Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

ĐĐVU 17 / ĐỌC HAI TẬP THƠ CỦA BẠN THƠ CAO ĐÀI / Nghê Dũ Lan


1. Liên kết với nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội), cuối năm 2015, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo vừa gởi đến những người yêu thơ hai tập thơ của hai tín hữu Cao Đài miền Trung, đều là môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài: Gởi Người Áo Trắng, của Trần Dã Sơn (72 trang); và Giữa Chốn Ta Bà, của Huỳnh Văn Mười (72 trang).
In thơ của bạn thơ áo trắng sớm là chủ trương của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống kể từ khi mới khởi sự hoạt động (tháng 6-2008). Qua nhà xuất bản Tôn Giáo, tập thơ đầu tiên đã ra mắt là Tiếng Chim Quyên, của Phạm Văn Liêm (2011); kế tiếp là Thơ Người Áo Trắng, hiệp tuyển của nhiều tác giả (2013).
In thơ của bạn đạo, với số lượng từ 1.000 đến 2.000 hay 3.000 bản, như Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã làm, là hoài bão góp phần làm nên diện mạo văn học Cao Đài” trong tương lai. Quả thật, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đã bày tỏ như vậy, như một giải thích tường minh cho một câu hỏi: Tại sao lại ấn tống thơ bên cạnh kinh sách phổ thông giáo lý?
Do rất chú trọng góc cạnh văn học, nên Chương Trình Chung Tay Ấn Tống không “mặn mà” với những bài thơ khuyến tu, hay thơ diễn bày giáo lý. Điều này dường như hữu lý, bởi lẽ nguồn thánh giáo Cao Đài sẵn có từ năm 1926 tới nay đã rất phong phú các bài thánh thi của Phật Tiên, Thánh Thần giáng cơ truyền dạy đạo lý. Thế nên, thay vì chọn những sáng tác mang hình thức thuyết giảng giáo lý bằng văn vần của tín hữu, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống đặc biệt chú ý những bài thơ đạo “tuôn theo một dòng chảy khác”. Dòng chảy ấy như thế nào?
2. Để trả lời, trước hết thử đọc tập thơ Gởi Người Áo Trắng của Trần Dã Sơn, năm nay sáu mươi bảy tuổi, như anh tự thuật:
* Biết nhau giữa cõi địa đàng
Chào nhau một tiếng hai hàng mưa bay
Vu vơ lại đếm ngón tay
Sáu mươi bảy tuổi dạn dày đủ chưa.
(Vu vơ)
Chào đời tại Bình Nam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), Dã Sơn đang tu học tại họ đạo Trung Phước An (thị trấn Phước An, huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk). Ngoài giờ tu học, anh vui trồng cà phê, làm lúa trên cao nguyên. Như thế, Dã Sơn quả thật là một bạn thơ nương rẫy và ngày ngày vẫn đổ mồ hôi trên rẫy nương:
* Ở rẫy mồ hôi tan với đất
Về nhà hơi thở tỏa theo sương.
(Tự thuật)
* Đã qua một buổi chiều nương rẫy
Đêm xuống, buồn lên lại nhớ quê.
(Mùa tu ở rẫy cà phê)
* Cố quận xa mấy dặm sơn khê
Đêm tàn chưa thấy bóng sao khuê
Ngẩng đầu cánh vạc bay về muộn
Ngày mới chớm sang vội nhớ quê.
(Về đâu)
Muôn trùng cố quận quê xưa của người tín hữu áo trắng không phải đâu đó giữa cõi trần gian. Theo giáo lý Cao Đài, con người vốn đã chia tay thượng giới mà đi vào chốn cát bụi này. Đường về quê cũ của một tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo như Dã Sơn là con đường tu thiền với tâm pháp luyện châu (lần chuỗi):
* Đêm chở khúc vô thường theo nhịp thở
Giữa có không ai nhận diện được mình
Tay lần hạt để gỡ dần duyên nợ
Hồn trầm luân về gõ cửa hư linh.
(Xưa nay)
* Niệm câu danh hiệu, tay lần hạt
Đếm giọt từ bi, giạt ái hà.
(Mùa tu ở rẫy cà phê)
* Thôi đành yên lặng nghe hơi thở
Dẫn dắt hồn ta tới nẻo về.
(Về đâu)
Chất đạo trong thơ Dã Sơn thoạt xem thì cứ ngỡ đâu nhàn nhạt, phơn phớt. Nhưng chớ để cho chất thơ của anh đánh lừa khiến mình ngộ nhận như vậy:
* Thơ phụng hiến thơm tho mùi đạo hạnh
Chắp hai tay cầu nguyện Đấng Cao Dày.
(Phụng hiến)
* Nên thi ca cũng thơm mùi kinh kệ
Dẫu trầm luân cũng phảng phất nhiệm mầu.
(Lời cảm ơn)
* Chúng con hôm nay dù nhiều hay ít
Trong thơ văn vẫn có vị Cao Đài.
(Lời cảm ơn)
* Con yêu quê hương tình yêu chất phác
Như yêu Đạo Thầy yêu cả non sông.
(Nhớ về quê mẹ)
3. Dĩ nhiên thơ Trần Dã Sơn và thơ Huỳnh Văn Mười là hai dòng chảy khác nhau. Tác giả Giữa Chốn Ta Bà năm nay sáu mươi mốt tuổi, kỹ sư nông nghiệp, cư ngụ thôn Ái Mỹ (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam); hiện nay anh là Trưởng Ban Phổ Tế tại họ đạo Nam Trung Hòa.
* Bước ra từ cõi hồng mông
Cuốn theo lớp lớp bụi hồng mà bay
Khóc cười lạnh buốt hai tay
Trăm năm một cuộc hiển bày thịt da
Có chi giữa chốn ta bà
Long lanh một giọt phù sa tặng đời.
(Có chi giữa chốn ta bà)
Nhan đề tập thơ vốn là bốn chữ mượn trong bài thơ dẫn trên. Giữa Chốn Ta Bà gồm ba mươi ba bài, trong đó mười chín là lục bát; hầu hết đều mượt mà, đều lãng mạn. Chất lãng mạn ở đây dường như trùm lấp, lấn át khiến cho bạn đọc thơ không khỏi phân vân tự hỏi: Phải chăng ở Huỳnh Văn Mười thơ tình quá đậm nét?
* Vẫn cát trắng, và em, và kỷ niệm
Chảy nôn nao qua nửa cuộc đời mình.
(Cát trắng)
* Có hẹn gì sao biển cứ nông sâu
Giọt nước mặn cuốn mòn đêm thao thức.
(Biển gọi)
Cứ cho là Huỳnh Văn Mười nặng lòng với thơ tình thì có hề chi. Trong cộng đồng áo trắng, trong giới trẻ Cao Đài đâu thiếu những trái tim bỗng một hôm chợt đập theo nhịp điệu khang khác, chỉ vì hình bóng ai đó dưng không choán lấy tâm hồn:
* Mai người về cố quận?
Hiu hắt bờ sông xa
Lòng thuyền vương sợi tóc
Một người đã đi qua.
(Theo dòng)
Vâng, thơ tình gởi người áo trắng nào có hề chi, miễn là trong sáng và mỹ miều, để còn được dịp phiêu bồng viễn mộng giữa chốn ta bà:
* Người có cùng ta trở lại không?
Ao sen trước ngõ đã lên hồng
Sương khuya hay mắt ai ngày ấy
Cánh lá viền thon một nét cong.
. . .
Người có cùng ta trở lại không?
Bóng quê hương xoáy giữa muôn trùng
Bên tai gió dội mòn vách nứa
Lối cũ chừng như đã rêu phong.
(Người có cùng ta trở lại không)
Nhưng Huỳnh Văn Mười đâu chỉ làm thơ tình. Chốn ta bà của anh đâu chỉ là những rung động, day dứt, khắc khoải của con tim trăn trở với con tim. Một tâm hồn tỉnh thức bởi thế làm sao không cất tiếng tự hỏi:
* Ta ở đâu vào cuộc tử sinh?
Trăm năm cát bụi gọi tên mình
Vói tay rụng rớt nhành hư ảo
Mải miết chân trần vũng điêu linh.
(Tự khúc)
* Rồi tìm trong chốn lặng thinh
Rồi ba nghìn cõi biết mình về đâu.
(Rồi)
* Ba nghìn thế giới tìm đâu nhỉ?
Còn lại hồn linh giữa chốn này.
(Em đến)
Bảng lảng trong thơ Huỳnh Văn Mười là thân phận giả tạm của kiếp người:
* Giữa bờ hư thực mông mênh
Ta tròn hạt bụi phiêu linh cuối trời.
(Bàn tay)
* Hỏi thân cát bụi mịt mù
Trăm năm khép mở cánh phù du bay.
(Hỏi)
Có điều thân phận đó không bi đát, không tuyệt vọng mà luôn lấp lánh một ánh sáng vĩnh hằng hứa hẹn ở cuối cùng cuộc lữ nhân gian:
* Nghiêng vai giũ bụi ta bà
Hóa thân ngọn khói chiều tà nhẹ bâng.
(Lá bỏ)
* Giũ sạch bụi một lần xin đứng dậy
Cõi uyên nguyên ta tìm lại chính mình.
(Cong)
* Soi mình vào bóng huệ đăng
Từ sâu thẳm bỗng thường hằng như lai.
(Em về)
4. Với hoài bão gởi vào văn hóa dân tộc dòng thi ca của đàn con áo trắng, Chương Trình Chung Tay Ấn Tống vừa gởi đến chúng ta những vần điệu tươi đẹp của hai bạn thơ Cao Đài; mỗi tập thơ là một ý thức đóng góp cho hành trình xây dựng diện mạo văn học Cao Đài sau này. Xin trân trọng giới thiệu Gởi Người Áo TrắngGiữa Chốn Ta Bà, như một đồng cảm cùng hoài bão nói trên.

NGHÊ DŨ LAN