh; và ngục tù dông tố đang và sẽ khóa lại nét xuân sơn, thuở xuân thì đang xanh mai tuyết. Ngưng là đọng lại; bích là màu xanh biếc. Ngưng bích lắng một màu xanh ngọc tươi nguyên, lại tương phản rõ ràng gam màu chìm trĩu giam khóa xanh xuân.
Kìa non xa giữa bốn bề bát ngát, Nguyễn Du muốn nâng cảnh cô đơn trơ trọi của thân gái lên vài cung bậc lạc lõng. Tưởng chỉ là tả cảnh, khi tác giả như hờ hững, như bàng quan, nhìn những dãy núi xa xăm vẫn đầy vẻ sơn hà, nét nhòa của cõi xa làm hiện thật nét tấm trăng gần, tuân thủ chính xác luật xa gần mà họa sĩ nào cũng học qua căn bản khi vẽ phối cảnh. Nhưng khi đọc lại hai chữ tấm trăng, ta cảm được chính là hình dung Thúy Kiều, tấm thân gái đang trôi vào dòng phiêu bạt.
Người xưa, thường dùng lối văn biền ngẫu. Biền : hình hai ngựa sóng đôi, đây là lối viết từng cặp câu đi với nhau. Ngẫu : từng cặp, số chẵn. Ở đây cát vàng cồn nọ đi với nhau để tả cảnh mênh mông đất trời, trong khi bụi hồng dặm kia, dù vẫn là cảnh lại thấp thoáng kiếp má hồng trên con đường bạc phận. Màu vàng thăm thẳm đảo cồn hoang vắng trần gian, đối với màu hồng kiếp quần thoa nhỏ bé đang lạc lõng vạn dặm đường xa, một lần nữa nhấn thêm cho mảnh trăng giữa chốn non xa… Sự tương phản làm bật lên cuộc hư hao viễn ảnh, mà phận má hồng có hơn gì một cánh vạc bay: Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi… (Trịnh Công Sơn).
Mây sớm, lại biền ngẫu với đèn khuya. Thao thức, bâng khuâng, khắc khoải, bất an, thắc thỏm, lo âu, tủi phận… vẫn chưa là đủ ý cho chỉ hai chữ bẽ bàng. Mây sớm, một phía mênh mông tinh khôi, đối với đèn khuya thổn thức cặn bợn, gợi hình ảnh cánh buồm cô độc đang chìm khuất trong đại dương cạm bẫy. Cũng chính là Thúy Kiều, nỗi buồn cô đơn chỉ còn nương cậy sẻ chia vào xa xăm sông nước: Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng, như: Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh... (Như Cánh Vạc Bay, Trịnh Công Sơn).
Mới hôm qua, ngày chớm nhụy tình, có tiếng sen gõ cửa chiêm bao khua khuấy mộng mơ xuân thảo. Có thật nhiều rung động khiết tịnh trinh nguyên khi Tóc mây một món, dao vàng chia đôi.
Giữa nỗi buồn lai láng, thiếu nữ trong Kiều thương về Kim Trọng. Ưu tiên một này không ngoài quy luật tình cảm, và là nét nhân văn đầu tiên của khúc thơ rụng xuống cõi người.
Câu thơ Tưởng người dưới nguyệt chén đồng có hai điểm nhấn: j Người, là Kim Trọng, hay là phụ mẫu; k Chén đồng, là chén rượu bằng đồng (thời xưa, bên Trung Hoa, thường dùng bình và chén bằng đồng) hay là lời hứa hẹn sẽ bên nhau trên suốt nẻo đường đời? Câu trả lời sẽ rõ ràng hơn trong đoạn tả Kiều hẹn thề cùng Kim Trọng:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng ([1])
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
Đồng, mang nghĩa: Cùng nhau. Chén đồng chính là cuộc thề nguyện sẽ mãi bên nhau, sẽ đồng cam cộng khổ, mà tóc tơ chỉ là tượng hình, để lòng dặn lòng rằng mối tình tuy son trẻ nhưng đã khắc vào tâm cốt.
Ngày xưa, thông tin cách trở. Nhưng con người đã biết dùng bồ câu đưa thư. Khi chờ tin, cổ nhân sẽ ngóng đợi vào sương khói một cánh chim xa. Hai chữ tin sương ([2]) lại chở đầy chất thơ rất riêng của từ ngữ Nguyễn Du.
Còn hai chữ luống những có nghĩa tương đương: nhiều lắm, biết mấy, chất ngất… nhưng không thay chữ nào hay hơn được. Càng đọc Kiều và Nguyễn Du, mới hiểu câu nói của thi sĩ Bùi Giáng: “Làm thơ dở hơn ông Nguyễn Du, ấy là Đạo vậy.” (Đười Ươi Chân Kinh).
Nhưng Kiều không chỉ có nỗi nhớ người thương. Cõi nhân văn luống những nhân văn soi tỏ chất con người: Làm sao quên được cha mẹ, quê hương! Đoạn thơ tả tình thương mến này lại phác thật rõ nét thiên tài Nguyễn Du. Người xưa có câu thi trung hữu họa (trong thơ có tranh vẽ). Chỉ vài nét bút, thi hào đã xong một họa phẩm đầy tình cảm tả quê nhà và nỗi nhớ thương cha mẹ.
Nhưng trước hết, hãy ngâm gẫm câu thơ: Xót người tựa cửa hôm mai.
Xót. Đó chính là tiếng khóc của Nguyễn Du. Khi ông viết Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như, ông không hề cầu chờ ai đó sẽ khóc cho ông. Nhưng mong đợi đằng đng thiên thu một tri âm để khóc cùng ông. Chính nỗi xúc động vĩ đại đã tạo dựng nên một tác phẩm vĩ đại. Nỗi xúc động bất tuyệt ấy, đã khiến Nguyễn Du nâng niu gìn giữ suốt năm năm trường (1804-1809), tạo dựng một Vạn Lý Trường Thành trên thi đàn, mà vòng ngũ sắc của Kiều đã lung linh cả trời lục bát!
Tựa cửa hôm mai, trong vn vẹn bốn chữ, Nguyễn Du đã vẽ xong chân dung vóc dáng nhân vật, đang ngóng trông tận xa thẳm hư không giữa muôn màu thời gian khi nắng sớm, lúc chiều tà. Tác giả đã xé lòng thương cảm khi hình dung tấm son - thân gái đẹp thể mai xuân, tâm hồn trắng tinh là tuyết - ngước trông vào xanh thẳm. Tâm thức chỉ còn là cánh diều nhỏ nương theo chiếc sao mai trong sương sớm và bóng sao hôm lúc đêm đầy mà bay trong nhung nhớ. Hôm mai, riêng hai chữ, chở đủ không gian bao la, đưa luôn thời gian biền biệt, nên Nguyễn Du làm sao mà không “Nghe từng giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh…” (Như Cánh Vạc Bay, Trịnh Công Sơn).
Thời Nguyễn Du, là thời Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi Tây Sơn khởi nghĩa. Mãi đến năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Du mới tạm dừng bao phong ba phiêu bạt. Trong khi ở Trung Quốc, đang là triều đại nhà Thanh với hoàng đế Gia Khánh (1796-1820, con trai vua Càn Long). Nền văn học Việt Nam lúc này nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Điển tích xưa thường được dùng trong thơ văn như bản minh họa cho câu chữ.
Câu Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ, mượn chuyện xưa trong Nhị Thập Tứ Hiếu (tác phẩm của hQuách ([3]) nhà Nguyên): Cậu bé Hoàng Hương chín tuổi, đời Hậu Hán. Mẹ mất sớm, em ở với cha, hết lòng hiếu thảo. Mùa hè, em quạt màn chiếu cho mát trước khi cha vào nằm. Mùa đông, em vào giường lăn qua trở lại thật lâu, chờ cho giường ấm để đón cha đi ngủ.
Câu Sân Lai cách mấy nắng mưa, cũng mượn chuyện trong Nhị Thập Tứ Hiếu: Lão Lai Tử, người nước Sở thời Đông Châu Liệt Quốc, bảy mươi tuổi vẫn còn cha mẹ. Ông thường mặc áo ngũ sắc sặc sỡ, giả làm trẻ nhỏ, khi múa hát, lúc vờ vấp ngã rồi nhại tiếng khóc con nít, làm trò cho cha mẹ cười vui.
Dù mượn chuyện xưa, nhưng khi hạ bút, lại nguyên vẹn chất thiên tài Thanh Hiên. Những ai đó giờ chứa đựng biết bao ân cần thương yêu, dù lời chân thành mộc mạc. Trong khi chỉ bốn chữ cách mấy nắng mưa, khắc họa đủ sân rêu quê nhà loang đốm nắng, khoan nhặt thềm mưa đang rỏ tiếng đau đáu ngang khói chiều xa cách, như lời nức nở khúc ca dao: Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Gốc tử, hay cây tử (cây thị). Chữ tử này còn có nghĩa quê cha đất tổ (tang tử 桑梓: quê nhà, nơi các bậc cha mẹ xưa bên Trung Hoa thường trồng cây dâu, cây thị). Có khi gốc tử đã vừa người ôm. Câu thơ hằn sâu vết nhớ, dệt nỗi khắc khoải vô biên, lòng khát khao ôm đầy vòng tay gia đình, người thân và càng thấm thía thời gian biền biệt mà Kiều đã phải tha hương muôn nẻo bôn ba.
Những nỗi nhớ cứ chen nhau về, như từng đợt sóng xô theo ký ức. Thuyền ai thấp thoáng xa xa, càng tô đậm lẻ loi trên cửa bể khi hoàng hôn che phủ trời xanh, hay hoa trôi trên nỗi lòng man mác. Kia mong manh ngọn sóng, đây đơn bạc hồng nhan. Nguyễn Du dõi theo thân phận mà cất lời than như một nỗi buồn bản thể: Biết là về đâu. Kiếp con người khác chi sóng tuôn mây nổi, nên có ai biết được sẽ ra sao ngày sau. Biết là về đâu lại buông rũ xuống nhân văn một chất vấn trăm năm còn ẩn số.
Khi bước vào cõi buồn trông thứ ba liên tiếp, thì rõ ràng cái buồn của Thúy Kiều, và giọt lệ Nguyễn Du đã hóa thân với cấp số nhân, từ huyễn hoặc xa xăm hay lăn tăn mặt duềnh trở thành kim tự tháp chân mây mặt đất. Nỗi buồn của “họ” không thèm lặng lẽ nữa, mà cầm luôn micro để m ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Khi Nguyễn Du chọn và đặt tên cho tác phẩm đời người của mình, ông không ngẫu nhiên chọn Đoạn Trường Tân Thanh - đoạn trường 斷腸: đứt ruột; tân thanh 新聲: khúc đàn hay bài thơ mới - vì chỉ có nỗi đoạn trường mới phần nào chia sẻ được giọt lệ nhân văn Nguyễn Du đã bao lần rơi trong suốt Truyện Kiều, và riêng trong khúc thơ này.
Khi viết về thân phận con người, mà Kiều là một đại diện, Nguyễn Du khắc họa khổ đau như một thứ hình bóng luôn kề bên phận hồng nhan, kiếp con người. Đời nào khác chi con thuyền nhỏ mà Nguyễn Du từng xuống cọ: Thiên địa thiên chu phù tự diệp (thuyền nan như chiếc lá trôi nổi giữa đất trời). Với khúc thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nguyễn Du để rơi xuống cõi nhân văn bao nỗi niềm người, vốn chẳng ai riêng trên biển khổ đau.
Con người, chỉ là một hạt bụi hóa thân, dù trải bao rong chơi, hay mấy bận bùi ngùi, vẫn về chung trong “cụm rừng nào lá xác xơ cây”. Xin khép lại bao bồi hồi và ánh sáng nhân văn lấp lánh khúc thơ Kiều; Nguyễn Du dường vẫn bàng bạc đâu đây, để ba trăm năm vẫn đợi chờ ai đó chung khóc kiếp con người: Ôi cát bụi phận này / Vết mực nào xóa bỏ không hay... (Cát Bụi, Trịnh Công Sơn).
TRẦN BỬU LONG
(Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo)



([1]) Căn vặn: Gạn hỏi cho rõ ngọn ngành. Cùng nhau căn vặn đến điều / Chỉ non thề bể nặng gieo đến lời. (Kiều) Đừng nhầm với căn dặn (dặn dò thật kỹ). [Văn Uyển chú]
([2]) Tin sương (sương tín 霜期): Tin tức từ nơi xa sớm nhận được. [Văn Uyển chú]
([3]) Có tài liệu ghi là Quách Cư Kinh 郭居敬 hay Quách Cư Nghiệp. [Văn Uyển chú]

= Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn.
PHẠM QUỲNH (1892-1945)