Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / TRIẾT LÝ CHUYỆN KHỈ / Lê Anh Dũng


Các chuyện cổ hoặc ngụ ngôn trên thế giới đều không quên dành chỗ cho loài vật, và con khỉ là một “nhân vật” không hiếm hoi trong số đó. Ở Ấn Độ, bộ kinh Jataka tiếng Pali (kinh Bổn Sanh) lưu truyền một số chuyện ngụ ngôn thâm thúy liên quan tới con khỉ. Từ trang kinh Jataka, hình ảnh con khỉ lại được chuyển thể thành các phù điêu vừa để minh họa cho những tích chuyện này vừa để trang trí cho một số đền thờ ở Ấn.
Sau đây là ngụ ngôn số 174 trích trong kinh Jataka:
Ngày xưa, bên ngoài thành Varanasi có con đường nằm sát một cánh rừng rậm. Trong rừng có nhiều khỉ sinh sống. Bên đường có một giếng sâu và một máng nước. Khách đường xa thường ghé lại, thòng dây thả gàu xuống giếng múc nước dùng. Xong rồi, để làm phước, họ còn chịu khó đổ nước đầy máng cho thú rừng đến uống.
Một hôm, con đường ở bìa rừng ấy bỗng dưng vắng tanh vắng ngắt, chẳng ai qua lại. Thế nên cái máng cạn khô vì không ai đổ nước vào cả. Bởi vậy, khi một con khỉ khát nước lò mò tới bên giếng và thấy chiếc máng khô queo, nó cứ lăng xăng, lính quýnh bên giếng, bộ tịch bối rối, khó xử…
May sao, ngay lúc ấy tình cờ có một con người nhân hậu đi qua. Ông dừng chân bên giếng múc nước giải khát. Thỏa thích rồi, chợt chú ý thấy chú khỉ khổ sở vì khát, đang xớ rớ gần đó, ông liền múc thêm nước giếng đổ đầy vào máng cho khỉ. Mọi việc đâu đấy xong xuôi ông mới thong thả tìm chỗ râm mát dưới một tàn cây và ngả lưng ngơi nghỉ.
Chẳng chần chờ, chú khỉ liền nhào tới máng nước uống lấy uống để. Sau khi đã thèm rồi nó bắt đầu dở trò … khỉ. Nó nhe răng, làm bộ mặt nhăn nhở, xấu xí để dọa nạt người kia. Ông trách: “Ta giúp chú uống nước đã khát rồi bây giờ chú trả ơn ta như vậy đó hả? Chú không thể đối xử đàng hoàng tử tế được sao?”
Khỉ nghe vậy bèn nhảy thót lên cành cây ngay trên đầu ông và nói: “Được chớ, tao còn làm hay hơn thế nữa kìa”.
Thế rồi nó liền phóng uế xuống đầu ông và biến nhanh vào rừng, miệng kêu khèn khẹt: “Tao trả ơn vậy đó!”
Người đàn ông đành phải ra giếng múc nước để tắm gội cho sạch.
Giảng giải chuyện này, các hiền giả Ấn Độ bảo rằng người đàn ông nhân hậu nọ là hình ảnh của bậc chánh chân, đạo đức, thường hay ra tay cứu nhân độ thế. Ở phương diện khác, người đàn ông nọ còn tượng trưng cho những nhà truyền giáo, muốn đem đạo lý đến cứu khổ cho con người.
Nước giếng ngọt mát tượng trưng cho giáo pháp mầu nhiệm.
Con khỉ khát nước tượng trưng cho chúng sanh đang cần có giáo lý giải thoát.
Con khỉ làm nhục ân nhân của mình tượng trưng cho những nghịch cảnh thử thách nghiệt ngã mà các nhà truyền giáo thường gặp phải.
Thực vậy, như được ghi lại trong lịch sử các tôn giáo, khi đem đạo lý đến cho thế gian, các nhà truyền giáo lắm lúc phải chịu cảnh dè bỉu, ngược đãi, nhục hình, thậm chí rất nhiều vị đã phải hy sinh thân mạng! Riêng về đạo Cao Đài, nhiều bằng chứng lịch sử xác thực về việc triều đình Huế và thực dân Pháp bách hại các tín hữu áo trắng Kỳ Ba đã được ghi lại trong quyển 53-1 của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống: Cấm Đạo Cao Đài Ở Trung Kỳ 1928-1950 (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012).
LÊ ANH DŨNG