Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / HAI CON DÊ NÚI / Nghê Dũ Lan


Thời còn là chú bé con trường làng (xã Mỹ Luông A, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang), tôi sớm được học chuyện ngụ ngôn kể về hai con dê núi giành nhau qua cầu để rồi cùng rớt xuống vực sâu.
Phần lớn sách giáo khoa cho trẻ ngày xưa, nếu tôi nhớ không lầm, ít khi cung cấp xuất xứ các chuyện kể hay bài thơ, đoạn văn được trích đưa vào sách. Thế nên, câu chuyện hai con dê núi bắt nguồn từ đâu thì người soạn sách không nói rõ. Có thể chuyện ấy phổ biến ở nhiều nước khác nhau, nên khó mà nói được xuất xứ đích xác.
Sau này, tôi tình cờ biết rằng đạo Hindu của người Ấn có chuyện ngụ ngôn đó.
Ngụ ngôn đạo Hindu là các chuyện kể bằng thơ hay văn xuôi vốn được dân gian Ấn Độ khẩu truyền từ xa xưa, trước khi được Vishnu Sharma kết tập thành tác phẩm Panchtantra (nghĩa là Năm Nguyên Lý) vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Khi sách này được dịch ra nhiều ngôn ngữ, ắt hẳn các chuyện ngụ ngôn trong ấy dễ biến thành tài sản văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau (với ít nhiều chi tiết cải biên).
Theo Panchatantra, chuyện hai con dê núi tóm tắt như sau:
Có chiếc cầu rất hẹp nối liền hai đỉnh núi. Cầu không có lan can hay tay vịn. Xa tít bên dưới cầu là vực thẳm, dòng nước sâu chảy xiết. Ngày kia có con dê từ núi này đi sang núi kia, và lại có con dê nữa từ núi kia đi sang núi này. Gặp nhau giữa cầu hẹp té, không ai chịu nhường ai, cả hai bèn dùng sừng húc nhau để giành đường. Mất thăng bằng, cả hai cùng rơi xuống vực thẳm, tan xác.
Nếu tôi không lầm, câu chuyện này (mà phần đông chúng ta đều rõ biết) hầu như luôn luôn kết thúc ở đó. Nhưng trong ngụ ngôn của người đạo Hindu thì có thêm một đoạn khác như dưới đây:
Một tuần sau, tình cờ cũng có hai con dê núi từ hai đầu cầu đi ngược chiều nhau và gặp nhau giữa cầu. Một con cúi đầu chào con kia và ăn nói nhã nhặn:
“Xin lỗi ngài. Lẽ ra khi còn ở đầu cầu bên kia tôi đã đứng chờ ngài, nếu như thấy kịp ngài đang đi trên cầu này. Tuy nhiên, tôi nhỏ tuổi hơn ngài nhiều. Cha mẹ và thầy giáo dạy tôi phải biết kính trọng bề trên và phải tử tế, hòa nhã với tất cả mọi loài. Hơn thế nữa, tôi còn được khuyên bảo rằng mỗi khi gặp phải bất kỳ trở ngại nào, trước hết hãy cầu nguyện để được Thượng Đế dẫn dắt. Trở ngại và giải pháp luôn song hành với nhau. Chúng giống như hai đầu của tấm khăn lớn. Khi ta quấn khăn buộc quanh bụng, thì hai đầu khăn chắn chắn sẽ gặp nhau. Trở ngại nào ắt có giải pháp nấy. Trước tiên, tôi phải nghĩ tới giải pháp tốt đẹp cho tình huống này.”
Con dê kia hỏi:
“Giải pháp thế nào?”
Con nọ đáp:
“Tôi sẽ nằm bẹp xuống cầu và nghiêng đầu qua một bên để ngài có thể dễ dàng bước qua lưng tôi. Sau đó tôi đứng dậy và đi tiếp.”
Vậy là cả hai con dê núi đều qua cầu an toàn tánh mạng.
Panchatantra kết thúc chuyện như trên, không kèm theo lời bình luận nào để rút ra bài học luân lý. Sau khi kể xong ngụ ngôn, người lớn sẽ gợi ý cho trẻ tìm thấy bài học luân lý. Người lớn càng sâu sắc thì bài học cho trẻ càng thấm thía, càng dễ in sâu vào trí nhớ trong trắng của lứa tuổi thơ ngây.

NGHÊ DŨ LAN (02-01-2015)