Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

ĐĐVU 19 / VẬY LÀ XA MÃI RỒI SAO! / Huệ Khải

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài kỷ niệm tròn một hoa giáp (1956-2016), tôi hân hạnh được mời dự đại lễ ngày 01-6 Bính Thân (Thứ Hai 04-7-2016) tại Trung Hưng Bửu Tòa (số 63 Hải Phòng, quận Hải Châu, Đà Nẵng).
Sáng sớm hôm sau Giáo Sư Thượng Liêm Thanh, Phó Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế của Hội Thánh đưa tôi về thăm lại thánh đường Quảng Tín (số 138 đường Phan Bội Châu, phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Nói thăm lại, bởi lần đầu tôi đến là hạ tuần tháng 7 Canh Dần (tháng 8-2010), nhân dịp kỷ niệm bảy mươi lăm năm đưa đạo Cao Đài về Quảng Nam, và bốn mươi năm lạc thành thánh đường Quảng Tín. Năm nay cùng đi có hiền huynh Nguyễn Huệ Quang, hiền huynh Nguyễn Thế Tuấn; hiền huynh Nguyễn Văn Tri, và quý hiền tỷ thuộc dòng tu Bảo Thọ...
Khoảng 8 giờ 15, chúng tôi vừa đặt chân xuống vuông sân thánh đường Quảng Tín thì hiền huynh Nguyễn Văn Tri bước lại gần tôi nói khẽ: “Trong Sài Gòn, Giáo Sư Thượng Văn Thanh gọi điện ra báo tin Thiện Quang đã đi rồi, 8 giờ sáng nay.”
Cả đoàn chúng tôi đón nhận tin buồn, bàng hoàng. Hôm trước, trên đường đến thắp hương viếng giác linh hiền huynh Lê Trí Tổng, chợt nhắc tới Thiện Quang, ai ai cũng chạnh lòng khi biết sức khỏe bạn mình đang xấu đi.
Năm 1977 tôi vào Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, gia nhập tập thể Thanh Thiếu Niên Phổ Thông Giáo Lý, sinh hoạt trong Ban Nghiên Cứu - Học Tập. Võ Thành Văn (Thiện Quang) kém tôi mười tuổi, sinh hoạt trong đội Trùng Dương, thuộc Ban Sinh Hoạt Thanh Niên. Nhiều năm sau, khi cùng sinh hoạt chung trong Ban Văn Hóa, Hội Đồng Nghiên Cứu Giáo Lý Đại Đạo... thì chúng tôi mới có nhiều dịp ngồi với nhau thảo luận về những chủ điểm giáo lý.
Thiện Quang sắc sảo, cực kỳ thông minh, rất khiêm tốn, hòa nhã, giỏi làm việc theo nhóm và khéo léo hướng dẫn nhóm làm việc chung. Thiện Quang viết tiếng Việt rất tốt, nhất là chánh tả. Tôi khâm phục tài tuệ của Thiện Quang nhưng không hoàn toàn tán thành phong cách Thiện Quang trình bày giáo lý. Có lần, cậy là chỗ anh em thân tình lâu năm, tôi nói: “Thiện Quang ơi, anh chẳng thông minh lắm, nhưng chắc cũng không đến nỗi quá tối dạ. Thế mà phần lớn các bài em viết, anh ít khi cảm thụ được. Mình muốn phổ thông giáo lý cho đại chúng thì sao không trình bày nhẹ nhàng, dễ hiểu, học theo cách Đức Chí Tôn dạy đạo để ai ai đều cũng lãnh hội được?”
Thiện Quang làm thinh, chỉ hơi nhếch môi giống như mỉm cười. Dĩ nhiên, phong cách viết thế nào là quyền của người ấy; tôi không nhắc lại việc này với Thiện Quang nữa.
Nhưng cũng vì lẽ phong cách viết mà dù đã chủ động xin được Thiện Quang một số bài rồi, rốt cuộc tôi lại đắn đo, chỉ mới kén chọn dăm bài đăng dần trên Đại Đạo Văn Uyển. Bài đầu tiên là Bản Hợp Xướng Giữa Xuân Tâm Và Xuân Cảnh, đăng trên tập Nguyên (số 9) năm Giáp Ngọ (quý Một 2014).
Kể cả nhạc phẩm, Thiện Quang chẳng gởi bài gì cho tôi, đầu đuôi đều do tôi ngỏ lời xin bài. Việc kết tập các bài đã in trên Văn Uyển để ấn tống thành hiệp tuyển Tự Thắp Đuốc Mà Đi (2014) cũng do tôi chủ động xin.
Văn của Thiện Quang tôi kén bao nhiêu thì nhạc của Thiện Quang lại dễ dàng hớp hồn tôi mau lẹ bấy nhiêu. Hễ nghe ca đoàn hay ca sĩ áo trắng trình bày các bài hát của Thiện Quang thì tôi không dằn được xúc động, phải rơi nước mắt. Hùng tráng như Dưới Bóng Cờ Đại Đạo mà cũng bắt tôi khóc; khóc vì mừng cho Đạo Thầy có một tài hoa âm nhạc như Thiện Quang! Tôi thu âm luôn bài Bóng Đò Bát Nhã vào điện thoại để có thể nghe đi nghe lại bất kỳ lúc nào và nơi nào.
Văn Uyển số kép 7-8 (tập Lợi và Trinh năm Quý Tỵ 2013) bắt đầu đăng nhạc của Thiện Quang, bài Chúng Ta Là Nhân Loại. Các bản nhạc đã in trên Văn Uyển nào phải Thiện Quang trực tiếp gởi, mà do tôi xin các em trong Ban Nhạc Đạo (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo). Rồi tôi muốn ấn tống một tuyển tập nhạc của Thiện Quang, và rất muốn viết một bài về hành trình Thiện Quang tự học sáng tác nhạc để in kèm trong tuyển tập này. Tại sao vậy?
Bởi vì tôi nghĩ, nhạc của Thiện Quang chinh phục biết bao trái tim người đạo, nên ắt có rất nhiều người hâm mộ muốn tìm hiểu con đường âm nhạc Thiện Quang tự vun đắp ra sao để họ tự rút kinh nghiệm, sẽ tiếp bước Thiện Quang làm giàu làm đẹp cho nhạc đạo Cao Đài.
Ngày Chủ Nhật 29-12-2013, qua e-mail, tôi viết gởi Thiện Quang một lá thư tỏ bày ý muốn:
Thiện Quang quý mến,
Anh mong, thật sự là rất mong, Thiện Quang sẽ hoan hỷ trả lời các câu anh xin hỏi em như sau:
- Thiện Quang nói sơ một chút về mình nhé! (Tí ti về những gì Thiện Quang thấy có thể chia sẻ với đạo chúng.)
- Thiện Quang vì sao soạn nhạc đạo? Bắt đầu sáng tác năm nào? Lúc ấy bao nhiêu tuổi?
- Thiện Quang đã soạn được tất cả bao nhiêu bài? Kể ra…
- Trong số những bài đã soạn, các bài nào ưng ý nhất?
- Bài nào sáng tác nhanh nhất? Mất bao lâu?
- Bài nào sáng tác chậm nhất? Mất bao lâu? Lý do?
- Nguồn cảm hứng soạn ca từ lấy từ đâu? Thí dụ...
- Khi sáng tác, Thiện Quang dùng nhạc cụ gì?
- Thiện Quang học sáng tác nhạc với ai? Ở đâu? Từ khi nào?
- Có người nói nhạc Thiện Quang phần lớn mang hơi hướm làn điệu dân ca. Đúng không? Vậy, chủ yếu là những điệu nào? Nói cụ thể theo một số bài hát đã soạn. Ngoài ra còn soạn theo những điệu nào khác?
- Nếu có một tín hữu trẻ Cao Đài muốn theo bước chân đi trước của Thiện Quang trong lãnh vực soạn nhạc đạo, Thiện Quang sẽ khuyên đàn em mình thế nào?
- Trong nhiều năm nhạc của Thiện Quang được hát ở nhiều nơi, Thiện Quang có nghe phản hồi gì từ bạn đạo yêu nhạc?
- Về các giọng ca đơn, Thiện Quang thích ai thể hiện nhạc của Thiện Quang hơn cả? Vì sao?
- Thiện Quang có dự định làm một album cho mình không? Nếu có, kế hoạch ra sao? Nếu không, lý do vì sao?
Tạm thời anh xin được hỏi em như vậy.
Em ráng dành thời gian hồi âm cho anh. Đừng ngâm thành “kim chi” thì tội nghiệp cho anh lắm!
Nhân tiện, em gởi cho anh những bài thuyết đạo em đã soạn trong nhiều năm qua.
Anh biết ơn em, rất rất nhiều.
Thân ái,
Huệ Khải
Ngày hôm sau, Thứ Hai 30-12-2013, tôi nhận được hồi âm của Thiện Quang. Nhưng bản câu hỏi của tôi không hề được đáp ứng. Thư Thiện Quang như sau:
Thưa anh Huệ Khải,
 Mấy câu hỏi của anh chuyên nghiệp quá, anh gởi cho em là gởi không đúng người rồi. Thôi em viết vắn tắt mấy chuyện để anh thông cảm cho cái tình cảnh cần phải giấu giếm của em, theo nguyên lý “tốt khoe xấu che”.
Trong những công quả mà em cố gắng làm thì nhạc đạo là cái chuyện bất đắc dĩ hơn hết, vì em không thích nhạc lắm, không có năng khiếu mà cũng không được học hành gì về nhạc. Hồi nhỏ, vì nghĩ rằng Đạo sẽ cần đến nhạc đạo nên em ráng mua sách nhạc lý về học nhưng không hiểu, đi học loại đàn gì cũng bỏ cuộc, đặt thử vài bài hát thì ai hát cũng thấy tệ.
Cách đây khoảng mười năm, đột nhiên Ơn Trên dạy em phải làm nhạc đạo; em kinh ngạc. Chuyện này giống như câu thánh giáo “Thiếu người nên mượn nó”! ([1]) Em cầu nguyện quá trời quá đất, mua sách hòa âm bên Công Giáo về coi, rồi bắt chước Trình Giảo Kim ráng đánh ba búa trước khi tẩu vi thượng sách.
Mấy bài gần đây thanh thiếu niên thường hay hát là do em viết trong thời gian “ba búa” đó. Nhưng khoảng bảy năm nay em tập trung vào Giáo Lý Đại Toàn, hết làm nhạc đạo rồi, mà lâu lâu làm thử cũng thấy bí lù, không ra được bài nào nữa. Chắc Ơn Trên thu búa lại rồi.
Em mong mai sau Đạo nhà có người giỏi về nhạc, giống như anh Huệ Khải giỏi về văn bây giờ, thì nhạc đạo mới ra mặt công khai được. Bây giờ chưa được đâu anh ơi.
 Vậy anh miễn cho em cái này nhe. Phải vậy tăng xông của em nó mới xuống, em mới bình tĩnh lại, từ từ soạn mấy bài thuyết minh giáo lý cho anh.
Em chúc anh Huệ Khải năm mới vui vẻ.
Thiện Quang
Đọc thư, tôi tiếc một cơ hội phỏng vấn không thành. Nhưng tánh Thiện Quang là vậy, tôi đành phúc đáp mấy dòng vắn vỏi qua e-mail:
Em khiêm tốn, giấu nghề kỹ quá!
Biết làm sao được!
Không thể “cảm ơn” em được rồi!
Cười...
Quý mến,
HK
*
Từ những năm 1990 tôi có cộng tác chút ít với Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo (Hà Nội) và tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo của Viện. Giáo Sư Đỗ Quang Hưng từ lúc làm Viện Trưởng kiêm Tổng Biên Tập tạp chí, cho đến khi chuyển sang công việc khác đối với tôi có nhiều thân tình.
Qua giới thiệu của Giáo Sư Đỗ, tôi biết thêm Phó Giáo Sư Nguyễn Quang Hưng, trong Ban Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tôn Giáo Đương Đại (thành lập năm 2007, thuộc trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia Hà Nội), nhân dịp Trung Tâm này tổ chức tại Hà Nội vào hai ngày 29 và 30-12-2014 cuộc tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề Tôn Giáo Trong Đời Sống Công Chúng.
Sau những trao đổi qua điện thoại, ngày 27-9-2014 Phó Giáo Sư Nguyễn Quang Hưng gởi thư mời tôi viết bài và ra Hà Nội tham dự cuộc tọa đàm ấy. Kèm theo thư là bản trình bày lý do, mục đích, và nội dung của cuộc tọa đàm. Rồi Phó Giáo Sư Nguyễn hỏi tôi có thể giới thiệu thêm một nhà nghiên cứu Cao Đài nữa cùng dự tọa đàm không, thì tôi liền đề nghị ông mời Thiện Quang. Và Thiện Quang hoan hỷ nhận lời.
Chủ Nhật 14-12-2014, Thiện Quang gởi tôi xem trước bài viết Cách Tiếp Cận Của Đạo Cao Đài Đối Với Vấn Đề Tôn Giáo Trong Đời Sống Công Chúng, dài hơn tám ngàn từ. Hôm sau tôi chuyển tiếp bài này tới Phó Giáo Sư Nguyễn. Bài tôi viết muộn hơn, ngắn hơn nhiều, nên tôi soạn thêm bản tiếng Anh để gởi tới Ban Tổ Chức.
Nhưng Thiện Quang không ra Hà Nội dịp ấy. Tôi nằn nì Thiện Quang cùng đi cho anh em có bè có bạn. Thiện Quang giải thích rằng trong năm học đã xin nghỉ dạy nhiều ngày để có thể theo đủ bốn khóa tu thiền Xuân Phân, Hạ Chí, Thu Phân, và Đông Chí tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo rồi, do đó hiện còn nợ công việc giảng dạy sau đại học và hướng dẫn sinh viên làm luận án ở trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên (Đại Học Quốc Gia Tp.HCM), bởi vậy Thiện Quang không thể thu xếp ra Hà Nội.
Ở Hà Nội về, tôi đề nghị Thiện Quang chuyển ngữ bài viết sang tiếng Anh để kết hợp với bài của tôi in thành tập sách nhỏ song ngữ. Thiện Quang tán thành, và ngày Thứ Hai 19-01-2015 chuyển cho tôi bản dịch.
Những ngày sau, qua điện thoại và e-mail, tôi nhiều lần trao đổi với Thiện Quang về bản dịch. Việc chỉnh đốn tôi tiến hành chậm chạp, tuy có tham vấn một đồng nghiệp cao niên của tôi ở trường Đại Học Kinh Tế. Tôi đề nghị Thiện Quang đừng dịch hai chữ nhân bản mà cứ viết là nhan-ban. Nhiều thuật ngữ Thiện Quang dùng không tương thích, tôi đề nghị thay thế bằng cách dịch khác...([2])
Thời gian đó Thiện Quang bắt đầu điều trị một chứng bệnh nan y đã phát hiện mấy năm trước. Có lần tình cờ gặp Thiện Quang đứng ở hành lang thư viện Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, tôi ở hành lang bửu điện bên này bèn ra dấu chào thăm, thì Thiện Quang nở nụ cười, giơ một cánh tay lên gồng, tỏ ý hãy còn mạnh khỏe.
Khoảng tháng 5-2015 Thiện Quang đang nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu thì phải chuyển ngay về bệnh viện Đại Học Y Dược ở TpHCM cấp cứu. Tình trạng đáng lo ngại. Tôi nghe tin mà bàng hoàng. Quyển sách song ngữ Đạo Cao Đài Trong Đời Sống Công Chúng hai anh em hợp tác chưa xong; cuối tháng 5-2015 tôi mới có giấy phép xuất bản. Tôi nói thầm: Thiện Quang ơi, ráng mà vượt qua. Đừng để anh phải đốt cuốn sách này mới gởi được em xem!”
Sách in xong đầu tháng 6. Bấy giờ bác sĩ Võ Phương Trúc (tu sĩ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý) gọi điện cho tôi biết Thiện Quang đã hơi tỉnh, có thể vào thăm thật ngắn.
Buổi chiều, cùng với Diệu Nguyên, tôi lật đật cầm vài quyển sách mới in rồi vào ngay bệnh viện. Thiện Quang nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, gắn vào người nhiều dây nhợ và ống truyền.
Hiền muội Bảo Trân (tu sĩ Cơ Quan) nói: Anh Thiện Quang nghe và hiểu được. Huynh Huệ Khải cứ nói đi.”
Tôi bước lại sát đầu giường bên trái, giơ bìa sách ngang tầm mắt cho Thiện Quang nhìn, và nói: “Sách của em in rồi nè. Mau khỏe lại mà xem nhé!”
Thiện Quang đâu nói được gì, miệng đang đút một ống nhựa to, nhưng đôi mắt thì hé mở, rồi chớp chớp, và ươn ướt lệ nhòe...
*
 Sáng sớm Thứ Tư 06-7-2016 rời Đà Nẵng, tôi đáp xuống Tân Sơn Nhứt lúc 8 giờ 25. Ghé qua nhà cất hành lý, tôi vào luôn thánh thất Bàu Sen. Bấy giờ đang lúc vắng người viếng, tôi bước thẳng đến bên cạnh linh cữu, lặng lẽ đứng nhìn di ảnh Thiện Quang, bỗng thấy lòng đau thắt...
Buổi tối, sau khi cùng với phái đoàn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo viếng tang xong, Diệu Nguyên trở về nói: “Mấy em ở Bàu Sen kể rằng hồi sáng anh Huệ Khải tới rồi khóc, mà còn quỳ lạy Thiện Quang bốn lạy. Sáng mai anh không tiễn Thiện Quang đi Đa Phước sao?”
Tôi sẽ tiễn Thiện Quang đến nghĩa trang Đa Phước chứ. Nhưng bốn lạy là hai lạy của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, và hai lạy của tôi. Thiện Quang dẫu nhỏ hơn tôi mười tuổi, nhưng tôi lạy là bởi lòng ái mộ chơn linh một bằng hữu rất mực tài hoa đã trọn đời hy hiến hết cả tâm trường thiết thạch cho Đại Đạo, nêu gương son sắt thủy chung cho cộng đồng áo trắng Cao Đài.
Tôi vẫn ấp ủ việc kết tập và in nhạc của Thiện Quang. Nhưng...
Thiện Quang ôi, vậy là xa mãi rồi sao!
TỪ nay quê cũ về thanh thản
GIÃ biệt trần ai bước nhẹ tênh
THIỆN đạo một đời công quả mãn
QUANG huy rực rỡ bậc tài danh.
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 20-7-2016




([1]) Thiện Quang nhắc lại câu thánh thi tại Thiên Lý Đàn, giờ Tuất, 15-5 nhuần Tân Hợi (Thứ Tư 07-7-1971), Đức Đông Phương Chưởng Quản dạy tiền bối Hồ Văn Có (thánh danh Chí Thuần): Có đứa học trò khó / Cắp sách đứng ngoài ngõ / Chờ đợi đến khoa trường / Thiếu người nên mượn nó.
([2]) Xem thêm Văn Uyển tập Trinh (số 16), Quý Bốn 2015, tr. 95-100, bài Trò Chuyện Với Người Làm Ấn Tống”.