1. ĐẠI ĐẠO VĂN UYỂN tập LỢI
(số 19), quý Ba 2016, nhằm mùa thu, mùa trăng Kim Mẫu, mùa hoa cúc vàng. Phạm
Văn Liêm diễn tả:
Về yêu hoa cúc mùa thu
Nghe trong cánh gió lời
ru nhiệm mầu…
Đầy sân cúc trổ vàng tươi
Màu hoa Kim Mẫu rạng ngời
nét thương…
(Màu Hoa Kim Mẫu)
Những dòng thơ ấy gợi ý chúng tôi chọn tranh bìa cho Văn Uyển
tập Lợi Bính Thân là tác phẩm sơn dầu vẽ bình hoa cúc vàng rực rỡ của danh họa
Claude Monet (1840-1926), cha đẻ trường phái ấn tượng (impressionnisme) bên nước Pháp xa xôi.
2. Quý Hai vừa qua, Chương
Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo hân hạnh gởi đến quý đạo hữu tập sách
mới của Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài), nhan đề HỒNG ÂN
TẬN ĐỘ,
với ước mong các bậc hướng đạo Cao Đài và những người con áo trắng nặng lòng
thương Thầy mến Đạo sẽ quan tâm tìm đọc, suy gẫm. Đó cũng là tâm ý chúng tôi khi
ấn tống MỤC ĐÍCH & ĐƯỜNG LỐI CƠ QUAN PHỔ THÔNG GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO (tác giả Đơn Tâm, năm
2013). Xin chớ nghĩ rằng sách ấy của Giáo Sư Liêm chỉ dành riêng cho Hội Thánh
Truyền Giáo, hay sách ấy của Đơn Tâm chỉ dành riêng cho Cơ Quan Phổ Thông Giáo
Lý Đại Đạo.
Thưa vâng, chúng ta cứ tạm để danh xưng Truyền Giáo và Cơ
Quan qua một bên, hãy nhạy bén chú tâm học hiểu những thánh huấn Kỳ Ba in đủ
đầy trong hai tập sách nói trên với ý thức rằng đấy chính là những chương
trình, kế sách, giải pháp, biện pháp, đường đi nước bước, v.v… mà Đức Chí Tôn,
Phật Mẫu cùng với Tam Giáo, Tam Trấn… từ bi ban trao để giúp chúng ta áp dụng,
ngõ hầu thực thi đúng đắn sứ mạng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nói cách khác, nếu
biết rút ra bí quyết tu thân hành đạo được đúc kết trong hai tập sách ấy, tức
là chúng ta có sẵn trong tay một CẨM NANG ([1]) hay BỬU BỐI để hoằng
giáo Kỳ Ba đúng theo nguyên lý THIÊN NHÂN HIỆP NHẤT.
3. Trần Dã Sơn, tuổi đời
không còn quá xa cái ngưỡng bảy mươi, dẫu hiện nay vẫn đang dưỡng bệnh trên cao
nguyên, tác giả Gởi Người Áo Trắng
(Nxb Tôn Giáo 2015, quyển 97-1 trong Chương Trình Ấn Tống) nào chịu nguôi lòng yêu thơ. Chúng tôi nhận được bài tứ tuyệt Sa Ngộ Tịnh của anh và đăng trong Văn
Uyển tập Lợi (số 19) này với lòng bùi ngùi. Đọc Giải Mã Truyện Tây Du (Nxb Tôn Giáo 2011, quyển 31-2 trong Chương
Trình Ấn Tống), chúng ta còn nhớ:
“Sa Tăng là tánh cần cù, nhẫn nại. Tề Thiên
mấy bận giận thầy, mấy phen đào nhiệm, từng quay về Thủy Liêm động quê xưa; Bát
Giới nào có thua, đã trăm lần ngàn lượt cứ lẻo nhẻo đòi chia của, rồi mạnh ai
đường nấy, chàng về cố thổ lấy vợ cho xong. Chỉ riêng có Sa Tăng suốt cuộc hành
trình thiên ma bách chiết, vào yêu ra quỷ, một lòng một dạ quảy hành trang tiến
tới. Không một lời thối lui. Không một lòng biến đổi. Sa Tăng là hình ảnh của
tinh tấn, trì thủ, tâm bất thối chuyển. Dù khó khăn đến đâu, đã quyết rồi, thì
cứ đi tới. Khí giới của Sa Tăng vì thế là bảo trượng có đầu dẹp và bén nhọn, để
mà dễ dàng găm chặt vào, ghim chặt vào. Chí đã định rồi thì không biến đổi,
lòng đã quyết rồi thì chẳng chuyển lay.” (tr. 20-21)
Nhưng… xin chớ nghĩ hôm nay Dã Sơn lấy thơ để ca ngợi Sa Ngộ
Tịnh. Thật ra, anh đang nói tới những người áo trắng bé nhỏ với tâm trường
thiết thạch dẫu “vai còn gánh nặng”, khi đứng trước những ngổn ngang của cơ đạo và tình đời vẫn “không lùi bước”, cứ bền lòng “một dạ theo Thầy” trong vị thế người con
hiếu với Thầy, trung với Đạo.
Xin cầu nguyện những Sa-Ngộ-Tịnh-Kỳ-Ba
cùng biết níu nương nhau hướng về ngày thống nhất đạo Cao Đài.
BAN ẤN TỐNG
([1]) Trước đây chúng ta từng say mê
đọc các pho truyện Tàu do Tín Đức Thư Xã ở Sài Gòn xuất bản, hẳn còn nhớ rằng
thời xưa các vị tôn sư thần thông quảng đại mỗi khi cho phép đệ tử được xuống
núi hành đạo độ đời, đều ban trao cho đồ đệ một cẩm nang (túi gấm). Mỗi khi gặp trở ngại không đủ sức vượt qua, thì
đệ tử sẽ mở cẩm nang, liền thấy sư phụ mình đã dặn dò sẵn cách thức thoát ra
khỏi bế tắc. Chẳng hạn, Tôn Tẫn khi bị Bàng Quyên mưu hại, không biết thoát
thân ra sao, bèn mở túi gấm do sư phụ là Quỷ Cốc Tiên Sinh trao cho, thấy vỏn
vẹn một chữ cuồng. Hiểu ý thầy, Tôn
Tẫn bèn giả điên, nhờ thế thoát khỏi âm mưu tàn độc của Bàng Quyên.