Hôm nay, tất cả huynh tỷ đệ muội chúng ta cùng chung
vui với Ban Cai Quản và bổn đạo thánh tịnh Ngọc Minh Đài về những thành quả mà
quý đạo hữu nơi đây đã đạt được trong thời gian qua trên bước đường tu công lập
hạnh và hành đạo phụng sự nhơn sanh.([1])
Chúng ta cũng nhớ lời dạy
của Đức Giáo Tông Đại Đạo:
Thượng Đế vì nhân sanh mà
lập Đạo. Còn thánh thất thánh tịnh là nơi để thờ phượng, cũng là nơi để tụ họp,
với những hoạt động đạo đức, ích lợi nhân sinh. (…) Nếu chùa thất đóng cửa kín
đáo, giữ gìn trang nghiêm, mà không có những hoạt động đạo đức thiết thực giúp
đời, chẳng khác nào món đồ cổ để triển lãm, trái với tôn chỉ của Thượng Đế khai
Đạo.([2])
Đức Bảo Hòa Thánh Nữ dạy:
Chúng sanh còn khổ nạn là
chính mình chưa đủ đầy bổn phận thiêng liêng, cần phải hòa mình độ chúng.([3])
Thế nên, cứ mỗi lần dự lễ kỷ niệm ngày thành lập của một thánh
sở Cao Đài (như hôm nay) hoặc kỷ niệm ngày Khai Minh Đại Đạo, chúng ta lại nhớ
đến lời dạy của Đức Lý Đại Tiên Trưởng Thái Bạch Kim Tinh, Giáo Tông Vô Vi Đại
Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vào năm Bính Dần (1986), nhân dịp kỷ niệm sáu mươi năm ngày
Khai Minh Đại Đạo:
Nhắc đến sứ mạng đối với
Đạo, bản thân Bần Đạo đòi phen ([4]) tủi hổ với Đức Chí Tôn. Sáu mươi năm hành đạo tuy kết quả có
đôi phần, nhưng chưa đối xứng ([5]) với cơ tận độ Kỳ Ba, với muôn ngàn nhân sinh còn lặn hụp
trong trần thế. (…) Mỗi lần lễ Khai Minh Đại Đạo là mỗi lần Bần Đạo càng thêm
trách nhiệm nặng nề...([6])
Nỗi niềm ưu tư của Đức Giáo Tông Đại Đạo – Người Anh Cả Vô Vi
của hàng môn đệ Đấng Cao Đài – khiến cho chúng ta không thể chủ quan hay bằng
lòng với những gì mà mình đã làm được cho Đạo, cho đời, cho nhơn sanh, nhất là
trước thực trạng thế giới nhơn loài vẫn còn đầy dẫy những bất công, khổ nạn và
đau thương. Lời dạy của Đức Giáo Tông nhắc nhở người môn đệ Cao Đài phải luôn
nhớ đến trách nhiệm nặng nề mà Đức Thượng Đế đã phó giao, đó là trách nhiệm đem đạo lý cải hóa nhơn tâm.
Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Đã sanh vào cõi vô thường,
mỗi điểm chơn hồn mang nhục thể vào đời đều có mang một sứ mạng để tự tu tự tiến
và giúp cho bộ máy thiên luân trong cuộc điều hành vũ trụ. Những điểm chơn hồn
đó tuy căn trí có khác nhau từ các hàng đại giác nguyên căn cho đến hàng phàm
phu tục lụy, nhưng mỗi mỗi đều có sứ mạng và nhiệm vụ của nó, giống như từng
con ốc, bánh xe, cái chốt trong bộ máy toàn thể.
Đừng ai tối tăm nghĩ rằng
sự sống đơn phương riêng rẽ của mình không liên hệ gì với sự
sống đại thể của muôn loài vạn vật rồi tự đi tìm lối rẽ thụ hưởng riêng tư
trong phạm vi nhỏ hẹp, vị kỷ vị thân.([7]) Đời nhơn sanh đang khổ lụy cũng
vì sự mê nhận ấy. Thế nên lòng từ bi của Đấng Chí Tôn Thượng Đế đã mở Đạo suốt
trong ba thời kỳ, cốt ý là để cảnh tỉnh cho thế nhân giác ngộ về cái lý ấy để hầu
phụng sự Thiên cơ cho hợp tình hợp đạo, tự cứu và cứu tha.([8])
Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn phân tích nguyên nhân gây ra bao
thảm trạng cho thế giới nhơn loại ngày nay như sau:
Sở dĩ nhơn loại ngày nay sống
trong cảnh bi đát tang thương, đứng kề bên vực thẳm, là vì đã hiểu sai chơn lý
của vũ trụ và Thượng Đế. Nếu ai ai cũng sống ích kỷ thì phải hại nhơn. Nếu nhơn
loại sống một đời sống vị tha vong kỷ, thì ở nơi trời sẽ được mưa thuận gió hòa;
ở nơi đất quả hoa thạnh mậu, thảo mộc xinh tươi; còn ở nơi người thì tình
thương yêu đùm bọc, kẻ khôn dìu kẻ dại, người giàu bảo trợ người nghèo, kẻ no
chia phần kẻ đói, người mạnh che chở người yếu thì thế gian nầy sẽ là cảnh
thiên đường cực lạc, đâu còn cảnh tang tóc khốc hại như ngày nay.([9])
Chúng ta thấy rằng các lời thánh giáo vừa dẫn trên đều phản ánh
hoàn toàn chính xác thực trạng của thế giới nhân loại ngày nay: Con người đang
đứng trước những vấn nạn về môi trường sinh sống như tình trạng biến đổi khí hậu
do nạn phá rừng bừa bãi cộng với khí thải nhà kính từ các nhà máy công nghiệp
khiến cho trái đất càng ngày càng nóng lên. Các nhà khoa học dự đoán rằng đến
cuối thế kỷ 21 băng ở Bắc Cực và Nam Cực sẽ tan chảy, làm cho mực nước các đại
dương dâng cao và nhấn chìm các thành phố lớn trên thế giới như Melbourne,
Sydney, New York, London, v.v… Bên cạnh đó, các nhà máy không ngừng xả thải ra
môi trường thiên nhiên các chất thải công nghiệp độc hại gây ô nhiễm trầm trọng
cho môi trường sinh thái, nguồn nước sinh hoạt và mang lại biết bao tật bệnh
cho con người. Các nhà khoa học cũng dự đoán rằng đến năm 2070, thế giới sẽ
không còn đủ nước sạch để ăn uống và sinh hoạt, lúc bấy giờ chiến tranh sẽ xảy
ra, không phải vì tranh giành tài nguyên thiên nhiên biển bạc rừng vàng mà vì
tranh giành nguồn nước. Ngoài ra, ngày nay con người còn đứng trước thảm họa khủng
bố giết người hàng loạt của những con người cuồng tín kỳ thị tôn giáo… Riêng đất
nước ta hiện nay còn có thêm vấn nạn thực phẩm bẩn tẩm ướp đầy các loại hóa chất
độc hại gây bệnh nan y cho con người...
Tất cả những vấn nạn lược kể đó đều phát xuất từ lối sống thiếu
đạo đức, đầy lòng tham dục và ích kỷ hại nhơn của phần lớn nhân loại ngày nay.
Thuở xưa, vào đời Nghiêu Thuấn, nền văn minh khoa học chưa
phát triển, cuộc sống thiếu thốn tiện nghi, nhưng xã hội vô cùng an bình hạnh
phúc trong cảnh tối ngủ nhà không đóng cửa, ngoài đường không lượm của rơi (gia vô bế hộ, lộ bất thập di)… Ấy là nhờ
con người biết sống trong khuôn phép đạo lý làm người, vua ra vua, tôi ra tôi,
cha ra cha, con ra con.
Còn ngày nay, nền văn
minh nhân loại phát triển tột bậc, đầy đủ mọi tiện nghi tân kỳ tinh xảo, con
người có thể xây dựng các tòa cao ốc chọc trời, chế tạo các phi thuyền không
gian chinh phục cả sao Hỏa… thế nhưng cuộc sống con người lại vô cùng bất an,
bao nhiêu thảm họa đang rình rập chực chờ… Đó là vì con người ngày nay đã đánh
mất đạo đức và lương tri: Người làm quan chức nhà nước thì tham ô hối lộ, cha
không hiền, con không hiếu, vợ chồng không tương kính, bằng hữu không chơn thật
với nhau…
Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy:
Những gì đã hoại diệt là vì xa Thượng Đế, xa Đạo đó các em.
(…)
Nghìn xưa, các bậc Thánh Nhân không nói đến chính trị ở thiên hạ mà luôn
luôn nói đến chính trị bản thân, không nói đến đời sống cá nhân mà nói đến đời
sống của thiên hạ, nhờ vậy nhà yên nước trị, dân lạc nghiệp an cư. Thời bây giờ
đâu còn nữa, vì thiên hạ là thiên hạ đã quên mất cái Thánh Nhân rồi! ([10])
Lời dạy này của Đức Vân Hương Thánh Mẫu khiến chúng ta nhớ đến
tấm gương của các bậc trung thần thuở xa xưa.
Danh sĩ Tô Thức (1037-1101) hiệu Đông Pha cư sĩ, làm quan đời
nhà Tống (Trung Quốc), là một trong bát đại
gia (tám tác giả lớn nhất Trung Quốc suốt từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 13),([11]) là một Phật tử, đọc nhiều
kinh Phật, và là bạn thân thiền sư Phật Ấn. Ông có tấm lòng bác ái và rất mực yêu
thương dân chúng, không tham ô hối lộ, do đó làm quan nhưng sống hết sức thanh
bần, có lúc nhà không đủ thức ăn, người nhà ông phải lén đi hái rau dại về ăn độn.
Ông tự trách mình làm quan học rộng mà không đủ tài đức để cho bản thân và dân
chúng phải chịu đói khổ.
Quan đại thần Phan Thanh Giản (1796-1867) dưới triều Nguyễn ở
nước ta là một vị quan cương trực, khẳng khái, hiếu nghĩa, thanh liêm và hết mực
yêu thương dân chúng. Lúc ông đi trấn nhậm xa nhà, vợ cưới hầu thiếp gửi ra để
chăm sóc cho ông nhưng ông nhứt định chối từ, luôn sống một cuộc sống thanh bần
giản dị. Khi vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cho biết sẽ đến vùng ông trấn nhậm để dạo
xem phong cảnh, ông liền dâng sớ cản ngăn vì thương dân chúng đói khổ mà lại
còn phải phục dịch cho vua và đoàn tùy tùng, mặc dù ông biết rằng điều này sẽ
khiến nhà vua phật ý, mất lòng, trừng phạt mình. Ông từng bảo: “Mình
làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng
trách.”
Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763/1764?-1832) khi được triều đình
nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tổng Trấn thành Gia Định hết sức quan tâm chăm lo đến đời
sống dân chúng. Ngài cho lập các cơ sở từ thiện để nuôi nấng, dạy chữ và dạy
nghề cho các cô nhi quả phụ không nơi nương tựa. Ngoài các đức tính cương trực,
thanh liêm, nhân hậu, thương dân, Đức Lê Văn Duyệt còn có tinh thần hòa đồng
tôn giáo, tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân thể hiện qua việc ngài từ chối
thi hành chỉ dụ của triều đình về việc cấm đạo, bắt đạo, sát hại người theo đạo
Thiên Chúa. Ngài cũng chủ trương hòa hợp dân tộc, không phân biệt đối xử với các
dân tộc thiểu số hoặc di dân người Hoa. Ai hết lòng cho công cuộc phát triển xứ
sở thì đều được hưởng đủ quyền lợi như dân bản xứ, được chánh quyền bảo trợ, tạo
điều kiện làm ăn sinh sống, an cư lạc nghiệp. Nhờ đó Ngài tạo được khối đoàn kết
dân tộc, ổn định cuộc sống dân chúng và mở mang đất Gia Định thành một vùng trù
phú, an bình và hạnh phúc. Có lẽ vì tinh thần đại đồng của Ngài lúc còn sinh tiền
mà Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt ngày nay đã đảm trách nhiệm vụ Tổng Lý Đại Đồng
trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Đó là những tấm gương của các bậc trung quân ái quốc vì nước
vì dân.
Ngày nay, trong đạo Cao Đài, các Đấng thiêng liêng dạy rằng
trách nhiệm xây dựng xã hội, mang lại hạnh phúc cho nhơn sanh không phải chỉ
thuộc về các quan chức nhà nước mà kể cả người tu cũng phải tự nhận lấy trách
nhiệm này. Có điều trách nhiệm của người tu thiên về phần chuyển hóa nhơn tâm,
giáo dân vi thiện.
Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy:
Các em hiện tại là một
trong muôn một để lãnh sứ mạng vai trò làm sáng tỏ cái Đạo tự hữu và khêu lại
ánh sáng cái Đạo trong lòng nhơn sanh. Trách nhiệm chỉ có thế thôi.
Đời không khổ lụy, nhân
sinh không đau thương, thì các em không nhọc nhằn trước sứ mạng cứu thế của Thượng
Đế ban cho.([12])
Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Có câu quốc gia hưng
vong, thất phu hữu trách, nhưng cái trách nhiệm của bậc thế Thiên hành hóa,
giáo dân vi thiện lại càng quan trọng hơn. Trước cảnh quốc phá gia vong, thôn
làng tan nát, đồng bào khổ nạn lầm than thống thiết, người tu không phải dụng
võ để tế thế an bang, hoặc dụng văn để sửa đoan quốc chánh. Nếu không làm hai
việc ấy, không lẽ vô trách nhiệm sao? Trái lại, tránh nhiệm rất nặng nề nhưng
linh diệu mà Thiêng Liêng đã dành sẵn cho [người tu] trong chỗ dụng tâm linh cải
hóa nhân tình, lấy đuốc tuệ soi đường sanh chúng.([13])
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
Giúp đời trong cơn nguy
biến chẳng phải cần đến những trang anh hùng liệt sĩ bạt tụy siêu quần không mà
thôi đâu, cũng phải cần đến bậc vĩ nhân thánh triết đạo đức tu trì mới đem lại
cuộc thái bình cho nước non dân tộc. Nước có yên, nhà có trị, nhân loại an bình
mới hết trách nhiệm của người tu.([14])
Thế nên, Đức Đông Phương Lão Tổ có lần dạy rằng việc cứu giúp
người bất hạnh, nhường cơm sẻ áo cho người nghèo nàn đói rách là việc làm cần
thiết nhưng việc truyền bá đạo lý để giúp người khác trở về với nếp sống thuần
lương đạo đức vong kỷ vị tha lại càng vô cùng cần thiết hơn cho xã hội nhân loại
ngày nay.
Tuy nhiên, để việc truyền bá đạo lý chuyển hóa nhơn tâm được
hữu hiệu thì trước hết người tu cần phải tu chứng như lời Đức Bảo Hòa Thánh Nữ từng
dạy:
Đời càng đảo điên, người
tu hành càng có trách nhiệm. Trách nhiệm
cao quý và nặng nề nhứt là tu chứng để hoằng dương chánh pháp phổ độ nhơn
sanh.([15])
Tu chứng chính là thực chứng được những điều đạo lý mà mình
đang truyền bá qua cuộc sống đạo của chính bản thân người tu, từ ý nghĩ, lời
nói đến hành động đều là gương mẫu.
Đức Cao Tiếp Văn Pháp Quân dạy:
Cái nhiệm vụ làm người môn đệ
ta nên cố gắng để được tròn xứng với cái bổn phận. Hằng ngày tu tiến thân tâm,
làm cho sáng danh của mình của Đạo, để rồi cứu người cứu mình, cứu cả đời đã
mang tội ác, tạo nên một cảnh hòa bình hạnh phúc cho ngày mai. Sứ mạng đặt trên
lời nói, ý nghĩ, việc làm; mọi cử động đều làm khuôn phép mẫu mực cho con, cho
nhà, cho người, cho nước. Được thế mới hầu cứu độ chúng sanh trong trầm luân khổ
hải.([16])
Ngày nay, nhiều người cho rằng, đời
đã tệ thì tội gì ta phải ép mình vào khuôn khổ đạo đức cho khổ thân. Thế nhưng,
giả dụ trong một gia đình có mười người con, chín người lười biếng không chịu
làm lụng, chỉ có một người làm việc để nuôi sống gia đình; nếu người ấy cũng tỵ
nạnh rằng bao nhiêu người kia không làm, tội gì riêng ta phải làm, thì gia đình
ấy sẽ ra sao? Bởi vậy, người ấy lại càng phải cật lực làm việc nhiều hơn nữa để
nuôi sống gia đình. Tương tự như thế, đời càng sa sút đạo đức thì người tu lại
càng phải gương mẫu, trau dồi đức hạnh thêm tròn sáng.
Người môn đệ Cao Đài ngày nay thấm
nhuần lý vạn giáo đồng nguyên, các tôn giáo chân chính đều từ một gốc Thượng Đế
mà ra, thế nên người môn đệ Cao Đài còn có trách nhiệm kêu gọi anh em tín hữu
các tôn giáo trên hoàn cầu cùng bắt tay nhau để kết
hợp thành một thực thể đạo cứu thế Kỳ Ba có khả năng cải tạo cõi thế gian đầy đau khổ và
nước mắt này thành một xã hội an bình
hạnh phúc cho toàn nhân loại.
Đây là một trách nhiệm nặng nề mà tất cả những ai có chí nguyện
thực hành Bồ Tát Đạo đều phải gồng gánh trên vai, thể hiện qua lời nguyện thứ
tư trong mỗi buổi cúng thời (Tứ nguyện
thiên hạ thái bình). Việc tuy khó, nhưng Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ có dạy cho
chúng ta một bí quyết để thành công:
Trường đời hay Đạo, bí
quyết thành công là do ở chí kiên nhẫn. Các con đã từng xem kinh sử cổ kim, đã
rõ tường tích Ngu Công phá núi,([17]) thì vai tuồng của mỗi con ngày hôm nay chẳng khác Ngu Công đó
vậy.
(…)
Các con đã rõ tích của
Ngu Công rồi thì các con hãy đóng vai trò ấy cho đúng với nhiệm vụ thế Thiên
hành hóa.
Ngu Công tuy tuổi già sức
yếu, mà núi thì cao lớn, nhưng nhờ chí kiên nhẫn, bền bỉ, đem hết tâm lực ra để
hành sự, chẳng màng lời chê cười của Trí Tẩu.
Con đây cũng thế ấy, không
nên vì vật chất, lợi danh ám ảnh mà quên sứ mạng thiêng liêng, trọng trách của
Thầy giao phó.
(…)
Cái bí quyết thành công
là do chí kiên nhẫn, chịu đựng gian khổ, bền bỉ, tận nhơn lực, thì lo chi sự
thành công không kết quả mỹ mãn đó các con.
Thầy đã cạn lời, trẻ nghiệm
suy
Bước đường hành đạo ráng
lo thì
Cảnh đời sắp đến nhiều
đau khổ
Phận sự các con phải cứu
nguy
Gặp lúc phong vân con
lãnh phận
Đến ngày chuyển hóa, trẻ
hành vi
Làm sao cho xứng con hiền
hiếu
Xin thành tâm cầu nguyện Thầy Mẹ ban bố ân lành để tất cả
huynh tỷ đệ muội chúng ta đều có được ý chí kiên nhẫn bền bỉ để làm tròn trách
nhiệm của người môn đệ Cao Đài mà Đức Đại Từ Phụ đã trao phó.
PHỤ LỤC: NGU CÔNG PHÁ NÚI
Sự tích Ngu Công phá núi được ghi lại trong Cổ Học Tinh Hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
và Tĩnh Trai Trần Lê Nhân. Ngu Công tuổi chín mươi, nhà ở chân núi Thái Hàng và
Vương Ốc phía nam Châu Ký. Ngu Công thấy núi gây chướng ngại cho mọi người
trong việc đi lại nên quyết định huy động cả dòng họ phá núi mở đường. Cả nhà
ông hợp sức với nhau, kẻ đục đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang đổ đất
đá ra biển Đông, hết ngày này sang tháng khác. Ông lão Trí Tẩu thấy vậy cười
Ngu Công và can: “Sao khờ dại vậy! Mình thì tuổi tác, núi thì cao lớn, phá thế
nào nổi!” Ngu Công nói: “Bền lòng thì việc gì cũng phải được. Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu ta. Hết đời cháu
ta, đã có chắt ta. Con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi thì bao giờ cũng vậy,
lo gì không bạt nổi.” Trí Tẩu nghe nói, nín lặng. Sau
này vùng nam Châu Ký không có núi non chướng ngại, đi lại thuận tiện là nhờ có
Ngu Công.
Trong thánh
giáo, ngoài tích Ngu Công, Ơn Trên còn nhắc tới tích chim Tinh Vệ. Huyền sử
chép rằng con gái Viêm Đế là Nữ Oa bị chết đuối ở biển Đông, hóa thành chim
Tinh Vệ, ngày ngày thường ngậm đá ở núi Tây bay ra lấp biển Đông.
- Tại thánh
thất Trung Thành, ngày 20-11 Kỷ Mão (Thứ Bảy 30-12-1939), Đức Trần Hưng Đạo dạy :
Toan lấp bể gọi
hồn Tinh Vệ
Tính dời non học chí Ngu Công
Muốn cho thế giới đại đồng
Thảy đều một dạ đắp trồng cho xinh.
- Tại Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 17-5 Đinh Dậu (Thứ Sáu
14-6-1957), Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Lớn lao
là lấp bể dời non mà chuyện xưa còn nhắc, không nói chuyện ấy có không, mà nói
lòng quả quyết như chuyện Ngu Công cùng chim Tinh Vệ.
- Tại thánh thất Trung Thành, ngày 15-10 Canh Thìn (Thứ Năm
14-11-1940), Đức Lý Thái Bạch dạy:
Khuyên đời học chí Ngu Công
Mặc dầu Trí Tẩu đem lòng cười chê.
Văn
học Việt Nam có nhiều dòng thơ nhắc tích Ngu Công và chim Tinh Vệ.
-
Truyện Kiều của Nguyễn Du (1766-1820):
Tình thâm bể thảm lạ điều
Nào hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào?
- Nhà thơ Cao Bá Quát
(1809-1855):
Hàm thạch chỉ lao Tinh Vệ hận
(Chỉ mệt Tinh Vệ ôm hận ngậm
đá
Cười hoài lão Ngu Công dời núi non.)
- Chí sĩ Phan Châu Trinh
(1872-1926):
Tinh Vệ nghìn năm hồn khó dứt
Đỗ
Quyên muôn kiếp oán chưa tan.
DIỆU NGUYÊN