Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / MẤY NÉT KHÁI QUÁT VỀ MINH THIỆN CHƠN KINH / Thanh Căn


Tiên Thiên Đại Đạo thoạt tiên là một pháp tu của Minh Sư Đạo, vào đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, tại Thiên Thai Tịnh (Cai Lậy, Mỹ Tho). Qua cơ bút, Đức Chí Tôn giáng điển dạy thiết ba đại hội: Đại Hội Thiên Hoàng ngày mùng 8 và 9 tháng Giêng năm Giáp Tý (Thứ Ba 12 và Thứ Tư 13-02-1924). Đại Hội Địa Hoàng ngày 15 tháng 10 năm Ất Sửu (Thứ Hai 30-11-1925). Đại Hội Nhơn Hoàng ngày 15 tháng 7 năm Bính Dần (Chủ Nhật 22-8-1926).
Trong đàn cơ đêm 15-10 Ất Sửu, Đức Chí Tôn dạy lập phái Tiên Thiên Đại Đạo thuộc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (tức đạo Cao Đài) như sau:
Ngọc bạch giáng lâm buổi mạt đời
Hoàng đồ bố hóa khắp nơi nơi
Thượng căn Đại Đạo Tiên Thiên xuất
Đế nghiệp Nam bang sửa thế thời
Kim viết ân hồng quy chánh giáo
Cao Đài vũ lộ hiệp cơ Trời
Nam bang giáo đạo con Hồng Lạc
Phục thủy linh căn đáo thượng đời.
Tiên Thiên Đại Đạo là cái Đạo của Diêu Trì Kim Mẫu sáng lập Kỳ Ba để lập thành chánh danh là Tiên Thiên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ…”
Do đặc điểm của Tiên Thiên Đại Đạo trong Cao Đài theo nguyên lý vạn thù quy nhứt bổn, cho nên khi những nhà đàn tự lập thành thánh tịnh đều có bộ phận thông công bằng cơ bút riêng; sau đó Hội Thánh giáo quyền trung ương mới thành lập để hệ thống hóa việc hành đạo của các thánh tịnh căn cứ theo Pháp Chánh Truyền và Tân Luật.
Thánh tịnh Ngọc Linh (nay ở xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là một trong những thánh tịnh thuộc phái Tiên Thiên. Thánh tịnh Ngọc Linh xưa có cơ bút riêng để hóa độ và khuyến giáo bổn đạo tu hành.
Tại thánh tịnh Ngọc Linh, bên cạnh ngôi thờ Đức Chí Tôn, Ơn Trên dạy thiết lập ngôi Diêu Trì Bửu Điện (gọi là Phụng Lầu) để thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Thánh tịnh đã tiếp nhận nhiều thánh giáo từ năm 1958 đến 1960, Ban Cai Quản đã sưu tập thành hai quyển, trong đó có quyển Minh Thiện Chơn Kinh, gồm hai mươi bốn bài tiếp nhận năm 1959. Đức Mẹ cho các Đấng  Đại Tiên, Phật Quan Âm, Thánh Nữ, v.v… lần lượt giáng cơ tả kinh, nội dung dạy về Nhơn Đạo. Như thế, về giáo lý phù hợp với đường lối Tiên Thiên là phước huệ song tu, người tín đồ muốn đạt đến Thiên Đạo giải thoát thì nhất thiết phải hoàn thành phần tu Nhơn Đạo, vì Nhơn Đạo mà không tu thì Thiên Đạo còn xa mới tới vậy.
Trong quyển Minh Thiện Chơn Kinh, chúng ta thấy có vài điểm đáng lưu ý:
1. Các Đấng giáng tả Chơn Kinh, có các vị Thánh Mẫu và Công Chúa vốn được Đạo Giáo Việt Nam tôn thờ, như:
* Đức Vân Hương Thánh Mẫu tức Liễu Hạnh Thánh Mẫu (dân gian thường gọi là bà Chúa Liễu) là một trong Tứ Bất Tử của dân tộc Việt Nam. Ba vị còn lại là Thần Tản Viên, Thánh Gióng, và Chữ Đồng Tử. Ngài đã ba lần thai sinh xuống trần (hóa thân tam chuyển) để giúp nước cứu dân. Vua các triều đại nhà Lê, Nguyễn đều sắc phong Ngài là Thượng Đẳng Thần, đền thờ lập tại Nam Định, Thanh Hóa...
* Đức Huyền Trân Công Chúa (1287-1340)  là con gái của vua Trần Nhân Tông và là em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chiêm Thành (Champa) là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay).
* Đức Linh Quang Phật Địa (có nơi cho là một hồng danh của Đức Địa Tạng Bồ Tát), và Đức Định Phước Chánh Thần Tư Mạng Táo Quân cũng tham gia giáng tả kinh.
Các sự kiện nầy nói lên uy linh hiển hích của chư Thần Linh Việt Nam trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
2. Về nội dung, Minh Thiện Chơn Kinh nhằm phục hồi luân lý truyền thống, nêu cao phần Nhơn Đạo trong xã hội nhơn sinh; người tu theo Thiên Đạo trước hết phải thành toàn phần Nhơn Đạo.
Chữ Thiện có nghĩa là những điều tốt đẹp được nhiều người công nhận, và điều tốt đẹp đó được hiểu rộng hơn, là lòng nhân ái, phẩm chất đôn hậu, thuần lương. Minh Thiện 明善 tức là làm sáng tỏ điều lành, điều tốt của con người. Muốn cho điều lành, điều tốt được sáng tỏ thì các Đấng khuyên chúng ta nên thực hành những điều thuộc về luân lý đạo đức. Chẳng hạn, tại bài Thánh Tựa, Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy:
“Kinh vốn dạy những gì? Dạy không ngoài lẽ Trời, những việc làm hằng ngày theo luân lý con người như: vợ kính trọng chồng, trẻ phải phụng sự bậc huynh trưởng, con phải phụng sự cha mẹ, em phải phụng sự anh; trong gia đình và trong làng xóm cần khuyên bảo người đời thực hành việc thiện để trở lại sự linh thiêng của bản tánh, để làm sáng rỡ sự tốt lành, [để hiểu] sự sâu kín mịt mờ.”
Vậy, luân lý mà Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy ở đây có nghĩa bao gồm cả đạo đức. Luân lý là chỉ về cái đạo nhơn luân, quy phạm thứ tự về các mối quan hệ trách nhiệm và nghĩa vụ giữa người với người, có tính quần thể. Đạo đức chỉ về giá trị và thái độ của chủ thể nội tại, về cái đạo tu dưỡng bản thân, có tính cá thể. Như trong sách Đại Học nói thành ý, chánh tâm, tu thân… thuộc về đạo đức; nói tề gia, trị quốc, bình thiên hạ… thuộc về luân lý.
Cho nên, trong Minh Thiện Chơn Kinh, có các đề mục thuộc về luân lý như: Khuyến nữ thanh xuân, Phụng sự tổ tiên, Phụng sự công cô, Kính phu tử, Huấn từ nữ, Nghinh hôn giá thú, Khuyến phụ đạo, Mục hương lân, Huệ trạch, Tuất bất tiện… Và có các đề mục thuộc về đạo đức như: Tỉnh tâm, Sám nhứt diệu đề, Giới khẩu kinh, Sám nhị diệu đề, Tích thiện, Trọng về ngũ cốc, Tự hối…
Minh Thiện Chơn Kinh được xem như tấm gương quy phạm về luân lý đạo đức, nhằm soi rọi và hướng dẫn hành vi của con người theo chuẩn mực chân, thiện, mỹ được loài người công nhận: Duy trì cơ chế của trật tự gia đình và xã hội; giải quyết dứt điểm các mối xung đột từ nội tâm đến ngoại cảnh; giảm thiểu các hành vi bất ổn; dự phòng nhơn tính bị sa đọa; nâng cao giá trị tốt đẹp của hành vi con người; hài hòa tương tác lẫn nhau trong quá trình diễn hóa theo thế giới tự nhiên. Từ đó, người đạo sẽ có cơ hội làm sáng cái đức lành mà trở về chỗ “nhơn chi sơ tánh bổn thiện”; xây dựng được nền tảng Thế Đạo đại đồng ngõ hầu tiến nhập vào cảnh giới Thiên Đạo giải thoát.

THANH CĂN