Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

ĐĐVU 15-16 / NỮ PHÁI CƠ SỞ ĐẠO THANH HÓA HÔM NAY


Bài này được mượn lại từ Sống Đạo, tập Hạ - 2015, tr. 174-176, do Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài ấn tống (liên kết Nxb Tôn Giáo, Hà Nội). Trân trọng chia sẻ cùng đạo hữu, đạo tâm gần xa, để chúng ta cùng vui mừng với nhau vì cánh đồng truyền giáo đang mở rộng thêm, hạt giống lành đã gieo xuống và đang mỗi ngày một triển nở, tốt tươi... Xin kính thành cảm ơn Văn Phòng Nữ Phái cơ sở đạo Thanh Hóa và Sống Đạo đã hoan hỷ cho phép đăng lại bài viết này. [Văn Uyển]
Cơ sở đạo Thanh Hóa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) thuộc tỉnh Thanh Hóa, nằm ở cực bắc Trung Bộ.([1]) Nơi đây có linh khí của vùng đất thiêng được hưởng ân sủng Trời Cha trong cơ cứu độ Kỳ Ba.
Đạo Cao Đài được chuyển về đây năm 1994 là một huyền vi mầu nhiệm. Cố Lễ Sanh Nguyễn Hữu Văn (1927-2000), người làng Đại Bái, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa chuyên làm nghề hàn nồi để mưu sinh. Từ sự hiển hiện dẫn dắt nhiệm mầu của Đấng thiêng liêng trong một giấc mơ diệu kỳ, ông Văn đã lặn lội đi tìm Thiên Nhãn và năm 1994 trở thành người Thanh Hóa đầu tiên gia nhập nền Đạo tại thánh thất Trung Kiên (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), thuộc xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó, ông Văn đem Đạo về quê truyền lại đồng hương.
Nói đến cơ sở đạo Thanh Hóa thì phải nói đến nữ phái, vì trong buổi ban đầu số người tin Đạo và nhập môn Cao Đài đa số là các chị, phần lớn già yếu, chữ nghĩa ít ỏi, thậm chí không biết chữ, sống thuần nông.
Ban sơ các chị còn bỡ ngỡ vì ở xa Hội Thánh (Đà Nẵng), kinh kệ chưa thuộc, giáo lý chưa hiểu, người hướng đạo sở tại chưa có… Thế nhưng, mỗi khi có đạo sự hoặc vào các ngày sóc vọng hàng tháng, các chị lại rủ nhau tập trung ở một địa điểm nào đó không định trước, lần này chỗ này, lần sau chỗ khác, nhẫn nại níu nương nhau tu học suốt từ năm 1994 đến tháng 3-2009, bởi vì Đạo mới xuất hiện ở địa phương, chưa có thể chính thức công khai được. Các chị cùng nhau kiên trì nhất tâm niệm hồng danh Đức Cao Đài rất thành khẩn và cầu xin được Ơn Trên giúp đỡ, chở che.
Thế rồi việc gì đến ắt sẽ đến. Lòng miệt mài, thiết tha của nữ phái Thanh Hóa cầu xin Ơn Trên cứu độ đã rung động đến trời xanh; sự cảm ứng mầu nhiệm đã làm chứng cho lời Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch năm xưa dạy bảo:
Có gan góc mới tầm được Đạo
Có từ bi mới tạo nên Tiên
Có sông mới đóng ra thuyền
Có người tội lỗi mới truyền pháp tu.([2])
Lòng gan góc của các chị đã không uổng công; thiên ma vạn khảo rồi cũng phải nhường bước cho ánh sáng từ bi chiếu rọi. Quả thật: “Chi chi cũng có Thầy.” ([3])
Ngày 15-3 Kỷ Sửu (09-4-2009) cơ sở đạo Thanh Hóa chính thức được ra mắt công khai tại địa phương, nhờ ơn Thiêng Liêng hộ trì xoay chuyển, nhờ các bậc hướng đạo Hội Thánh Truyền Giáo dày công nhọc trí, nhờ những tâm đạo trung kiên cúc cung phục vụ đạo pháp… Ngày rằm tháng 3 ấy đã ghi vào trang sử Đạo tại Thanh Hóa.
Kể từ ngày ấy, các chị ở cơ sở đạo Thanh Hóa càng tu dưỡng, học đạo có nề nếp hơn, theo chủ trương, đường lối của Hội Thánh. Các chị có nơi tạm để tập trung tu tập được tự do, có người hướng đạo sở tại để dựa nương… Các chị hăng hái tu học, rủ nhau đi viếng đi thăm người đau người ốm… Ánh sáng nền tân pháp Cao Đài như ngọn đuốc lan tỏa, các chị ở Thanh Hóa nhập môn ngày một đông hơn. Tính đến nay số nữ phái có 326 vị, nam phái 124 vị, đồng nhi 137 em, tổng số là 587 tín hữu.
* Về tu dưỡng: Đã có 32 gia đình thờ Thiên Nhãn; 48 gia đình đã nhập môn, có bàn thờ, nhưng chưa thượng Thánh Tượng; 9 vị trường trai; 2 vị tu tâm châu; 54 vị tu hồi hướng linh châu. Có chừng 65 đến 70 vị tham gia lễ bái thường xuyên vào những ngày sóc vọng.
Đa số nữ tín đồ rất chú trọng đọc Kinh Hôm, Kinh Mai, cúng nước, quỳ hương, tịnh định. Các chị cũng lưu tâm cố gắng thực hiện tốt nếp sống đạo trong phạm vi cá nhân, gia đình, xã hội, giáo hội. Mặc dầu chưa đạt được kết quả khả quan nhưng các chị luôn nhắc nhở nhau rèn luyện, trau dồi.
* Về học đạo: Ngày mùng 1 hàng tháng các chị tập trung đông đảo để cùng tu, đồng thời học tập giáo lý, giáo luật, sử đạo. Các chị thi đua học thuộc thánh giáo. Nhằm giúp những chị em không có điều kiện về cơ sở đạo để tập trung học hỏi, các chị còn đưa câu hỏi giáo lý đến các xã đạo để chị em cùng tìm hiểu.
Khuyến khích các chị, Văn Phòng Nữ Phái cơ sở đạo Thanh Hóa tùy theo khả năng và điều kiện cụ thể, hàng năm đều tổ chức hội thi “Nữ tín hữu Cao Đài đức hạnh và tài năng” vào ngày mùng 1 tháng 8 âm lịch với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, có ban giám khảo tổng kết khen thưởng cá nhân và tập thể xã đạo… Các chị lấy kết quả hội thi làm thành lễ phẩm kính dâng Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn trong đại lễ Hội Yến Bàn Đào (đêm rằm tháng tám). Bấy giờ các nữ tín hữu trẻ có giọng tốt sẽ ngâm các bài thài hiến dâng Đức Mẹ và Cửu Vị Tiên Nương…
Trong hồng ân che chở của Thầy Mẹ, tinh thần ham tu ham học của đa số chị em có tiến bộ rõ rệt, nhưng dẫu sao vẫn còn ít nhiều hạn chế.
* Về một số hạn chế:
 - Nữ lễ sanh chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác giáo hóa nữ tín hữu.
 - Số chị em nhân viên văn phòng nữ phái chưa mạnh dạn, chưa thực hiện tốt những đạo sự thuộc lĩnh vực độ sinh độ tử.
- Một số chị em miệng nói tin Thầy giữ Đạo, nhưng thực tâm vẫn chưa ham tu ham học, hãy còn hướng ngoại. Mai này nếu gặp khảo thí, thì đức tin kia e khó vững bền.
 - Có chị em vẫn còn xu hướng theo mê tín, ảo tưởng vọng cầu cứu độ từ bên ngoài, chứ bản thân không nỗ lực tự tu, tự cứu.
 - Có những chị em chưa dám công khai đi học đạo vì e ngại bị thân nhân cản trở và vì sợ khảo thí từ ngoại cảnh.
Trên đây là mấy nét tu học của nữ phái cơ sở đạo Thanh Hóa - một cơ sở còn mới mẻ, nam ít nữ nhiều, cách xa Hội Thánh, xa các họ đạo, nơi thờ tự chưa có, còn đang phải mượn tạm nhà tư, quá trình tu học thăng trầm tụ tán, con đường trước mắt còn nhiều cam go, trở ngại.
Bổn đạo Thanh Hóa ước mong một ngày gần đây sẽ có nơi thờ tự khang trang như các họ đạo bạn. Trong khi chờ mong ngày vui ấy, nữ phái cơ sở đạo Thanh Hóa vẫn tiếp tục cố gắng thực hiện tốt hơn nữa việc tu dưỡng, học đạo để không phụ hồng ân cứu rỗi của Thầy Mẹ và các Đấng thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ.



([1]) Để biết thêm về cơ sở đạo Thanh Hóa, kính mời quý đạo hữu, đạo tâm xem thêm bài “Tìm Nhau” của C.T., đăng trên Văn Uyển, tập Lợi (11), năm Giáp Ngọ (2014), tr. 230-232.
([2]) Thánh thất Từ Quang, ngày 09-01 Mậu Tý (18-02-1948).
([3]) Đức Chí Tôn, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển. Đàn tại chùa Phước Hội năm 1926.

KHẮC GHI DẤU ẤN
Tôi lại về xứ Thanh, địa linh nhân kiệt
Nơi sản sinh bao nữ liệt anh hùng
Nông Cống – Cửu Chân lừng danh Bà Triệu
Rạng sử xanh, sừng sững núi Tùng
Truyền thuyết An Tiêm bị đày ra đảo
Nghi Sơn kia giếng Ngọc lạ lùng
Tiền - Hậu Lê, nhà Hồ
Bao danh nhân, huyền tích
Mười hai đời Chúa Trịnh
Hơn hai trăm năm khuất tất cũng nhiều
Và chín đời Chúa Nguyễn
Khai phá Đàng Trong, mở rộng cõi bờ
Xứ Thanh
Ai có thể ngờ
Nơi phát tích vương triều, nhiều đời vua chúa
Lịch sử diệu kỳ, vùng đất biểu trưng
Tôi lại về xứ Thanh
Xúc động, vui mừng
Sự kiện huyền vi
Khắc ghi dấu ấn
Giấc mơ và sự thật
Nền Tam Kỳ xuất hiện nơi đây
Duyên kia ai đã sắp bày
Có phải bàn tay Tạo Hóa
Cơ vận hành, sứ mạng vi nhân
Sứ mạng Tam Kỳ, ai đã xả thân
Thắp lửa đức tin, dựng xây, vun đắp
Đâu phải ngẫu nhiên ta hân hoan bắt gặp
Những nụ cười, ánh mắt thân thương
Anh em ta không bị lạc đường
Đã nhớ rõ bến khởi nguyên, nguồn cội
Giữ lửa đức tin, xua màn tăm tối
Thẳng hướng về từ chỗ đã ra đi
Sứ mạng Tam Kỳ, ta đã khắc ghi!
ĐỖ THỊ KẾT (Tháng 4-2015)
CÓ QUÊN LỐI VỀ?
Non cao mây trập trùng mây
Bên kia dốc dựng, bên này vực sâu
Đảo chao biết víu vào đâu
Đại ngàn lá động đỉnh đầu chênh vênh
Mù sương mây sóng dập dềnh
Bốn bề hư ảo có quên lối về?
ĐỖ THỊ KẾT
Thánh thất Linh Bửu, Quảng Nam