Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT DỰA TRÊN GIÁ TRỊ TINH THẦN KITÔ GIÁO

Nữ Tu Thecla TRẦN THỊ GIỒNG
Dòng Đức Bà
Nói đến tinh thần của một tôn giáo, nhất là Kitô Giáo thì mênh mông, rộng lớn vô bờ. Ở đây xin được nêu vài ý tưởng trong hướng giải quyết xung đột thôi. Dù vậy cũng khó tránh được những hạn chế.([1])
Cuộc sống con người thiên về hai mặt chính: vật chất và tâm linh hay còn gọi là vật đạo và linh đạo. Vật đạo là con đường vật chất bao gồm cơm áo gạo tiền, danh vọng, dục tình và chức quyền… - những gì đáp ứng nhu cầu vật chất của chúng ta. Linh đạo là con đường tâm linh, hướng nội, xoay tâm thức ngược chiều về Chân Thiện Mỹ. Đây là con đường hẹp, khó đi và theo tính tự nhiên thì không hấp dẫn.
Linh đạo Kitô Giáo là con đường hẹp. Điều đó có nghĩa là phải thu nhỏ cái tôi thân xác, cái tôi tâm lý; là sống đơn sơ, nhỏ bé, nhẫn nhục và khiêm tốn, quên mình… Thật ra, những quan điểm sống và nhiều nét văn hóa của người Việt chúng ta như chữ Hòa, chữ Nhẫn, chữ Tình và nhất là niềm tin vào Ông Trời rất gần và trùng khớp với tinh thần Kitô Giáo như đã nêu qua một chút ở phần trên.([2])
Sau đây là vài nét nổi bật trong giáo huấn Kitô Giáo giúp tìm ra cách thế để giải quyết xung đột.
1. Con đường bát phúc (Matthêu 5:1-10) mà Đức Kitô dạy có ba điểm rõ nét giúp chiến thắng bản thân, tránh xung đột:
- Phúc cho ai hiền lành: Là không có hành vi bạo lực, tàn nhẫn với tha nhân. Hiền lành bắt nguồn từ lòng khiêm nhu, biết quý mến anh em và muốn phục vụ họ. Có quý trọng mới kiên nhẫn và đối xử tốt với họ. Người hiền lành luôn giữ lòng bình tĩnh, sáng suốt, tôn trọng tự do của mỗi người, không dùng võ lực [bạo lực] để dẫn dắt họ ngay cả đến với điều tốt. Hiền lành là hoa quả của lòng khiêm nhường mà Đức Kitô là gương mẫu. Ngài luôn luôn sống và phục vụ với thái độ và tâm tình quên mình, chịu thua thiệt. “Ai vả má này, người hãy đưa luôn cả má bên kia.” (Luca 6:29). Điều này không dễ tí nào!
- Phúc cho ai biết thương xót: Là cảm thương với nỗi đau của người khác. Ai có lòng xót thương sẽ để ý đến những người cô đơn, thiếu thốn, bị bỏ rơi, bị xã hội gạt ra bên ngoài. Họ sẽ cố gắng giúp đỡ mà không kể công. Đối với Đức Kitô lòng xót thương rất quan trọng. Ai không mở lòng cho tha nhân, thì cũng chẳng mở lòng cho Thiên Chúa. Ai xót thương, thì cũng dễ tha thứ. Thiên Chúa là Đấng hay xót thương và luôn luôn sẵn sàng tha thứ. Ngài là Đấng thành tín, không bao giờ ngưng thương yêu và đi tìm kiếm chiên lạc. Bắt chước lòng thương xót hay thứ tha của Ngài, chúng ta sẵn sàng chịu nhường nhịn, bỏ qua bất đồng và tìm cách hàn gắn lại các mối tương quan cũng như vui vẻ mở lòng kết thân với mọi anh em.
- Phúc thay những kẻ gây hòa thuận: Đối với Đức Kitô, xây dựng hòa bình không chỉ là giải quyết xích mích mà còn là giúp người ta kết thân với nhau và với Thiên Chúa, là sống chan hòa với kẻ gần người xa, là kiến tạo sự bình an quanh mình…
Tinh thần bát phúc đem con người tới tình yêu thương đại đồng. Khi hướng theo con đường tâm linh, tiến vào sâu thẳm lòng mình, trở về với cái tâm trinh nguyên chân chất, trở về gần Đấng Thiên Chúa là tình yêu,([3]) nhân hậu, con người sẽ đồng hóa mình với Thiên Chúa tình yêu và trải rộng tình yêu ấy ra chung quanh, không phân biệt giai cấp, tôn giáo hay sắc tộc. Tình yêu như khí trời luôn lách vào các khoảng trống trong cuộc sống của ta và gắn kết mọi người và mọi sự với nhau
2.Hãy trở nên như trẻ nhỏ.” (Luca 18:17). Kinh Thánh nhắc đến tinh thần trẻ thơ đó là cần giữ cho tâm được trong, được tinh tuyền, không bị vùi lấp trong dục vọng, không bị nghiêng ngả, lệch lạc… Sống sao để giữ cho tâm sáng, cởi mở, chan hòa với mọi người và mọi sự chung quanh mình? Tại sao phải có cái tâm của trẻ thơ? Vì tâm trẻ nhỏ còn trong, chưa bị quyền lợi, danh vọng chi phối nên chưa có sự cạnh tranh, giành giựt hay âm mưu hại người… Người lớn thường có nhiều ham muốn của cải cũng như quyền hành, tự cao và muốn vượt trội người khác, chiếm đoạt và vun đắp cho bản thân. Trái lại, trẻ thơ thường không cậy mình, trong suốt nên dễ gần với thiên nhiên, thân thiện, hòa đồng với người khác. Trẻ con không thủ lợi trong tương quan và cũng không phân biệt giàu nghèo. “Trở nên như trẻ thơ là trở về trạng thái hồn nhiên của trẻ sơ sinh để giữ được cái sinh lực toàn vẹn nhất, giữ được sự quân bình không thiên về một bên nào của cái cân thiện ác, thị phi, vinh nhục. Tuy trẻ thơ khi mới sinh ra đã là nam hay nữ rồi, nhưng trong nó lại chứa đựng cả nam lẫn nữ, chưa phân biệt rõ ràng nên nó có đủ cái “tinh” của cả hai. Nó có được cái tâm bất động bên trong, không bị ngoại vật làm xáo động, chưa biết phân biệt giữa người và vạn vật, nên nó không làm hại vật nào và đồng thời không gì có thể hại nó được, dù là độc trùng, mãnh thú… Phải, chúng ta cần giữ được tính bản nhiên như thẻ thơ. Điều này cũng nằm trong giáo lý của các tôn giáo lớn, trong các học thuyết của nhân loại: Đức Lão Tử đã nói đến anh nhi chi tâm,([4]) Thầy Mạnh Tử nói đến xích tử chi tâm.([5])
3. “Hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.” (Matthêu 11:29): Nếu theo gương Thầy Giêsu sát sao, sống hiền hậu và khiêm tốn, ta sẽ là con người của hòa bình có cuộc sống chan hòa với mọi người. Và tất nhiên, xung đột khó có chỗ đứng trong những tâm hồn như thế.
- Hiền lành là tốt lành, không độc ác, nhưng có lòng thương người, hay làm điều thiện. Theo nguyên ngữ Hy Lạp được dùng trong Kinh Thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo.“Người sẽ không cãi vã, gào thét và chẳng ai nghe người lên tiếng trên đường phố. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi…” (Matthêu 12:19-20).
- Khiêm nhường là nhún nhường, không khoe khoang, là hạ mình xuống một chút. Căn bản của khiêm nhường là biết phận mình học đòi Chúa Giêsu xóa mình phục vụ trong tinh thần khiêm tốn. “Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì thật như vậy. Vậy nếu Ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Thầy vừa làm gương để các con cũng làm như vậy.” (Gioan 13:13-15).
Chúng ta đang sống, đang ngụp lặn trong các giá trị văn hóa dân tộc và tinh thần Kitô Giáo. Không cần tìm kiếm đâu xa mà chỉ cần trở về, “gạn đục” những gì đang làm ô nhiễm tâm trí, những hành vi lệch lạc, thô bạo, những hình ảnh thiếu trong sáng… và “khơi trong” lại những kho tàng vô giá trong văn hóa nước nhà, và trong tinh thần yêu thương của Thiên Chúa chúng ta. Cố gắng nhắc nhở nhau và các thế hệ con cháu gìn giữ, khai thác những hạt ngọc vốn có với thái độ trân trọng. Cùng nhau luyện cho TÂM luôn TRONG để biết cư xử với lòng khoan dung HÒA ÁI. Hy vọng rằng những XUNG ĐỘT trong cuộc sống sẽ được GIẢM THIỂU.
Nữ Tu Thecla TRẦN THỊ GIỒNG



([1]) Tham luận tại cuộc hội thảo với chủ đề “Kỹ Năng Hòa Giải Xung Đột” do Viện Liên Kết Toàn Cầu / IGE: The Institute for Global Engagement (Hoa Kỳ), và Ban Tôn Giáo Chính Phủ (Việt Nam) tổ chức ngày 26 và 27-3-2015, tại TpHCM. Bài viết đăng trên nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 243, tháng 3-2015, tr. 112-122. Chúng tôi đã được tác giả cho phép trích in phần đầu trên Văn Uyển 14 (tập Hanh, quý Hai 2015). Nay đăng nốt phần cuối bài tham luận. Chân thành cảm ơn Nữ Tu Thecla Trần Thị Giồng và báo CGvDT. [Văn Uyển]
([2]) Xem Văn Uyển 14 (tập Hanh, quý Hai 2015), tr. 67-78: Giải Xung Đột Dựa Trên Giá Trị Văn Hóa Việt Nam.
([3]) Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (Thư I Gioan 4:8)
([4]) Anh nhi là trẻ sơ sinh. Lão Tử Đạo Đức Kinh (Chương 20): Riêng ta lặng lẽ hề chẳng có dấu vết, như trẻ sơ sinh chưa biết cười. (Ngã độc bạc hề kỳ vị triệu, như anh nhi chi vị hài.) 我獨泊兮其未兆, 如嬰兒之未孩. [Văn Uyển chú]
([5]) Mạnh Tử (Ly Lâu, Hạ, 12): Không đánh mất cái lòng của đứa con đỏ. (Bất thất kỳ xích tử chi tâm.) 不失其赤子 之 心 . [Văn Uyển chú]

= Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. (Matthêu 23:12)