Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / CHUYỆN ÔNG TIẾN SĨ LƯNG MỌC LÔNG DÊ / Huệ Khải


Nửa cuối thập niên 60 thế kỷ trước, thuở còn là học trò trung học đệ nhất cấp (nay là cấp hai) trường trung học công lập Hồ Ngọc Cẩn (đường Lê Quang Định, Bà Chiểu, Gia Định), tôi học Việt Văn, cô giáo cho dùng sách giáo khoa của soạn giả Đỗ Văn Tú, trong đó có bài Chuyện Ông Tấn Sĩ Lưng Mọc Lông Dê. Tôi thích chuyện ấy, nhưng không biết sâu xa hơn về nguồn gốc, ngoại trừ ghi chú vắn tắt cuối bài là trích sách Huình Tịnh Của (Chuyện Giải Buồn).
Lớn lên, đi dạy rồi viết lách, công việc nghiên cứu tôn giáo bắt tôi phải tra cứu thêm những sách vở liên ngành, do đó tôi biết thêm Paulus Huình Tịnh Của (1834-1907) hiệu Tịnh Trai, sinh năm 1834 tại làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), làm công chức tới ngạch đốc phủ sứ,([1]) rất có công truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu ở đất Nam Kỳ. Năm 1907 ông Paulus (Phaolô) Của trở về với Chúa, được an táng tại Bà Rịa.
Chuyện Giải Buồn gồm hai tập, in ở Sài Gòn cuối thập niên 1880, tổng cộng 112 truyện. Về sau, sách được tái bản nhiều lần. Ông Huình Tịnh Của không ghi xuất xứ các truyện ông dịch và đưa vào hai tập Chuyện Giải Buồn. Do đó, phần đông độc giả miền Nam hâm mộ sách ông đều không biết rằng rất nhiều truyện ly kỳ trong sách được dịch từ bộ Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh (1640-1715), là một kỳ thư gồm hơn 400 truyện, ra đời vào đầu triều nhà Thanh (Trung Quốc). Nhan đề tác phẩm của họ Bồ có nghĩa là những chuyện rất quái dị chép ở căn nhà tạm.
Trong Liêu Trai Chí Dị có truyện Thiểm Hữu Mỗ Công. Thiểm Hữu 陝右 tức là tỉnh Thiểm Tây 西. Mỗ Công 某公 là cách gọi phiếm định: ông ấy, ông nọ. Bản dịch của Huình Tịnh Của thì ghi địa danh là Hiệp Hữu; có lẽ do đọc nhầm chữ Nho chăng? ([2]) Câu chuyện do Paulus Của kể lại như sau:
“Đất Hiệp Hữu có một ông Tấn Sĩ [tiến sĩ] hay nhớ việc kiếp trước. Ông ấy nói kiếp trước mình làm học trò, được nửa đời người mà chết; xuống âm phủ thấy vua Thập Điện đương có tra án, bày những lò vạc gớm ghiếc, y như chuyện người ta nói trên đời; bên góc đền về phía đông, thấy những giá treo da dê, da chó, da trâu, da ngựa cùng các thứ da; thấy người coi bộ [sổ sách] kêu tên từ người, hoặc bắt đi làm ngựa, hoặc bắt đi làm heo, [thì] quỷ đều lột trần truồng, lấy da [treo] trên giá mặc cho. Giây phút kêu tới tên ông Tấn Sĩ. Ông ấy nghe vua Thập Điện dạy đi làm dê, liền thấy quỷ lấy một cái da dê, bắt ông ấy lột trần, tròng vào khít rịt. Xảy có một tên thơ lại tâu, nói ông ấy có cứu một người khỏi chết. Vua Thập Điện tra bộ [sổ sách] lại, quả có như lời, bèn trở giận làm vui mà rằng: Tội ác nó thiệt quá lắm, song một việc lành ấy cũng cứu nó được. Vua Thập Điện nói rồi liền dạy quỷ lấy da dê lại. Chẳng dè da dê đã dính vào trong thịt, cởi không ra, hai thằng quỷ phải nắm cánh tay ông Tấn Sĩ, đứa trì đứa lột, đau ông ấy quá chừng, da dê rách từ miếng, lột không sạch, bên vai ông Tấn Sĩ hãy còn dính một miếng lớn bằng bàn tay. Đến khi ông ấy sống lại, sau lưng ông có lông dê mọc vấy vá, cạo đi nó mọc lại không tuyệt.”
Chuyện người chết đi, hồn phải về Địa Phủ để Thập Diện Diêm Vương tra xét công tội trên thế gian rồi cho đầu thai trở lại dương thế làm người sướng, kẻ khổ, hay làm thú vật, rất được dân gian tin tưởng; rất nhiều chuyện nhân quả luân hồi lưu truyền từ đời nọ sang đời kia, có tính cách khuyến thiện (dạy làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức…).
Niềm tin này được các tôn giáo như Lão (Đạo giáo dân gian), Phật, Cao Đài, Hòa Hảo… truyền bá trong kinh sách, dùng nhiều hình ảnh minh họa. Tuy nhiên, trong giáo lý Kitô giáo, mặc dù Phúc Âm có dạy về luật nhân quả công bình (thưởng thiện phạt ác), như Đức Chúa tách riêng chiên và dê trong ngày phán xét cuối cùng (Matthêu 25:31-46), nhưng không nói tới chuyện đầu thai, chuyển kiếp, luân hồi.
Là một người Công Giáo, nhưng Paulus Huình Tịnh Của đã không loại trừ chuyện luân hồi chuyển kiếp trong tích ông tiến sĩ lưng mọc lông dê; đó là điều nên suy nghĩ:
Có thể ông đã sớm có tinh thần “đối thoại liên tôn” trước cả Công Đồng Vatican II chăng? Hay là ông vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc luân lý cổ truyền của dân tộc? Nhưng đơn giản hơn, tôi nghĩ rằng ông Paulus Của không quan tâm tới khác biệt tiểu tiết về tín lý, mà chỉ nhắm tới tính chất cốt lõi của câu chuyện là khuyến thiện. Có lẽ vậy, bởi vì về mặt giáo dục con người hãy biết thương nhau, biết cứu vớt sinh mạng kẻ khác (như ông tiến sĩ đất Thiểm nọ), thì đạo lý này hoàn toàn phù hợp lời Đức Chúa dạy con người hãy biết thương yêu lẫn nhau (Gioan 13:34): “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” ([3])
HUỆ KHẢI (03-02-2015)



([1]) Đốc phủ sứ (thường gọi tắt đốc phủ) là ngạch công chức cao hơn ngạch tri phủ. Ngạch tri phủ có hai hạng: tri phủ hạng nhì (phủ de 2e classe); tri phủ hạng nhứt (phủ de 1er classe). (Tham khảo: Ngày 01-01-1924 tiền bối Ngô Văn Chiêu thăng lên ngạch tri phủ hạng nhì, tiền lương là 1.672 đồng. Ngày 01-7-1926 tiền bối Ngô Văn Chiêu thăng lên ngạch tri phủ hạng nhứt, tiền lương là 1.933 đồng. Dưới ngạch tri phủ là ngạch tri huyện, cũng có hai hạng: tri huyện hạng nhì (huyện de 2e classe); tri huyện hạng nhứt (huyện de 1er classe). (Tham khảo: Ngày 14-7-1920 tiền bối Ngô Văn Chiêu thăng tri huyện hạng nhứt, tiền lương 1.222 đồng.) Thơ ký các cơ quan hành chánh Nam Kỳ thời Pháp thuộc muốn được thăng lên ngạch huyện, phủ đều phải qua các kỳ thi rất gắt gao.
([2]) Vì chữ Thiểm và những chữ Hiệp ; ; ; ; ; , v.v… viết khá giống nhau.
([3]) A new command I give you: Love one another. As I have loved you, so you must love one another.